Một hành trình tái thiết kế sự nghiệp

Tác giả: Nhi Nguyễn

Biên tập: Minh Thảo

Tí tách, tí tách, tí tách, tôi lắng nghe tiếng mưa bên ngoài và tiếng mưa trong lòng của V., một người chị mà tôi đã dùng cả thập kỷ để thấu hiểu. “Em ơi, sao chị khổ quá!” – Chị lấy tay chùi nước mắt, khi chia sẻ về sự nghiệp. Tốt nghiệp với tấm bằng Xuất sắc ngành Kinh tế, chị ùa vào đời bằng sự hăm hở và nhiệt huyết với công việc tại một công ty đa quốc gia. 14 năm gắn bó nơi công sở, công danh thăng tiến, thế nhưng, chị ở độ tuổi 35 mệt nhoài với sự nghiệp. Tôi siết tay chị, như một lời ủi an chân thành. 

Tôi nghĩ mở đầu bài viết với một câu chuyện thế này thật buồn quá. Nhưng ngẫm lại, tôi nhận ra đó không chỉ là câu chuyện của riêng chị V., mà còn là câu chuyện của một thế hệ mất kết nối với sự nghiệp. 

Tôi thường nghĩ về sự nghiệp như một hành trình xây nhà, bắt đầu từ viên gạch này đến viên gạch khác. Khi từng viên gạch được đặt đúng chỗ của nó, nhân viên xây dựng mới tiếp tục xây dựng phần còn lại. Tôi cũng xin trích lại chia sẻ của hai tác giả Bill Burnett và Dave Evans, người đã chấp bút viết nên cuốn sách giàu ý nghĩa “Thiết kế Cuộc sống Nghề Nghiệp: Cách để thịnh vượng, thay đổi và tìm kiếm hạnh phúc nơi công sở (Designing Your Work Life: How to Thrive and Change and Find Happiness at Work)” mà tôi đã nghiền ngẫm: “When designing your work life, you need to know that designers don’t think their way forward. Work designers build their way forward.” (Tạm dịch: Khi thiết kế sự nghiệp, bạn nên biết rằng những nhà thiết kế không chỉ ngồi đó suy ngẫm về tương lai. Họ bắt tay xây dựng con đường của mình hướng về phía trước.)

Thông qua câu chuyện của chị V., tôi sẽ chia sẻ với bạn những đúc kết đáng suy ngẫm từ cuốn sách.

Viên gạch thứ nhất: Nhận diện niềm tin sai lệch và thay đổi tư duy

Niềm tin có thể được hiểu là sự tin tưởng mãnh liệt vào sự thật (Halligan, 2007). Niềm tin vẽ ra cho chúng ta thế giới, điều khiển chúng ta hành động hay thúc đẩy ta đưa ra những đánh giá. Niềm tin sai lệch là những suy nghĩ không dựa trên bằng chứng mà chủ yếu dựa trên giả định hay trải nghiệm của cá nhân trong quá khứ. Những niềm tin này thường không được chú ý hay dễ bị bỏ qua, nhưng thầm ảnh hưởng đến các quyết định nghề nghiệp của bạn. Theo Bill Burnett và Dave Erans, việc nhận diện niềm tin sai lệch và thay đổi tư duy có sức mạnh vô cùng lớn lao, giúp người lao động nhận ra điều gì họ hoàn toàn có quyền kiểm soát, điều gì họ thực sự cần và điều gì họ muốn mời gọi xuất hiện trong cuộc đời. 

Khi đọc đến những dòng này, tôi muốn bạn dành 3 phút ghi xuống 3 niềm tin sai lệch mà bạn đang giữ trong lòng. Hãy thành thật với bản thân nhé! Sau khi hoàn tất ghi xuống, tôi đề xuất bạn ngẫm suy về 3 điều bạn viết nên: Có bao nhiêu niềm tin trong đó là thực tế? Có bao nhiêu niềm tin trong đó là không thực tế? 

Tôi sẽ quay lại câu chuyện của chị V. để làm rõ hơn chia sẻ này. Dù sở hữu mức lương ổn định, nắm giữ vị trí đáng ngưỡng mộ, và có một gia đình êm ấm, chị V. luôn giữ trong lòng những niềm tin sai lệch. Chị lo không ai có thể lắng nghe và san sẻ nên chị tin rằng nỗi khổ này chị phải một mình gánh vác. Chị lo việc bộc bạch rằng công việc hiện tại đang dần giảm đi sức hấp dẫn và chị tin rằng việc chị muốn sống cuộc đời của riêng mình thật ích kỷ nên chị nên giấu kín chuyện này. Lo rằng việc thừa nhận đang mắc kẹt trong nghề nghiệp sẽ là một bước lùi trong sự nghiệp, chị càng gồng mình làm việc. Có lẽ vì thế, chị luôn cảm thấy “khổ”.

Thế nhưng, chị V. đã dũng cảm đặt viên gạch đầu tiên, bằng cách nhận diện, chấp nhận và từng bước thay đổi những niềm tin sai lệch đó. Từng bước, chị mở lòng rằng chưa bao giờ chị cô độc trên hành trình này. Từng bước, chị hiểu rằng việc tỏ bày mong muốn được sống trọn vẹn là điều đáng mừng. Từng bước, chị chấp nhận rằng việc cảm xúc đổi thay trong công việc diễn ra khá bình thường nơi công sở. Với sự động viên và giúp đỡ của những người thân cận, chị dần tháo gỡ những niềm tin sai lệch đó thông qua việc tái khám phá động lực nghề nghiệp sẽ được trình bày tiếp sau đây. 

Viên gạch thứ hai: Tái khám phá động lực nghề nghiệp với công thức ARC

Thực ra, hiếm có nơi làm việc nào mà bạn không xì-trét hay luôn trong tâm thế hạnh phúc trong mỗi phút mỗi giây. Vấn đề bắt đầu từ động lực của chúng ta và đó cũng là vấn đề cần được nhìn nhận rõ ràng. Tôi mong bạn hãy hít một hơi thật sâu và hãy cho phép bản thân được chấp nhận rằng nếu bạn đang trải qua một công việc như thế, thì điều đó không sao cả. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn đủ khả năng để khiến nghề nghiệp trở nên thú vị và đáng mong chờ hơn. Vậy bạn sẽ làm điều đó như thế nào?

Để trả lời câu hỏi này, nhóm tác giả Bill Burnett và Dave Evans gợi ý người đi làm sử dụng phương pháp ARC, trong đó: A – sự tự chủ (Autonomy), R – sự thân thuộc (Relatedness) và C – năng lực (Competence).

Trong công thức ARC này, tôi đặc biệt quan tâm đến chữ C. Năng lực là tập hợp các kỹ năng bạn cần để thực hiện công việc. Nhóm tác giả đưa ra lời khuyên rằng tất cả chúng ta đều giỏi một số nhiệm vụ nhất định. Để gia tăng năng lực nghề nghiệp, tác giả cũng khuyên chúng ta nên tập trung thực hiện những nhiệm vụ chúng ta thành thạo và hạn chế những nhiệm vụ chúng ta không thành thạo. 

Chia sẻ này của nhóm tác giả có sự tương đồng với khái niệm Kỹ năng Tạo động lực trong giáo dục và tư vấn hướng nghiệp, trong đó:

Nhóm kỹ năng Mô tả
Kỹ năng tạo động lực  những kỹ năng mà một cá nhân vừa yêu thích vừa thành thạo khi sử dụng chúng.
Kỹ năng có thể phát triển những kỹ năng mà một cá nhân rất thích nhưng không/chưa giỏi.
Kỹ năng gây kiệt sức  những kỹ năng mà một cá nhân thành thạo nhưng không hề yêu thích.
Kỹ năng không quan trọng  những kỹ năng mà một cá nhân vừa không yêu thích vừa không thành thạo khi sử dụng.

Trong trường hợp của Chị V., nguyên do khiến công việc của chị đang dần giảm đi sự hấp dẫn đến từ việc chị đã sử dụng những kỹ năng chị thành thạo nhưng không thích trong một thời gian tương đối dài. Khi nhận ra điều này, chị đã có một bước tiến lớn khi xác định nhóm công việc sử dụng nhóm kỹ năng thành thạo và tập trung thực hiện chúng vào công việc. Đồng thời, chị V. đã đề xuất với công ty giảm bớt nhóm công việc liên quan đến kỹ năng chị vừa không yêu thích vừa không thành thạo. Bằng cách này, chị V. đã từng bước tìm được sự kết nối với công việc.

Viên gạch thứ 3: (Tái) Thiết kế sự nghiệp với 3 yếu tố: tiền bạc, tác động xã hội và mức độ sáng tạo

Nhóm tác giả Bill Burnett và Dave Evans cho rằng mỗi công việc đều là sự kết hợp của 3 khía cạnh này, vì vậy bạn chỉ cần tìm ra tỷ lệ nào là phù hợp với bạn. Khi bạn đã tìm ra sự kết hợp phù hợp, hãy bắt đầu tái thiết kế nghề nghiệp mơ ước của bạn. Sau đây là 3 câu hỏi mà tôi đề xuất bạn ngẫm suy:

1. Bạn có hài lòng với nghề nghiệp không?

2. Nếu không, điều bạn muốn làm nhiều hơn hoặc tham gia là gì? 

3. Nếu 3 yếu tố bao gồm tiền bạc, tác động xã hội và mức độ sáng tạo tạo thành 1 vòng tròn (100%), bạn sẽ phân bố tỉ lệ so với hệ giá trị của bạn như thế nào?

Tôi mong rằng 3 câu hỏi này đã phần nào giúp bạn khám phá tỉ lệ mà bạn mong muốn. Sau đó, chúng ta hãy cùng nhau điều chỉnh và bắt đầu từng bước một. Hãy bắt đầu với việc đối chiếu tỉ lệ mong muốn này với tỉ lệ trong đời sống thực tại của bạn. Nếu trùng khớp thì tôi mừng cho bạn lắm. Tuy nhiên, nếu chưa trùng khớp, thì tôi nghĩ đây là một viên gạch nữa cần thiết để bạn xây dựng lại ngôi nhà sự nghiệp của bạn. Tôi đề xuất mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi quý và mỗi năm, hãy vun vén thời gian và công sức cho tỉ lệ phần trăm bất cân xứng đó. Nhóm tác giả còn cho rằng nếu tiền không phải là một yếu tố quan trọng nhất, bạn thậm chí có thể thử chuyển sang làm việc bán thời gian và khám phá khả năng sáng tạo của riêng bạn trong thời gian rảnh rỗi. Nếu bạn cần một người đồng hành có chuyên môn hoặc những giải pháp sâu hơn giúp bạn điều chỉnh tỉ lệ này, Sông An khuyến khích bạn tham khảo thêm tại trang Giải pháp hướng nghiệp cho người đi làm

Từ sâu thẳm trong lòng, chị V. biết rõ rằng tỉ lệ mong muốn của chị là tiền bạc (40%), tác động xã hội (30%) và khả năng sáng tạo (30%). Trong khi đó, cuộc sống bấy giờ của chị là một cuồng quay tiền bạc không ngừng, còn khát vọng đóng góp cho xã hội và sáng tạo rơi vào vùng ký ức. Khi xác định tiền bạc là một yếu tố quan trọng nhưng không phải quan trọng nhất, chị V. đã lựa chọn duy trì công việc hành chính hiện tại, nhưng mỗi cuối ngày và cuối tuần, chị đầu tư thời gian và công sức lần lượt vào việc nấu bếp thiện nguyện cho bệnh nhân ung thư và vào việc học làm bánh. Bạn biết gì không, thực ra, câu chuyện đầu đề đã diễn ra 2 năm về trước (2022). Vào đầu tháng 3 năm 2024, tôi đã đến thăm chị V. với một bó hoa đỏ thắm. Chị của hiện tại, hài lòng với vị trí tại công ty đa quốc gia, nơi chị có những đồng nghiệp hài hước và đáng học hỏi. Và chị của hiện tại, vào những ngày cuối tuần, theo đuổi sự nghiệp làm bánh như mong ước xa xưa chị từng chia sẻ với tôi. Chị cũng đối thoại với gia đình về khó khăn trong sự nghiệp và tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng xung quanh. Chị của hiện tại, như thể một ngôi nhà vững chãi, cho gia đình và cho chính chị. Tôi nghĩ, hành trình tái thiết kế của chị V. là một hành trình vô cùng can đảm và chân thành. Mong rằng thông qua câu chuyện của chị V. đan cài những thông điệp từ cuốn sách, bạn sẽ cảm nhận được sự tin yêu mà tôi gửi gắm nơi bạn. 

Những câu chuyện giống như chị V. vẫn còn xuất hiện ở cuốn sách đáng suy ngẫm “Thiết kế Cuộc sống Nghề Nghiệp: Cách để thịnh vượng, đổi thay và tìm kiếm hạnh phúc nơi công sở (Designing Your Work Life: How to Thrive and Change and Find Happiness at Work)”. Vì thế, nếu bạn muốn đọc thêm, tôi đề xuất bạn hãy đọc chi tiết tại phiên bản sách giấy. Không chỉ cung cấp thông tin hữu ích về nghề nghiệp, nhóm tác giả Bill Burnett và Dave Evans còn đưa ra nhiều hướng dẫn chi tiết và hữu ích cho những người đi làm mong muốn tạo ra và duy trì một nghề nghiệp vừa vui vẻ vừa giàu ý nghĩa thông qua cách tập trung vào những điều hiện có, hơn là liên tục thay đổi nghề nghiệp khi chưa thực sự sẵn sàng và chuẩn bị cho việc đó. 

Trước khi dừng bút, tôi mong bạn sẽ dành ít phút nhìn lại những niềm tin phi lý và những “bài tập nhỏ” bạn vừa thực hành. Nếu chưa, bạn hãy thực hành vào một hôm tĩnh lặng nhé. Mong rằng bài tập nhỏ này sẽ là tấm bảng chỉ dẫn, giúp bạn soi mình và suy ngẫm nhiều hơn. 

Bạn biết gì không, cuộc đời này quá ngắn để cảm thấy mất kết nối với nghề nghiệp và quá quý giá để mất kết nối với chính cuộc đời. Hãy cùng Sông An đặt một viên gạch (tái) xây dựng sự nghiệp bạn nhé!

Tài liệu tham khảo:

Burnett, B., & Evans, D. (2020). Designing your work life: How to thrive and change and find happiness at work. Chatto & Windus.