Sự can đảm để rời bỏ điều quen thuộc

Tác giả: Minh Thảo

Biên tập: Thủy Trúc

Check-in cảm xúc: bạn có đang chán nản trong công việc?

  • Bạn có cảm thấy không vui với công việc của mình? Tuy vậy, bạn vẫn chấp nhận cảm giác không vui đó vì nó cũng “không đến nỗi nào”?
  • Bạn có cảm thấy bức bối, khó chịu vì trong cuộc họp gần đây, sếp của bạn đưa ra yêu cầu rằng phải thử làm một đầu việc quen thuộc theo một cách khác hoàn toàn với quy trình hiện có – dù rằng quy trình hiện tại vẫn đang rất tốt? Ví dụ như:
    • Thiết kế lại portfolio sản phẩm công ty
    • Dùng thử một công cụ AI hỗ trợ “copywriting” và đánh giá liệu nên/không nên áp dụng nó cho phòng Marketing
    • Thử nghiệm một mẫu khảo sát mới để đánh giá nhu cầu của người tiêu dùng

Nếu bạn cảm thấy không mấy hào hứng trước những dấu hiệu của sự thay đổi, hoặc dù cảm thấy có sự trì trệ trong công việc nhưng cũng vẫn cố gắng chịu đựng, có thể là bạn đã được “bao bọc” bởi sự ổn định đã lâu và không tìm được lý do rời bỏ nó.

Kì thực “vùng an toàn” không nhất thiết là một điều gì xấu đối với bạn. Ở trong “vùng an toàn”, nơi mà bạn hiểu rõ về các quy trình làm việc, biết rằng cần phải phối hợp cùng ai cho một nhiệm vụ, nắm rõ kết quả cần đạt được, thì bạn sẽ thể hiện tốt nhất khả năng của mình cũng như có được sự tự tin để dành cho mình những những khoảng nghỉ nạp năng lượng và có thời gian suy ngẫm.

Tuy nhiên, ở lại quá lâu trong “vùng an toàn” sẽ hạn chế cơ hội phát triển kỹ năng mới, mà rộng hơn là hạn chế các cơ hội nghề nghiệp tốt hơn so với hiện tại. Qua bài viết này, Sông An sẽ đồng hành với bạn để tìm cách bước ra khỏi “vùng an toàn”, mạnh dạn đón nhận những thử thách và cơ hội phát triển bản thân.

Vì sao chúng ta sợ làm khác đi?

Có vô vàn nguyên nhân giữ chân chúng ta bước vào vùng đất của sự thay đổi. Tuy vậy, cốt lõi của các nguyên nhân có thể khái quát sơ lược qua các nỗi lo sau:

  • Mất cảm giác an toàn: để thay đổi một điều gì đó, hiển nhiên là chúng ta phải từ bỏ một hành động cũ để dành chỗ cho một sáng kiến mới. Đó có thể là mạng lưới chuyên nghiệp (những đồng nghiệp, đối tác, nhà cung ứng, v.v.) mà bạn đã quen thuộc, hệ thống xử lý dữ liệu mà bạn đã thành thạo, hay quy trình làm việc đã được thiết lập từ lâu. Sự từ bỏ đó có thể khiến một người cảm thấy lo lắng, bất an.
  • Cảm giác mất kiểm soát: một sự thay đổi nào đó trong công việc không chỉ tác động đến một cá nhân riêng lẻ mà còn có ảnh hưởng đến đội ngũ hay một tập thể. Chúng ta cần giao tiếp với đồng nghiệp về những điểm mới và cùng phối hợp để thực hiện, trong đó cũng sẽ có những cá nhân không mong muốn thay đổi. Khi những người liên quan không muốn tham gia và tích cực đóng góp, chúng ta có thể cảm thấy rằng mình không có khả năng kiểm soát hoặc giám sát quá trình thay đổi. Điều này có thể dẫn đến cảm giác bất lực và sự kháng cự.   
  • Nỗi lo về một tương lai không chắc chắn: sự thay đổi thường mang lại sự không chắc chắn về tương lai. Sẽ ra sao nếu chương trình khuyến mãi hằng tháng có quá nhiều thay đổi, khiến doanh số các tháng tiếp theo không đạt mục tiêu đề ra? Một nghệ sĩ quyết định sản xuất một bài hát với phong cách mới, khác với hình tượng vốn có liệu có được người hâm mộ chấp nhận? Để bảo vệ bản thân trước sự căng thẳng hay những thách thức không mong muốn, chúng ta có xu hướng né tránh những thay đổi.

Một cách tiếp cận khác

Một hành động mà bạn có thể bắt tay vào làm được ngay chính là thay đổi góc nhìn. Bạn có nhớ cảm giác hào hứng mỗi khi du lịch đến một vùng đất mới, hay gần gũi hơn là cảm giác vui vẻ khi nâng cấp một thiết bị điện trong nhà, mà sự nâng cấp đó mang lại những hiệu quả rõ rệt như giảm lượng điện tiêu thụ mỗi tháng và giúp việc dọn nhà trở nên dễ dàng hơn? Cũng như vậy, chúng ta hãy tiếp cận những thay đổi trong công việc với một tinh thần tò mò và hứng thú khi được thử, học hỏi một điều mới.

Sẽ thật là tẻ nhạt nếu chúng ta mãi lặp đi lặp lại những hành động quen thuộc. Một chút thay đổi lại là một sự thúc đẩy tích cực, không chỉ giúp bạn có thêm cảm hứng mà còn mở ra cơ hội cho những tiềm năng mới trong công việc và cuộc sống. “Bạn có hai cách để sống cuộc sống của mình. Một là nghĩ rằng trên đời này chẳng có điều gì là phép màu. Hai là nghĩ rằng mọi thứ đến với bạn đều là phép màu.” – Albert Einstein.

Nếu bạn cảm thấy những kỹ năng, kiến thức vốn có của mình không giúp ích nhiều trong việc thử những điều mới, đừng vội cảm thấy e dè hay chán nản mà bỏ lỡ cơ hội. Thực ra, ở một mức độ vừa phải và trong khả năng chịu đựng được, áp lực lại có một tác động tích cực, thúc đẩy bạn phải quyết tâm hơn với cuộc phiêu lưu của mình. Mặt khác, áp lực cũng là dấu chỉ giúp bạn nhận biết rằng mình đã thực sự bước ra khỏi vùng an toàn và đã bước vào “vùng học tập”.  

Thay vì lo lắng quá nhiều, chúng ta hãy hướng tâm trí để giữ cho mình không rơi vào “vùng hoảng loạn” – nơi mà tại đó mức độ căng thẳng lớn hơn nhiều so với khả năng mà một người có thể chịu đựng. Thông thường đó là khi bạn được giao một nhiệm vụ vượt quá khả năng của mình, hay có quá nhiều thông tin mới cần xử lý mà các thông tin đó hoàn toàn nằm ngoài chuyên môn của bạn.

Một trong những cách giúp bạn bước ra khỏi “vùng hoảng loạn” – giảm bớt sự lo lắng, và đưa bản thân về lại với mức độ thử thách phù hợp – “vùng học tập” – là thẳng thắn trao đổi nhờ đến nhiều sự trợ giúp hơn từ những người xung quanh. Một cách khác đó là bạn tìm kiếm những thử thách nhỏ, vừa sức trước để làm quen và xây dựng tính bền bỉ. Dần dần, bạn sẽ thành thạo những kỹ năng mới và mở rộng vùng an toàn của mình, từ đó bạn sẽ sẵn sàng cho những thử thách lớn hơn.

Một số câu hỏi và hành động giúp bạn bắt tay thực hiện quá trình thay đổi của mình là:

  • Câu hỏi:
    • Lần gần nhất mà tôi thử thách bản thân với một kỹ năng hoặc một lĩnh vực hoàn toàn mới là khi nào?/ Tôi có đang áp dụng một kiến thức mới vào cuộc sống và công việc hiện tại? (Câu hỏi này sẽ giúp bạn nhận ra bạn có đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội phát triển hay không).
    • Tôi có cảm thấy hứng thú và được truyền cảm hứng từ việc phát triển kỹ năng mới không?
    • Một thay đổi tích cực mà tôi cần nhất lúc này là gì?
    • Tôi hi vọng mình sẽ trở thành một người như thế nào trong 1 tháng/3 tháng/6 tháng tiếp theo?
  • Hành động:
    • Tìm kiếm những cá nhân/nguồn thông tin/khóa học về một lĩnh vực mà bạn quan tâm để học hỏi và tham khảo.
    • Tự tiến cử bản thân phụ trách một nhiệm vụ mới tại nơi làm việc, trong đó bạn vừa có thể áp dụng những kỹ năng/kiến thức hiện có, vừa có thể thử làm những điều mới.
    • Viết một danh sách những điều hay hành động bạn sẽ tự thưởng cho bản thân mỗi khi bạn thực hiện được một thay đổi.
    • Thực hiện trắc nghiệm Indigo để tìm hiểu về bản thân dưới lăng kính phát triển nghề nghiệp

Những thay đổi lớn mang tính bước ngoặt, đặc biệt là thay đổi nghề nghiệp, có thể đem lại mâu thuẫn nội tâm và thách thức không nhỏ. Để vượt qua sự mâu thuẫn này, bên cạnh chiến lược và kế hoạch hành động, một cá nhân còn cần có nền tảng là sự tự nhận thức về bản thân. Để thu thập thêm các thông tin về bản thân một cách khoa học – như xu hướng hành vi, giá trị mà bạn theo đuổi, và những điểm mạnh, điểm yếu, v.v., và có thêm gợi ý về những thay đổi cần có trong công việc/nghề nghiệp ở thời điểm hiện tại, bạn hãy tham khảo công cụ trắc nghiệm Indigo nhé!

Chúng mình rất trông chờ bạn “một-phiên-bản-mới” ở tương lai!

Tài liệu tham khảo:

https://www.mindtools.com/a0bop9z/the-learning-zone-model

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN