Tác giả: Thanh Thảo
Biên tập: Hồng Yến
Cú sốc bị sa thải và cách nhìn nhận thử thách
Sa thải đột ngột có thể là một cú sốc lớn đối với bất kỳ ai. Không chỉ ảnh hưởng đến tài chính cá nhân, việc mất đi công việc còn có thể dẫn đến cảm giác mất phương hướng, hoang mang và mất tự tin vào bản thân. Theo báo cáo của Talentnet Việt Nam, trong bối cảnh kinh tế suy giảm, nhiều doanh nghiệp phải tối ưu hóa hoạt động, dẫn đến tỷ lệ cắt giảm nhân sự gia tăng. Điều này cho thấy rằng xu hướng sa thải hiện nay chủ yếu đến từ các yếu tố khách quan, như tái cơ cấu và biến động kinh tế, hơn là do hiệu suất làm việc của cá nhân.
Có người xem đó là thất bại, tự trách móc mình không đủ giỏi. Tuy nhiên, có người lại tận dụng cơ hội này để đánh giá lại bản thân, tìm kiếm những con đường mới và có nhiều triển vọng phát triển hơn.
Vậy, điều gì tạo nên sự khác biệt giữa hai nhóm người này? Đó chính là cách họ kiểm soát cảm xúc, xây dựng tư duy phù hợp và có những bước hành động thực tế sau khi mất việc. Bài viết này sẽ giúp bạn nhìn nhận lại bối cảnh, học cách kiểm soát cảm xúc và đưa ra kế hoạch định hướng lại sự nghiệp một cách hiệu quả.
Ổn định cảm xúc và kiểm soát căng thẳng
Bước đầu tiên sau khi bị sa thải là kiểm soát cảm xúc của bản thân. Khi đối diện với sự thay đổi lớn như thế này, việc cảm thấy thất vọng, lo lắng hoặc thậm chí giận dữ là hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn không để những cảm xúc này lấn át khả năng tư duy và hành động của mình.
Tiến sĩ Susan David, chuyên gia về tâm lý học cảm xúc, đã nghiên cứu về “Emotional Agility” – khả năng linh hoạt trong cảm xúc để thích nghi với thay đổi. Để áp dụng phương pháp này, bạn có thể chấp nhận cảm xúc thay vì phủ nhận chúng, đồng thời viết nhật ký để xử lý những suy nghĩ đang đè nặng tâm trí. Hãy học cách tự đối thoại tích cực với những câu khẳng định mang tính động viên như: “Tôi đang đối mặt với thử thách và tôi sẽ tìm cách vượt qua nó”.
Khi cảm thấy căng thẳng, việc vận động nhẹ nhàng như đi bộ ngoài trời sẽ giúp tinh thần thoải mái hơn. Ngoài ra, hãy lập danh sách những điều quan trọng để giúp bạn tập trung vào giải quyết vấn đề thay vì rơi vào vòng xoáy lo lắng. Giữ kết nối với bạn bè và gia đình cũng là một cách hữu ích để nhận được sự hỗ trợ về mặt tinh thần.
Xây dựng tư duy đúng đắn để vượt qua thử thách
Tư duy đóng vai trò quan trọng trong cách bạn đối diện với khó khăn. Khi mất việc, điều quan trọng là duy trì một tư duy mở, sẵn sàng học hỏi và thay đổi.
Theo nghiên cứu của Tiến sĩ Carol Dweck, những người có “tư duy phát triển” (Growth Mindset) tin rằng họ có thể học hỏi và tiến bộ qua những thử thách. Ngược lại, “tư duy cố định” (Fixed Mindset) khiến con người cảm thấy mình không thể thay đổi.
Thay vì nghĩ “Tôi không đủ giỏi”, hãy tự hỏi “Tôi có thể học gì từ tình huống này để trở nên tốt hơn?”. Nhìn nhận mất việc như một cơ hội để phát triển kỹ năng mới sẽ giúp bạn nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh.
Không phải lúc nào bám trụ vào một ngành nghề cũ cũng là giải pháp tốt nhất. Thử thách này có thể là cơ hội để bạn nhìn lại hành trình sự nghiệp của mình và xác định liệu con đường hiện tại có thực sự phù hợp hay không. Nếu công việc trước đây không còn mang lại niềm vui hay cơ hội phát triển, có lẽ đã đến lúc bạn cần cân nhắc một hướng đi mới, phù hợp với giá trị và mục tiêu dài hạn của mình. Hãy dành thời gian suy nghĩ: Nếu không có áp lực tài chính, liệu bạn có tiếp tục với ngành nghề đó? Nếu câu trả lời nghiêng về sự không hài lòng, đây chính là dấu hiệu để bạn khám phá một hướng đi mới phù hợp hơn.
Định hướng lại con đường sự nghiệp
Sau khi đã ổn định tâm lý và xây dựng tư duy đúng đắn, đây là thời điểm để bạn từng bước định hướng lại con đường sự nghiệp của mình. Một trong những điều quan trọng nhất trong giai đoạn này là củng cố và phát triển các kỹ năng cần thiết để phù hợp hơn với thị trường lao động. Nếu bạn cảm thấy thiếu tự tin trong quá trình ứng tuyển, việc tham gia một khóa học chuyên sâu về kỹ năng tìm việc có thể giúp bạn chuẩn bị tốt hơn. Chẳng hạn, Khóa Nâng cao Kỹ năng Ứng tuyển Công việc của Hướng nghiệp Sông An cung cấp hướng dẫn thực tiễn để viết hồ sơ ứng tuyển hiệu quả, xác định năng lực cá nhân so với yêu cầu tuyển dụng, cũng như rèn luyện kỹ năng phỏng vấn. Việc tham gia một chương trình đào tạo như vậy sẽ giúp bạn nâng cao khả năng cạnh tranh và tự tin hơn khi tìm kiếm công việc mới.
Ngoài việc trau dồi kỹ năng, xây dựng và tận dụng mạng lưới quan hệ cũng là một yếu tố quan trọng giúp bạn tìm kiếm những cơ hội việc làm phù hợp. Theo một nghiên cứu từ LinkedIn, có đến 85% cơ hội việc làm mới đến từ networking. Điều này cho thấy rằng thay vì chỉ nộp đơn ứng tuyển trên các trang tuyển dụng, bạn nên chủ động mở rộng kết nối với những người trong ngành. Hãy tham gia các sự kiện, hội thảo chuyên môn và kết nối lại với đồng nghiệp cũ để tìm kiếm những cơ hội phù hợp với năng lực và mục tiêu nghề nghiệp của mình.
Kết nối con người: Chìa khóa để vượt qua khủng hoảng
Một trong những yếu tố then chốt giúp bạn vượt qua giai đoạn khó khăn là duy trì những kết nối có giá trị về mặt tinh thần và sự hỗ trợ thực tế. Sự cô lập có thể khiến bạn cảm thấy mất phương hướng và cô đơn, do đó, hãy tìm kiếm sự kết nối với những người có thể nâng đỡ tinh thần và hỗ trợ bạn trên hành trình này. Tham gia các cộng đồng nghề nghiệp, nhóm hỗ trợ dành cho người đang tìm việc, hoặc những cá nhân có kinh nghiệm sẽ giúp bạn có được cái nhìn thực tế hơn về thị trường lao động và nhận được những lời khuyên hữu ích. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tìm đến mentor hoặc chuyên gia tư vấn nghề nghiệp để có những định hướng cụ thể hơn cho tương lai.
Đồng thời, hãy cẩn trọng trong việc lựa chọn những kết nối trên mạng xã hội để tránh những tác động tiêu cực. Thay vì so sánh bản thân với người khác, hãy ưu tiên kết nối với những người thực sự hiểu và đồng cảm với hoàn cảnh của bạn. Tránh những mối quan hệ có thể gây thêm áp lực, như những người không hiểu tình hình nhưng lại tò mò hay đưa ra những nhận xét thiếu tinh tế. Chỉ nên theo dõi những nội dung truyền cảm hứng, giới hạn thời gian lướt mạng để không bị cuốn vào cảm giác tiêu cực. Khi bạn kiểm soát tốt nguồn thông tin tiếp nhận, bạn sẽ dễ dàng giữ được tinh thần lạc quan và tập trung vào những điều thực sự quan trọng.
Biến thử thách thành cơ hội phát triển
Bị sa thải không đồng nghĩa với thất bại. Đây có thể là một bước ngoặt giúp bạn định hình lại sự nghiệp theo một hướng đi phù hợp hơn. Hãy tận dụng thời gian này để học hỏi, kết nối và phát triển bản thân. Thành công không chỉ đến từ việc giữ được công việc hiện tại, mà từ cách bạn tận dụng những cơ hội mới để vươn lên.
Mọi cánh cửa đóng lại đều mở ra một lối đi mới. Hãy mạnh dạn bước tiếp, khám phá những con đường mới và tin tưởng rằng những điều tốt đẹp vẫn đang chờ bạn ở phía trước!
Tài liệu tham khảo:
Susan David (2024). Newsletter. 5 Essential Tips for a Healthier Relationship with Social Media. https://www.susandavid.com/newsletter/5-essential-tips-for-a-healthier-relationship-with-social-media/?share=true
Susan David (2024). Newsletter. The Hidden Benefits of Quitting. https://www.susandavid.com/article/when-to-grit-and-when-to-quit?share=true
Susan David (2024). Newsletter. Cultivating a Growth Mindset. https://www.susandavid.com/newsletter/cultivating-a-growth-mindset/?share=true
Susan David (2024). Newsletter. How to Break the Cycle of Stressing About Stress. https://www.susandavid.com/newsletter/how-to-break-the-cycle-of-stressing-about-stress/?share=true
Susan David (2023). Newsletter. The Healing Power of Journaling. https://www.susandavid.com/article/healing-power-of-journaling/?share=true
Esther Perel and Mary Alice Miller. How do you connect to others?. https://www.estherperel.com/blog/letters-from-esther-62-how-do-you-connect-to-others & Searching for Connection in a Disconnected Era. https://www.estherperel.com/blog/letters-from-esther-64-searching-for-connection-in-a-disconnected-era
HR Insider (2021). Sức ảnh hưởng tinh thần của nhân viên lên sự phát triển của tổ chức. https://www.vietnamworks.com/hrinsider/suc-anh-huong-tinh-than-cua-nhan-vien-len-su-phat-trien-cua-to-chuc.html
WebProNews (2023). Good News for LinkedIn: 85% of Jobs Filled via Networking. https://www.webpronews.com/good-news-for-linkedin-85-of-jobs-filled-via-networking/
Đức Tuấn, Huyền Trang, Vân Hà (2024). Doanh nghiệp và người lao động nỗ lực vượt khó – Bài 1: Khi doanh nghiệp gặp khó… https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doanh-nghiep-va-nguoi-lao-dong-no-luc-vuot-kho-bai-1-khi-doanh-nghiep-gap-kho-808473
Bài viết liên quan: