Tác giả: Minh Thảo
Biên tập: Thủy Trúc
Nhận biết một người mất cảm hứng làm việc
Trong những mẩu chuyện phiếm ở nơi làm việc, chúng ta vẫn thường đùa về sự mong chờ đến cuối tuần để được nghỉ ngơi và vui chơi. Tuy nhiên, nếu hành vi rất đỗi quen thuộc và tưởng chừng vô hại đó tiếp diễn liên tục, nối tiếp là cảm giác trì trệ vào mỗi buổi sáng thức dậy, khi nghĩ đến một ngày mới “phải” đi làm, thì đó có thể là dấu hiện khởi đầu của một tình huống đáng lo ngại hơn.
Càng ngày sự chán nản ấy càng len lỏi vào chính công việc của bạn, khiến bạn dù biết rằng mình vẫn có thể làm được tốt hơn nữa thì vẫn không buồn thể hiện hết khả năng của bản thân. Như những zombie “có xác không hồn” được hình tượng hóa trong phim, những người lao động thờ ơ, mất động lực và mất kết nối với công việc cũng giống như zombie vật vờ ở công sở, nơi làm việc.
Bất kỳ ai cũng có thể rơi vào tình trạng này, từ những thực tập sinh, nhân viên, đến các cấp quản lý cao hơn. Theo báo cáo khảo sát “Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2017” khảo sát trên 51,000 đáp viên được thực hiện bởi Anphabe, có đến 45% trong số họ cảm thấy không gắn kết với công ty nhưng 31% vẫn ở lại làm việc. Thế hệ Y (1986 – 2000) chiếm tỷ lệ khá cao trong số đó (32%).
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cảm hứng này rất đa dạng và có thể bắt nguồn từ cả hai phía: người lao động và doanh nghiệp. Ở bài viết này, chúng ta hãy cùng xét đến góc độ nguyên nhân đến từ môi trường bên ngoài.
Nếu bạn:
- Hiện có một công việc đúng với sở thích, năng lực của bản thân mà bạn rất yêu thích. Đồng thời công việc ấy cũng là một bước đúng đắn trên con đường sự nghiệp, có thể giúp bạn tiến thêm một bước trên con đường sự nghiệp mong muốn;
- Tuy nhiên, vì gặp xung đột với môi trường bên ngoài như chế độ lương thưởng không hợp lý, mâu thuẫn với sếp/đồng nghiệp, cơ hội phát triển cao hơn bị hạn chế, v.v, bạn cảm thấy chán nản nhưng thực tế không cho phép bạn thay đổi công việc được ngay
Thì Sông An rất mong được chia sẻ cùng bạn trong bài viết này một số gợi ý giúp tìm lại niềm vui trong công việc.
Tìm lại cảm hứng – Chiến lược đường dài
Xoa dịu cảm xúc
Với một người lao động không còn quá nhiều cảm hứng cho công việc, một ngày làm việc bình thường không những bị kéo giãn dài hơn, mà bất kỳ một chi tiết nhỏ nào từ môi trường cũng tiềm ẩn khả năng phóng đại thành những vấn đề phức tạp, khiến cảm xúc của họ luôn mấp mé ở ngưỡng quá tải.
Việc đầu tiên và quan trọng nhất mà người lao động cần làm lúc này là thiết lập ranh giới cảm xúc lành mạnh cho mình. Họ cần tránh đi về hướng bình thường hóa và ngó lơ vấn đề của bản thân, mong chờ một ngày nào đó vấn đề sẽ tự biết mất. Họ cũng phải tránh hướng tự phán xét tiêu cực về chính mình, làm mất đi sự tự tin vốn có. Cả hai phương hướng này không những không giúp giải quyết vấn đề mà còn làm nó dần trở nên trầm trọng hơn, qua thời gian dài có thể dẫn đến hệ quả xấu về sức khỏe tinh thần cho người lao động.
Khi thực tế không cho phép người lao động thay đổi công việc được ngay, thay vì lựa chọn con đường dễ hơn là nghỉ việc, họ lại chọn con đường khó khăn hơn là nỗ lực duy trì công việc. Nỗ lực đó hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận, và người lao động có thể tự hào về sự bền bỉ và nghị lực của mình.
Đánh thức lý trí
Khi cảm xúc ổn định, người lao động đã sẵn sàng cho bước tiếp theo là điều chỉnh lại suy nghĩ của mình.
Rất nhiều người rơi vào “bẫy tạm bợ” khi mất động lực làm việc. Họ chỉ làm việc ở mức cầm chừng, dừng mài dũa kỹ năng và từ chối học hỏi điều mới, từ đó trượt dài vào thung lũng yếu kém. Nghịch lý là họ mong chờ một thay đổi tốt đẹp hơn, nhưng lại không tự chuẩn bị bản thân để nắm bắt cơ hội đó. Người lao động cần liên tục nhắc nhở bản thân tránh bước vào cái bẫy này.
Khi thực trạng không còn cho ta quá nhiều cảm hứng, người lao động có thể mở rộng tầm nhìn và tìm cho mình một cảm hứng ở tương lai bằng cách xác định và tập trung vào một mục tiêu dài hạn. Bỏ qua những yếu tố bên ngoài khiến bản thân chán nản, công việc hiện tại vẫn là niềm yêu thích của bạn. Vì vậy, hãy để nó giữ đúng vai trò là một bước đệm giúp bạn tiến xa hơn vào chặng đường tiếp theo trong kế hoạch nghề nghiệp dài hơi của mình.
Tìm lại cảm hứng – Chiến thuật ở hiện tại
Dưới đây là những hành động cụ thể mà Sông An gợi ý cho bạn. Bạn có thể bắt tay vào thực hiện ngay để thật sự khởi động hành trình tìm lại cảm hứng trong công việc.
- Làm trắc nghiệm REST QUIZ để khoanh vùng yếu tố bạn “thiếu” nhất lúc này, từ đó chọn cách nghỉ ngơi phù hợp. Theo đó, có đến 7 hình thức nghỉ ngơi để giúp một người hồi phục ở nhiều khía cạnh khác nhau như thể chất, tinh thần, cảm xúc, xã hội. Cách thức nghỉ ngơi để lấy lại sức khỏe thể chất (physical) sẽ rất khác với cách thư giãn để tái tạo sức sáng tạo (creative). “Bắt đúng bệnh, kê đúng thuốc” sẽ giúp bạn lấy lại năng lượng hiệu quả cũng như thấy được cải thiện nhanh chóng hơn. Bạn cũng có thể tham khảo thêm Ốc đảo 30 ngày giải tỏa căng thẳng trong công việc, tại đó Sông An sẽ đồng hành cùng bạn ở những bước đầu trên hành trình thiết lập lại sự cân bằng.
- Phác thảo kế hoạch hành động và thời gian thực hiện dựa trên mục tiêu cụ thể mà bạn hướng đến. Các mục tiêu không chỉ gói gọn ở công việc mà còn bao gồm mục tiêu trong cuộc sống hằng ngày.
Trong công việc:
Để bắt đầu, bạn có thể đặt cho mình những câu hỏi như:
-
- Tôi đang gặp vấn đề gì trong công việc hiện tại?
- Điều gì nằm trong tầm kiểm soát của tôi?
- Điều gì nằm ngoài tầm kiểm soát?
- Làm sao để cải thiện?
- Đánh giá kết quả thực hiện bằng tiêu chí gì?
Khi đã có mục tiêu cụ thể, bạn hãy sáng tạo các hành động thực tiễn sao cho phù hợp thực tế và khả năng của bản thân. Ví dụ:
-
- Để đạt được mục tiêu “nâng cao kỹ năng làm việc X”, tôi sẽ tham gia khóa học Y diễn ra 2 buổi/tuần trong 2 tháng, từ tháng 6-7 năm nay;
- Để giải quyết sự không minh bạch trong việc đánh giá kết quả công việc, tôi sẽ đề xuất công khai bảng phân chia nhiệm vụ của mỗi thành viên trong nhóm kèm tiêu chí đánh giá rõ ràng bằng số cho mỗi nhiệm vụ được giao.
Trong cuộc sống hằng ngày
Việc mất động lực làm việc sẽ ảnh hưởng đến lối sống của bạn một cách tinh tế, biểu hiện qua những thói quen mà có thể chính bạn cũng không nhận ra có điều bất thường như: sử dụng đồ uống có cồn/caffein nhiều quá mức bình thường, thiếu ngủ hay ngủ quá nhiều trong ngày, mua sắm quá đà, du lịch để giải tỏa liên tục, v.v. Để quá trình tìm lại cảm hứng có kết quả như mong đợi, bạn cũng phải rà lại thói quen sinh hoạt của mình.
Phá bỏ thói quen xấu và xây dựng thói quen tốt có thể trợ giúp bạn trong hành trình này. Ví dụ như: chỉ uống 1 cốc cà phê/ngày vào buổi sáng, tập thể dục ít nhất 3 tiếng/tuần, ăn sáng mỗi ngày, v.v.
- Hình ảnh hóa kế hoạch hành động qua một công cụ (ứng dụng, phần mềm, gói dịch vụ do một bên thứ ba cung cấp, v.v.) để liên tục theo dõi tiến độ của bản thân, từ đó điều chỉnh tức thời những chỗ chưa phù hợp. Bạn hãy thử tìm hiểu Biểu mẫu lập kế hoạch phát triển nghề nghiệp dành cho cá nhân, ứng dụng theo dõi thói quen Habit Tracker để có thêm ý tưởng nhé.
Mẹo: Rèn luyện theo kế hoạch hành động trên mang tính trường kỳ, lặp đi lặp lại liên tục theo tần suất xác định. Để tránh sự nhàm chán trong quá trình thực hiện lâu dài, bạn nên có những cú hích đột ngột và ngẫu hứng, đặc biệt là những cú hích ngoài công việc và ngoài kế hoạch, để có thể làm mới cảm xúc liên tục và đồng thời đa dạng hóa cảm hứng từ cuộc sống. Ví dụ: thực hiện một ước mơ trong bucket list của bạn vào năm 15 tuổi, vốn bất khả thi vào 10 năm trước – đi xem concert của nghệ sĩ quốc tế mà bạn yêu thích.
Câu thần chú có thể giúp bạn bật ra ý tưởng ngẫu hứng là “When was the last time I did something for the first time?” – “Đã bao lâu rồi mình chưa thử làm một điều gì mới?”, hoặc bạn có thể tham khảo gợi ý các hành động tích cực tại đây.
Lời cuối: Việc kỳ vọng một người mất kết nối trong công việc phải phấn chấn, hăng hái lại ngay sau một cuộc trò chuyện, một bài viết hay trong một ngày, một tuần là rất không thực tế. Ngược lại, đó là quá trình yêu cầu sự cam kết và bền bỉ. Vì vậy, bạn hãy yên tâm thực hiện quá trình này theo bất kỳ nhịp điệu nào phù hợp với bản thân.
Tài liệu tham khảo:
- https://shekinarochat.com/downloads/files/Positive%20Activities%20Menu_ENG.pdf
- https://store.hbr.org/product/hbr-guide-to-navigating-the-toxic-workplace/10669
Bài viết liên quan: