Trò chơi hóa (Gamification) mang lại niềm vui và động lực trong các hoạt động hướng nghiệp như thế nào?

Bởi tác giả Ronda Ansted

Đã là 2 giờ sáng và tôi đã ngồi trước máy tính gần tám tiếng đồng hồ. Tôi thực sự kiệt sức nhưng vẫn kiên quyết để đạt được mục tiêu đầy thách thức và khó khăn của mình. Tôi đã làm việc này trong nhiều tháng dù không liên tục và đã có lúc sắp hoàn thành mục tiêu. Tôi lại một lần nữa thầm nói với chính mình “chỉ cần cố gắng thêm một lần, rồi mình sẽ dừng lại”.

Lần thứ 45 dường như là cái duyên. Mắt tôi cay xè, đầu óc quay cuồng, nhưng tôi thấy rất hưng phấn, ngập tràn trong một chiến thắng mà tôi sẽ không bao giờ đưa vào đơn xin việc của tôi hay đưa vào hồ sơ LinkedIn, thậm chí cũng sẽ không bao giờ thừa nhận với bạn bè mình. Tôi vừa hoàn thành nhiệm vụ để đạt được hạng Cao thủ ở mọi cấp độ trong một trò chơi máy tính. Tôi thực sự đã không vui khi chơi trò đó nhưng lại dành hàng giờ quý báu của mình cho một thứ hạng mà không ai quan tâm đến. Đôi khi tôi tự nghĩ, “Phải có cách nào đó để tận dụng sự ám ảnh dai dẳng này cho một điều gì đó thực sự quan trọng!”.

Chào mừng bạn đến với “Gamification – Trò chơi hóa”

Định nghĩa Trò chơi hóa (Gamification)

Tôi quản lý một cơ sở tư vấn hướng nghiệp tư nhân mà ở đó tôi chủ yếu giúp những người làm việc trong khối phi lợi nhuận tìm ra bước đi tiếp theo trong sự nghiệp của họ. Nhiều người đã cố gắng tự tìm hiểu về nghề nghiệp của họ và chỉ tìm đến tôi khi họ mất tinh thần, tuyệt vọng và rồi không ngừng tự vấn giá trị bản thân. Bằng kỹ năng khai thác có chủ đích và có chiến lược, song song với việc tập trung vào thế mạnh của họ, tôi khuyến khích thân chủ tránh để bị kiệt sức trong tương lai nhờ vào việc thấu hiểu chính bản thân ở thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, con đường thấu hiểu nội tâm này có thể khó khăn và đáng sợ. Cần có sự gan dạ, động lực và sự kiên trì để tiếp tục bước tiếp. Điều này chẳng giống như sự gan dạ, sự kiên trì và động lực khi tôi chơi trò chơi trên máy tính. Vì vậy, câu hỏi lúc này là: trò chơi có thể dạy những gì cho những người thực hành hướng nghiệp?

Jane McGonigal, trong cuốn sách kích thích tư duy ‘Reality is Broken: Why Games Make Us Better and How They Can Change World’ của McGonigal, 2011 (tạm dịch – Thực tế bị phá vỡ: Tại sao các trò chơi lại khiến chúng ta giỏi hơn và chúng thay đổi thế giới như thế nào) đưa lý do tại sao mọi người lại dành nhiều thời gian để chơi game. Jane cho rằng chơi game thỏa mãn những nhu cầu nội tại mà con người có thể không đạt được ở cuộc sống thực. Nghiên cứu của bà cũng như của những người khác (Faiella & Ricciardi, 2015; Kim, 2015; Schoech, Boyas, Black, & Elias-Lambert, 2013) đã xác định được một số nhu cầu sau:

  1. Hoàn thành các nhiệm vụ chỉn chu với những phần thưởng khi kết thúc
  2. Theo đuổi những thử thách với độ khó tăng dần (nhưng có thể đạt được)
  3. Khả năng thất bại và có thể thử lại sau đó
  4. Nhận phản hồi nhanh chóng và thích hợp
  5. Đảm nhận các hoạt động và mục tiêu phù hợp với tính cách của mỗi cá nhân
  6. Tham gia một nhiệm vụ hoành tráng để đạt được điều gì đó có ý nghĩa to lớn

“Trò chơi hóa” khác với chơi trò chơi; nó đưa các khía cạnh của trò chơi vào các tình huống thật (non-gaming). “Trò chơi hóa” liên quan đến việc tích hợp có chủ ý các phần thưởng, thử thách với độ khó tăng dần và phản hồi nhanh chóng vào một quá trình hoặc nhiệm vụ ngoài đời (phi trò chơi). Định dạng mới dành cho các tình huống trong cuộc sống này có xu hướng thúc đẩy khao khát vượt qua các trở ngại, kiên trì tiếp tục làm việc cho đến khi đạt đến các “vạch đích”, và rồi hương vị của niềm hứng khởi xuất hiện chỉ khi bạn đã đánh bại cái khó khăn. Nói cách khác: đó chính là “niềm vui” (joy).

Nghiên cứu của McGonigal cũng ghi nhận sự phấn khích, hào hứng và tinh thần lạc quan dù gặp thất bại. Hãy suy nghĩ về điều đó trong một phút. Cuộc sống của mọi người sẽ cải thiện như thế nào nếu sau mỗi lần thất bại, thay vì cảm thấy chán nản hay thất bại họ hào hứng quay trở lại và cảm thấy tự tin về tương lai? Điều đó sẽ giúp gì cho những người tìm việc nếu sau khi tham gia một cuộc phỏng vấn và không được nhận, họ ngay lập tức cảm thấy tràn đầy năng lượng để thử lại?

Sự thay đổi trong quan điểm này xảy ra bằng cách biến thất bại thành niềm vui. Khi các game thủ thua cuộc, họ thường nhận được một ảnh động kỳ quặc, ngốc nghếch trên màn hình và cơ hội bắt đầu chơi lại ngay lập tức. Họ thường được thúc đẩy để tiếp tục cố gắng tìm ra cách để chơi tốt hơn vào lần tới. Những ý tưởng như thế này có thể cung cấp cho các chuyên gia hướng nghiệp một bộ công cụ mới để khám phá và sử dụng với thân chủ.

Sử dụng Trò chơi hóa trong Hướng nghiệp

Vì động lực là một thành phần quan trọng quyết định sự thành công của thân chủ, liệu game hóa có thể giúp bồi đắp sự bền bỉ (grit) và kiên cường? Nó có thể bồi dưỡng khả năng cảm nhận niềm vui? Và nếu có thì việc đó xảy ra như thế nào? Để trả lời hai câu hỏi đầu tiên, điều quan trọng là phải nhận ra rằng quá trình tìm kiếm và khám phá công việc có ý nghĩa là một trong những khía cạnh quan trọng nhất để trở thành một người trưởng thành. Thông thường, công việc bị tách rời khỏi cuộc sống (nếu không thì tại sao chúng ta lại cần cân bằng cuộc sống với công việc trong khi chúng chỉ là một mà thôi?). Vì vậy, những điều mang lại cho chúng ta niềm vui trong cuộc sống rất có thể cũng mang lại cho chúng ta niềm vui trong công việc. Tận dụng những yếu tố tạo động lực này có thể giúp thúc đẩy sự bền chí và kiên cường ở những người tìm việc và cả những nhân viên đang làm ở bất kỳ tổ chức nào.

Câu trả lời cho câu hỏi thứ ba về cách thức có thể rất khác nhau tùy thuộc vào tình huống và thân chủ. Nó bắt đầu với suy nghĩ về quá trình phát triển sự nghiệp từ góc nhìn của một nhà phát triển trò chơi. Dưới đây là những câu hỏi trợ giúp:

  1. Chúng ta có thể giao các bài tập đơn giản để người tìm việc dễ dàng thực hiện và trở nên ngày càng thuần thục hơn trước khi phải đối mặt với những thách thức lớn hơn không? Ví dụ: yêu cầu họ thực hiện một cuộc phỏng vấn giả định với một người quen trước khi tiếp cận một nhà lãnh đạo tư tưởng (thought leader) trong lĩnh vực của họ.
  2. Những phần thưởng nào mang lại cho thân chủ hoặc học sinh sinh viên cảm giác thỏa mãn khi hoàn thành? Những phần thưởng này sẽ khác nhau dựa trên độ tuổi, tính cách và đôi khi còn là giới tính. Bạn có thể lồng ghép những phần thưởng này vào quá trình hướng nghiệp với thân chủ của mình không? Đó có thể đơn giản là một cái đập tay (high-five) hoặc một email khen ngợi “Bạn đã làm rất tốt” thôi.
  3. Có cách nào để người tìm việc theo dõi tiến độ của họ và nhận phản hồi không? Một chương trình trực tuyến như My Career Design Studio là cách dễ nhất để thực hiện việc này. Tương tự, có thể sử dụng danh sách việc cần làm hay các bài tập đóng vai với việc phỏng vấn nhanh (với cơ hội thử lại).
  4. Bạn có thể giúp như thế nào cho việc biến thất bại thành điều có thể chấp nhận được (trong kỳ vọng) và thậm chí là niềm vui? Hãy để những người tìm việc hình dung ra những bản nhạc trombone buồn (nhưng theo một cách hài hước) hoặc những hình ảnh hoạt hình vui nhộn bất cứ khi nào họ cảm thấy như mình đang làm hỏng mọi thứ.
  5. Có một phép ẩn dụ bao quát hoặc câu chuyện nào có thể giúp người tìm việc kết nối với một điều to lớn hơn hơn chính họ trong quá trình hướng nghiệp cá nhân hay không? Một số ví dụ như leo lên đỉnh Everest hoặc tìm kho báu bị chôn vùi. My Career Design Studio sử dụng phép ẩn dụ về việc xây dựng một “bức tranh khảm nghề nghiệp” để giúp những người tìm việc kết nối những mảnh ghép khác nhau trong cuộc sống thành nên kiệt tác của chính họ.

Câu trả lời cho những nghi vấn này có thể chính là trò chơi hóa hướng nghiệp và lồng niềm vui vào trong quá trình. Điều này không dễ dàng nhưng trò chơi hóa đã được sử dụng thành công trong việc áp dụng các hành vi sức khỏe mới, ngăn ngừa tái nghiện chất kích thích và giúp mọi người thành công trong công việc (Faiella & Ricciardi, 2015; Meister, 2015; Schoech, Boyas, Black, & Elias-Lambert, 2013). Đã đến lúc trò chơi hóa nên được sử dụng trong quá trình tìm kiếm việc làm.

Thông tin tác giả:

Ronda Ansted, DMgt, MSW, GCDF là người sáng lập của Be the Change Career Consulting và cũng là người sáng tạo ra My Career Design Studio, một ứng dụng huấn luyện nghề nghiệp trực tuyến được đánh giá cao giúp người tìm việc tìm được nghề nghiệp phù hợp và công việc tiếp theo của họ thông qua phép ẩn dụ tạo ra một bức tranh khảm (mosaic). 

Có thể tìm thêm thông tin tại http://www.mycareerdesignstudio.comEmail: ronda@bethechangecareers.com

Người dịch: Tâm Tình

Biên tập: Trâm Nguyễn 

Nguồn bài viết: https://www.ncda.org/aws/NCDA/pt/sd/news_article/145429/_PARENT/CC_layout_details/false

Photo by Lorenzo Herrera on Unsplash