Thiết kế sự nghiệp cá nhân: Cách phát triển, thay đổi và tìm thấy hạnh phúc trong công việc

Đánh giá sách của Janine Rowe

Burnett, B., & Evans, D. (2020). Thiết kế sự nghiệp cá nhân: Cách phát triển, thay đổi và tìm thấy hạnh phúc trong công việc. Alfred A. Knopf. 240 trang.

Là phần tiếp theo của quyển sách bán chạy từ Thời báo New York “Thiết kế cuộc sống” (2016), tác giả Bill Burnett và David Evans tiếp tục áp dụng các khái niệm thiết kế cuộc sống vào lĩnh vực việc làm trong quyển sách mới nhất của họ. Thiết kế sự nghiệp cá nhân (2020) giúp người đọc biết cách sử dụng tư duy thiết kế để tăng hạnh phúc và sự hài lòng cũng như trải nghiệm trong công việc. Các khái niệm từ lý thuyết về sự tự quyết, nghiên cứu về tư duy phát triển và tâm lý học tích cực kết hợp với các yếu tố của tư duy thiết kế để trao quyền cho người đọc.

Thiết kế sự nghiệp cá nhân có thể là một công cụ hữu ích cho các chuyên viên phát triển nghề nghiệp độc lập làm việc với những thân chủ muốn lựa chọn hoặc thay đổi nghề nghiệp, cũng như những người muốn hài lòng hơn trong công việc hiện tại hoặc muốn tích hợp công việc vào cuộc sống tốt hơn. Những bài học rút ra cho các trường hợp này là: suy nghĩ như một nhà thiết kế; tái định hình các vấn đề; và thay đổi lối tư duy sai lầm chỉ chọn một trong hai “ý nghĩa hay tiền bạc” trong phát triển nghề nghiệp.

Áp dụng tư duy thiết kế vào nghề nghiệp

Tư duy thiết kế có thể được định nghĩa là “Các quy trình được những nhà thiết kế và doanh nhân sử dụng để tìm ra giải pháp cho các vấn đề phức tạp, định hướng các môi trường mới hoặc không chắc chắn và tạo ra một sản phẩm mới cho thế giới” (Black et al, 2019, bảng chú thích). Với nền tảng về thiết kế công nghệ, Burnett và Evans áp dụng một số khái niệm từ tư duy thiết kế vào phát triển nghề nghiệp, bao gồm tạo mẫu và thiết kế nghề nghiệp ở vị trí hiện tại.

Tạo mẫu liên quan đến việc tò mò và thử các hoạt động mới, phát triển mạng lưới chuyên nghiệp của cá nhân và thử trải nghiệm mới. Các chuyên viên hướng nghiệp sẽ nhận thấy đề xuất này tương tự như sự ngẫu nhiên trong nghề nghiệp, khuyến khích các cá nhân hành động để khả năng xảy ra các sự kiện tích cực trong cuộc sống của họ tăng lên (Mitchell và cộng sự, 1999). Các tác giả đưa ra một số bài tập về nhà trong phần bài tập “Hãy thử làm”. Các bài tập thiết kế nghề nghiệp ở vị trí hiện tại tập trung vào việc xác định cách để người đọc có thể tái tạo và củng cố sự nghiệp cá nhân mà không cần tìm kiếm một công việc mới. Sách hướng dẫn cách phân biệt tình trạng quá tải với tình trạng kiệt sức, cùng với việc kiểm soát cảm giác quá tải trong công việc hàng ngày, đặc biệt phù hợp trong đại dịch COVID-19 và khả năng phục hồi cần thiết khi đại dịch qua đi.

Tái định hình vấn đề

Mượn từ cách tiếp cận nhận thức-hành vi, các tác giả thảo luận về các lỗi nhận thức liên quan đến công việc, suy nghĩ phi lý và suy nghĩ không thực tế mà họ gọi chung là “những niềm tin loạn chức năng”. Những niềm tin này có thể góp phần tạo ra cảm giác bế tắc và bất lực. Việc đưa ra các nghiên cứu điển hình trong quyển sách chứng minh cách bài tập tái định hình có thể giúp các cá nhân xác định quyền tự quyết và khả năng tác động đến một tình huống theo các bước nhỏ và có thể hành động.

Ví dụ, niềm tin loạn chức năng “tôi không hài lòng với công việc của mình và tôi không biết làm thế nào để khiến công việc của tôi tốt hơn” sẽ được tái định hình thành “tôi nhận ra những động lực nội tại của mình và tôi biết cách tăng cường quyền tự chủ, mối quan hệ và năng lực của mình” (Burnett & Evans , 2020, tr 141). Các tác giả thường xuyên sử dụng cách tái định hình trong sách, lưu ý rằng việc tái định hình một vấn đề không giống như đổi tên vấn đề. Tái định hình giúp các cá nhân tập trung năng lượng của họ vào những thứ họ có thể kiểm soát, xác định các giải pháp khả thi và giảm việc làm trầm trọng hóa vấn đề, trong khi đó đổi tên đơn giản chỉ là mô tả một vấn đề bằng ngôn ngữ mới mà không nhìn thấu động cơ hoặc mong muốn của cá nhân trong khi động cơ và mong muốn này lại là manh mối cho các giải pháp khả thi. Kỹ thuật tái định hình đi sâu hơn so với đổi tên, với triển vọng hiệu quả trong việc giải quyết các trăn trở về nghề nghiệp khác nhau.

Lối tư duy sai lầm chỉ chọn một trong hai “ý nghĩa hay tiền bạc” 

Khi làm việc với các cá nhân tại Phòng thí nghiệm Thiết kế Cuộc đời của Đại học Stanford, các tác giả đã quan sát thấy rằng mọi người có xu hướng xem các cơ hội nghề nghiệp hoặc là kiếm tiền hoặc tạo ra ý nghĩa và cảm thấy rằng họ phải chọn cái này bằng cái giá phải trả của cái kia. Thay vì đánh giá các cơ hội dựa trên tiềm năng về tiền bạc hoặc ý nghĩa, các tác giả đề nghị suy ngẫm về “Bảng hòa trộn” lý tưởng của cá nhân. Dùng cách ẩn dụ về một kỹ sư âm thanh sử dụng bảng trộn âm, các tác giả gợi ý rằng việc kết hợp phù hợp giữa lợi ích tài chính, sự thể hiện sáng tạo và khả năng tạo tác động sẽ mang lại hài lòng nhiều hơn trong nghề nghiệp.

Nguồn tài liệu quý giá cho chuyên viên hướng nghiệp và thân chủ

Thiết kế nghề nghiệp cá nhân là quyển sách có giá trị dành cho những người thay đổi nghề nghiệp và cho bất kỳ ai đang tìm cách thăng tiến trong sự nghiệp hoặc cải thiện sự hài lòng với công việc hiện tại. Người đọc có thể sử dụng sách với sự hỗ trợ của chuyên viên hướng nghiệp hoặc dùng để tự hướng nghiệp. Sách được viết theo phong cách đàm thoại, giúp dễ tiếp cận các khái niệm và khuyến nghị. Mặc dù nhiều ví dụ được lấy từ kinh nghiệm cá nhân của tác giả trong lĩnh vực công nghệ nhưng các ví dụ được nêu trong sách phù hợp cho nhiều trình độ học vấn, lĩnh vực nghề nghiệp và nền tảng ngành khác nhau, bao gồm giáo dục, chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải và khách sạn. Bằng cách làm theo các bài tập trong sách và học hỏi từ các ví dụ, người đọc có thể gia tăng sự khích lệ, chắc chắn và tự tin trong việc kiểm soát các bước tiếp theo trong sự nghiệp của của bản thân.

Thông tin tác giả 

Janine Rowe, MSEd, CCC, NCC, CASAC, là một nhà trị liệu có kinh nghiệm tham vấn hướng nghiệp cá nhân ở Rochester, New York. Cô hiện là cựu chủ tịch của Hiệp hội Phát triển Nghề nghiệp Bang New York và là thành viên của Học viện Lãnh đạo và Học viện Giáo dục Tham vấn của NCDA. Janine là Biên tập viên tại Career Convergence, thành viên của ủy ban Đa dạng và Hòa nhập của NCDA và là thành viên của đội kiểm tra chứng nhận lại chứng chỉ NCDA. Cô quan tâm đến các chủ đề chuyên nghiệp như thành công trong sự nghiệp ở những cá nhân đa dạng thần kinh, các phương pháp hay nhất về tư vấn hướng nghiệp cho người khuyết tật và các lý thuyết hướng nghiệp hậu hiện đại. Có thể liên hệ với cô tại Janine@talktojanine.com.

Người dịch: Ph.Uyên

Biên tập: Mai Đặng

Nguồn bài viết: https://www.ncda.org/aws/NCDA/pt/sd/news_article/361394/_self/CC_layout_details/false 

Photo by Unseen Studio on Unsplash