Vì sao nên ngưng dùng từ “Kỹ năng mềm”?

Trong một thế giới đang thay đổi chóng mặt hiện nay, mọi người ngày càng có nhu cầu tìm hiểu những kỹ năng nào sẽ giúp họ đáp ứng tốt nhất với những thay đổi đó và thành công trong môi trường tương lai bất định. Có vô số nguồn thông tin cung cấp về vấn đề này, tuy nhiên cần cẩn trọng xem xét các kỹ năng này được nhóm lại và được mô tả cụ thể thế nào. Các thuật ngữ liên quan đến kỹ năng thường được nhắc đến là sự sẵn sàng đáp ứng công việc, các kỹ năng của thế kỷ 21, kỹ năng có thể chuyển đổi, STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học), kỹ năng vô hình/hữu hình, kỹ năng mang tính kỹ thuật/phi kỹ thuật, kỹ năng cứng/mềm. Các thuật ngữ không mấy dễ hiểu này thực sự khiến mọi người bối rối và cảm thấy khó khăn khi cần xác định những kỹ năng nào họ đang có và cần có.

Ở đây có hai từ đặc biệt không hữu dụng: “cứng” và “mềm”, mặc dù chúng được sử dụng tràn lan và vô cùng phổ biến trong mọi tìm kiếm trên Internet. Kỹ năng “mềm” có vẻ như rất thuận tiện trong việc nói và viết do ngắn gọn, nhưng việc sử dụng thuật ngữ này là không đúng, không chính xác, thiên vị về giới, và không chuyên nghiệp. Đã đến lúc các nhà tư vấn hướng nghiệp, nhà nghiên cứu, những người làm giáo dục, nhà tuyển dụng, cha mẹ ngừng sử dụng thuật ngữ này, vì những lý do dưới đây.

Cụm từ “Kỹ năng mềm” thiếu định nghĩa chuẩn

Muốn biết một thuật ngữ có được sử một cách chính xác hay không cần định nghĩa thuật ngữ đó dựa vào các tiêu chí được chuẩn hóa (National Education Union, 2019). Tuy nhiên, hiện tại không hề có các danh sách tiêu chí chuẩn xác định thế nào là kỹ năng mềm. Khi so sánh các nhóm kỹ năng thuộc kỹ năng mềm, bạn sẽ thấy sự pha trộn rất đa dạng của kỹ năng, thái độ và hành vi. Trong khi hầu hết các nhóm kỹ năng mềm đều có sự xuất hiện của kỹ năng giao tiếp và kỹ năng tương tác với con người, thuật ngữ “mềm” được sử dụng là thiếu chính xác và thiếu thống nhất do có quá nhiều sự khác biệt giữa các nhóm cùng là kỹ năng “mềm” này.

Cụm từ “Kỹ năng mềm” thiếu tính chính xác

Thông thường, khái niệm “mềm” thường để chỉ kỹ năng giao tiếp và kỹ năng tương tác với con người, với ngầm ý các kỹ năng này chỉ có tầm quan trọng mang tính bổ sung thêm. Mô tả các kỹ năng này là “phi kỹ thuật” (non-technical) hoặc “vô hình” càng ngầm định một cách thiếu chính xác rằng chúng không đòi hỏi nhiều nỗ lực để có được hoặc không bao hàm nội dung tri thức đặc biệt nào. Khả năng giao tiếp là năng lực cần thiết đối với nhiều lĩnh vực và nghề nghiệp khác nhau (Villiers, 2018), bao gồm điều dưỡng, giảng dạy, bán hàng, chăm sóc người già v.v. Để thành công trong những lĩnh vực này, mỗi cá nhân cần có các năng lực như xây dựng mối quan hệ, đặt câu hỏi tạo nền tảng hiểu biết lẫn nhau, khả năng gây ảnh hưởng, mở rộng mạng lưới, thuyết phục, huấn luyện và kết nối. Các năng lực này đều là những kỹ năng “nặng ký”, quan trọng vì có tác động lớn đến hiệu quả công việc. 

Các kỹ năng được gọi là “mềm” thường được nhìn nhận một cách nhầm lẫn là tương phản với các kỹ năng “cứng” ở điểm kỹ năng “cứng” thường dễ quan sát, học hỏi, đo lường, đánh giá hơn so với kỹ năng “mềm”. Thực tế là hai loại kỹ năng này không trái ngược cũng như loại trừ lẫn nhau. Rất nhiều tình huống công việc đòi hỏi cả việc áp dụng cả kỹ năng STEM và kỹ năng tương tác với con người. Sự thành công trong công việc nghiên cứu khoa học thường đòi hỏi sự hợp tác có hiệu quả, xây dựng tình bạn với đồng nghiệp, cố vấn cho sinh viên, truyền đạt một cách hiệu quả các thành tựu khoa học tại các hội thảo, hội nghị.

Các chuyên viên tư vấn hướng nghiệp có thể sẽ cung cấp dịch vụ không phù hợp cho thân chủ nếu dựa vào sự phân biệt không chính xác giữa kỹ năng “cứng”/”mềm” như vậy. Sự phân biệt đó cũng có thể làm mọi người lầm tưởng rằng không có chuẩn mực nào trong việc học và áp dụng những khái niệm như trí tuệ cảm xúc, khả năng thuyết phục, đàm phán và lãnh đạo nhóm. Hơn nữa, sự nhầm lẫn này còn dẫn đến việc không nhận diện được mối quan hệ qua lại lẫn nhau giữa các kỹ năng và sự chi phối của bối cảnh cụ thể. Về lý thuyết kỹ năng hợp tác có thể tách biệt với làm việc nhóm, nhưng trên thực tế làm việc nhóm không thể hiệu quả nếu thiếu sự hợp tác giữa các thành viên.

Cụm từ “Kỹ năng mềm” có tính thiên vị giới

Ra quyết định nghề nghiệp là một quá trình tương tác phức tạp giữa các luồng quan điểm và sự ảnh hưởng từ các nguồn khác nhau. Các nghiên cứu đã khẳng định rằng trẻ con định hình định kiến nghề nghiệp từ rất sớm, do truyền thông “đưa vào đầu” các em ý tưởng về các công việc chỉ phù hợp với nam hoặc nữ (Smith và cộng sự, 2012; New Zealand Council for Education Research, 2008; National Education Union,, 2013). Cái được gọi là kỹ năng “mềm” không phải chỉ dành cho phái nữ, hay thế mạnh của nữ giới hoặc của những ai nhiều cảm xúc, nhạy cảm. Đây cũng không phải là những kỹ năng  dễ thực hiện hơn những kỹ năng khác… Bất kỳ ai, thuộc giới tính nào, trong nghề nghiệp gì cũng cần xây dựng kỹ năng giao tiếp và tương tác với con người.

Cụm từ “Kỹ năng mềm” thiếu tính chuyên nghiệp

Mỗi thuật ngữ là một phần tri thức đặc biệt của một lĩnh vực chuyên môn. Thuật ngữ được định nghĩa chính xác giúp chuẩn hóa sự giao tiếp, cho phép mọi người trong cùng một lĩnh vực chuyên môn trao đổi một cách nhất quán, giảm sự mơ hồ, tăng tính minh bạch. Cuốn Sổ tay từ vựng triển vọng nghề nghiệp của Cục Thống kê Lao động hay trang O*Net Online không sử dụng thuật ngữ kỹ năng “mềm”. Hầu hết các cuốn cẩm nang từ vựng liên quan đến phát triển nghề nghiệp của các hiệp hội nghề trên thế giới đều không sử dụng thuật ngữ này. 

Các năng lực tư vấn hướng nghiệp (NCDA 2009) bao gồm: có khả năng giúp công chúng và các nhà lập pháp hiểu tầm quan trọng của tư vấn hướng nghiệp; sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ khách hàng trong việc lập kế hoạch nghề nghiệp; và có kiến thức về sự thay đổi vai trò của phụ nữ và nam giới. Các năng lực này được mô tả, một phần, thông qua việc sử dụng các thuật ngữ đã được đồng thuận, rõ nghĩa và trung lập về giới. Việc sử dụng thuật ngữ kỹ năng “mềm” không đáp ứng được ba yêu cầu này. 

Các cách sử dụng thay thế 

Nếu sinh viên và người tìm việc muốn tìm hiểu những kỹ năng nào là cần thiết, người tư vấn hướng nghiệp, nhà nghiên cứu, giáo viên và nhà tuyển dụng cần sử dụng các thuật ngữ kỹ năng chính xác, nhất quán và chuyên nghiệp. Điều này có nghĩa là ngừng sử dụng thuật ngữ kỹ năng “cứng” hay “mềm”.

Thuật ngữ “mềm” có thể được thay thế như sau:

  • Khi thảo luận các báo cáo hay nghiên cứu về kỹ năng, tránh sử dụng thuật ngữ kỹ năng “mềm”, thậm chí không nên sử dụng cả cụm “cái gọi là kỹ năng mềm” để giảm tránh tối đa việc nhắc đến thuật ngữ này.
  • Khi thảo luận các kỹ năng cụ thể, gọi tên chính xác các kỹ năng đó, ví dụ kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tương tác với con người.
  • Khi cần phải nhóm các kỹ năng liên quan đến giao tiếp và tương tác với con người, gọi chung là kỹ năng xã hội.

Các nhà tư vấn hướng nghiệp trên khắp thế giới càng cẩn trọng trong ngôn ngữ của mình và dừng sử dụng các thuật ngữ không phù hợp, càng tạo điều kiện cho các thuật ngữ được sử dụng một cách nhất quán, chính xác, phục vụ hiệu quả cho cả khách hàng và chuyên môn của chính họ. 

Tác giả: Ann Villiers

Người dịch: Hồ Lan

Biên tập: Truc Le

Nguồn: Ann Villiers (2020) Why We Should Stop Using ‘Soft’ Skills https://www.ncda.org/aws/NCDA/pt/sd/news_article/278124/_PARENT/CC_layout_details/false