Vì sao Hướng nghiệp quan trọng trong độ tuổi 3-12?

Vững vàng cùng con từ gốc rễ” là chuỗi các bài viết nhằm truyền đạt những kiến thức về hướng nghiệp sớm dành cho cha mẹ có con từ 3-12 tuổi. Thông qua lối kể chuyện dễ hiểu, Sông An mong rằng cha mẹ hiểu được tầm quan trọng của hướng nghiệp sớm và bắt đầu từ những hành động nhỏ từ việc đồng hành cùng con thấu hiểu sở thích, năng khiếu. Từ đó, con được trải nghiệm từ sớm và sáng suốt trong con đường chọn ngành nghề tương lai.

Trên hành trình giương buồm ra biển nghề nghiệp, con cần một “hoa tiêu”

Mai tìm đến chuyên viên tư vấn hướng nghiệp của Sông An khi em đang học năm nhất ngành Kế toán. Em gặp áp lực vì không thấy bản thân hoàn toàn phù hợp với ngành học hiện tại, nhưng lại không dám bỏ giữa chừng vì sợ ba mẹ thất vọng.

Mai chia sẻ em vốn có sở thích và năng khiếu vẽ từ lúc nhỏ nhưng đã ngừng từ lâu để tập trung cho việc học. Ngoài gặp khó khăn trong việc theo kịp các môn ở trường, em còn hay tự so sánh mình và các anh chị khác trong gia đình. Mai cứ lẩn quẩn mãi trong vòng xoay tự tạo áp lực cho mình, mà không thể thoát ra.

Lỗi không phải ở Mai, cũng không phải của cha mẹ Mai. Vì theo mẹ Mai chia sẻ, chị không hề cấm đoán hay ép buộc con làm bất cứ gì. Việc chọn ngành là do Mai quyết định, em muốn học gì thì cha mẹ đều ủng hộ.

Nhưng điều quan trọng là, Mai đã không hề biết mình muốn gì, thích gì. Em chọn nghề kế toán theo lời khuyên “Ra trường dễ kiếm việc”. Em không hề cân nhắc năng khiếu hay điểm mạnh của mình trước quyết định chọn ngành, ngay cả sở thích vẽ cũng đã bị chính em lãng quên từ lâu.

Trên hành trình “giương buồm” ra biển nghề nghiệp, Mai đã thiếu đi người “hoa tiêu”, một người dẫn dắt em đi đúng hướng, giúp em cập bến an toàn.

Người “hoa tiêu” ấy chính là cha mẹ em. Cha mẹ đã vô tình bỏ qua việc hướng nghiệp cho con trong những năm đầu đời.

Hướng nghiệp sớm để con không ước “Nếu được chọn lại…”

Câu chuyện chọn sai ngành, làm sai nghề không chỉ là câu chuyện của riêng Mai, mà là câu chuyện của khoảng 60% sinh viên hiện nay. Đặc biệt, đến 75% sinh viên thiếu hiểu biết về ngành, nghề đã lựa chọn. Chỉ có 50% sinh viên tìm được việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp. Những con số thật sự đáng buồn.

Nếu được chọn lại, Mai có lẽ sẽ theo đuổi một ngành nghề phù hợp với điểm mạnh của em, chứ không phải theo lời khuyên của những người xung quanh. Tiêu chí “Ra trường dễ kiếm việc” bỗng chốc lại trở thành “Tốn thời gian, tiền bạc để bắt đầu lại”.

Ở thời điểm bước vào thế giới nghề nghiệp, thay vì sẽ tự hào mà nói rằng “Con sẽ cố gắng”, nhiều bạn lại tiếc nuối bày tỏ “Nếu được chọn lại”. Sự “chọn lại” đó có thể phải đánh đổi bằng rất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc, thậm chí là gia tăng mâu thuẫn giữa cha mẹ và con.

Hướng nghiệp sớm để con vững vàng trên hành trình nghề nghiệp tương lai

Ở 10 năm đầu đời (giai đoạn mầm non, tiểu học và đầu tiểu học), cha mẹ không thể giúp con chọn ngành, chọn nghề, mà giúp các con phát triển ý thức lành mạnh về bản thân và dùng ý thức này làm bàn đạp để phát huy tiềm năng của con trên hành trình phát triển nghề nghiệp tương lai..

Việc hướng nghiệp, hay phát triển nghề nghiệp cũng tương tự như việc một đứa trẻ phát triển về mặt thể chất hay cảm xúc. Quá trình này không thể diễn ra trong một thời gian ngắn, mà là một hành trình lâu dài, đi xuyên suốt cuộc đời của con.

Khi còn nhỏ, trẻ em rất thích khám phá thế giới của chính mình và quan sát những hình mẫu xung quanh. Sự khám phá và quan sát từ những năm đầu đời ấy chính là bước đệm giúp các con xây dựng ý thức về bản thân (hiểu mình), các vai trò trong cuộc sống, các kỹ năng, và kiến ​​thức. Do đó, sự đồng hành của cha mẹ trong giai đoạn này là vô cùng quan trọng.

Ở câu chuyện của Mai, em đã khám phá ra sở thích của mình là vẽ. Đáng tiếc, cha mẹ lại chưa cho em cơ hội để giúp em phát triển sở thích thành kỹ năng. Mai chỉ xem việc vẽ là một sở thích bình thường, và tạm dừng sở thích ấy để tránh làm ảnh hưởng đến việc học. Khi đứng trước việc chọn ngành, Mai chưa hiểu hết về bản thân mình, em chưa có đủ kỹ năng và kiến thức để đưa ra quyết định phù hợp. Kết quả, Mai chạy theo một ngành nghề “xu hướng”, trong khi bản thân hoàn toàn “lệch pha” với điều em chọn.

Sông An tin rằng, 10 năm đầu đời là khoảng thời gian vàng để cha mẹ làm “hoa tiêu” dẫn đường cho các con lần đầu giương buồm ra biển nghề nghiệp. Với sự dẫn dắt hợp lý của cha mẹ từ sớm, con sẽ vững vàng tay lái trên hành trình khám phá vùng đất mà mình thuộc về.

*Số liệu trong bài được trích từ bài phát biểu của ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM, năm 2019.

*Nguồn trích dẫn: The-Early-Years-Career-Development-for-Young-Children-–-A-Guide-for-ParentsGuardians.pdf, https://drive.google.com/drive/folders/1o-_dGPKdcnMYYUcOg0hHn3HKt3QW6q52

Tác giả: Phoenix Ho

Biên tập: Châu Giang

 

Hướng dẫn đăng ký bằng tiếng Việt: https://bit.ly/HuongdandangkyUdemy