Tác giả: Angela Duckworth
Đây là phần thứ ba và cũng là phần cuối cùng trong loạt bài về công việc của Tim Beck – chuyên gia tiên phong trong lĩnh vực tâm lý trị liệu. Đọc phần đầu tiên tại đây và phần hai tại đây.
Trong một bài báo gần đây của Tim Beck, ông kể câu chuyện về David, một người đàn ông 37 tuổi nhập viện với chẩn đoán mắc bệnh tâm thần phân liệt. Các triệu chứng của David rất nghiêm trọng, và các phương pháp trị liệu truyền thống cho đến nay vẫn không mang lại hiệu quả. Thậm chí trong một số ngày, việc bắt đầu một cuộc trò chuyện là cả một thử thách đối với David.
Một ngày nọ, nhà trị liệu hỏi anh về hoạt động nào anh thích nhất trước đây. Anh trả lời “McDonald’s”. “Tôi luôn thích đến McDonald’s để ăn một cái hamburger”.
Nhà trị liệu đề nghị họ cùng nhau đi bộ đến quán ăn trong bệnh viện. Khi họ đến nơi, đáng ngạc nhiên là một sự biến đổi kỳ diệu đã xảy ra.
Đột nhiên, David trở nên nhạy bén với môi trường xung quanh, anh có thể vui vẻ hoàn thành giao dịch tại quầy tính tiền và thậm chí còn nói đùa với nhân viên thu ngân trước khi lấy đồ ăn.
Nếu bạn đứng xếp hàng sau David, bạn sẽ không bao giờ đoán ra rằng anh đang trải qua chứng tâm thần phân liệt nặng. Tuy nhiên, anh vẫn không thể khỏi bệnh, khi họ rời quán ăn, các triệu chứng tâm thần phân liệt của anh lại quay trở lại.
Chính việc quan sát những mô thức hành vi khác nhau đáng kinh ngạc này – hay nói cách khác là các trạng thái nhân cách cùng tồn tại trong một cá nhân – đã truyền cảm hứng cho Tim phát triển một phương pháp trị liệu tâm lý thay thế cho những bệnh nhân không cải thiện tình trạng bệnh khi áp dụng phương pháp trị liệu nhận thức truyền thống. Tính ứng dụng từ các học thuyết của Tim không chỉ phù hợp cho các bệnh nhận đang chống chọi với chứng bệnh tâm thần mà còn hoàn toàn có thể áp dụng cho tất cả chúng ta.
Thay vì giúp bệnh nhân điều chỉnh những suy nghĩ không thích hợp, cách tiếp cận mới được phát triển gần đây lại hướng đến các thuộc tính vốn có của người bệnh. Tim giải thích rằng nhà trị liệu hướng đến mục đích “tìm ra các giá trị, sở thích, năng lực, kỹ năng của cá nhân, [và] cung cấp những trải nghiệm hợp tác giúp phục vụ cho những đặc tính này và đem đến những trải nghiệm học tập mới”.
Ví dụ cụ thể là vài tháng sau hôm đến nhà hàng nọ, David và nhà trị liệu của anh đã khám phá ra sở thích của anh trong việc chuẩn bị và phục vụ đồ ăn, và họ cùng nhau phát hiện ra rằng đằng sau ý nghĩa của sở thích đặc biệt này là mong muốn sâu xa thể hiện sự quan tâm đến người khác. Sau khi dành thời gian tự luyện tập nấu nướng, David đã học cách nấu ăn cho các bệnh nhân khác trong bệnh viện, và cuối cùng anh đã rời bệnh viện và tự kiếm sống với một công việc toàn thời gian tại một nhà hàng.
Tim cho rằng mỗi cá nhân đều có nhu cầu sâu sắc là cảm thấy được chấp nhận, tôn trọng, làm việc hiệu quả và kết nối với người khác. “Khi các cá nhân chuyển sang cơ chế thích nghi, những nhu cầu thiết yếu và ý nghĩa trong cuộc sống của họ có thể được đáp ứng”.
Đừng tập trung vào phiên bản tồi tệ nhất của bạn. Trong mỗi chúng ta cùng lúc tồn tại nhiều cơ chế – một số cơ chế có xu hướng thích nghi cao hơn những cơ chế khác. Các hành vi tiêu cực thường thu hút sự chú ý của chúng ta, nhưng việc tập trung vào điều tích cực thường sẽ có hiệu quả hơn.
Hãy suy ngẫm và chia sẻ với những người trẻ xung quanh bạn câu chuyện ngụ ngôn được trích dẫn nguyên văn từ bài báo gần đây của Tim:
Một ông già người Cherokee đang dạy cháu trai mình về cuộc sống.
“Một cuộc chiến đang diễn ra bên trong ta” – Ông ta nói với cậu bé
Đó là một cuộc chiến kinh khủng và nó diễn ra giữa hai con sói.
Một con là cái ác – nó luôn giận dữ, đố kỵ, buồn phiền, hối tiếc, tham lam, kiêu ngạo, tủi thân, tội lỗi, oán giận, thấp kém, dối trá, niềm tự hào sai lệch, tự cao và cái tôi lớn.”
Ông nói tiếp “ Con còn lại là cái thiện- nó là niềm vui, sự bình an, tình yêu, hy vọng, sự thanh thản, khiêm tốn, lòng tốt, lòng nhân từ, sự đồng cảm, rộng lượng, sự chân thật, lòng trắc ẩn và đức tin. Cuộc chiến tương tự đang diễn ra bên trong con và bên trong những người khác nữa.”
Người cháu suy nghĩ một lát rồi hỏi ông: “Con sói nào sẽ thắng vậy ông?”
Ông già chỉ trả lời đơn giản: “Con mà cháu nuôi dưỡng.”
Với tất cả sự kiên trì, bền bỉ, đam mê và lòng biết ơn,
Angela
Người dịch: Hạnh Võ
Biên tập: Cẩm Thanh
Nguồn bài viết: https://characterlab.org/tips-of-the-week/you-are-what-you-feed/
Photo by Jennifer Delmarre on Unsplash
Bài viết liên quan: