Tác giả: Minh Thảo
Biên tập: Thủy Trúc
Thế giới việc làm tương lai (chỉ trong 5 năm tới!)
Tốc độ biến chuyển của thị trường việc làm đang ngày càng nhanh hơn, với nhịp điệu 80-100 năm vào khoảng giữa sau thế kỷ XVIII hiện đã rút ngắn lại chỉ còn từ khoảng 5-10 năm, hay thậm chí ngắn hơn. Theo báo cáo The Future of Jobs 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), 23% các công việc trên toàn cầu sẽ thay đổi trong 5 năm tới bởi ảnh hưởng của AI và các công nghệ xử lý văn bản, hình ảnh và giọng nói.
Sự biến chuyển ngày càng nhanh đó có tác động sâu rộng lên các thế hệ.
Với người trẻ vừa mới tham gia thị trường lao động: họ sẽ đi qua rất nhiều ngưỡng đổi mới trong hàng chục năm làm việc tiếp theo của mình, mà một trong những ví dụ nổi bật là sự tự động hóa công việc. Nếu trước đây việc thiết kế hình ảnh/video quảng cáo được thực hiện hoàn toàn bởi con người, thì ngày nay AI có thể phần nào thay thế ta làm việc đó. Sự thay đổi này vừa ảnh hưởng tới khả năng được tuyển dụng của người lao động, vừa thúc đẩy chuyển đổi mô hình làm việc có sự kết hợp giữa con người và công nghệ/máy móc.
Với người đã làm việc lâu năm: những kinh nghiệm tích lũy và kỹ năng mà họ đã thành thạo lại có thể là một cản trở đối với họ trong việc đón nhận thông tin mới. Ông Akio Toyoda – cựu Giám đốc điều hành của Toyota Motor Corporation, vừa chia sẻ mới đây rằng niềm đam mê xe truyền thống của mình là một hạn chế trong bối cảnh ngành công nghiệp ô tô điều hướng dần sang điện khí hóa và tự động hóa. Do đó, ông đã từ chức để lớp người trẻ có thêm cơ hội đẩy mạnh chiến lược xe điện hơn nữa. Trong tương lai khi tuổi thọ con người trở nên dài hơn nhờ vào tiến bộ của khoa học và y khoa, người lao động có thể làm việc đến những năm 70 tuổi hay thậm chí là hơn thế. Lúc ấy, thách thức “bắt nhịp” của người làm việc lâu năm, ở những độ tuổi 55-65 sẽ càng lớn hơn.
Bạn cảm thấy như thế nào khi nghĩ về một thế giới với nhiều thay đổi như thế?
Có người cảm thấy hoảng loạn trước những thay đổi nhanh đến chóng mặt và nghĩ rằng mình không thể nào theo kịp xu thế; hoặc thờ ơ trước sự biến chuyển, không tự trang bị kiến thức mới như kiến thức về AI vì nghĩ nó chưa cần thiết đến vậy. Hoặc có người nghĩ rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ và hết mình, trong quá trình đó bản thân sẽ tự nhiên phát triển hơn nữa tương ứng với sự đi lên của ngành nghề. Tuy nhiên, với dự đoán rằng 69 triệu việc làm mới được tạo ra và 83 triệu việc làm biến mất, 44% các năng lực nền tảng yêu cầu ở người lao động sẽ có chuyển đổi đáng kể trong 5 năm tới (theo báo cáo The Future of Jobs 2023 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới – WEF), sự cần mẫn trong công việc thôi là vẫn chưa đủ để người lao động có thể đáp ứng yêu cầu của thời đại.
Vậy, đâu là cách tiếp cận đúng đắn? Làm sao để đảm bảo thích nghi được với thế giới việc làm hoặc giữ vững việc làm của mình trong tương lai?
Đi tìm lời giải: Mô hình chữ T – Lời gợi ý từ thế hệ trước
Từ những năm 1980, các chuyên gia đã khái quát mô hình chữ T nhằm giúp người lao động bước vào thị trường việc làm một cách hiệu quả. Cho đến thời điểm hiện tại, mô hình chữ T vẫn đang được ứng dụng rộng rãi và vẫn giữ được giá trị. Mô hình chữ T có ý nghĩa rằng: khi một người có một bề rộng kiến thức hợp lý và vừa đủ, kết hợp với một kiến thức/kỹ năng chuyên môn đặc thù cho một ngành/nghề cụ thể, thì họ sẽ làm tốt công việc của mình cũng như duy trì được năng lực cạnh tranh trên thị trường việc làm.
Tuy nhiên, xét đến tốc độ biến chuyển nhanh chóng của thị trường việc làm, sự ảnh hưởng sâu rộng của trí tuệ nhân tạo lên đời sống và các ngành nghề, cũng như quãng thời gian làm việc dự kiến sẽ dài hơn trong tương lai, mô hình chữ T sẽ sớm trở nên lỗi thời. Trước đây, người lao động có thể đi một đường thẳng từ học tập, làm việc xuyên suốt ở một số ít công ty cho đến nghỉ hưu. Ngày nay, một người lại có thể thường xuyên nhảy việc, hay thay đổi ngành nghề liên tục. Thậm chí chúng ta có thể tưởng tượng rằng, việc thay đổi 20 hay 30 công việc – vốn rất hiếm hay là chuyện không thể ở quá khứ và hiện tại, lại có thể là một điều bình thường trong những thập kỷ tiếp theo. Vì lẽ đó, người lao động cần một mô hình mới bao hàm trong nó sự phát triển nhanh chóng của thời đại.
Đi tìm lời giải: Human+ skills – Kim chỉ nam cho thời hiện đại
Dựa trên mô hình chữ T của những năm 1980, Michelle R. Weise – tác giả cuốn sách Long Life Learning: Preparing for Jobs That Don’t Even Exist Yet (Học tập suốt đời: chuẩn bị cho những công việc còn chưa xuất hiện), đã giới thiệu một mô hình mới.
Trong đó kỹ năng con người (Human Skills) được nhấn mạnh, thay thế cho bề rộng kiến thức (Breadth of knowledge) nói chung. Đồng thời, các kỹ năng chuyên môn (Technical Skills) cũng nhiều hơn, lần lượt trải ra theo chiều dài cuộc đời con người và gắn liền với nền tảng là kỹ năng con người.
Theo Michelle, kỹ năng con người là những kỹ năng hết sức đặc biệt mà chỉ có ở con người, không một chương trình trí tuệ nhân tạo hay thiết bị nào có thể làm được điều tương tự. Theo bộ Kỹ năng Cốt lõi Quan trọng (Critical Core Skills – CCS) của tổ chức SkillsFuture Singapore, kỹ năng con người là nền tảng để từ đó một người có thể xây dựng bất kỳ một kỹ năng chuyên môn nào khác nhằm phục vụ công việc của mình. Một số kỹ năng con người có thể kể đến như: kỹ năng giao tiếp, khả năng đối phó với những điều không chắc chắn, tư duy phản biện, kỹ năng tự nhận thức và tự động viên, v.v. Bạn có thể tìm hiểu thêm về các kỹ năng này qua những báo cáo mà Sông An đã tổng hợp tại đây. Trong thời đại AI, các kỹ năng con người càng có giá trị hơn, giúp tạo ra sự cân bằng giữa máy móc/công nghệ và con người, đồng thời đảm bảo rằng công nghệ được sử dụng một cách có trách nhiệm và hiệu quả.
Để làm được điều đó, mỗi người lao động cần có sự hiểu biết về công nghệ như sự thông thạo AI, khả năng sử dụng các ứng dụng/phần mềm. Tùy vào tính chất công việc mà một người sẽ xác định kỹ năng kỹ thuật số nào là cần thiết cho mình và mức độ thông thạo tương ứng. Sự kết hợp các kỹ năng con người, kỹ năng chuyên môn và sự hiểu biết cách ứng dụng công nghệ đưa đến một tên gọi mới – Human+ skills. Đây cũng chính là chìa khóa giúp người lao động duy trì năng lực cạnh tranh trong tương lai.
Mô hình Human+ skills đồng thời gợi ý cách tiếp cận những thay đổi hay những việc làm mới sẽ xuất hiện trong tương lai mà ở hiện tại không một ai có thể đoán trước được: thông điệp về học tập suốt đời (life long learning). Tất cả chúng ta đều sẽ trở thành working learner – những người vừa học vừa làm, luôn linh hoạt giữa làm việc và học tập kiến thức mới, hay kết hợp cả hai việc cùng một lúc. Và như vậy, ta phải chuyển đổi tư duy rằng: giáo dục không còn là trải nghiệm chỉ diễn ra một lần, được đặt lên hàng đầu trong những năm tháng đầu của quá trình phát triển và trưởng thành của con người. Ngược lại, học tập và phát triển kỹ năng liên tục trong suốt cuộc đời sẽ trở thành một lối sống mới của thời đại.
Để đồng hành cùng bạn “staying relevant” (tạm dịch: duy trì tính cạnh tranh) với thị trường lao động không ngừng thay đổi, Sông An sẽ tiếp tục giới thiệu về khung năng lực nền tảng trong các bài viết sắp tới. Bạn đọc hãy đón chờ cập nhật từ Sông An nhé!
Tài liệu tham khảo:
Michelle R. Weise. (2020). Long Life Learning: Preparing for Jobs That Don’t Even Exist Yet.
Bài viết liên quan: