Tác giả: Hoàng Nguyễn
Biên tập: Minh Thảo
Ngày xưa, vào đời vua Hùng thứ 17, có chàng trai tên là Mai An Tiêm khôi ngô, tháo vát được nhà vua nhận làm con nuôi và gả con gái cho, sau vì làm vua cha phật ý mà bị đày ra đảo hoang. Thay vì bi quan, tuyệt vọng, Mai An Tiêm lại tràn đầy hiếu kỳ. Chàng dành thời gian quan sát thiên nhiên, tìm hiểu về các loài cây cỏ. Một ngày, khi đang đi dạo trên đảo, chàng tình cờ nhặt được một hạt giống lạ. Với bản tính tò mò, chàng đã gieo hạt giống ấy xuống đất và chăm sóc nó. Không lâu sau, một cây lạ mọc lên và ra những quả to tròn, màu đỏ tươi. Chàng nếm thử và thấy chúng rất ngọt mát. Không dừng lại ở đó, Mai An Tiêm còn tìm cách nhân giống loại quả này. Chàng thu thập hạt giống và gieo trồng khắp đảo. Nhờ vậy, đảo hoang dần trở thành một vùng đất trù phú. Khi tin tức về loại quả lạ lan rộng, vua Hùng đã cho người đến đảo để tìm hiểu. Nhận ra sai lầm của mình, nhà vua đã đón Mai An Tiêm và gia đình trở về. Từ đó, loại quả lạ này được nhân giống rộng rãi và trở thành một loại trái cây phổ biến, đó chính là quả dưa hấu.
Câu chuyện về Mai An Tiêm không chỉ là một câu chuyện cổ tích mà còn là một minh chứng sinh động cho thấy tầm quan trọng của sự tò mò. Chính nhờ sự tò mò, ham học hỏi và tinh thần sáng tạo, Mai An Tiêm đã biến một hoàn cảnh khó khăn thành cơ hội để phát triển. Trong thế giới công việc ngày nay, sự tò mò cũng chính là hạt giống gieo mầm cho những ý tưởng đột phá. Giống như Mai An Tiêm, khi chúng ta dám tò mò, dám thử nghiệm, chúng ta sẽ mở ra những cánh cửa mới cho sự nghiệp của mình.
Tò mò thúc đẩy chúng ta tìm kiếm thông tin, khám phá và tận hưởng những trải nghiệm mới mẻ, nuôi dưỡng khả năng sáng tạo.
Khi tò mò, chúng ta sẽ đặt ra nhiều câu hỏi, phân tích thông tin và đánh giá, phản biện các quan điểm ở các góc nhìn khác nhau. Đứng trước một vấn đề, chúng ta sẽ tìm kiếm nhiều cách giải quyết khác nhau, từ đó tìm ra được giải pháp tối ưu nhất. Chúng ta nghĩ ra những ý tưởng mới, kết nối những thông tin tưởng chừng không liên quan, và tạo ra những sản phẩm sáng tạo.
Steve Jobs, người đồng sáng lập Apple, với sự tò mò mãnh liệt với công nghệ và thiết kế, đã không ngừng tìm kiếm những cách thức mới để đơn giản hóa công nghệ và mang lại trải nghiệm tốt nhất cho người dùng. Kết quả của những nỗ lực của ông là sự ra đời của những sản phẩm mang tính cách mạng như iPhone và iPad.
Một đứa trẻ tò mò về các loài động vật sẽ tìm hiểu về chúng qua sách, phim ảnh hoặc thậm chí đi đến vườn thú. Một nhà khoa học tò mò về vũ trụ sẽ dành cả cuộc đời để nghiên cứu và khám phá những bí ẩn của vũ trụ. Một người tò mò về các nền văn hóa khác nhau sẽ đi du lịch, học ngoại ngữ và tìm hiểu về phong tục tập quán của những người dân bản địa.
Nuôi dưỡng sự tò mò dẫn đến sự hài lòng và nâng cao hiệu suất công việc.
Tính tò mò là một nguồn sức mạnh nội tại thôi thúc mỗi người tìm tòi và khám phá những điều mới lạ. Khi chúng ta tò mò, chúng ta chủ động tìm hiểu về các chủ đề liên quan đến bản thân và công việc, từ đó tìm thấy niềm vui và ý nghĩa trong cuộc sống.
Các nghiên cứu cho thấy, sự tò mò có mối liên hệ mật thiết với khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề. Đặc biệt, sự tò mò về nhiều lĩnh vực khác nhau giúp chúng ta tạo ra những ý tưởng độc đáo và sáng tạo hơn nhờ việc tích lũy được nhiều kiến thức từ nhiều nguồn khác nhau, giúp kết nối những thông tin tưởng chừng như không liên quan để tạo ra những giải pháp mới. Vì sự tò mò có thể thúc đẩy quá trình khám phá bản thân, cơ hội và mục tiêu nghề nghiệp trong tương lai của một người, có nghiên cứu còn đưa ra giả thuyết rằng sự tò mò sẽ liên quan đến sự tự tin vào quyết định nghề nghiệp, trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua ý thức về bản sắc dân tộc.
Các “tips” để phát triển tính tò mò.
Sự tò mò là một cơ bắp cần được rèn luyện thường xuyên. Sau đây là ba cách để nuôi dưỡng sự tò mò mà có thể có tác động lớn đến thành công trong sự nghiệp của bạn.
1. Đặt câu hỏi: Chìa khóa mở ra cánh cửa sáng tạo
Albert Einstein, thiên tài vĩ đại của nhân loại, đã từng nói: “Tò mò là động lực thúc đẩy tôi”, và “Điều quan trọng là không ngừng đặt câu hỏi.” Chính nhờ sự tò mò không ngừng về vũ trụ, Einstein đã đặt ra những câu hỏi táo bạo và tìm ra những đáp án thay đổi lịch sử.
Việc đặt câu hỏi không chỉ là một thói quen tốt, mà còn là một công cụ mạnh mẽ để kích thích tư duy sáng tạo. Khi đối mặt với một vấn đề, thay vì vội vàng đưa ra giải pháp, hãy thử đặt ra những câu hỏi như: “Tại sao lại như vậy?”, “Có cách nào khác để giải quyết không?”, “Điều gì sẽ xảy ra nếu…?”. Những câu hỏi này sẽ giúp chúng ta nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ, mở ra những khả năng mới mà chúng ta chưa từng nghĩ tới.
Việc đặt câu hỏi còn là động lực thúc đẩy chúng ta không ngừng học hỏi và khám phá. Khi có một câu hỏi trong đầu, chúng ta sẽ chủ động tìm kiếm câu trả lời, từ đó mở rộng kiến thức và hiểu biết của mình. Lâu dần, thói quen đặt câu hỏi sẽ trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, giúp chúng ta phát triển tư duy phản biện, nâng cao khả năng sáng tạo và giải quyết vấn đề hiệu quả.
Bản thân việc đặt câu hỏi không nên có giới hạn, nhưng bạn có thể tối ưu hóa lợi ích bằng cách tìm hiểu các kỹ thuật về đặt câu hỏi như các câu hỏi sức mạnh, câu hỏi diệu kỳ giúp khai phá tận cùng tiềm năng ở bản thân.
2. Chấp nhận rủi ro: Động lực cho sự đổi mới và thành công
Thành công thường được gắn liền với sự an toàn và chắc chắn. Tuy nhiên, những bước đột phá lại đến từ những người dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận rủi ro khi phá vỡ các quy tắc và tìm kiếm giải pháp mới.
Khi Tiki bắt đầu hoạt động, thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam còn khá mới mẻ và đầy rủi ro. Người tiêu dùng Việt Nam bắt đầu quan tâm đến việc mua sắm trực tuyến, nhưng lại chưa có nhiều lựa chọn về các nền tảng thương mại điện tử uy tín. Các nhà sáng lập Tiki nhận ra rằng một trong những rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam là hệ thống logistics chưa hoàn thiện. Chính sự tò mò về việc làm thế nào để giải quyết vấn đề này đã thúc đẩy Tiki nghiên cứu, tìm hiểu. Cuối cùng, Tiki đã quyết định chấp nhận rủi ro, đầu tư vào kho hàng và xây dựng hệ thống logistics hiện đại, mở rộng danh mục sản phẩm không chỉ bán sách mà còn là nhiều danh mục sản phẩm khác như điện tử, thời trang, mỹ phẩm,… Kết quả là Tiki đã trở thành một trong những nền tảng thương mại điện tử được người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng và yêu thích, góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người Việt.
Khi chúng ta sẵn sàng đối mặt với những điều không chắc chắn, dám thử nghiệm những ý tưởng mới, mặc dù chúng ta không thể chắc chắn rằng mình sẽ thành công, nhưng chắc chắn chúng ta gặt hái được nhiều kinh nghiệm. Những người thành công nhất không phải là những người không bao giờ thất bại, mà là những người biết cách đứng lên sau mỗi lần vấp ngã và tiếp tục tiến về phía trước.
Cần lưu ý rằng chấp nhận rủi ro không phải là một trò chơi may rủi, mà là một quyết định chiến lược dựa trên sự hiểu biết chuyên môn, kỹ năng quản lý cảm xúc và khả năng quản lý rủi ro. Khi chúng ta dám bước ra khỏi vùng an toàn, dám thử nghiệm những điều mới lạ, chúng ta sẽ mở ra những cơ hội vô tận để thành công.
3. Nuôi dưỡng tư duy của người mới bắt đầu
Thiền sư nổi tiếng người Nhật Shunryu Suzuki từng phát biểu trong quyển sách The beginner’s mind (Tâm trí người mới bắt đầu): “Trong tâm trí của người mới bắt đầu, có vô vàn khả năng, nhưng trong tâm trí của người chuyên gia, chỉ có vài lựa chọn”.
Hãy nhớ lại lần đầu tiên bạn bắt đầu một điều gì đó mới, ví dụ những ngày thơ bé khi bạn bắt đầu tập viết chữ. Bạn có thể trải nghiệm lại một phần cảm giác này bằng cách dùng viết chì đồ lên nét vẽ có sẵn trên giấy bằng tay không thuận. Trong lúc đồ lên nét vẽ, bạn không nhìn trực tiếp tờ giấy mà hãy nhìn vào ảnh phản chiếu của nét vẽ qua gương. Khi đó, hẳn là bạn sẽ cảm thấy thật ngạc nhiên nhưng cũng đầy thích thú với cách làm có phần kì quặc này. Đây chính là cảm giác, tâm thế của người bắt đầu – một cái nhìn trong sáng, sẵn sàng khám phá, tò mò học hỏi mọi thứ một cách tự nhiên, không phán xét.
Tâm trí của người bắt đầu không bị ràng buộc bởi kiến thức hay kinh nghiệm trước đó. Tư duy này khá hữu ích khi thực hành liên tục, ngay cả khi chúng ta trở thành chuyên gia vì nó cho phép chúng ta cởi mở hơn với các khả năng và không bị giới hạn bởi chuyên môn. Ta thường nhận được lời khuyên cởi bỏ những điều đã học, đặc biệt là những gì đã cũ (unlearn), khi tiếp cận một kiến thức mới. Nói cách khác, hãy mang một cái đầu mở, hay đặt mình trong tâm thế của “một tách trà cạn” khi học một điều mới. Đó là cách giúp ta tiếp nhận kiến thức một cách trọn vẹn, không phán xét, không bị những kiến thức cũ, những kinh nghiệm về thành công hay thất bại sẵn có của mình làm ảnh hưởng.
Sự tò mò là một cơ bắp cần được rèn luyện thường xuyên.
Sự khác biệt giữa sự trì trệ và thành công lớn có thể chỉ đơn giản là trở nên tò mò hơn. Đây có thể là mắt xích còn thiếu trong thành công trong sự nghiệp của bạn. Cũng giống như Mai An Tiêm, trong cuộc sống và công việc, những người luôn giữ cho mình một trí tò mò sẽ dễ dàng khám phá ra những điều mới mẻ, tạo ra những ý tưởng độc đáo và đạt được những thành công vượt trội.
Đừng để sự tò mò ngủ quên trong bạn. Hãy nuôi dưỡng nó mỗi ngày bằng cách đặt câu hỏi, tìm hiểu những điều mới và thử nghiệm những điều chưa biết.
Tài liệu tham khảo:
Ferne. Unlocking Success: The Power of Curiosity. https://ferneelizking.com/the-link-between-curiosity-and-success/
Pinar Celik, Martin Storme, Andrès Davila, Nils Myszkowski. (2016). Work-related curiosity positively predicts worker innovation. https://www.emerald.com/insight/content/doi/10.1108/JMD-01-2016-0013/full/html
Jay H. Hardy III, Alisha M. Ness, Jensen Mecca. (2016). Outside the box: Epistemic curiosity as a predictor of creative problem solving and creative performance. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S019188691630900X
Francesca Gino. (2022). Why Curiosity Matters for Career Success and 3 Ways to Cultivate and Apply It. https://www.linkedin.com/business/learning/blog/career-success-tips/why-curiosity-matters-for-career-success-3-ways-to-cultivate-and-apply-it
Bài viết liên quan: