Để không một ai bị bỏ lại đằng sau: Sống cùng AI

Tác giả: Nhi Nguyễn

Biên tập: Trúc Lê

“Trong suốt cuộc đời, tôi đã có dịp chứng kiến 2 công nghệ mang tính cách mạng.

Lần đầu tiên là vào năm 1980, khi tôi được giới thiệu với giao diện đồ họa người dùng (graphical user interface) – tiền thân của mọi hệ điều hành hiện đại, bao gồm cả Windows. Tôi ngồi xem bản demo cùng với một lập trình viên xuất sắc Charles Simonyi, và ngay lập tức chúng tôi động não về tất cả những điều chúng tôi có thể làm với cách tiếp cận máy tính thân thiện với người dùng. Sau đó, Charles đã gia nhập Microsoft, Windows trở thành xương sống của Microsoft. […] 

Bất ngờ lớn thứ hai chỉ đến vào năm ngoái. Tôi đã gặp nhóm OpenAI từ năm 2016 và rất ấn tượng trước sự tiến bộ vững chắc của họ. Vào giữa năm 2022, tôi rất hào hứng với công việc của họ nên đã đưa ra một thử thách: huấn luyện trí tuệ nhân tạo để vượt qua kỳ thi xếp lớp nâng cao môn sinh học […] Nếu công nghệ này có thể làm được điều đó, thì họ đã đạt được một bước đột phá thực sự. Tôi nghĩ thử thách này sẽ khiến họ bận rộn trong 2 hoặc 3 năm. Họ đã hoàn thành nó chỉ trong vài tháng. […] 

Tôi biết rằng, kể từ sau giao diện đồ họa người dùng, tôi vừa chứng kiến một bước tiến công nghệ quan trọng bậc nhất.”

Đó là đoạn trích từ bài viếtThe Age of AI has beguncủa Bill Gates vừa ra mắt vào tháng 3 vừa rồi. Trong bài viết, Bill Gates đã chia sẻ về 2 công nghệ mang tính cách mạng, một trong đó là AI (Trí tuệ nhân tạo). Vậy như chia sẻ của ông, nếu kỷ nguyên mới của AI đã đến, người lao động nên chuẩn bị và đón đầu xu thế này như thế nào?

Mời bạn đồng hành cùng Sông An để bắt đầu tìm hiểu về AI nhé.

Thông thạo AI là gì?

Theo một nghiên cứu từ Tsz Kit Ng (2021), thông thạo AI bao gồm 4 khía cạnh:

  1. Hiểu biết về AI: Hiểu biết về các chức năng cơ bản của AI và cách sử dụng các ứng dụng AI trong cuộc sống hàng ngày một cách có đạo đức.
  2. Ứng dụng AI: Áp dụng kiến thức, khái niệm và ứng dụng AI trong các tình huống thực tiễn khác nhau.
  3. Đánh giá & sáng tạo AI: Kỹ năng tư duy bậc cao (ví dụ: đánh giá, thẩm định, dự đoán, thiết kế) với các ứng dụng AI.
  4. Đạo đức AI: Lấy con người làm trung tâm trong các vấn đề liên quan đến AI (Ví dụ: Công bằng, Trách nhiệm, Minh bạch, Đạo đức).

Vì sao thông thạo AI quan trọng đến thế?

Trí tuệ nhân tạo (AI) đang thay đổi mạnh mẽ cách chúng ta sống và làm việc. Nó đã và đang tạo ra những bước tiến lớn trong nhiều ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Chính vì vậy, thông thạo AI ngày càng trở nên cấp thiết đối với mọi người. Chẳng hạn, sinh viên Đại học và người đi làm cần nâng cao trình độ hiểu biết về AI vì họ sẽ sớm tiếp xúc với các ứng dụng AI trong quá trình làm việc và cuộc sống hàng ngày của mình (Laupichler và cộng sự, 2022). Các tổ chức cũng cần nắm bắt cách phát triển năng lực AI và đầu tư vào các nguồn lực bổ sung để sử dụng hiệu quả khoản đầu tư vào AI (Mikalef & Gupta, 2021). Có thể thấy, việc nâng cao hiểu biết về AI trên nhiều lĩnh vực xã hội khác nhau là rất quan trọng, nhằm tối ưu hóa việc sử dụng và giảm thiểu các ảnh hưởng tiêu cực tiềm ẩn của AI.

Hơn nữa, theo báo cáo The Future of Jobs 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), 23% các công việc trên toàn cầu sẽ thay đổi trong 5 năm tới do sự biến chuyển ở các ngành nghề, trong đó có ảnh hưởng của AI và các công nghệ xử lý văn bản, hình ảnh và giọng nói. Cụ thể, dự kiến sẽ có 69 triệu việc làm mới được tạo ra83 triệu việc làm biến mất, tương đương với 14 triệu việc làm giảm đi so với hiện tại (bằng 2% lực lượng lao động). Các doanh nghiệp cũng dự đoán rằng, 44% các năng lực nền tảng yêu cầu ở người lao động sẽ có chuyển đổi đáng kể. Vì thế, việc thông thạo AI sẽ giúp người lao động có nhiều cơ hội trong việc tái đào tạo (reskill)nâng cao kỹ năng hiện có (upskill).

Vậy làm thế nào để từng bước trở nên thông thạo AI?

Cũng như bất cứ năng lực nào khác, để thông thạo AI, chúng ta cần trau dồi kiến thức, kỹ năng và thái độ liên quan thông qua sự kết hợp giữa “học” và “hành”. Bạn đọc có thể tham khảo Mô hình 70:20:10, một mô hình cho thấy sự phân chia tỉ lệ về cách thức học tập hiệu quả trong công việc. 

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng:

  • 70% hiệu quả học tập xảy ra trong “trải nghiệm” qua công việc hàng ngày, thử thách và thực hành.
  • 20% hiệu quả học tập xảy ra trong “tương tác” với người khác, như việc chia sẻ, làm việc nhóm, và nhận góp ý từ người khác.
  • 10% hiệu quả học tập xảy ra trong “giáo dục” chính thống, ví dụ như thông qua các chương trình đào tạo hoặc các khóa học.

Ứng dụng từ mô hình này, để có thể thông thạo AI, người lao động không chỉ cần trang bị kiến thức thông qua giáo dục chính quy, mà còn rèn luyện thông qua các hoạt động tương tác và trải nghiệm liên tục. 

Gợi ý từ Sông An

Để bắt đầu, Sông An gợi ý với bạn 3 khóa học bằng tiếng Việt về AI mà Sông An tìm được. 

  1. Khóa học “Sống cùng AI: Hiểu rõ, Dùng đúng và Làm nhanh” được tổ chức bởi AI For You (AI4U) sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản, đúng đắn một cách dễ hiểu, thú vị và thực tế, song song với những kỹ năng thực hành sử dụng AI trong các phương diện khác nhau của cuộc sống hiện đại. Khóa học này do chính thầy Trương Nguyện Thành và đồng giảng viên có kinh nghiệm phát triển ứng dụng AI trong các lĩnh vực khác nhau giảng dạy. Điểm nhấn của khóa học này nằm ở khả năng “bình dân hóa” kiến thức của đội ngũ giảng dạy, phù hợp với học viên chưa có kinh nghiệm sử dụng AI. Tham khảo một lát cắt từ khóa học tại đây.
  2. Khóa học Prompt Foundation – Cách viết prompt ChatGPT và viết prompt AI hiệu quảđược giảng dạy bởi Trung Nguyễn, CEO & Founder của Advertising Vietnam sẽ hướng dẫn người lao động viết prompt (lệnh) ChatGPT chuẩn dựa trên 4 thành phần cơ bản, 9 tips cá nhân và chia sẻ một số sự thật cơ bản về AI. Đây là khóa học miễn phí, kéo dài 75 phút và được đăng tải trên nền tảng YouTube, cho phép người học theo dõi vào mọi khung thời gian. 
  3. Khóa học Deep Learning của AI For Everyone – AI4E cung cấp hệ thống lý thuyết và bài tập thực hành về Deep Learning (mô hình CNN cho lớp bài toán ảnh, các mô hình sinh, mô hình dạng sequence data, v.v.). Đứng lớp là ThS Nguyễn Thanh Tuấn, tốt nghiệp Thạc sĩ Machine Learning tại Đại học Bristol, Anh Quốc với phong cách truyền đạt đầy nhiệt huyết, chú trọng vào bản chất. Đặc biệt, trong khóa học này, học viên sẽ có cơ hội thực hiện 1 dự án cá nhân nhằm giải quyết các bài toán thực tế thông qua Deep Learning. Vì vậy, để tham gia khóa học, học viên cần có hiểu biết căn bản về lập trình Python và Toán cao cấp. Dự kiến, khóa học sẽ khai giảng vào ngày 22/4 sắp tới với hình thức trực tuyến (online), lịch học từ 19h30 – 21h30 tối thứ Hai, thứ Năm hàng tuần.

Đây cũng chính là 10% – “giáo dục” trong mô hình học tập 70:20:10. Sau đó, bạn đừng quên hai yếu tố 70-20 còn lại: “trải nghiệm” và “tương tác” để ứng dụng kiến thức vào thực tiễn và xây dựng năng lực nhé. 

Lời kết 

Bạn thân mến, cảm xúc hiện tại của bạn khi đọc đến những dòng này là gì?

Lắng lo, sợ hãi, ngạc nhiên, hào hứng hay vui mừng? 

Đứng trước sự bùng nổ của AI, ắt hẳn ai cũng sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Sông An mong rằng bạn sẽ chấp nhận cảm xúc nơi bạn và hãy tiếp tục bước đi với tâm thế “lo để liệu”, chứ không phải “lo để sợ”.

Vậy sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ lựa chọn bắt đầu với khóa học nào để chủ động thích ứng và không bị “bỏ lại đằng sau”? Hãy chia sẻ với Sông An nhé!

 

Tài liệu tham khảo

Laupichler, M. C., Aster, A., Schirch, J., & Raupach, T. (2022). Artificial intelligence literacy in higher and adult education: A scoping literature review. Computers and Education: Artificial Intelligence, 100101.

Mikalef, P., & Gupta, M. (2021). Artificial intelligence capability: Conceptualization, measurement calibration, and empirical study on its impact on organizational creativity and firm performance. Information & Management, 58(3), 103434.

Ng, Tsz Kit & Chu, Samuel & Shen, Maggie & Leung, Jac. (2021). AI Literacy: Definition, Teaching, Evaluation and Ethical Issues. Conference: 84th Annual Meeting of the Association for Information Science and Technology.