Trước một khởi đầu mới, mời bạn thử thói quen đơn giản này

Tác giả: Thanh Tâm

Biên tập: Minh Thảo

Bạn có nhận ra, mỗi ngày trôi qua, chúng ta đều đang đón nhận một điều gì đó mới mẻ?

Khởi đầu mới thường kích thích những cảm xúc mạnh hơn ở con người, có thể là hào hứng, có thể là bất ngờ hay căng thẳng, v.v. Nhược điểm của nó là khó lường trước, và vì thế nó đòi hỏi bạn phải có kỹ năng thích nghi, xử lý tình huống khéo léo.

Trong phạm vi công việc, khởi đầu mới là khi bạn chọn đảm nhận thêm một nhiệm vụ mới, quyết định đi học để nâng cao bản thân, chuyển ngành, chuyển nghề, v.v. Hoặc, giải quyết một vấn đề nan giải từ trên trời rơi xuống cũng là cách một người bắt đầu một trải nghiệm mới.

Ngày nào còn làm việc thì ngày đó chúng ta còn là một “người mới”. Ưu điểm của “người mới” thường là tinh thần xông xáo, đón đầu khó khăn với mong muốn biến nó thành cơ hội. Điểm yếu của “người mới” lại dễ nhận ra hơn: là nóng vội và thiếu kinh nghiệm.

Đôi khi chúng ta nôn nóng được làm để được thấy kết quả, trong khi chưa rõ kết quả sau cùng mà ta mong muốn sẽ trông như thế nào. Khi đó, chúng ta vội vàng tiến hành các bước trong kế hoạch mà chưa rõ từng bước có tác động gì tới mục tiêu chung. Mặt khác, việc lên kế hoạch rời rạc, thiếu trọng tâm cũng là một biểu hiện khi chúng ta thiếu kinh nghiệm làm việc. 

Ví dụ: Một bạn trẻ vừa mở tiệm bánh ngọt tại khu dân cư mới. Bạn quyết định mở quầy ăn thử trước cửa hàng để thu hút khách và giới thiệu về các dịch vụ. Tuy nhiên, khi bắt tay thực hiện, bạn lại quá chú trọng vào việc đảm bảo chất lượng bánh, quên mất việc chủ động giao tiếp và ghi nhận ý kiến khách hàng. Sự tập trung quá nhiều vào khâu chuẩn bị có thể xuất phát từ áp lực doanh số, nhưng thực tế, tương tác với khách hàng mới là yếu tố cốt lõi giúp bạn đạt mục tiêu quảng bá. Sau chiến dịch, bạn có thể đạt được một số kết quả nhất định về doanh số, nhưng lại bỏ lỡ cơ hội quý giá để quảng bá thương hiệu và xây dựng mối quan hệ với những khách hàng mới – người sẽ đem về doanh thu bền vững cho mình trong tương lai.

Vậy làm sao để bạn trẻ ấy, bạn và tôi bình tĩnh đón nhận những khởi đầu có phần khó-lường, và đi từng bước vững chắc hơn tới mục tiêu? 

Bài viết này sẽ nói bạn nghe một thói quen rất nhỏ để chúng ta có thể từ tốn đối diện, hay khám phá những chân trời mới trong công việc và cuộc sống. Thói quen này là Begin with the end in mind.

Begin with the end in mind là gì?

Đây là thói quen thứ hai trong cuốn sách nổi tiếng “7 Thói Quen Hiệu Quả” (Tái bản 2024) của Stephen Covey. Tôi thường dịch câu này sang tiếng Việt là “Hãy bắt tay hành động khi đã rành mạch một đích đến trong suy nghĩ”. 

Điều thú vị là thói quen này rất nhỏ, thậm chí chẳng cần bạn phải có chiến lược cụ thể để thực hiện nó. Về bản chất, Begin with the end in mind là một phương pháp kéo bạn nghĩ chậm lại trước khi đưa ra quyết định, để hình dung được tác động của việc bạn sắp làm lên bức tranh toàn cảnh của những gì quan trọng nhất đối với bạn.

Vì sao thói quen này hiệu nghiệm với “người mới”?

Với “người mới”, thói quen này đặc biệt hữu hiệu khi nó giải quyết thẳng hai điểm yếu của họ như đã nói từ đầu, là sự thiếu kinh nghiệm và nóng vội.

“Người mới” có nhiều năng lượng nhưng cũng dễ bị cuốn vào các hoạt động không thực sự quan trọng hoặc không phù hợp với mục tiêu dài hạn. Họ cũng có thể cảm thấy choáng ngợp trước những thử thách và không biết bắt đầu từ đâu.

Begin with the end in mind giúp “người mới” xác định rõ mục tiêu cuối cùng và vạch ra lộ trình để đạt được mục tiêu đó. Khi đạt được những mục tiêu nhỏ trên con đường hướng tới mục tiêu cuối cùng, những “amateur” như chúng ta sẽ tự tin hơn vào khả năng của mình. Thực tế, đây không chỉ là thói quen hữu ích cho “người mới” – để bắt đầu một điều mới hoàn toàn, mà còn có lợi cho bất cứ ai đang đặt mục tiêu “duy trì” hay “cải thiện” bản thân.

Làm sao để biết mình đã suy nghĩ xong và sẵn sàng hành động?

Một “cái kết đẹp” trong suy nghĩ để tự tin bắt tay vào hành động là khi bạn làm rõ được 

  • Kết quả cuối cùng mình muốn đạt được trong quá trình (mục đích) là gì;
  • Các hành động cần làm tiếp theo để đạt từng mục tiêu nhỏ trên quá trình ấy.

Stephen Covey gợi ý ba bước sau:

1. Viết ra mục tiêu một cách cụ thể và rõ ràng. Hãy sử dụng ngôn ngữ tích cực và tránh từ ngữ mơ hồ. 

Ví dụ, thay vì nói “Tôi muốn tập thể dục”, hãy nói “Tôi sẽ thử tập 2 buổi với huấn luyện viên cá nhân (PT) một tuần, duy trì trong 3 tháng tới”.

2. Hình dung về thay đổi tích cực sẽ xảy ra khi bạn đạt được mục tiêu. Điều này sẽ giúp bạn tăng cường động lực và cam kết với mục tiêu của mình.

Ví dụ, tôi trao đổi với PT về các thay đổi trên cơ thể và sức khỏe có thể nhìn thấy được qua 1 tháng – 3 tháng – 6 tháng.

3. Lập kế hoạch hành động cụ thể (tham khảo mô hình SMART).

Thử với nhau xem!

Trong thực tế, không phải lúc nào ta cũng cần lập kế hoạch theo mô hình bài bản. Điều quan trọng là xác định rõ mục tiêu cuối cùng và hình dung kết quả mong muốn cho kế hoạch của bản thân.

Chúng ta thử thực hành Begin with the end in mind với nhau ở một tình huống cụ thể sau đây nhé!

Rất may mắn, từ đầu năm, tôi được bổ nhiệm lên vị trí quản lý một đội nhóm nhỏ sẽ cùng tôi thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn. Là một người thuần làm chuyên môn, tôi biết mình không có nhiều kinh nghiệm quản trị nhân sự. Sau thời gian tìm hiểu tự do và áp dụng tủn mủn vào công việc, giờ đây tôi cảm thấy mình đã sẵn sàng để học kỹ năng này bài bản hơn. Tôi đã viết xuống kế hoạch cho mình. 

  • Mục đích: “Áp dụng được kiến thức quản trị có cơ sở khoa học vào đội nhóm mình, và lĩnh hội được kinh nghiệm của những người trong ngành quản trị nhân sự”
  • Các mục tiêu & kế hoạch

Kết lại, tôi thấy thói quen này có cách làm đơn giản nhưng hiệu quả lại rất lớn, như một mũi tên đánh trúng vào những điểm yếu của chúng ta khi bắt đầu hành trình mới. 

Trong 7 thói quen làm việc hiệu quả của Stephen Covey, đây là thói quen thực sự lấy bạn làm trọng tâm (Human-oriented) thay vì lấy kết quả làm trọng tâm (Result-oriented). Nó không đốc thúc bạn đưa ra quyết định hay cho bạn công thức để đưa ra các quyết định đúng. Nó đơn thuần là lời nhắc nhở bạn chậm lại để hiểu hết ý định của mình. 

Tài liệu tham khảo:

Franklin Covey. The 7 Habits of Highly Effective People. https://www.franklincovey.com/the-7-habits/

Asana. (2024). Begin with the End in Mind to maximize your potential. https://asana.com/resources/begin-with-the-end-in-mind

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN