Tác giả: Thủy Trúc
“Từ khóa” của một chuyên viên hướng nghiệp
Với tôi, đó là “sự quay lại”.
“Sự quay lại” là quay lại môi trường làm việc chuyên nghiệp sau khoảng nghỉ dài hơn một năm tôi dành để học điều mới (Yoga) mà tôi đã luôn ấp ủ, đi tình nguyện và cải thiện mối quan hệ với chính mình. “Sự quay lại” của tôi bắt đầu từ tháng 4 với việc lấy hết can đảm liên hệ lại với công ty cũ để bày tỏ nguyện vọng làm việc. Sau đó là từng bước làm quen, học cách phối hợp với các đồng đội mới – cũ và thay đổi lịch sinh hoạt tự do để thích nghi với thời gian làm việc cố định.
Dẫu chưa một lần hối hận về khoảng nghỉ dài năm 2022, tôi vẫn cảm nhận được sự chông chênh khi khoảng nghỉ dài kết thúc lẫn áp lực trở lại “đường đua” sự nghiệp. Có lần khi chị đồng nghiệp và tôi trò chuyện về hành trình nghề nghiệp, tôi đã phải thốt lên: “Ôi, em cũng vậy. Thì ra em không một mình!” khi chị kể về khoảng nghỉ dài chị cũng vừa đi qua và hành trình đầy thử thách để quay lại của chị. Thật kỳ diệu và có phần nhẹ nhõm, khi nhận ra những trải nghiệm và cảm xúc tưởng chừng rất riêng tư hóa ra lại có tính phổ quát đến vậy.
“Từ khóa” của người đi làm
Trong “sự quay lại” này, một trong những vai trò có ý nghĩa nhất mà tôi vẫn được tiếp tục là vai trò chuyên viên hướng nghiệp. Đây là công việc cho phép tôi được lắng nghe những suy tư, trắc trở trong nghề nghiệp từ người (sắp) đi làm ở mọi độ tuổi, từ các em sinh viên sắp ra trường, đến các bạn đi làm một vài năm cho đến các anh chị lớn giàu kinh nghiệm.
Dưới đây là một vài từ khóa tôi nghe được trong năm qua.
- Áp lực: khi được liên tục bổ nhiệm những dự án/vị trí mới nhưng cùng lúc trải qua những đợt sóng căng thẳng và mệt mỏi cao độ.
- Kiên cường: khi dựng xây sự nghiệp ở nơi “đất khách quê người” với bao lần ứng tuyển, trượt, ứng tuyển, trượt… và vẫn tiếp tục.
- Hối hả: khi cảm thấy phải liên tục chứng minh bản thân, liên tục làm việc nhưng mãi vẫn chưa đạt tới mục tiêu mong muốn.
- Mong manh: khi liên tục nhận những đánh giá kém từ sếp và đồng nghiệp, đến mức không thể nào không hoài nghi về năng lực bản thân.
- Can đảm: khi cuối cùng cũng quyết định nghỉ công việc quen thuộc dẫu biết mình không phù hợp.
- Chấp nhận: khi làm công việc cực kỳ yêu thích nhưng lại không hoàn toàn hòa hợp với người sếp hay môi trường làm việc.
- Bình ổn: khi qua một năm không quá biến động cũng không có đột phá, cảm thấy hài lòng và tận hưởng những khía cạnh khác của cuộc sống.
- Trách nhiệm: khi nhận ra từ đây mỗi lúc đưa ra quyết định liên quan đến nghề nghiệp cần phải cân nhắc các vai trò khác như vợ/chồng/cha/mẹ.
“Từ khóa” của bạn
Đúc kết từ khóa đôi khi không dễ dàng nhưng hoạt động này giúp chúng ta chiết xuất và cô đọng những bài học quan trọng trên hành trình nghề nghiệp. Từ khóa cũng có thể hé lộ những điểm mạnh, nguồn lực và giá trị bên trong để bạn làm hành trang bước tiếp. Vậy nên, bây giờ đến lượt bạn nhé! Bạn có thể tham khảo hai cách sau.
Nếu bạn thích dùng trực giác, hãy thử nhắm mắt, thả lỏng vai, hít thở sâu và nghĩ về năm qua đi làm, điều gì hiện lên trong đầu bạn? Từ khóa có thể ở bất cứ hình thức nào, có thể là một cụm từ cụ thể, cũng có thể là một câu hát, một tựa sách, một tên phim, một màu sắc, v.v
Nếu bạn thích dùng lý trí, hãy thử tìm từ khóa thông qua chiêm nghiệm về những thử thách hay khoảnh khắc đáng nhớ nhất. Các câu hỏi gợi ý: Trong hành trình nghề nghiệp của bạn năm 2023:
- Thử thách lớn nhất của bạn là gì?
- Điều bạn tự hào nhất là gì?
- Quyết định lớn nhất, có ý nghĩa với bạn nhất là gì?
- Khoảnh khắc nào đáng nhớ nhất?
- Bạn đã mang lại lợi ích, giá trị gì cho ai?”
Bạn cũng có thể kết hợp cả hai cách và xem lại các từ khóa ở trên để lấy cảm hứng. Đây là cơ hội để bạn nhìn lại hành trình của mình.
Vậy bạn đã bạn tìm ra “từ khóa” cho năm sự nghiệp 2023 của mình chưa?
Photo by Clay Banks on Unsplash
Bài viết liên quan: