Chiến lược vượt qua nỗi đau thất nghiệp lâu

Tác giả: Mỹ Anh

Biên tập: Minh Thảo

Tự ti sau mỗi lời từ chối

A. (nữ, 26 tuổi, hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật) nghỉ việc từ tháng 4/2023 vì công việc không còn đáp ứng nhu cầu phát triển. 6 tháng đầu sau khi nghỉ việc, A. thu xếp đủ tài chính và tiền trợ cấp để sinh tồn. Cô dành nhiều thời gian cho các dự án cá nhân và dự án cộng đồng nhằm nuôi dưỡng sở thích cũng như phát triển những kỹ năng cần thiết cho hướng đi nghề nghiệp mà cô đang theo đuổi. Đến 3 tháng gần đây nhất, A. bắt đầu ứng tuyển cho các vị trí, xếp hạng từ công việc mơ ước sang những công việc cô tạm chấp nhận đánh đổi một số tiêu chí. Song, tất cả những gì A. nhận được là lời từ chối hoặc sự im lặng. 

Trong thời gian này, A. bắt đầu sốt ruột vì gia đình bắt đầu hối thúc đi làm và áp lực tài chính ập tới. A. cảm thấy thất vọng với bản thân: 

“Có phải tôi không đủ giỏi trong lĩnh vực này để được nhận?” 

“Có phải những gì tôi yêu thích làm đều không có khả năng tạo ra tiền?”

Những suy nghĩ này bủa vây tâm trí của A. và ngày càng nhấn chìm cô vào những suy nghĩ tiêu cực. 

Nỗi lo phi lý

Câu chuyện này là của cá nhân A. nhưng phần nào đại diện cho sự lo lắng của nhiều người lao động trải qua thất nghiệp trên 6 tháng, thiếu hỗ trợ tài chính và tinh thần. Chúng ta bỏ nhiều công sức để chuẩn bị hồ sơ thật hấp dẫn, tập dượt kỹ càng trước buổi phỏng vấn nhưng vẫn không nhận phản hồi email hay đậu phỏng vấn. Chúng ta dễ hấp thụ sự tiêu cực từ những ánh nhìn, lời hỏi thăm từ người xung quanh lên vấn đề nghỉ việc của mình. Chúng ta sốt ruột khi nhìn thấy những người đang lao động hăng say ngoài kia, còn bản thân đang “không làm gì cả”. Chúng ta dễ bị suy nghĩ “tôi vô dụng” bủa vây và nhấn chìm. 

Trong những lúc này, điều đầu tiên cần làm là sáng suốt phân biệt giữa “nỗi lo có lý” giúp mình có động lực hành động và “nỗi lo phi lý” khiến mình tiêu cực, bất động.

Nhìn vào bức tranh thị trường nghề nghiệp hậu đại dịch Covid-19, làn sóng sa thải được công bố bởi các “ông lớn” công nghệ như Microsoft (10.000 người), Google (12.000 người), Amazon (18.000 người)*. Trong giai đoạn phục hồi kinh tế, các nhà tuyển dụng mong muốn tìm kiếm những ứng viên có nhiều kinh nghiệm ứng biến nhanh trước biến cố và có thể đảm đương nhiều đầu việc để tối ưu chi phí vận hành. Thực tế khách quan cho thấy, người lao động đang đối mặt với tỉ lệ chọi cao để có một cơ hội nghề nghiệp cũng như cần giỏi hơn, làm được nhiều việc hơn để đáp ứng cho cơ hội đó. Cảm giác “lo” trong bạn vào thời điểm bối cảnh bên ngoài có nhiều bất ổn là hoàn toàn hợp lý. Bởi nỗi lo này đồng thời cũng tạo động lực để bạn tìm cách phát triển bản thân. 

Nhìn ở góc độ cá nhân, chúng ta cần tìm ra “nỗi lo phi lý” nào đang cản trở mình hành động. Thực chất, sự từ chối diễn ra khá bình thường trong quá trình tuyển dụng. Bạn dễ cảm thấy “mình không đủ giỏi”, thậm chí so sánh với người khác và ám ảnh rằng mình không thể thành công. Thất nghiệp có thể huỷ hoại sự tự tin, và phần nào khiến bạn không còn tin vào quá trình khám phá bản thân. Vì vậy, sau mỗi lời từ chối, bạn hãy thử phân tích vì sao mình bị từ chối. Liệu bạn có đang đặt ra mục tiêu quá cao hoặc quá thấp dẫn đến những cơ hội bạn tìm thấy không phù hợp? Bạn có đang chuyển việc sang một lĩnh vực mới, đòi hỏi những kỹ năng mới mà bạn chưa sở hữu? Tất cả những suy ngẫm này sẽ giúp bạn nhìn nhận tình huống và hiểu thêm về bản thân một cách rõ ràng và tỉnh táo thay vì bị nhấn chìm vào cảm xúc tiêu cực. 

Tóm lại, hiện tượng khách quan đang diễn ra không đồng hoá với giá trị cá nhân. Khi ứng tuyển cho một vị trí, bạn chỉ đang thể hiện một khía cạnh nhỏ trong toàn bộ năng lực của bản thân, phần lớn còn lại sẽ thể hiện ở quá trình làm việc thực tế. Vì vậy, bạn cần rất tỉnh táo và sáng suốt không để kết quả ứng tuyển trái kỳ vọng phủ nhận toàn bộ giá trị cá nhân cũng như hạn chế cơ hội nghề nghiệp của mình. 

Chiến lược vượt qua nỗi đau thất nghiệp lâu

Dựa trên tài liệu “Các hoạt động định hướng và phát triển nghề nghiệp – Dành cho người thất nghiệp trong thời gian dài” (Career Work in Action – Discussions and Activities for Professionals (Unemployed Long Term)) của 2 tác giả Karen Schaffer & Juliana Wiens, Sông An đề xuất một số chiến lược thực tiễn, giúp bạn vượt qua nỗi đau thất nghiệp như sau:  

Đối diện với sự thất vọng

Việc thất nghiệp lâu hơn dự kiến khiến bạn khó tránh khỏi những cảm xúc tiêu cực và thất vọng lên chính mình. Nỗi thất vọng càng lớn, bạn càng cần không gian an toàn để trút bầu tâm sự và lấy lại tinh thần cho những bước hành động tiếp theo. Bạn có thể viết nhật ký hoặc chọn một người bạn đáng tin cậy, không phán xét để chia sẻ về trải nghiệm thất nghiệp. Một số câu hỏi gợi ý như sau: 

  • Từ lúc nghỉ việc đến nay, bạn đã trải qua những sự kiện gì (càng chi tiết càng tốt)? 
  • Bạn cảm thấy như thế nào? Hãy thử gọi tên những cảm xúc bạn đang trải qua.
  • Sau những chia sẻ trên, bạn hãy thử chiêm nghiệm xem mình đã có những bài học gì từ giai đoạn này? 

Nắm bắt điểm mạnh nghề nghiệp

Hiểu được điểm mạnh của chính mình là một trong những cách không chỉ giúp bạn lấy lại sự tự tin mà còn giúp bạn thể hiện bản thân sắc bén hơn trong quá trình ứng tuyển công việc tiếp theo. Hãy truy cập đường dẫn https://www.viacharacter.org/character-strengths-via, tạo tên người dùng, mật khẩu và hoàn thành đánh giá. Bạn có thể tham khảo thêm bản mô tả tiếng Việt tại đây

Sau khi hoàn thành, bạn hãy chọn một trong những điểm mạnh nhất và tập trung vào việc củng cố điểm mạnh đó theo tần suất phù hợp trong một tuần. Ví dụ: nếu thế mạnh của bạn là Lãnh đạo, hãy suy nghĩ về việc trở thành nhà lãnh đạo có ý nghĩa với bạn ra sao, và tìm kiếm cơ hội để thể hiện khả năng lãnh đạo trong các hệ thống chính quy và không chính quy.

Liệt kê các lựa chọn và ra quyết định

Hành động tạo danh sách các lựa chọn nghề nghiệp sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi “tôi nên làm gì tiếp theo”. Các lựa chọn có thể bao gồm nhiều loại công việc khác nhau, các con đường sự nghiệp mới, những cơ hội công việc thời vụ, giáo dục nâng cao, kế hoạch tìm việc làm mới, tái cam kết cho kế hoạch tìm việc làm hiện tại, sự thay đổi về địa lý, kinh doanh. 

Từ những lựa chọn đã liệt kê, thay vì cố gắng quyết định ngay lập tức, bạn hãy xem xét từng lựa chọn riêng lẻ. Bạn hãy viết chữ “T” bên cạnh bất kỳ lựa chọn nào làm bạn cảm thấy mình đang hướng về phía trước (tức là bạn cảm thấy phấn khích hoặc tràn đầy sinh lực), và viết “A” bên cạnh bất kỳ lựa chọn nào mà bạn cảm thấy mình đang muốn rút lui (tức là bạn có cảm giác muốn từ bỏ lựa chọn đó) . Viết “X” bên cạnh bất kỳ tùy chọn nào bạn không muốn cân nhắc nữa. 

Bước đánh giá này sẽ giúp bạn phân biệt được những lựa chọn nghề nghiệp mà bạn quan tâm thật sự hay những lựa chọn từ mong muốn thoát khỏi tình trạng thất nghiệp bằng mọi cách có thể.

Và hơn hết là, chăm sóc chính mình

Bạn xứng đáng được nghỉ ngơi, Sông An hy vọng bạn hãy thì thầm điều này với chính mình. Chúng ta thường dễ cảm thấy có lỗi khi nghỉ ngơi vì (1) ta cảm thấy mình đang lãng phí thời gian thay vì cố gắng cho đến khi có việc làm và (2) các hoạt động vui chơi thường tốn kém tiền bạc, việc chi thêm tiền trong khi chưa có thu nhập là sai trái.

Khi nói ra điều này, Sông An không tô hồng hành trình nghỉ việc, rằng hãy cứ nghỉ ngơi, hãy cứ chơi đi. Điều chúng mình hướng tới là khuyến khích bạn tận dụng “khoảng thời gian trầm lắng” này để lấy lại tinh thần và gìn giữ sức khỏe. Khi có sức khoẻ, bạn mới có sức mạnh để bền bỉ trong công cuộc tìm việc. Một số câu hỏi gợi ý dành cho bạn: 

  • Bạn đang chăm sóc sức khỏe tinh thần và niềm hạnh phúc tự thân như thế nào?
  • Những hoạt động lấy lại tinh thần nào mà bạn có thể tiếp cận được với giá cả phải chăng?

Hãy liệt kê ít nhất 1 hoạt động có thể làm ngay và bắt đầu hành trình trân quý sức khoẻ của chính mình nhé!

Bước chạy đà cho tương lai

Mỗi giai đoạn cuộc đời đều có vai trò riêng. Khoảng nghỉ sau thất nghiệp được ví như bước chạy đà. Bạn có thể chậm hơn, cảm thấy vô định và ngoài tầm kiểm soát. Song, nếu bạn có thể vượt qua những nỗi lo phi lý, suy ngẫm sâu, chọn lựa sáng suốt và bền bỉ hành động, bước chạy đà này có thể dẫn đến những “trái ngọt” cho hành trình nghề nghiệp tiếp theo của bạn. 

Vượt qua nỗi đau thất nghiệp lâu là một hành trình không dễ dàng. Nếu bạn cần một người đồng hành có chuyên môn hoặc những giải pháp sâu hơn giúp bạn đi qua giai đoạn này, Sông An khuyến khích bạn tham khảo giải pháp hướng nghiệp cho người đi làm tại: https://huongnghiepsongan.com/nguoi-di-lam 

(*) Nguồn: CNBC; Bloomberg

CÁC BÀI VIẾT LIÊN QUAN