Tác giả: Thủy Trúc
Biên tập: Minh Thảo
Bạn có đang “quá tải”?
41% nhân viên cho biết họ cảm thấy rất căng thẳng trong ngày hôm trước (Gallup, 2024).
Còn bạn thì sao?
- Trên thang từ 1 (thấp nhất) đến 10 (cao nhất), bạn cảm thấy căng thẳng ở mức nào trong công việc?
- Tình trạng này đã kéo dài bao lâu?
Trong cuộc sống cũng như khi đi làm, chúng ta không ai có thể tránh khỏi “stress” và “stress” không phải lúc nào cũng tiêu cực. Tuy nhiên, nếu bạn liên tục ở trong tình trạng căng thẳng cao độ mà không điều tiết được, rất có thể bạn sẽ nhận thấy sức khỏe tinh thần, sức khỏe thể chất cũng như chất lượng mối quan hệ xung quanh của bản thân bắt đầu giảm sút.
Đừng để đến lúc quá muộn khi bạn trở nên hoàn toàn kiệt sức! Ngay lúc này, hãy dành ít phút để nhìn lại, đánh giá tình trạng căng thẳng của bản thân thông qua hai câu hỏi trên và một số gợi ý từ Sông An về những hệ quả thường gặp khi căng thẳng kéo dài. Liệu bạn có đang:
- Không ngủ đủ 7-8 tiếng và thường thức dậy với cảm giác mệt mỏi?
- Thường xuyên cảm thấy cáu kỉnh, thiếu kiên nhẫn hoặc lo lắng?
- Khó tập trung và dễ bị phân tâm?
- Không có thời gian cho những việc cá nhân mà mình yêu thích?
- Ăn uống không đủ chất dinh dưỡng hoặc thường xuyên bỏ bữa?
- Không có thời gian chất lượng dành cho gia đình và người thân?
Càng căng thẳng, càng khó thư giãn?
Khi nhận ra mình đang “quá tải”, hãy thử nhớ lại xem bạn thường làm gì để “giảm tải” cho bản thân?
Có bao giờ bạn cảm thấy thật khó để thư giãn khi đang cố gắng đạt KPI hoặc đang làm dở một dự án? Đầu óc bạn luôn “nhảy số”. Công việc thậm chí đi theo bạn vào cả giấc mơ: bạn mơ thấy mình đang thuyết trình hoặc đang chỉnh sửa một spreadsheet nào đó. Ban ngày, bạn “nốc” 3-4 ly cà phê (hoặc nước tăng lực, trà sữa, v.v.) để giữ mình tỉnh táo và đủ năng lượng. Bạn tự an ủi bản thân rằng chỉ cần qua được tuần này, tháng này hoặc giai đoạn này thôi, mình sẽ được nghỉ ngơi.
Bạn nghĩ rằng mình chỉ nên và chỉ có thể nghỉ ngơi khi hoàn thành công việc, nhưng bạn có để ý rằng, công việc không bao giờ dừng lại không? Dự án này sẽ nối đuôi dự án khác, KPI này hoàn thành thì sẽ luôn có những KPI mới được đặt ra? Trong khi đó, bộ não và cơ thể của bạn phải liên tục hoạt động và chịu áp lực để đáp ứng những đòi hỏi từ công việc. Điều này làm cho bạn thật khó để có thể thư giãn! Bạn sợ mình sẽ bị tụt lại, thậm chí cảm thấy tội lỗi nếu cho phép bản thân mình nghỉ ngơi khi chưa xong việc.
Nhưng bạn biết không? Cơ thể và tâm trí được tái tạo năng lượng đầy đủ sẽ giúp nâng cao hiệu quả làm việc và chất lượng cuộc sống của bạn nói chung. Vì vậy, Sông An muốn mời gọi bạn đánh giá lại về cách bạn đang ứng phó với những căng thẳng trong công việc và chủ động lập kế hoạch cho việc nghỉ ngơi. Bạn có thể đọc thêm về Hệ thống nghỉ ngơi 3M: Micro – Meso – Macro break và 7 loại hình nghỉ ngơi được Sông An tổng hợp qua bài viết Nghỉ ngơi đúng cách: Chìa khoá tạo sức bền trong công việc.
Đầu tư vào “micro-break” – nghỉ ngơi ngắn
Trong tốc độ thay đổi chóng mặt của thế giới đi làm hiện nay, chúng ta không thể chỉ dựa vào những kỳ nghỉ phép dài ngày để tái tạo năng lượng mà cần học cách tạo dựng thói quen nghỉ ngơi ngắn và đều đặn mỗi ngày. Hình thức nghỉ ngơi này có tên gọi là “micro-break”, sở dĩ được gọi là “micro” vì đây là những khoảng nghỉ ngắn, kéo dài chỉ vài phút nên có ưu điểm là rất dễ thực hiện. Một nghiên cứu từ Đại học Sydney (Úc) cũng đã chỉ ra rằng chỉ cần 5 phút nghỉ không làm gì là đã có thể giúp ta tập trung lại và chú ý tốt hơn. Một số hoạt động “micro-break” khác mà Sông An có thể gợi ý cho bạn, chẳng hạn như:
- Hít thở sâu bằng bụng.
- Lắng nghe một bản nhạc không lời.
- Nhớ lại một nơi mang lại cảm giác an toàn và thoải mái cho bạn. Nhắm mắt và cho phép mình quay về không gian đó.
Nếu bạn cần sự đồng hành để cam kết nghỉ ngơi và giải tỏa căng thẳng, Sông An thân mời bạn đăng ký Ốc đảo 30 ngày giải toả căng thẳng công việc. Bạn sẽ nhận email vào 12:00 trưa trong 30 ngày liên tục, và chỉ cần dành ra 2 phút để hoàn thành một hoạt động đơn giản để xây dựng thói quen nghỉ ngơi ngắn.
Sông An hy vọng rằng thông qua bài viết này, bạn sẽ bắt đầu đầu tư nghiêm túc vào các hoạt động nghỉ ngơi cho bản thân nhé!
Tài liệu tham khảo
Gallup. (2024). State of the Global Workplace report. https://www.gallup.com/workplace/349484/state-of-the-global-workplace.aspx#ite-645944
Schwartz, T., & McCarthy, C. (2007, October). Manage your energy, not your time. Harvard Business Review. https://hbr.org/2007/10/manage-your-energy-not-your-time
University of Sydney. (2023, July 4). 5-minute brain break: refresh your mind (anywhere). https://www.sydney.edu.au/news-opinion/news/2023/07/04/5-minute-brain-break-refresh-your-mind-attention-psychology-expert.html
Bài viết liên quan: