Chiến lược tài chính cá nhân để phát triển sự nghiệp bền vững

Tác giả: Hoàng Nguyễn

Biên tập: Minh Thảo

Cùng thời gian ra trường, cùng làm một công việc, nhưng tại sao có người luôn chật vật với tài chính, trong khi người khác lại có khoản dư dả? Vấn đề không chỉ nằm ở thu nhập, mà quan trọng hơn là cách bạn quản lý và sử dụng số tiền mình có. Nếu không để ý, bạn có thể vô thức bị ảnh hưởng bởi những quan niệm vùng miền như “chắt chiu” của miền Trung hay “tiêu xài phóng khoáng” của miền Nam, hoặc thậm chí là thói quen chi tiêu của gia đình. Những ảnh hưởng này có thể giúp bạn xây dựng tài chính vững vàng, nhưng cũng có thể khiến bạn rơi vào vòng luẩn quẩn của việc kiếm tiền – tiêu tiền mà không có kế hoạch. Để không bị cuốn theo những thói quen tài chính một cách vô thức, bạn cần chủ động trang bị kiến thức về quản lý tài chính cá nhân ngay từ bây giờ. Hãy cùng Sông An khám phá cách an tâm tài chính có thể trở thành động lực để bạn vững bước trên hành trình phát triển sự nghiệp.

Các lớp tài sản và vai trò của chúng trong quản lý tài chính cá nhân

Tài sản không chỉ là tiền mà còn có nhiều loại khác nhau. Mô hình tháp tài sản là mô hình kim tự tháp đáy lớn, chóp nhọn, phân chia các loại tài sản vào từng tầng khác nhau. Có thể có nhiều phiên bản khác nhau nhưng nội dung chính thường từ nhu cầu cơ bản đến mục tiêu tài chính dài hạn.

Trước hết, tầng đầu tiên là lớp tài sản vô hình. Đây là nền tảng quan trọng nhất, bao gồm kiến thức, kỹ năng, sức khỏe, và các mối quan hệ, v.v. Đầu tư vào bản thân là khoản đầu tư có giá trị lâu dài, giúp bạn nâng cao năng lực tài chính và sự nghiệp. Tiếp theo là lớp tài sản an toàn gồm tiền mặt, bảo hiểm và quỹ khẩn cấp – đây là khoản dự phòng giúp bạn đối phó với những tình huống bất ngờ. Cao hơn một chút, tài sản tích lũy như sổ tiết kiệm, vàng và trái phiếu giúp bạn giữ tiền và làm cho số tiền đó tăng lên theo thời gian. Cuối cùng, tài sản đầu tư như cổ phiếu, bất động sản hoặc quỹ đầu tư có thể giúp bạn kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng cũng có rủi ro đi kèm.

Mô hình tháp tài sản giúp xây dựng tài chính cá nhân bền vững bằng cách đa dạng hóa tài sảnphân bổ rủi ro trong việc đầu tư. Hiểu rõ các loại tài sản này sẽ giúp bạn lập kế hoạch tài chính hợp lý, từ đó có cuộc sống ổn định và chủ động hơn trong tương lai. 

Lời khuyên cho những người mới bắt đầu xây dựng tháp tài sản là bắt đầu từ việc quản lý chi tiêu, xây dựng nền tảng tài chính an toàn, sau đó tìm hiểu về đầu tư hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên gia tài chính. Và quan trọng nhất, đừng quên đầu tư vào chính mình – vì kiến thức và sức khỏe là tài sản vô giá, quyết định sự thành công tài chính trong dài hạn.

Các giai đoạn phát triển nghề nghiệp theo Donald Super

Theo lý thuyết phát triển nghề nghiệp của Donald Super, mỗi người sẽ trải qua nhiều giai đoạn khác nhau trong sự nghiệp, phản ánh sự thay đổi về kỹ năng, kinh nghiệm và mục tiêu sống (tìm hiểu thêm tại đây). 

Giai đoạn đầu tiên là Khám phá (Exploration), nơi cá nhân tìm hiểu, thử nghiệm các công việc khác nhau để xác định hướng đi phù hợp. Tiếp theo, giai đoạn Thiết lập (Establishment) đánh dấu sự ổn định khi cá nhân tích lũy kinh nghiệm và xây dựng sự nghiệp bền vững. Khi đạt đến giai đoạn Duy trì (Maintenance), họ sẽ tập trung phát triển chuyên môn, mở rộng cơ hội và duy trì vị thế của mình. Cuối cùng, giai đoạn Thoái trào (Decline) là lúc cá nhân chuẩn bị giảm dần cường độ làm việc hoặc chuyển giao trách nhiệm trước khi nghỉ hưu. Mỗi giai đoạn đòi hỏi những kỹ năng và chiến lược khác nhau, không chỉ trong công việc mà còn trong cách quản lý tài chính để đảm bảo sự ổn định lâu dài.

Tháp tài chính và Lộ trình phát triển sự nghiệp: Hai mặt của một đồng xu

Hiểu rõ các lớp tài sản và các giai đoạn phát triển nghề nghiệp theo lý thuyết của Donald Super giúp bạn định hướng sự nghiệp vững chắc và quản lý tài chính hiệu quả. Hai yếu tố này như hai mặt của đồng xu, bổ trợ lẫn nhau, tạo nên một lộ trình phát triển bền vững cả về tài chính lẫn nghề nghiệp.

Ở giai đoạn Khám phá (Exploration), khi mới vào nghề, việc học cách tiết kiệm, đầu tư vào giáo dục và xây dựng quỹ khẩn cấp là cần thiết. Khi bước vào giai đoạn Thiết lập (Establishment), sự nghiệp dần phát triển, đây là thời điểm quan trọng để tích lũy tài sản, thông qua tiết kiệm và các khoản đầu tư cơ bản nhằm xây dựng nền móng tài chính lâu dài. Đến giai đoạn Duy trì (Maintenance), khi đã có vị trí vững chắc trong sự nghiệp, bạn có thể gia tăng tài sản, mở rộng danh mục đầu tư như cổ phiếu, bất động sản hoặc phát triển tài sản trí tuệ để tạo thêm thu nhập thụ động. Cuối cùng, trong giai đoạn Thoái trào (Decline), khi sự nghiệp dần chững lại hoặc chuẩn bị nghỉ hưu, việc tối ưu hóa tài sản giúp bạn duy trì cuộc sống thoải mái mà không bị áp lực tài chính. 

Việc kết hợp chặt chẽ giữa phát triển nghề nghiệpquản lý tài sản không chỉ giúp bạn đạt được thành công trong công việc mà còn hướng đến an toàn tài chính, cho phép bạn lựa chọn con đường phù hợp nhất với mình ở từng giai đoạn cuộc đời. 

An tâm tài chính – vững bước tương lai 

Trong sự nghiệp và cuộc sống, tiền lương là nền tảng giúp bạn trang trải cá nhân và chăm lo cho những người thân yêu. Nhưng chỉ biết kiếm tiền thôi là chưa đủ — để thực sự an tâm tài chính và xây dựng sự nghiệp bền vững, bạn cần trang bị kỹ năng quản lý tài chính cá nhân một cách toàn diện. 

Hãy hình dung tài chính như một chiếc xe ô tô trên hành trình cuộc đời. Để lăn bánh vững vàng, xe cần đủ bốn bánh chắc chắn, tượng trưng cho kiếm tiền, tiêu tiền, giữ tiền và làm cho tiền sinh lời. Nếu một bánh xe yếu hoặc mất đi, hành trình của bạn sẽ trở nên chông chênh, thậm chí có thể dừng lại giữa đường. Nhưng khi cả bốn bánh xe đều vững chãi, bạn có thể tự tin cầm lái, kiểm soát tài chính, mở rộng cơ hội nghề nghiệp và chở bản thân cùng những người thân yêu đến những cột mốc xa hơn trong tương lai.

Khoá đào tạo Tài chính cá nhân lần đầu được tổ chức tại Sông An, sẽ sớm khai giảng vào ngày 25/05/2025 bao gồm 3 chủ đề:

  • Năng lực kiếm tiền
  • Năng lực dùng tiền
  • Cách chọn thời điểm chuyển việc phù hợp

Đăng ký danh sách chờ để được liên hệ ngay khi khoá ra mắt tại: https://bit.ly/SAdanhsachcho

Tài liệu tham khảo:

Mỹ Anh (2024). 8 giai đoạn, 5 vai trò – Bạn đang ở đâu trong Cầu vồng Cuộc sống, Nghề nghiệp?. https://huongnghiepsongan.com/8-giai-doan-5-vai-tro-ban-dang-o-dau-trong-cau-vong-cuoc-song-nghe-nghiep/

L.V.Thành (2014). Tháp tài sản – Bí quyết giúp xây dựng tài chính cá nhân bền vững. https://topi.vn/thap-tai-san.html

Valley First. Building A Strong Financial Pyramid. https://www.valleyfirst.com/simple-advice/wealth/building-a-financial-pyramid

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN