Một cậu bé mắc chứng khó đọc đã mang lá thư thôi học của trường đưa cho mẹ mình đọc, người mẹ đã nói rằng cậu sẽ tự học ở nhà vì cậu quá tài năng nên trường không đủ giáo viên giỏi để dạy cậu. Nhiều năm sau đó, người con tìm lại được lá thư trên đó có dòng chữ “Con trai bà là kẻ đần độn.” Đọc xong ông bật khóc, cậu bé ngày đó đã trở thành nhà phát minh vĩ đại nhất thế giới và đã viết vào nhật ký của mình rằng: “Thomas Alva Edison là một đứa trẻ đần độn, nhờ người mẹ anh hùng mà trở thành thiên tài của thế kỷ.”
Câu chuyện bất hủ trong giới khoa học này cũng đã đề cập đến một loại tư duy vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng lớn đến sự tiến bộ của người học, được gọi là “tư duy phát triển”. “Tư duy phát triển – Growth Mindset” là tập hợp suy nghĩ, quan niệm và niềm tin rằng sự phát triển và tiềm năng của mỗi một con người là vô hạn. Bạn chỉ là “chưa đạt được” chứ không phải “không đạt được” một mục tiêu nào đó. Tư duy phát triển nói với bạn rằng, hãy luôn xem thử thách là cơ hội, hãy luôn tìm cách để đối diện và giải quyết vấn đề, hãy luôn lắng nghe và biết ơn những góp ý thiện chí của mọi người và đồng thời, hãy luôn giữ cho mình sự tò mò những điều mới mẻ.
Đối với những người đang theo đuổi và rèn luyện lifelong learning (học tập suốt đời), tư duy phát triển này đóng vai trò là động lực thúc đẩy sự chủ động và tạo ra nguồn cảm hứng bất tận cho việc học. Đó là nền tảng vững chắc giúp người học hướng tới việc giải quyết khó khăn hơn là việc tìm lý do để ngừng lại. Tư duy phát triển góp phần củng cố ý chí con người bằng niềm tin vào tiềm năng vô tận, khiến cho ý chí phát huy mạnh mẽ hơn và bền bỉ hơn.
Liệu bạn có tin rằng tiềm năng bên trong mình là vô hạn? Cùng thử làm một trắc nghiệm thú vị mang tên “What is my mindset?” để hiểu hơn nhé!
Trắc nghiệm Công cụ đánh giá lối tư duy: https://huongnghiepsongan.com/mindset/
Ngược lại với sự lạc quan và tinh thần cầu thị, có một loại tư duy khác đang trở thành rào cản đối với sự phát triển của con người, ý niệm này được gọi là “Fixed Mindset” – Tư duy cố định. Đặc điểm của loại tư duy này là sự tiêu cực và phiến diện khi đối mặt với thử thách, luôn tự giới hạn bản thân trong những hiểu biết hạn hẹp đã có và khó chấp nhận những phản hồi, nhận xét từ người khác. Cứ theo luật hấp dẫn, bạn càng nghĩ về điều gì thì điều đó sẽ càng dễ trở thành sự thật. Chính vì vậy mà người mang tư duy cố định cũng thường không đạt được mục tiêu trong cuộc sống, luôn trong trạng thái “tạm chấp nhận” và luôn so sánh, tị nạnh với thành tựu của người xung quanh. Đây cũng là tiền đề cho các hội chứng thường thấy như FOMO (hội chứng lo sợ bỏ lỡ),…
Tạm kết, tư duy là yếu tố quyết định cách thức và kết quả khi làm việc và học tập của con người. Dưới áp lực phải ra quyết định nhanh trong nhiều tình huống, ta cần ý thức dừng lại vài giây để quan sát luồng suy nghĩ của chính mình đang đi theo lối tư duy nào, phù hợp hay không và nhanh chóng điều chỉnh. Tư duy phát triển cũng như các loại tư duy hay kỹ năng khác, đều cần một quá trình nhận thức và rèn luyện lâu dài.
Để hiểu hơn về Growth Mindset và Fixed Mindset, bạn có thể xem thêm video từ TED.com (có phụ đề tiếng Việt) do Giáo sư Carol Dweck trình bày tại đây: https://www.ted.com/talks/carol_dweck_the_power_of_believing_that_you_can_improve/transcript
Sông An chúc bạn vững tâm trên hành trình phát triển bản thân mình!
—
Nguồn tham khảo:
Sách: Tôi, tương lai và thế giới – Tác giả Nguyễn Phi Vân
TED: https://www.ted.com/talks/carol_dweck_the_power_of_believing_that_you_can_improve/transcript
https://timviec365.vn/blog/chi-so-iq-la-gi-new5479.html
Bài viết liên quan: