Chuyển việc sau Tết: Biến nỗi lo thành cơ hội

Tác giả: Mỹ Anh

Biên tập: Thủy Trúc

Dù đối diện với những thách thức kinh tế không lường trước được như thị trường suy thoái, sa thải diện rộng và nhiều công ty đóng băng tuyển dụng, nhiều người lao động vẫn chủ động nghỉ việc trước Tết. Vì sao họ có quyết định táo bạo như vậy? 

Rơi vào tình trạng quá tải

Trong môi trường làm việc đầy áp lực, nhiều lao động chìm đắm trong cảm giác quá tải và mất kiểm soát. Hậu quả là họ cạn kiệt năng lượng, thậm chí chỉ để bắt đầu một ngày làm việc mới cũng trở nên gian nan. Căng thẳng này có thể xuất phát từ việc cắt giảm nhân sự, khiến họ phải ôm đồm nhiều công việc hơn, hoặc do thiếu sự hỗ trợ từ đồng nghiệp và sự công tâm trong đánh giá của lãnh đạo. Nếu không được giải quyết kịp thời, tình trạng quá tải có thể trở thành “nan y” và khó khắc phục.

Thiếu động lực trong nghề nghiệp hiện tại 

Không ít người trong chúng ta, sau một thời gian dài làm việc, nhận ra rằng công việc hiện tại không còn phản ánh đúng động lực nghề nghiệp. Ví dụ: X đã dành hơn 10 năm làm việc tại một công ty tài chính. Công việc này hướng đến mục tiêu liên quan đến tăng trưởng dòng tiền và đòi hỏi X là một người chú trọng kết quả, tương ứng có động lực Thực tiễn cao. Tuy nhiên, ẩn sâu bên trong, X cảm thấy mất nhiều năng lượng ở công việc hiện tại và khao khát dành nhiều thời gian đánh đàn piano ở không gian có tính thẩm mỹ cao, phản ánh động lực Duy mỹ. Sông An không vội kết luận X cần chuyển việc mà chỉ nhận định X đang chưa thỏa mãn động lực của mình ở công việc hiện tại và nên có kế hoạch chuyển đổi phù hợp. 

Hành trình nghề nghiệp đôi khi là quá trình thử sai. Động lực nghề nghiệp của mỗi người cũng rất khác nhau. Càng đi, họ càng khám phá và càng hiểu sâu sắc bản thân muốn gì. Nếu ở lại công việc cũ, họ không còn cảm thấy muốn nỗ lực hơn hoặc không khao khát chạm tới những thành tựu mới. Do đó, tới thời điểm vững vàng, nhiều nhân sự chọn nghỉ việc để bắt đầu xây dựng hành trình mới phù hợp với động lực nghề nghiệp của mình. 

Tìm kiếm cơ hội phát triển mới

Cuối cùng, khi người lao động đã đạt đến điểm tới hạn ở vị trí cũ và thiếu cơ hội để phát triển, họ có thể trở thành những nhà thám hiểm đi khám phá những chân trời mới. Các con đường phát triển có thể là thay đổi tính chất công việc, thăng tiến lên vị trí cao hơn, hoặc chuyển đổi sang lĩnh vực hoặc bộ phận khác. Sự thay đổi này thường đến từ khao khát thử thách bản thân, mở rộng kinh nghiệm và theo đuổi những mục tiêu nghề nghiệp lớn hơn. 

Song, dù quyết liệt với quyết định chuyển việc, người lao động vẫn mang nhiều nỗi lo về những điều bất như ý, cụ thể là sự cạnh tranh trong bối cảnh khan hiếm nghề nghiệp, sợ bản thân không đủ khả năng và căng thẳng trước sự thay đổi về môi trường. 

“Nếu đã thử hết cách mà con đường cũ không đúng, chúng ta cần kiên định với con đường mới.”

Nếu bạn là một trong những lao động dự định chuyển việc sau Tết, Sông An hi vọng bạn tin rằng mình không cô đơn trong những khó khăn và nỗi lo đang trải qua. Những vấn đề nghề nghiệp không nên bị “bình thường hoá” và bạn đã rất dũng cảm khi đưa ra quyết định dành cho chính mình. Hành trình chuyển việc có thể biến thành cơ hội nếu có sự chuẩn bị kỹ càng. Sông An gợi ý một số hành động như sau: 

  1. Dự phòng tài chính, tránh “dục tốc bất đạt”

Sở hữu quỹ dự phòng từ 3-6 tháng có vẻ là lời khuyên thực tế và phổ biến của đa số khi một người có ý định nghỉ việc hoặc chuyển việc. Với Sông An, chúng tôi muốn nhấn mạnh thêm một góc nhìn khác về quản lý tài chính trong giai đoạn này. Khi bạn đứng trước ngã rẽ quan trọng của sự nghiệp, việc cân nhắc kỹ lưỡng các tiêu chí và đưa ra quyết định sáng suốt là hết sức quan trọng. Bởi lẽ, nếu mang theo nỗi lo về tài chính, bạn sẽ dễ bị cám dỗ bởi những cơ hội ngắn hạn, đánh mất những lựa chọn công việc thực sự phù hợp với khả năng, sở thích và mục tiêu lương bổng. 

Trong giai đoạn chuyển giao này, ngoài dựa vào nỗ lực tự thân, nếu có thể, bạn nên thử tìm sự trợ giúp của gia đình, người thân và bạn bè. Nếu may mắn, bạn có thể an tâm vì đã có thời gian và chỗ dựa tinh thần để đầu tư cho kế hoạch phát triển nghề nghiệp tiếp theo. 

  1. Lắng lại, suy ngẫm để hiểu mình

Thời gian chuyển đổi giữa 2 công việc là khoảng nghỉ tuyệt vời để bạn tặng thời gian cho chính mình. Đầu tiên và quan trọng nhất, hãy cho phép mình được thư giãn và phục hồi sức khỏe tinh thần, thể chất và trí tuệ. Như chúng tôi tại Sông An thường nói, đây là lúc bạn cần “đi chậm để tiến nhanh”. 

Sau giai đoạn nghỉ ngơi, hãy nhìn nhận lại chính mình ở khía cạnh nghề nghiệp. Có thể bạn đã làm việc này ở độ tuổi 17-18, nhưng giờ đây, ở độ tuổi 20, 30, 40,… bạn đã trải qua những thay đổi sâu sắc. Ở bước này, bạn có thể khám phá các trắc nghiệm hiểu mình, cụ thể:

  • Trắc nghiệm Kiểm tra sức khoẻ nghề nghiệp: giúp bạn hiểu rõ các khó khăn đang gặp phải trong quá trình lựa chọn và phát triển sự nghiệp.
  • Trắc nghiệm Indigo: giúp bạn nhận thức về xu hướng hành vi theo DISC, động lực nghề nghiệp và 23 kỹ năng xếp loại theo mức năng lượng khi sử dụng. Từ đó, bạn sẽ hiểu bản thân toàn diện hơn để chọn lựa môi trường và công việc tiếp theo phù hợp.

Sự kết hợp giữa việc suy ngẫm, phản tư và sử dụng công cụ khoa học sẽ giúp bạn có cái nhìn sâu sắc hơn về bản thân và về tình hình nghề nghiệp của mình, từ đó xác định rõ các tiêu chí quan trọng để đưa ra lựa chọn.

  1. Lên chiến lược hành động dựa trên Công thức nâng cao khả năng được tuyển dụng

Theo chuyên gia hướng nghiệp Phoenix Ho, đồng sáng lập Hướng nghiệp Sông An, để nâng cao khả năng được tuyển dụng, bạn cần tập trung vào 3 thành tố: Năng lực hành nghề, Mạng lưới chuyên nghiệp và Nhu cầu tuyển dụng, cụ thể như sau: 

  • Năng lực hành nghề: Đây là thành tố quan trọng nhất. Bạn cần phân tích và xem xét thái độ làm việc, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và các kỹ năng nền tảng bổ trợ dựa trên công việc bạn dự định ứng tuyển. Sau đó, bạn cần dành thời gian học thêm các kiến thức, kỹ năng mới và cập nhật LinkedIn, CV/Resume tương ứng với yêu cầu công việc để sẵn sàng ứng tuyển. 
  • Mạng lưới chuyên nghiệp: Theo chuyên gia Phoenix Ho, mạng lưới chuyên nghiệp là “tất cả những ai biết đến bạn vì năng lực hành nghề của bạn”. Họ có thể là sếp, đồng nghiệp, đồng môn, đối tác, mentor, v.v. có khả năng giúp bạn kết nối đến những cơ hội công việc mà bạn không tự biết đến. Ở bước này, bạn có thể chủ động tái kết nối với mạng lưới chuyên nghiệp để trình bày về nguyện vọng nghề nghiệp cá nhân, hỏi thăm về cơ hội việc làm và thậm chí kết nối với mạng lưới mới ở các sự kiện của công ty/tổ chức mơ ước để gia tăng cơ hội nghề nghiệp.
  • Nhu cầu tuyển dụng: Cuối cùng, bạn cần xem xét nhu cầu của thị trường cho những kiến thức và kỹ năng của bạn đang có. Nếu nhu cầu của thị trường cao, bạn cần xác định những tiêu chí để chọn ra những cơ hội đáng để thử nhất. Nếu nhu cầu của thị trường thấp, đâu là những kỹ năng rất đáng giá mà bạn có thể cạnh tranh, hãy xác định đâu là những kỹ năng chuyển đổi từ công việc cũ giúp bạn nhanh thích nghi với loại hình công việc mới? Khi hiểu được lợi thế cạnh tranh của bản thân, bạn có thể dành thêm một chút thời gian trau dồi thêm những kiến thức, kỹ năng mới để đáp ứng cho công việc mong muốn. 

Kết luận, việc chuyển đổi công việc trong thời điểm hiện tại có thể là một thách thức, nhưng với sự kiên định và chuẩn bị kỹ lưỡng, bạn sẽ tạo ra con đường thành công cho chính mình. Hãy nhớ rằng mỗi bước chuyển mình là một cơ hội để bạn “cứ đi để lối thành đường”, và quyết định sáng suốt sẽ dẫn lối cho hành trình của bạn.

Chúc bạn một năm mới vững vàng và bình an. 

Photo by Marten Bjork on Unsplash

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN