Tác giả: Thủy Trúc
Biên tập: Minh Thảo
Phân vân trong nghề nghiệp: “Chuyện không của riêng ai”
Trên hành trình nghề nghiệp, có bao giờ bạn phân vân giữa các lựa chọn? Tự hỏi liệu mình nên tiếp tục như hiện tại, chuyển việc hay học lên cao? Nên lựa chọn “job offer” (thư mời nhận việc) nào? Hay có quá trễ để chuyển nghề ở tuổi này không? Tình trạng do dự trước những quyết định trong nghề nghiệp, đặc biệt là ở những “ngã rẽ” quan trọng, là điều mà bất kì ai trong chúng ta đều có thể trải qua.
Đứng trước mỗi quyết định, người lao động hiện nay không chỉ đối mặt với những “giằng co” bên trong mà còn phải cân nhắc tới tình hình kinh tế – xã hội bên ngoài đầy biến động. Trong bối cảnh Việt Nam, sự thiếu vắng các chương trình giáo dục hướng nghiệp (career education) từ sớm khiến người lao động càng gặp thách thức hơn khi phải ra quyết định, vì họ thiếu đi những kiến thức và công cụ nền tảng.
Bài viết này, với 5 chiến lược “hóa giải” sự phân vân trong quyết định nghề nghiệp, được đúc kết từ kinh nghiệm thực hành tư vấn hướng nghiệp của tác giả và các lý thuyết trong lĩnh vực phát triển nghề nghiệp, được viết dành tặng cho những ai còn đang loay hoay và muốn đi tìm lời giải có nền tảng khoa học để ra quyết định sáng suốt và bình an.
5 cách “hóa giải” sự phân vân khi ra quyết định nghề nghiệp
1- “Giải mã” sự phân vân
Bước đầu tiên, hãy làm rõ nhất có thể tình trạng phân vân của bạn. Bạn có thể tham khảo một số câu hỏi gợi ý dưới đây:
- Bạn đang cần ra quyết định gì trong nghề nghiệp?
- Quyết định này quan trọng với bạn và sự nghiệp của bạn như thế nào?
- Khi nào bạn cần ra quyết định?
- Điều gì làm bạn phân vân?
- Bạn lo ngại gì khi ra quyết định?
- Bạn cần thêm điều gì để có thể ra quyết định?
Bạn có thể chọn cách tự suy ngẫm và viết xuống, hoặc trò chuyện với một người thân đáng tin cậy (như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, sếp, v.v.) để làm sáng tỏ tình huống của mình. Bạn cũng có thể thực hiện Bảng đánh giá khó khăn nghề nghiệp (miễn phí), gồm 64 câu thuộc 9 nhóm khó khăn nghề nghiệp, được phát triển bởi Tiến sĩ Shékina Rochat để hiểu rõ những cản trở nào ẩn dưới khiến bạn khó ra quyết định. Làm rõ vấn đề và những cản trở, tuy không phải lúc nào cũng dễ xác định, là bước đầu tiên quan trọng để bạn tìm ra giải pháp phù hợp.
2- Xem lại quá trình ra quyết định nghề nghiệp
Trong một số trường hợp, sự phân vân chỉ là vấn đề biểu hiện bề nổi. Nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ việc người lao động biết rất ít hoặc không đầy đủ về các bước cần thực hiện để có thể đưa ra một quyết định nghề nghiệp sáng suốt. Nếu bạn rơi vào trường hợp này, Mô hình chìa khóa xây dựng kế hoạch nghề với 3 bước có thể hữu ích dành cho bạn:
- Bước 1: Trả lời cho câu hỏi “Bạn là ai?” thông qua Hiểu mình – khám phá sở thích nghề nghiệp, tính cách, kỹ năng, giá trị, điểm mạnh của bản thân.
- Bước 2: Trả lời cho câu hỏi “Bạn đang đi về đâu?” thông qua việc Hiểu nghề, bao gồm thông tin về “ruột nghề”, các cơ hội việc làm, thị trường đào tạo, v.v.
- Bước 3: Trả lời cho câu hỏi “Làm sao để đi đến được nơi bạn muốn đến?” thông qua Lập kế hoạch nghề nghiệp.
Hãy thử liên kết lại với phần “giải mã” tình trạng phân vân của bạn và tự “bắt mạch”:
- Bạn đang ở bước nào trong 3 bước trên?
- Bạn còn thiếu thông tin trong phần Hiểu mình/Hiểu nghề để ra quyết định?
- Thông tin nào bạn đang có là giả định hay thiên kiến cá nhân?
- Làm thế nào để kiểm chứng và thu thập thêm thông tin cần thiết?
Nếu cần được hướng dẫn cụ thể hơn ở từng bước, bạn có thể tham gia Khóa học 30 ngày Tự hướng nghiệp (miễn phí) tại Sông An.
3- Ra quyết định dựa trên lý trí và cảm xúc
Quá trình ra quyết định nghề nghiệp, hay ra quyết định nói chung, là một quá trình phức tạp. Trong khi một số người trong chúng ta ra quyết định hoàn toàn dựa trên lý trí và phân tích, một số khác có xu hướng lắng nghe cảm xúc và tin tưởng vào trực giác của mình. Liệu cách tiếp cận nào sẽ tốt hơn? Câu trả lời, theo John Lehrer – tác giả sách “How We Decide”, là chúng ta cần sử dụng cả hai. Bí kíp nằm ở chỗ, chúng ta cần biết lúc nào thì sử dụng lý trí, lúc nào thì lắng nghe cảm xúc.
Sau đây là 3 gợi ý từ John Lehrer:
- Bước 1 – Thu thập thông tin: hãy thu thập thông tin một cách có hệ thống và càng nhiều càng tốt. (Để giúp bạn thu thập thông tin có hệ thống, bạn có thể tham khảo lại chiến lược 2 ở trên.)
- Bước 2 – “Ngâm” thông tin: tạm thời để… đó, hãy suy nghĩ hoặc làm việc khác, để cho não của bạn “xử lý” thông tin.
- Bước 3 – Lắng nghe: ở bước này, hãy dành thời gian hướng vào bên trong, lắng nghe những gì cảm xúc và trực giác của bạn mách bảo.
Bạn nghĩ gì về cách tiếp cận tích hợp này? Hãy thử dành chút thời gian để “ngâm” và ngẫm nhé.
Ở 2 chiến lược còn lại, tôi muốn chạm đến hai rào cản tâm lý phổ biến khi trong tình trạng do dự, đó là nỗi sợ về ra quyết định sai và sự không chắc chắn.
4- Đối mặt với nỗi sợ ra quyết định sai
Một trong những rào cản lớn nhất trong việc ra quyết định là nỗi sợ mắc sai lầm. Để vượt qua điều này, bạn hãy thử tưởng tượng đến kịch bản xấu nhất có thể xảy ra. Trong tình huống đó, bạn sẽ làm gì? Như vậy, phải chăng ngay cả trong tình huống xấu nhất, bạn vẫn có được lối ra? Điều này sẽ giúp bạn cảm thấy bớt lo lắng, và bình tĩnh – tự tin hơn để đối mặt và giải quyết vấn đề.
5- Đối mặt với nỗi sợ về sự không chắc chắn
Sự không chắc chắn về một kết quả cụ thể cũng là một trong những rào cản lớn, khiến người lao động dễ rơi vào tình trạng “tê liệt” khi ra quyết định. Đối mặt với tình trạng này, tôi không có gợi ý nào khác dành cho bạn, ngoài từ khoá can đảm. Hãy đảm bảo bạn đã thực hiện các chiến lược 1-2-3-4, vì như vậy tức là bạn đã có đầy đủ những thông tin cần thiết để ra quyết định về nghề nghiệp. Giờ đây, điều bạn cần là sự chấp nhận về một tương lai không chắc chắn. “Can đảm không phải là không sợ, mà là sợ mà vẫn dám bước đi.” ― Susan David.
Khi nào nên tìm đến hỗ trợ chuyên nghiệp?
Thông thường, khi ở trong trạng thái phân vân, chúng ta thường cảm thấy không mấy dễ chịu và mong muốn tình trạng này mong chóng được giải quyết. Tuy nhiên, cần phân biệt giữa sự phân vân lành mạnh và không lành mạnh trong lúc ra quyết định nghề nghiệp.
Sự phân vân lành mạnh là cần thiết, vì điều này cho thấy chúng ta nghiêm túc với sự nghiệp của bản thân. Đồng thời, tình trạng này thúc đẩy chúng ta soi chiếu lại hành trình nghề nghiệp, mong muốn/mục tiêu nghề nghiệp ngắn và dài hạn, thu thập thông tin cần thiết,v.v. Nhờ vậy, chúng ta có cái nhìn bao quát và đầy đủ thông tin hơn để ra quyết định phù hợp.
Ngược lại, sự phân vân trở nên không lành mạnh nếu tình trạng này kéo dài dai dẳng. Bạn nhận thấy mô tuýp này lặp đi lặp lại mỗi lần bạn cần ra quyết định nghề nghiệp, hay thậm chí là ra quyết định nói chung. Và vấn đề này gây ảnh hưởng lớn tới hành trình phát triển nghề nghiệp, thì đây là những dấu chỉ cho thấy bạn nên tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên nghiệp để tháo gỡ nút thắt.
Tóm lại, sự phân vân khi ra quyết định nghề nghiệp là một phần tất yếu trong hành trình của bất kì người lao động nào. Bằng cách đón nhận quá trình này và áp dụng các chiến lược phù hợp, Sông An mong rằng bạn có thể đưa ra những lựa chọn sáng suốt và bình an.
Trong tháng 6 này, Sông An sẽ cho ra mắt podcast “Bước chuyển mình” cũng với chủ đề trên, với sự đồng hành của các khách mời chuyên gia. Mời bạn đón xem nhé!
Tài liệu tham khảo:
Rochat, S. (2022). Mapping Career Counseling Interventions: A Guide for Career Practitioners. Routledge.
Bài viết liên quan: