Đạo diễn – Quản lý sân khấu

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 38
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 12
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học, ngành Đạo diễn sân khấu
  • Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): thiết kế ánh sáng sân khấu, kỹ năng điều phối
  • Số giờ làm hằng tuần: 30h đến 45h
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): công ty trách nhiệm hữu hạn, 3 nhân viên

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

  • Quản lý, xây dựng kế hoạch chương trình hoạt động của công ty
  • Dàn dựng các chương trình sân khấu theo đơn đặt hàng
  • Điều phối và trực tiếp hướng dẫn một số chương trình huấn luyện chuyên môn kịch nghệ

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Tôi bắt đầu yêu thích kịch nghệ vì được tham gia các chương trình ngoại khóa của trường trong những năm học cấp 3. Sau khi được học chuyên ngành đạo diễn sân khấu và tu nghiệp chuyên môn ánh sáng sân khấu tại nước ngoài, tôi tham gia dàn dựng một số vở kịch và chương trình sân khấu hóa. 

Tôi đã trăn trở nhiều về sự phát triển của sân khấu khi nhận thấy sự thoái trào của hoạt động sân khấu nói chung tại TP.HCM. Tôi tìm hiểu nhiều hơn về các hướng phát triển của kịch nghệ trên thế giới và nhận ra khả năng ứng dụng kịch nghệ vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong đời sống xã hội như giáo dục, tâm lý học và phát triển cộng đồng. Từ năm 2017, tôi thành lập một công ty nghệ thuật. Đây là không gian trải nghiệm và thử nghiệm nghệ thuật vì mục tiêu giáo dục khai phóng, phát triển con người và cộng đồng. 

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

8:30 – 11:30 Thực hiện các việc tổ chức điều hành, xây dựng chương trình hoạt động của công ty
13:30 – 16:30 Lập kế hoạch, xây dựng nội dung đào tạo chuyên môn hoặc dàn dựng tác phẩm
19:30 – 21:00  Kiểm tra hoàn thành các việc đã thực hiện, lên danh sách công việc cho ngày, tuần tiếp theo
Ghi chú Tính chất công việc thường xuyên phải thay đổi lịch làm việc cho phù hợp với từng thời điểm 

(ví dụ ngày trong tuần khác ngày cuối tuần, ngày tự lên kế hoạch khác các ngày nhận công việc dàn dựng theo hợp đồng riêng lẻ)

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

  • Đòi hỏi tính linh hoạt và sáng tạo cao, luôn cần tìm tòi, học hỏi những kiến thức và kỹ năng mới
  • Được làm việc và tương tác với nhiều người, có cơ hội được quan sát và học hỏi từ nhiều người
  • Truyền cảm hứng, tạo động lực, khơi nguồn phát triển năng lực thế mạnh và năng lượng tích cực cho các đồng nghiệp và học viên

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

  • Phải xử lý nhiều vấn đề cùng lúc, đôi lúc gặp mâu thuẫn khi vừa phải thực hiện công việc quản lý vừa phải thực hành công việc sáng tạo nghệ thuật
  • Không có thời gian biểu cố định, khó sắp xếp dành thời gian chăm sóc gia đình và bản thân

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

Kiến thức: 

  • Chuyên ngành: nghệ thuật biểu diễn, công tác dàn dựng sân khấu
  • Xã hội: tâm lý học, xã hội học, giáo dục học
  • Kinh doanh: quản trị doanh nghiệp 

Kỹ năng:

  • Lập kế hoạch, hợp tác và làm việc nhóm
  • Điều phối, biên tập, xây dựng nội dung

Thái độ:

  • Ham học hỏi (kiến thức và kỹ năng liên ngành), sẵn sàng với thử thách và áp lực
  • Cởi mở, lạc quan và tư duy tích cực 

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

  • Mọi người hay hiểu lầm rằng làm công việc này luôn rất tự do

Thực tế là hoạt động nghệ thuật đòi hỏi tinh thần tự do trong sáng tạo, tuy nhiên để đạt được thành công trong công việc sáng tạo thì cần tính kỷ luật và trách nhiệm cao.

  • Tính chất công việc thiếu ổn định, phức tạp, áp lực cao, nhiều cạnh tranh

Đây đúng là tính chất chung của nhóm ngành nghệ thuật trình diễn, tuy nhiên những đặc tính này cũng tùy thuộc vào từng giai đoạn nghề. Mỗi người cần đặt ra mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn nghề, từ đó lựa chọn môi trường và thiết lập các kế hoạch công việc phù hợp. Làm tốt phần kế hoạch và có kỷ luật trong thực hiện thì sẽ cân bằng các yếu tố trong công việc – bớt bất ổn, bớt áp lực, v.v…

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

  • Không ít nghệ sĩ khi mới vào nghề phải làm nhiều công việc khác nhau, kể cả những việc trái ngành nghề để lấy ngắn nuôi dài, có thêm thời gian tích lũy kinh nghiệm chuyên môn lẫn kinh nghiệm sống để có thể bám trụ với nghề.
  • Có nhiều hướng đi khác nhau để tham gia vào môi trường hoạt động nghệ thuật. Điều quan trọng nhất là xác định thế mạnh của mình, phát triển thế mạnh, học hỏi bổ sung những kỹ năng còn yếu. Để đi đường dài, em cần xác định động lực làm việc của mình là tạo ra giá trị gì, tác động gì để chọn lựa hướng đi phù hợp cho riêng mình.
  • Để tự nuôi mình khi mới ra trường, từ khi học nghề, ngoài chuyên môn thì các em cần sớm có định hướng phát triển bản thân, học hỏi các kỹ năng về quản lý thời gian, quản lý tài chính, rèn luyện lối sống cân bằng cả sức khỏe thể chất và tinh thần thì mới có thể làm việc hiệu quả. Hiệu quả công việc và năng lực sáng tạo bền bỉ chính là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển nghề nghiệp bền vững.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

  • Quyết định theo đuổi nghề nghiệp này là em đã chọn lựa một con đường gập ghềnh, bởi em phải khám phá bản thân và cuộc sống không ngừng nghỉ thông qua lăng kính của nghệ thuật.
  • 2 yếu tố quan trọng nhất để theo đuổi nghề này là tình yêu (yêu con người, yêu vạn vật, yêu cuộc sống) và sự bền chí, chịu thương, chịu khó.
  • Sáng tạo nghệ thuật và quản lý cần nhiều kiến thức, kỹ năng, nhưng trên hết là cần sức mạnh nội tại bên trong, sức mạnh đó cần sự trải nghiệm và thực hành sáng tạo của chính mình trong đời sống, mọi lúc, mọi nơi.
  • Thành công của việc sáng tạo nghệ thuật không nằm ở kết quả sản phẩm, mà là ở quá trình sáng tạo. Dù là vui, buồn, tin tưởng, lo lắng, hoang mang, thậm chí có lúc khổ sở, tuyệt vọng nhưng nếu em có thể cảm nhận và tận hưởng từng khoảnh khắc của dòng chảy sáng tạo đó thì chào mừng em đã bước chân vào thế giới của nghệ thuật.