3 cách tránh “sốc văn hoá” khi bắt đầu công việc mới

Tác giả: Mỹ Anh

Biên tập: Minh Thảo

X, 28 tuổi rất háo hức với vai trò mới tại một agency quảng cáo. Song, vào tuần đầu tiên làm việc, anh phải thức khuya liên tục 3 ngày để hoàn thành bản đề xuất cho khách hàng. Anh cũng không hài lòng vì cách đồng hành của sếp mới hoàn toàn khác sếp cũ, khiến anh cảm thấy ngột ngạt và không biết phải thay đổi từ đâu. Anh hoang mang cùng câu hỏi: “Liệu tôi có phù hợp với ngành quảng cáo và môi trường làm việc này?”  

Các bạn thân mến, bắt đầu một công việc mới luôn là một trải nghiệm đáng mong chờ nhưng cũng không kém phần thách thức. Giai đoạn thử việc chính là mẩu “giấy quỳ” để chúng ta trả lời câu hỏi “Liệu tôi có thể cam kết lâu dài với công việc này?” Bản chất của một công việc mới chắc chắn sẽ có rất nhiều điều khác với những trải nghiệm cũ. Do đó, để giúp bạn chuẩn bị tốt hơn và đạt hiệu quả cả về chất lượng công việc lẫn sức khỏe tinh thần, bài viết này cung cấp ba đề xuất hữu ích mà bạn nên xem xét. 

Trước khi bắt đầu, hãy tưởng tượng bạn là một nhà leo núi đang bước đầu chinh phục một ngọn núi mới sau một khoảng thời gian nghỉ ngơi. Đã có rất nhiều người đi trước chia sẻ cho bạn về hành trình của họ. Song, vẫn còn rất nhiều điều mới tại ngọn núi này mà bạn khó lường trước, như là những loài động vật bạn sẽ gặp, những tảng đá chặn đường bạn, môi trường bao gồm khí hậu, nước và không khí mà bạn phải thích nghi. Bạn sẽ làm gì trước thử thách này? 

1. Tăng tốc từ từ

Một nhà leo núi sau một khoảng thời gian dài nghỉ ngơi, cơ bắp sẽ không còn săn chắc. Nếu không lập kế hoạch tập luyện và bổ sung năng lượng trước chuyến đi, bạn sẽ nhanh chóng mất sức và dễ bị chấn thương khi tăng tốc đột ngột. 

Tương tự, một trong những vấn đề phổ biến mà nhiều người gặp phải khi bắt đầu công việc mới là sự chuyển đổi đột ngột từ trạng thái nghỉ ngơi sau một thời gian dài sang làm việc với tốc độ cao. Điều này dễ dẫn đến tình trạng sốc và cạn kiệt năng lượng. Chuẩn bị tinh thần và tăng tốc từng bước là chìa khóa để tránh tình trạng này. Trước khi bắt đầu công việc mới, hãy dành thời gian để điều chỉnh lại thói quen sinh hoạt, duy trì giấc ngủ đều đặn, và thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng để cơ thể quen dần với nhịp sống mới. Khi bắt đầu làm việc, hãy bắt đầu từ những nhiệm vụ đơn giản và dần dần nâng cao mức độ phức tạp của công việc.

2. Tránh so sánh công ty mới và công ty cũ

Trong quá trình leo núi, cơn mưa đổ xuống khiến con đường dễ trơn trượt và nhiều bùn đất. Bạn chợt nghĩ, nếu trời quang mây tạnh như lần leo núi trước đây, bạn đã không phải chịu lạnh và bị bẩn như hiện tại. Thật ra, không có ngọn núi nào giống với ngọn núi nào cả. Cả khi bạn quay lại ngọn núi cũ, không gian cũng có thể đã thay đổi. Bạn đâu thể đoán trước được rằng, sau cơn mưa, trời sẽ xanh trong và cánh rừng sẽ hiện lên xanh mướt. 

Kỳ vọng rằng công ty mới sẽ có văn hóa, môi trường làm việc, đồng nghiệp, và sếp y hệt công ty cũ là một kỳ vọng phi lý. Sự so sánh này không chỉ làm giảm đi sự thích thú của bạn với công việc mới mà còn tạo ra cảm giác không hài lòng và dễ thất vọng. Trong những tháng thử việc, bạn hãy coi mình như một “tách trà cạn”, hãy sẵn sàng mở lòng với những bài học mới, thích nghi với môi trường, văn hoá và những con người mới. Điều này không có nghĩa là bạn phải chấp nhận tất cả mọi thứ, kể cả những điều bạn không thích. Sau thời gian thử việc và thấu hiểu những điều mới mẻ, bạn mới tiến vào giai đoạn nghiêm túc xem xét những điều bản thân không thể thoả hiệp, từ đó đưa ra quyết định liệu đây có phải công việc bạn sẽ theo đuổi lâu dài. Thực hành này giúp bạn hiểu được bức tranh lớn của môi trường mới trước rồi mới đưa ra chọn lựa.

3. Thấu hiểu hành vi trong công việc của bản thân và đồng nghiệp

Trên chặng đường, bạn bắt gặp những người bạn khác cũng đang trên hành trình leo núi. Những người bạn này hoạt đầu thật khó gần và khác biệt với bạn. Cơn mưa buộc các bạn phải trú ngụ cùng nhau. Lúc này, bạn mới chia sẻ mình đang còn rất nhiều nước điện giải và những người bạn thì còn thừa nhiều trái cây. Tất cả mọi người đã ngồi cùng nhau và san sẻ lương thực của mình. 

Thích nghi với sếp và đồng nghiệp mới là một thách thức lớn vì mỗi người được lớn lên và phát triển trong một môi trường khác biệt với bạn. Nếu không biết cách để hiểu được hành vi làm việc của họ, bạn có thể cảm thấy bản thân không thể hoà hợp được trong đội nhóm mới. Một trong những công cụ hữu ích để hiểu hành vi làm việc của bản thân và đồng nghiệp là DISC. DISC là một trong 3 chiều kích được đo lường tại Công cụ trắc nghiệm Indigo nhằm đánh giá xu hướng hành vi, giúp bạn hiểu rõ hơn về phong cách làm việc của mình cũng như của người khác, bao gồm 4 kiểu hành vi cơ bản: Quyết đoán (Dominance), Ảnh hưởng (Influence), Kiên định (Steadiness) và Tuân thủ (Compliance). Bằng cách hiểu xu hướng hành vi của bản thân và phán đoán xu hướng của đồng nghiệp, bạn sẽ biết những điểm có thể bù trừ và hỗ trợ giữa các thành viên, nắm bắt cách tương tác, dung hoà, và làm việc nhóm hiệu quả với đồng nghiệp.

Tóm lại, để bắt đầu công việc mới một cách suôn sẻ và đạt hiệu quả cao, bạn cần để ý 3 đề xuất: tăng tốc từ từ, không so sánh công ty mới với công ty cũ, và hiểu hành vi làm việc của bản thân và đồng nghiệp. Bằng cách chuẩn bị kỹ càng và áp dụng những nguyên tắc này, bạn sẽ không chỉ thích nghi nhanh chóng với môi trường mới mà còn duy trì được sức khỏe tinh thần ổn định. Hãy nhớ rằng, sự chuẩn bị tốt chính là chìa khóa để thích nghi. 

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN