Tác giả: Tiến Toàn
Biên tập: Minh Thảo
Trong một bài báo online, tôi có đọc được câu nói của nguyên chủ tịch Đại học Fulbright, bà Đàm Bích Thủy, rằng 80% công việc của năm 2030 vẫn chưa xuất hiện. Điều này khiến tôi suy nghĩ: “Liệu 5 năm nữa, 10 năm nữa, công việc của mình sẽ ra sao? Liệu những kỹ năng mình đang có còn giá trị? Hay mình sẽ bị bỏ lại phía sau trong một thế giới công việc đang thay đổi chóng mặt?”.
Chúng ta sẽ thật sự bị bỏ lại phía sau? Câu trả lời sẽ nằm ở câu chuyện chúng ta sẽ phát triển và thích nghi như thế nào với sự thay đổi của công việc.
Nếu tốc độ thay đổi của thị trường > tốc độ phát triển của bản thân ⇒ Chúng ta bị bỏ lại
Nếu tốc độ thay đổi của thị trường = tốc độ phát triển của bản thân ⇒ Chúng ta tồn tại, bắt kịp
Nếu tốc độ thay đổi của thị trường < tốc độ phát triển của bản thân ⇒ Chúng ta thích nghi tốt và nắm bắt được các cơ hội.
Khái niệm Future Fit có thể giúp ta hiểu hơn về điều này.
Future Fit là gì?
Nói một cách đơn giản, Future Fit là sự thích nghi và phát triển để đáp ứng những yêu cầu của thị trường lao động trong tương lai. Nó không chỉ là việc có những kỹ năng “hot” nhất hiện nay, mà còn là khả năng học hỏi liên tục, tư duy linh hoạt và sẵn sàng đón nhận những thách thức mới.
Tại sao Future Fit lại quan trọng đến vậy?
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà công nghệ phát triển với tốc độ chóng mặt, tác động và làm thay đổi nghề nghiệp rất nhanh. Những công việc được coi là “ổn định” ngày hôm nay có thể biến mất vào ngày mai. Nếu không chuẩn bị sẵn sàng, bạn có thể rơi vào tình trạng “thất nghiệp”, không phải vì thiếu việc làm, mà vì thiếu những kỹ năng cần thiết.
Future Fit không chỉ giúp bạn “sống sót” trong thị trường lao động đầy biến động, mà còn mở ra những cơ hội mới, những con đường sự nghiệp mà bạn chưa từng nghĩ tới và tạo nên những thành công trong sự nghiệp của bạn.
Làm thế nào để trở nên Future Fit?
Tôi xin đưa ra những gợi ý như sau:
Đầu tiên, hãy tìm hiểu và dự đoán: chúng ta không phải là đi xem bói xem chuyện gì sẽ xảy ra mà hãy tìm hiểu về các thông tin, dự báo để nắm bắt các xu hướng đang diễn ra với lĩnh vực của bạn.
Hãy thử tự hỏi:
- Trong lĩnh vực của mình, đâu là những xu hướng chính đang nổi bật lên?
- Đâu là những cơ hội nghề nghiệp đang phát triển?
- Đâu là những kỹ năng đang ngày càng quan trọng hay được săn đón?
Các thông tin này có thể có trong các báo cáo chuyên ngành, các hội thảo, sự kiện trong lĩnh vực của bạn hay đơn giản là bạn trò chuyện với những người làm việc trong lĩnh vực mà mình quan tâm. Một ví dụ của cá nhân tôi là tôi rất hay đọc các tạp chí chuyên môn như Training magazine, hay dự hội thảo hay triển lãm về ngành Nhân sự (HR) Việt Nam, hội nghị Giải pháp Nhân sự Việt Nam (Vietnam HR Summit) để luôn cập nhật tình hình thị trường.
Tiếp đó, từ tương lai, bạn trở về với thực tại để đánh giá bản thân: thành thật nhìn nhận năng lực bản thân ở thời điểm hiện tại. Bạn đang thiếu những kỹ năng gì cho tương lai? Bạn cần phát triển những kỹ năng nào để đáp ứng yêu cầu mới của thị trường? Mỗi năm, tôi đều có một hoạt động gọi là career retreat (có thể hiểu là “tái định hướng sự nghiệp”), nơi tôi dành thời gian đánh giá lại mình trong năm trước và hướng về các hành động cho tương lai. Tôi rất khuyến khích bạn có những hoạt động như vậy để tạo những năng lượng tích cực cho sự nghiệp.
Học tập liên tục: đừng bao giờ ngừng học hỏi! Hãy tham gia các khóa học, đọc sách, nghe podcast, hoặc tìm một người mentor, coach (người hướng dẫn, cố vấn) để giúp bạn phát triển. Đừng ngại thử những điều mới, bởi vì đó chính là cách bạn khám phá những tiềm năng của bản thân.
Gieo hạt: có một lý thuyết hướng nghiệp có tên là Lý thuyết Ngẫu nhiên Có kế hoạch của thầy John Krumboltz. Một trong các ý quan trọng của nó là về những may mắn ngẫu nhiên trong hành trình sự nghiệp. Theo đó, nhiều người cho rằng may mắn đến một cách ngẫu nhiên, với người nào “số đỏ”. Nhưng bản chất đó là nhờ quá trình gieo hạt mà ta có thể lên kế hoạch. Ví dụ như bạn tôi chia sẻ rằng bằng việc tham gia host một buổi đọc sách về Nhân sự, về sau, một người bạn trong nhóm đã kết nối bạn với công việc hiện tại.
Một ví dụ thực tế mà tôi muốn chia sẻ để minh họa cho các ý ở trên là AI. Chắc bạn đã đọc những tin, bài về việc AI có thể lấy mất việc làm của con người. Nhưng cũng có người chia sẻ rằng: “Đừng sợ AI, hãy sợ những người biết cách dùng AI hiệu quả, đó mới là người giành lấy công việc của bạn.” Bản thân tôi đồng ý với câu nói này từ trải nghiệm cá nhân. Tôi bắt đầu tìm hiểu AI và cách ứng dụng cho nghề Nhân sự của mình để học hỏi. Hiện tại, tôi đã có thói quen là khi bắt đầu một việc gì đó, tôi sẽ nhờ AI gợi ý cách làm hay, hoặc nhờ AI đưa ra kết quả; hoặc trong quá trình tìm việc, chuẩn bị phỏng vấn, tôi hỏi AI về những câu hỏi mà tôi cần chuẩn bị, cũng như nhờ nó giúp tôi tìm hiểu công ty mà tôi ứng tuyển,… Nhờ đó, tôi có sự tự tin hơn nhiều khi đi phỏng vấn. Tôi cũng ủng hộ hành trình chuyển đổi số của công ty, tự học viết ứng dụng (app) với MS Power Apps và hỗ trợ phòng Nhân sự tự viết ra các ứng dụng trong công việc với công cụ này. Nhờ đó mà phòng Nhân sự giảm khối lượng công việc, đồng thời làm các nhân viên trong công ty thích thú với trải nghiệm làm việc với phòng Nhân sự hơn vì quá trình nhanh và hiệu quả. Tôi học được rằng, bằng cách tận dụng công nghệ, tôi sẽ thành công hơn thay vì sợ hãi, lo lắng mà không làm gì để thích nghi.
Cuối cùng, Future Fit không phải là một đích đến, mà là một hành trình. Hãy luôn giữ cho mình một tinh thần ham học hỏi, sẵn sàng thay đổi và không ngừng phát triển. Bằng cách đó, bạn sẽ luôn là “ứng viên sáng giá” trong mắt nhà tuyển dụng, bất kể thị trường lao động có biến động ra sao.
Hãy nhớ, tương lai nằm trong tay của những người dám thay đổi và không ngừng thích nghi!
Tài liệu tham khảo:
Tạp chí Tri Thức. 80% công việc của năm 2023 vẫn chưa xuất hiện. https://znews.vn/80-cong-viec-cua-nam-2030-van-chua-xuat-hien-post1401657.html
Bài viết liên quan: