Giải mã “career plateau” – bình nguyên nghề nghiệp

Tác giả: Minh Thảo

Biên tập: Thủy Trúc

Giải mã “bình nguyên nghề nghiệp” (career plateau)

Bạn có nghe đến “bình nguyên nghề nghiệp” bao giờ chưa? Cụm từ này có lẽ còn mới lạ với nhiều người. Tuy vậy, rất có thể là bạn đã từng đi qua hoặc đang ở trong một bình nguyên nghề nghiệp mà bạn không biết cách gọi tên nó.

Bình nguyên nghề nghiệp là tình huống mà tại đó một người lao động cảm thấy chững lại với công việc của mình, đi kèm là các cảm giác chán nản, mất động lực và không còn niềm vui trong công việc. Bất kỳ ai, ở bất kỳ vị trí hay lĩnh vực nào cũng đều có thể có trải nghiệm này.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và chúng có thể được phân thành 3 nhóm chính như sau:

Nguyên nhân xuất phát từ hệ thống: bao gồm những nguyên nhân như

  • Người lao động không có hoặc có ít khả năng tự chủ trong công việc của mình
  • Không có nhiều cơ hội học tập, phát triển kỹ năng mới
  • Cơ hội thăng tiến hạn chế do cấu trúc/quy mô của nơi làm việc không còn vị trí nào cao hơn

Đây là nhóm nguyên nhân gần như nằm ngoài khả năng kiểm soát của người lao động. Thay vào đó, doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến tổ chức và văn hóa làm việc, nhằm tạo ra môi trường làm việc hiệu quả hơn.

Nguyên nhân xuất phát từ bên trong người lao động: một số ví dụ có thể kể đến như

  • Người lao động đã phát triển hơn nhiều so với vị trí công việc hiện tại, từ đó cảm thấy công việc không còn thách thức và thú vị
  • Không có động lực để học kỹ năng mới
  • Cảm thấy chưa đủ tự tin để thử sức ở một vị trí cao hơn, với nhiều trách nhiệm hơn
  • Cảm thấy kiệt sức (“burn-out”)

Đây là nhóm nguyên nhân mà người lao động hoàn toàn có khả năng kiểm soát bằng cách chủ động tìm cách cải thiện bản thân.

Nhóm nguyên nhân cuối chính là những vấn đề liên quan đến cuộc sống mà người lao động phải đối diện ở một thời điểm nhất định. Đó có thể là vấn đề về sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hay một tình huống khiến họ không thể tập trung vào công việc mà buộc phải dành thời gian, tâm trí để giải quyết vấn đề ấy trước. Đôi khi, người lao động cần đến sự hỗ trợ chuyên nghiệp từ bác sĩ hay các chuyên gia trong trường hợp này.

Bình nguyên nghề nghiệp có đáng sợ không?

Thoạt nghe qua khái niệm bình nguyên nghề nghiệp, có lẽ phần đông trong chúng ta sẽ cảm thấy bất an và lo lắng, không hề muốn bản thân phải trải qua khoảng thời gian mông lung, vô định đó. Nếu bạn cũng chợt có suy nghĩ như vậy, Sông An mong bạn phần nào thả lỏng hơn vì thực ra chúng ta vẫn có thể tìm thấy điều gì đó tích cực ẩn sau nó.

Có thể ví hành trình đi làm của mỗi người như một chặng đường leo núi, trong đó chúng ta đi qua nhiều dạng địa hình khác nhau. Có lúc chúng ta đi nhanh ở những đoạn đường bằng phẳng, có lúc băng rừng lội suối, có lúc thả chậm bước chân ở những đoạn dốc cao. Có lúc chúng ta rất khỏe để vững vàng leo trèo, cũng có lúc ta mệt nhoài chỉ muốn ngồi xuống. Không một ai có thể đi liên tục không ngừng nghỉ. Lúc đó, một nơi bằng phẳng, an toàn, có bóng mát là dịp để ta dừng chân và nạp lại năng lượng. Cũng giống như vậy, ta có thể xem “bình nguyên nghề nghiệp” là một vùng đất mà tại đó một người có thời gian để suy ngẫm về công việc, những mong muốn trong sự nghiệp và cuộc sống ở chặng đường sắp tới, từ đó phác thảo kế hoạch để tiếp tục theo đuổi các mục tiêu của bản thân. Hoặc với một số người, việc đạt đến một điểm bền và bình ổn trong sự nghiệp giúp họ có nhiều thời gian hơn cho gia đình, sở thích cá nhân, hoặc chăm sóc sức khỏe bản thân, từ đó cải thiện chất lượng cuộc sống và có được nhiều niềm vui.

Làm thế nào để đi qua một “bình nguyên nghề nghiệp”?

Để vượt qua tình trạng trì trệ trong sự nghiệp, cần có sự hợp tác của cả doanh nghiệp và người lao động. Về phía doanh nghiệp, họ phải tạo cho họ cơ hội tăng trưởng và phát triển để giúp nhân viên thăng tiến trong nghề nghiệp và tránh khiến họ cảm thấy trì trệ ở vị trí của mình.

Về phía người lao động, một số hành động cụ thể mà bạn có thể thực hiện là:

  • Đánh giá lại kinh nghiệm và kỹ năng làm việc hiện có của bạn, cũng như thương hiệu cá nhân và các “điểm mù” mà bạn có thể đang có
  • Mở rộng mạng lưới chuyên nghiệp của bạn bằng cách tham dự các sự kiện xã hội hay sự kiện chuyên ngành; thường xuyên hỏi thêm thông tin từ những người khác
  • Dành thời gian mỗi tuần để tìm kiếm cơ hội mới để thay đổi vai trò trong bộ phận hiện tại và thử thách bản thân
  • Tiếp thu kiến ​​thức và rèn luyện kỹ năng mới bằng cách tham gia khóa đào tạo ngắn/dài hạn, lấy chứng chỉ chuyên môn, v.v.

Sông An có những chia sẻ sau có thể hữu ích cho bạn trong giai đoạn nghỉ ngơi và chuẩn bị cho chặng đường mới:

Bảng đánh giá khó khăn nghề nghiệp (CDI)
Nhìn nhận vấn đề là bước đầu tiên quan trọng trong việc tìm ra giải pháp tháo gỡ. CDI sẽ giúp bạn nhận diện được rõ ràng những khó khăn cụ thể đang đối mặt.

Ốc đảo 30 ngày giải tỏa căng thẳng trong nghề nghiệp
Sông An sẽ đồng hành cùng bạn giải tỏa căng thẳng và khơi dậy can đảm để thay đổi. Đóng góp cho sáng kiến này sẽ được Quỹ Phát triển Hướng nghiệp của Sông An sử dụng để cấp học bổng cho các thầy cô và cá nhân muốn theo học các khóa đào tạo hướng nghiệp nhưng còn gặp khó khăn tài chính, cũng như hỗ trợ các chuyên viên tư vấn và người tham gia chương trình tư vấn hướng nghiệp.

Bài viết “Một hành trình tái thiết kế sự nghiệp” và các bài viết khác tại Góc đọc – Kênh sức khỏe nghề nghiệp
Đây là chia sẻ từ một người đã đi qua một bình nguyên nghề nghiệp. Mong rằng câu chuyện sẽ tiếp thêm cảm hứng, và các bài chia sẻ khác sẽ cho bạn thêm ý tưởng để thiết kế một hành trình riêng cho bản thân.

Vào tháng 8/2024 sắp tới, tại một vùng đất bình yên, cách xa trung tâm thành phố Đà Lạt, Sông An sẽ có cơ hội đồng hành cùng 20 người bạn tại chương trình Career retreat. Bạn sẽ được hòa mình vào một vòng tròn an toàn để lắng lại, hiểu mình và xây dựng kế hoạch phát triển nghề nghiệp. Một trong những mục tiêu của chương trình là mỗi cá nhân thiết kế 3 hướng phát triển nghề nghiệp của bản thân trong 5 năm tiếp theo. Bạn hãy để lại thông tin để nhận thông báo ngay khi chương trình mở đơn đăng ký nhé!

Tài liệu tham khảo:

United Nations Human Resources. Career Plateaus. https://hr.un.org/sites/hr.un.org/files/Part%201,%20Activity%203%20-%20Career%20Plateaus.docx

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN