BẢNG ĐÁNH GIÁ KHÓ KHĂN NGHỀ NGHIỆP (CDI)
BỐI CẢNH
Hành trình phát triển nghề nghiệp của mỗi người là một chuỗi các quyết định.
Từ những năm cấp 3, chúng ta bắt đầu đặt nền móng cho tương lai bằng cách quyết định ngành học và trường học. Sau tốt nghiệp, chúng ta liên tục đứng trước những lựa chọn công việc hoặc nơi làm việc khác nhau.
Điều đáng chú ý là, theo thời gian, dường như các quyết định nghề nghiệp lại càng trở nên phức tạp và khó khăn hơn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng cạnh tranh và biến đổi không ngừng. Chúng ta nhiều lần đối diện với sự không chắc chắn, đôi khi là bất an, hoặc thậm chí là kiệt sức khi nghĩ về những quyết định nghề nghiệp.
Nhiều lần chúng ta tự hỏi liệu mình có nên chuyển việc? Tuy không còn hứng thú với công việc hiện tại, nhưng vì sao, quyết định nghỉ việc lại khó thực hiện đến vậy?
Trong bối cảnh nêu trên, cùng với mong muốn hỗ trợ người đi làm lý giải sự chần chừ của bản thân khi đưa ra quyết định nghề nghiệp, Sông An cho ra mắt Bảng đánh giá khó khăn nghề nghiệp.
GIỚI THIỆU VỀ CÔNG CỤ
Bảng đánh giá khó khăn nghề nghiệp được dịch từ Career Difficulties Inventory do Tiến sĩ Shékina Rochat (Thụy Sĩ) phát triển. Tác giả đã cho phép Sông An dịch và giới thiệu công cụ này rộng rãi đến người lao động Việt Nam.
Bảng hỏi gồm 64 câu hỏi thuộc 9 nhóm khó khăn nghề nghiệp được Tiến sĩ Shékina Rochat đúc kết từ các mô hình lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm.
Thiếu động lực
Thiếu động lực trong nghề nghiệp có thể xuất phát từ: Không rõ mục tiêu hoặc không coi trọng mục tiêu đó, Thiếu niềm tin vào khả năng của bản thân và thiếu sự hỗ trợ, Không có cảm xúc thúc đẩy hành động.
Thiếu quyết đoán
Thiếu quyết đoán không chỉ khiến bạn khó ra quyết định trong công việc mà còn khó ra quyết định trong cuộc sống hàng ngày. Có thể do bạn nhìn nhận bản thân và thế giới một cách tiêu cực, có lòng tự trọng thấp, hay có mức độ lo âu cao.
Niềm tin sai lệch
Niềm tin sai lệch là những suy nghĩ không thực tế nhưng lại âm thầm ảnh hưởng đến quyết định nghề nghiệp của bạn. Ví dụ, bạn có thể quá tin vào may mắn, hiểu sai về vai trò của chuyên viên hướng nghiệp, hoặc quá chú trọng vào ý kiến gia đình.
Thiếu thông tin về quá trình ra quyết định nghề nghiệp
Thiếu thông tin về quá trình ra quyết định nghề nghiệp cho thấy bạn không biết các bước và các yếu tố quan trọng cần cân nhắc để ra quyết định. Quá trình này gồm hiểu các giai đoạn phát triển nghề nghiệp, biết cách sử dụng thông tin, khám phá lựa chọn, và cân nhắc cảm xúc lẫn lý trí.
Thiếu thông tin về bản thân
Thiếu thông tin về bản thân cho thấy bạn không rõ về các đặc điểm quan trọng như: sở thích, kỹ năng, tính cách, giá trị, điểm mạnh, điều làm cho công việc của bạn có ý nghĩa, và câu chuyện cá nhân kết nối từ quá khứ đến hiện tại trong quyết định nghề nghiệp.
Thiếu thông tin về các lựa chọn nghề nghiệp
Thiếu thông tin về các lựa chọn nghề nghiệp cho thấy bạn không có đủ thông tin về các con đường nghề nghiệp khác nhau, lộ trình đào tạo, yêu cầu công việc, cơ hội việc làm hiện tại cũng như tương lai.
Mâu thuẫn bên trong
Mâu thuẫn bên trong xuất hiện khi bạn đối mặt với sự hoài nghi hay cảm xúc lẫn lộn khi ra quyết định nghề nghiệp. Bạn cảm thấy thích tất cả các lựa chọn hoặc không thích bất cứ lựa chọn nào. Hoặc khi phân tích các lựa chọn khác nhau, bạn nhận thấy quyết định nào cũng có ưu điểm và nhược điểm riêng.
Mâu thuẫn bên ngoài
Mâu thuẫn bên ngoài trong quyết định nghề nghiệp xuất phát từ thách thức đến từ môi trường hoặc tình huống xung quanh. Đó có thể là áp lực từ gia đình, bạn bè, kỳ vọng ở công việc hoặc trường học, chuẩn mực xã hội, hoặc các thay đổi trong xã hội hoặc cuộc sống cá nhân ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp.
Thiếu khả năng được tuyển dụng
Thiếu khả năng được tuyển dụng cho thấy bạn còn thiếu kỹ năng đối phó với các thay đổi nghề nghiệp, chẳng hạn như: tự chăm sóc (well-being), thích ứng với thay đổi (như mất việc), sử dụng nguồn lực và hỗ trợ có sẵn, tinh thần học hỏi và phát triển kỹ năng mới, và khả năng kiên cường trước thất bại để tiếp tục phát triển sự nghiệp.
Để xem thông tin chi tiết, mời bạn tìm đọc sách Mapping Career Counseling Interventions: A Guide for Career Practitioners của cô.
Ý NGHĨA CỦA KẾT QUẢ TRẮC NGHIỆM
Giúp người đi làm
Nhận diện được rõ ràng những khó khăn cụ thể đang đối mặt thông qua việc sử dụng một công cụ được phát triển dựa trên nền tảng khoa học.
Hiểu được các nguyên nhân then chốt gây cản trở khi đưa ra quyết định nghề nghiệp, và rộng hơn là phát triển nghề nghiệp.
Nhìn nhận vấn đề là bước đầu tiên quan trọng trong việc tìm ra giải pháp tháo gỡ.
Giúp chuyên viên tư vấn hướng nghiệp
Nâng cao hiệu quả tư vấn trong quá trình hỗ trợ thân chủ (người đi làm). Kết quả của công cụ sẽ giúp các chuyên viên hiểu rõ và nhanh hơn về những khó khăn nghề nghiệp mà thân chủ đang gặp phải và lựa chọn cách thức hỗ trợ phù hợp.
REST QUIZ
BỐI CẢNH
Những khó khăn nghề nghiệp kéo dài thường ảnh hưởng lớn đến sức khỏe thể chất lẫn tinh thần, khiến chúng ta căng thẳng và thiếu sáng suốt khi đưa ra các quyết định quan trọng và tìm giải pháp triệt để. Vì vậy, một trong những điều kiện tiên quyết để vượt qua trở ngại trong nghề nghiệp là giải tỏa căng thẳng.
Khoa học đã chứng minh mối liên hệ mật thiết giữa việc nghỉ ngơi đúng cách và tình trạng căng thẳng. Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng biết mình đang thật sự cần nghỉ ngơi như thế nào.
GIỚI THIỆU VỀ CÔNG CỤ
Bạn thử dành một phút đánh giá nhanh tình trạng của mình thông qua một số câu hỏi mà Tiến sĩ Saundra Dalton-Smith, tác giả của công cụ Rest Quiz, gợi mở:
- Bạn có thường cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy vào mỗi sáng?
- Bạn có thấy khó khăn để tập trung?
- Cảm xúc của bạn thường dễ bị ảnh hưởng bởi hành động của người khác?
- Bạn phụ thuộc vào các đồ có caffeine hoặc đường để bổ sung năng lượng nhanh xuyên suốt một ngày?
- Bạn thường cảm thấy cuộc sống của mình vượt khỏi khả năng kiểm soát?
Nếu câu trả lời là có cho phần lớn các câu hỏi trên thì bạn có thể bắt đầu tìm hiểu về 7 hình thức nghỉ ngơi và xác định hình thức nghỉ ngơi mà mình cần để hồi phục năng lượng và làm mới bản thân.
Physical Rest
Khả năng phục hồi cơ thể để giảm căng cơ, bớt đau đầu và thúc đẩy giấc ngủ sâu hơn
Mental Rest
Khả năng làm dịu những suy nghĩ trong đầu và tập trung vào những điều quan trọng
Sensory Rest
Khả năng giảm thiểu sự xâm chiếm thường trực của các kích thích từ thiết bị điện tử, mùi hương và tiếng ồn
Creative Rest
Trải nghiệm cái đẹp để đánh thức sự kinh ngạc và kỳ diệu bên trong chính chúng ta
Emotional Rest
Tự do thể hiện cảm xúc một cách chân thực và giảm bớt các hành vi làm hài lòng người khác
Social Rest
Có sự thông thái để phân biệt mối quan hệ nào giúp bạn phục hồi và mối quan hệ nào làm bạn kiệt sức, cũng như biết cách hạn chế tiếp xúc với những người “độc hại”
Spiritual Rest
Khả năng kết nối vượt lên trên cơ thể và trí óc, đồng thời có cảm nhận sâu sắc sự thuộc về, tình yêu thương, sự bằng lòng và lẽ sống
Để xem thông tin chi tiết, mời bạn tìm đọc sách Sacred Rest: Recover Your Life, Renew Your Energy, Restore Your Sanity hoặc bài viết và chia sẻ trên TED của Tiến sĩ Saundra Dalton-Smith.