Cha mẹ đi làm, làm sao để có thể trọn vẹn ở cả hai vai trò?

Tác giả: Tiến Toàn

Biên tập: Minh Thảo

Thách thức của cha mẹ đi làm khi có con

Làm cha mẹ đồng nghĩa với việc gánh vác thêm vô số trách nhiệm mới, từ việc chăm sóc, nuôi dạy con cái đến việc vun vén hạnh phúc gia đình. Các trách nhiệm và công việc này đè lên áp lực công việc thường ngày, đặc biệt là khi nghĩ đến chuyện có con cũng là lúc những người cha, người mẹ tương lai đã có vài năm kinh nghiệm đi làm, đang trong giai đoạn thăng tiến sự nghiệp. Điều này khiến cha mẹ thêm phần bận rộn và khó khăn trong việc sắp xếp thời gian. 

Ngoài áp lực của câu chuyện nhiều hoạt động ở các vai trò khác nhau, một áp lực khủng khiếp hơn chính là sự kỳ vọng của bản thân về việc trở thành cha mẹ giỏi và nhân viên xuất sắc. Cha mẹ luôn mong muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất, đồng thời cũng muốn gặt hái thành công trong sự nghiệp. Tuy nhiên, việc ôm đồm quá nhiều trách nhiệm và đặt ra những kỳ vọng quá cao sẽ dẫn đến căng thẳng, mệt mỏi và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần.

Để vượt qua những thách thức này, cha mẹ cần có một tư duy hợp lý và trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết.

Chuyển tư duy “cân bằng công việc – cuộc sống” thành “hòa hợp công việc – cuộc sống”

Khái niệm “cân bằng công việc – cuộc sống” (work-life balance) có lẽ đã quá phổ biến trong xã hội. Tuy vậy, khái niệm này đặt “công việc” và phần “không phải là công việc” ra hai phần tách biệt nhau và đối lập nhau trên hai cán cân, được cái này là mất cái kia. Một góc nhìn mới hiện đại hơn là “hòa hợp công việc – cuộc sống” (work-life fit). Theo đó, hãy làm sao để mỗi bên hòa hợp và bổ sung cho nhau, tạo ra những tương tác rất đỗi tích cực. 

Cách đây 3 năm, khi lần đầu có con, tôi chia sẻ băn khoăn về làm sao để cân bằng công việc – cuộc sống với một anh đồng nghiệp. Vì cùng là đàn ông, thường xem trọng sự nghiệp, anh nhận ra ngay rằng tôi đang lo chuyện gia đình ảnh hưởng tiêu cực đến sự thăng tiến. Khi đó, trong đầu tôi sẽ chỉ có những ý tưởng để làm sao hạn chế ảnh hưởng tiêu cực chứ không thể nghĩ đến chuyện tận dụng lợi thế mà hoàn cảnh mới có thể đem lại. Chuyển góc nhìn, tôi thấy sáng ra và thoải mái hơn rất nhiều cũng như thấy được những ý tưởng hay. 

Câu chuyện gia đình ấm cúng giúp tiếp thêm nhiều động lực tích cực cho công việc của bạn, củng cố sự thành công. Hay việc nuôi dạy con trẻ cũng cho mình những bài học rất hay khi làm việc với đội nhóm, nhân viên. Và ngược lại, các kỹ năng hay thu nhập từ sự nghiệp giúp gia đình bạn thêm hạnh phúc. Khi không xem hai gia đình và sự nghiệp là đối lập mà là bổ sung và hợp tác, chúng ta có thể cảm thấy dễ chịu hơn để nghĩ ra những giải pháp sáng tạo. 

Nhiều bậc cha mẹ, và đa phần là người mẹ khi có con thì quyết định dành hết thời gian của mình cho con, thậm chí nghỉ dài hạn để chăm con. Nhưng tôi cũng đã từng gặp trường hợp thân chủ, sau này nhìn lại thì thấy rằng bản thân con cũng không cần mình dành nhiều thời gian cho bạn ấy như vậy, và việc đó ảnh hưởng tiêu cực cho hành trình phát triển bản thân của chị. Vậy nên, sự hòa hợp chính là cốt lõi. Khi cân bằng các ưu tiên để mỗi ưu tiên đều là vừa đủ và hài hòa thì cha mẹ có thể trọn vẹn trong nhiều vai trò của mình

Quản lý kỳ vọng bản thân

Đây là kỹ năng quan trọng đầu tiên mà tôi muốn chia sẻ bởi đây thường là cái bẫy nguy hiểm nhất của cha mẹ đi làm. Chúng ta luôn muốn mọi thứ ở mức hoàn hảo nhấtkỳ vọng đó vượt quá khả năng của chúng ta

Tôi biết một chị bạn bị căng thẳng đến mức bật khóc khi chia sẻ về áp lực này. Bạn thử tưởng tượng chị ấy đang cố gắng lấy lại guồng làm việc sau khi sinh và kỳ vọng sẽ được thăng chức, việc được công ty tạm hoãn lại do chị ấy nghỉ sinh. Công việc chị ấy nhiều nên chị cũng thường đem việc về nhà làm. Thương con, chị tự chuẩn bị đồ ăn cho bé, 5 giờ sáng chị đã dậy để làm cháo, xé thịt gà,… Chồng phụ chăm con chị cũng không vừa ý, rồi tự mình ôm lấy. Người giúp việc thì cũng hay bị khiển trách và đổi liên tục. Cứ như thế, trong một thời gian rất dài, chị luôn trong trạng thái căng thẳng với đủ việc từ 5 giờ sáng đến 11 giờ đêm, đặc biệt là lúc con bị ốm đau thì chị lại càng căng thẳng, mệt mỏi hơn nữa.  

Thật sự, nỗ lực này đáng quý nhưng nhìn dài hạn, nó khiến các bậc cha mẹ kiệt sức hoặc không đủ sức để tạo ra một kết quả có chất lượng, phần hại chắc sẽ nhiều hơn. 

Chúng ta nên đánh giá và xem lại kỳ vọng của chúng ta như thế nào là hợp lý với nguồn lực của mình (sức của mình, của vợ/ chồng hay sự hỗ trợ khác từ gia đình, đồng nghiệp) để có được sự cân bằng trong dài hạn

Luyện kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả

Sắp xếp thời gian hợp lý là kỹ năng bắt buộc phải học để cha mẹ có thể hoàn thành tốt các vai trò của mình. Hãy: 

  • Đánh giá và xây dựng kế hoạch ưu tiên cho mình. Ví dụ: giai đoạn con còn nhỏ, dưới 3 tuổi, con quan trọng hơn công việc. Khi con từ 3 tuổi trở lên, đã đi học, cha mẹ ưu tiên công việc hơn. Tùy hoàn cảnh của mình, hãy đưa ra hướng ưu tiên phù hợp. 
  • Từ ưu tiên lớn đó, hãy xác định đâu là việc quan trọng và lên kế hoạch cho tuần, tháng,…
  • Học cách nói “Không” với với những yêu cầu không cần thiết. Thực sự, giai đoạn này, chúng ta có thể giảm bớt các hoạt động như xem phim, đi gặp bạn bè,… Đó không phải là sự đánh đổi mà mình hiểu mình cần ưu tiên cho việc nào giá trị và quan trọng nhất với cuộc sống của ta. 
  • Lưu ý về khái niệm “Quality Time” để đảm bảo khi chúng ta dành thời gian cho con cái hay công việc, đó là “thời gian rất chất lượng” để đạt được kết quả cao nhất. Nhiều khi, bạn chỉ cần 30 phút chất lượng, tập trung bên con nhưng mang lại kết quả tốt hơn rất nhiều so với 2 tiếng cùng con mà thiếu tập trung, lướt điện thoại, kém chất lượng. Điều này cũng có thể được áp dụng tương tự cho công việc của mình. 

Giao tiếp cởi mở và sẵn sàng nhận sự hỗ trợ

Một tâm lý thường thấy của bố mẹ là đây là chuyện riêng của mình, mình phải tự giải quyết lấy. Nhưng cha mẹ cũng hãy thử nhìn góc nhìn mới rằng chuyện này là chuyện của mọi nhà; đồng nghiệp, người thân có thể cảm thông cho bạn. Mặt khác, nếu bạn tự xử lý mọi công việc nhưng kết quả không được tốt, điều đó có thể ảnh hưởng đến những kết quả chung như công việc của đội nhóm không hiệu quả và liên đới đến nhiều người khác. Nhiều cha mẹ đã tự giải quyết các vấn đề một mình và chịu những tác động tâm lý lớn, có ảnh hưởng lâu dài về sau. 

Đừng ngại chia sẻ khó khăn với người bạn đời, gia đình và đồng nghiệp. Họ có thể là nguồn hỗ trợ đắc lực giúp cha mẹ đấy. Ví dụ như chị bạn của tôi đã hỗ trợ tôi tổ chức một cuộc họp trong công ty để tôi có thể work from home và đưa con đi khám bệnh. Hay ông bà hỗ trợ chăm cháu ắt cũng là chuyện thường tại Việt Nam. Hay thậm chí, khi con chúng ta đã lớn, có ý thức nhất định, bạn ấy cũng có thể là người đỡ đần chúng ta ấy chứ. Có nhiều cha mẹ khuyến khích con tham gia vào việc nhà từ nhỏ với những trách nhiệm phù hợp với độ tuổi.

Đặc biệt, trong một số tình huống, có thể cha mẹ cần những dịch vụ chuyên nghiệp như chăm sóc sức khỏe đặc biệt, tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ tâm lý,… Hãy thử tìm hiểu và tận dụng lợi ích của các dịch vụ này nhé. 

Chăm sóc bản thân

Để đương đầu với khối lượng công việc lớn này, năng lượng và sức khỏe tinh thần và thể chất của bản thân là rất quan trọng. Nhiều cha mẹ lúc này chỉ sống cho công việc và con cái mà quên đi bản thân mình. Để rồi đến khi bạn sập nguồn, kiệt sức thì sự suy sụp đó sẽ tác động rất lớn đến bạn và những người hay việc bạn dành thời gian cho. Vì vậy, đừng bao giờ quên dành thời gian cho bản thân. Nếu bạn cảm thấy mình cần có một khoảng thời gian riêng tư để có thể thư giãn và nạp năng lượng như xem phim giải trí, tập luyện thể thao, theo đuổi một vài sở thích cá nhân như viết lách, nấu ăn,… hãy tìm cách thực hiện điều đó. Ví dụ, bạn có thể bàn với người bạn đời để mỗi tuần, một người sẽ chăm sóc con để người còn lại có thêm thời gian cá nhân, có thể là 3 tiếng đồng hồ, một buổi sáng, hay là cả một ngày. Hãy cố gắng duy trì lối sống lành mạnh cả về thể chất và tinh thần cho chính mình.

Hòa nhịp với con

Tôi thấy nhiều cha mẹ rất hay khi họ tạo ra hoặc hiểu rõ nếp sinh hoạt của con, từ đó lồng ghép các hoạt động của mình vào để tạo sự hòa hợp. Ví dụ như cha mẹ tận dụng thời gian con chơi tự chủ, con ngủ trưa để làm các công việc cá nhân. Hay cha mẹ kết hợp cho con tham gia cùng mình trong các hoạt động hay công việc của chính mình. Đừng chỉ nghĩ rằng dành thời gian cho con là mình phải làm theo nhu cầu/lịch trình của con mà cũng có thể là con làm theo cách của mình, bởi con cái cũng có nhu cầu muốn biết cuộc sống của cha mẹ như thế nào mà. Một người thầy của tôi hay dắt con trai nhỏ của mình theo đến lớp cuối tuần. Thỉnh thoảng tụi tôi hay chơi với bạn hoặc trong lớp, thầy cũng nhờ bạn phụ cái này cái kia. Bạn rất vui vì được gặp bạn bè của cha mình và phụ giúp được nhiều. Thầy nói phải như vậy chứ không hai cha con dễ xa cách. Tôi thấy cách làm ngày rất hay. Thậm chí, có một chị bạn còn kết nối với con bằng cách buổi tối tâm sự, ngoài việc hỏi con hôm nay thế nào, ra sao, chị cũng chia sẻ công việc của chị và xin con lời khuyên và nhận được nhiều góc nhìn rất mới mẻ từ con cho công việc của mình. 

Sử dụng công nghệ để có thêm sự hỗ trợ 

Công nghệ có thể là công cụ hữu ích giúp cha mẹ tiết kiệm thời gian và quản lý công việc hiệu quả hơn. Hiện tại, khi bạn google từ khóa “app for working parent” (ứng dụng dành cho cha mẹ đi làm), bạn sẽ thấy những ứng dụng được thiết kế dành riêng cho cha mẹ đi làm để quản lý thời gian, đặt lịch nhắc nhở, kiến thức về bé,… Hãy tận dụng các sức mạnh công nghệ này để giúp bạn nhẹ nhàng và thoải mái hơn nhé. 

Làm cha mẹ và phát triển sự nghiệp song song là một hành trình đầy thử thách nhưng cũng vô cùng ý nghĩa. Bằng cách thay đổi tư duy, trang bị những kỹ năng cần thiết và sử dụng các nguồn lực hỗ trợ, cha mẹ hoàn toàn có thể cân bằng giữa công việc, gia đình và con cái. Hãy luôn nhớ rằng, bạn không đơn độc và có rất nhiều nguồn lực hỗ trợ để bạn vượt qua những khó khăn và gặt hái thành công trong mọi khía cạnh của cuộc sống.

Tài liệu tham khảo:

Little Big World. 7 Essential Tips to maintain work-life balance for working parents.

https://www.linkedin.com/pulse/7-essential-tips-maintain-work-life-balance-/

Robert Myers, PhD. Balancing work and family: tips for working parents.

https://childdevelopmentinfo.com/parenting/balancing-work-and-family-tips-for-working-parents/

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN