Sự tử tế và vai trò của tư duy trong Tư vấn nghề nghiệp

Được viết bởi Juliana Parker

Là một chuyên viên tư vấn nghề nghiệp và hướng dẫn lập kế hoạch cuộc sống tại hai trường Cao đẳng Cộng đồng ở vùng đô thị phía Nam California, sinh viên của tôi đã chia sẻ nhiều điều có cả tích cực và tiêu cực về niềm tin ở khả năng họ có thể theo đuổi và sở hữu cho mình một ngành học hay một nghề nghiệp cụ thể. Có nhiều lần tôi từng nghe sinh viên bày tỏ rằng: “ Ôi em không đủ thông minh để làm ngành nghề đó đâu”, hay “Em không nghĩ là mình có thể đạt được điều đó”. Thêm vào đó, trong quá trình làm việc với bố mẹ phụ huynh, có những thách thức khác xuất hiện như áp lực về tài chính, cân bằng trách nhiệm giữa công việc – gia đình và làm cha mẹ. Có vô số lần sinh viên gục ngã tại nơi làm việc của tôi vì họ cảm thấy kiệt sức khi cố gắng “làm tất cả mọi thứ”. Sinh viên của tôi thường cảm thấy cả thể xác lẫn tâm hồn của họ suy sụp, nhưng vẫn luôn tự chất vấn tại sao họ phải nếm trải những thử thách ấy. Họ gần như kỳ vọng mình như thể những người máy, nhưng thực tế họ chỉ là con người bình thường. Những câu cửa miệng các bạn sinh viên hay nói với tôi “Em không nên cảm thấy như vậy, nhưng…” hoặc “Em không biết tại sao mình lại cảm thấy quá tải”. Với kinh nghiệm của tôi, đây là nơi mà sự tử tế trong tư vấn hướng nghiệp trở nên cần thiết nhất.

Một trong những lý thuyết yêu thích được tôi áp dụng vào việc giảng dạy và tư vấn nghề nghiệp là lý thuyết Tư duy cầu tiến/Tư duy bảo thủ của Carol Dweck. Khái niệm của Tiến sĩ (TS) Dweck ủng hộ sinh viên đặt niềm tin vào bản thân trong việc định hướng lựa chọn nghề nghiệp và cân bằng nhiều vai trò khác nhau. Lý thuyết của TS Dweck là công cụ vô cùng hữu ích đối với tôi trong vai trò tư vấn bởi vì nó giúp sinh viên nhìn nhận bản thân từ góc độ dựa trên điểm mạnh của họ. Hơn nữa, ngoài việc giúp sinh viên hiểu rõ cấu trúc nhận thức nội tại của bản thân, lý thuyết này còn giúp xác định những tư duy tiềm tàng ở những người sống xung quanh sinh viên như cha mẹ, bạn bè, vợ/chồng, bạn đời,…

Áp dụng lý thuyết Tư duy Cầu tiến/Bảo thủ

Gần đây tôi có làm việc với “Tina”, một phụ nữ trẻ với ước mơ trở thành một y tá. Để đạt được ước mơ, cô ấy đăng ký học tại hai trường cao đẳng để phù hợp với lịch trình bận rộn trong vai trò là sinh viên, người vợ và là mẹ của đứa con trai tuổi mới biết đi. Cô ấy tích cực tìm kiếm sự hỗ trợ trong lớp học của mình, lập kế hoạch học tập để xác định các môn học tiên quyết mà cô ấy cần phải học trước, và lên lịch để tìm hiểu thêm những yêu cầu cụ thể để lấy được bằng y tá. Mặc dù mọi thứ đã được chuẩn bị kỹ càng nhưng cô ấy kể rằng cô cảm thấy đau khổ và bối rối khi những người thân trong gia đình nghi ngờ, đàm tiếu với những thành viên khác về mục tiêu của mình. Cô ấy đã rất ngạc nhiên khi nói với tôi: “ Cô Parker, tôi nghĩ đáng lẽ gia đình phải đứng về phía tôi chứ?”

Chúng tôi trao đổi về những cảm xúc của cô ấy và tôi cũng chia sẻ với cô ấy về sự khác biệt trong quá trình suy nghĩ của người có tư duy cầu tiến với tư duy bảo thủ. Đối với các cá nhân có tư duy cầu tiến, sự thành công của người khác như nguồn thông tin có tính truyền cảm hứng. Đối với các cá nhân có tư duy bảo thủ, thành công của người khác sẽ khiến họ cảm thấy bị đe dọa và có thể xoáy sâu thêm sự thất bại hoặc tiếc nuối trước đây của một ai đó. Việc xem xét biểu đồ của những người có tư duy cầu tiến với người có tư duy bảo thủ cùng với Tina, điều này đã giúp cô ấy hiểu rõ sự khác biệt giữa tư duy cầu tiến của cô và tư duy bảo thủ tiềm tàng ở các thành viên trong gia đình. Tôi đã chia sẻ một cách thức đơn giản với Tina để giúp cô ấy vượt qua những thử thách mà cô ấy phải đối mặt.

Tử tế với bản thân

Với công việc hằng ngày là một chuyên viên giáo dục và tư vấn nghề nghiệp, tôi được truyền cảm hứng mạnh mẽ bởi lý thuyết của TS. Deweck và câu nói mà Người bạn y tá thân yêu đã nói với bệnh nhân của cô ấy. Đó là “Hãy tử tế với bản thân”, tôi đã chia sẻ điều này với rất nhiều sinh viên trong các ca tư vấn và giờ giảng. Tôi cũng in câu nói này lên những tấm thẻ nhỏ như một lời nhắc nhở và tặng cho sinh viên để họ có thể cất vào trong sổ tay hoặc ví cầm tay. Tôi nói với sinh viên rằng “Tử tế với bản thân” có nghĩa là bất kể điều gì bạn cần làm vào thời điểm nhất định bất kì trong cuộc đời. Đối với những phụ huynh bận rộn với công việc, điều đó có thể là một lời nhắn nhủ rằng anh ấy/cô ấy đang làm công việc tốt nhất mà họ có thể làm. Với một sinh viên đang hoài nghi về khả năng của bản thân khi theo đuổi một chuyên ngành hay một nghề nghiệp cụ thể, điều cần thiết là suy nghĩ tích cực về mục tiêu của mình và thực hiện nó hằng ngày. Đối với một thân chủ đang có ý định thay đổi sự nghiệp, nó là một lời nhắc nhở hãy dành nhiều thời gian tìm hiểu về quá trình tư vấn nghề nghiệp để từ đó xác định hướng đi phù hợp tốt nhất. Đối với một sinh viên bị suy sụp vì trượt một bài kiểm tra quan trọng mặc dù họ đã chăm chỉ học tập, đó như là một lời nhắn nhủ rằng họ không phải kẻ thất bại. Với những sinh viên đang làm việc cật lực không ngơi nghỉ, đó là một lời nhắc nhở để họ đi chậm lại, dù chỉ một giây. Khái niệm “Tử tế với bản thân” cũng bao gồm cả cơ hội “Tự chăm sóc bản thân ở cấp vi mô”, làm những điều nhỏ nhoi dành cho bản thân. Như Ashley Davis Bush phát biểu trong mạng lưới những nhà trị liệu tâm lý rằng “tự chăm sóc bản thân ở cấp vi mô là về những lợi ích của những thay đổi nhỏ được thực hiện với tần suất đáng tin cậy”. Một hoạt động “tự chăm sóc bản thân cấp vi mô” khác có hình thức đơn giản, phù hợp với túi tiền của các bạn sinh viên có thể kể đến là hoạt động tỉnh thức, thiền, rèn luyện thể chất, hòa mình với thiên nhiên và nạp năng lượng cho cơ thể và não bộ bằng cách ngủ đủ giấc và chế độ dinh dưỡng đầy đủ. 

Lợi ích đối với Tư vấn viên và khách hàng

Sự tử tế của một cá nhân, hay khái niệm tử tế với chính mình, có thể tạo ra tác động mạnh mẽ đối với khách hàng và chính chúng ta theo nhiều cách. Việc sử dụng quan điểm dựa trên điểm mạnh để tập trung vào  tư duy cầu tiến sẽ giúp mối quan hệ tư vấn đạt được nhiều kết quả tích cực. Là một chuyên viên giáo dục và tư vấn nghề nghiệp, chúng tôi mong những điều tốt đẹp nhất dành cho sinh viên của mình. Chúng tôi muốn sinh viên của mình sẽ thành công và chăm sóc bản thân một cách đầy đủ bằng sự tử tế, quan tâm và trân trọng.

— Thông tin tác giả:

Juliana Parker, Thạc sĩ, Chuyên viên hướng nghiệp là chuyên viên giáo dục – tư vấn nghề nghiệp phụ tá tại trường Đại học Cypress và là Cố vấn viên tại Đại học Santa Monica. Juliana là chuyên viên tư vấn hướng nghiệp được chứng nhận thông qua NCDA và là Thạc sĩ với chuyên môn là Tư vấn hướng nghiệp. Bạn có thể liên hệ với cô ấy thông qua email julianaparker@yahoo.com.  

Người dịch: An Chi

Biên tập: Hồ Lan

Nguồn bài viết: https://www.ncda.org/aws/NCDA/pt/sd/news_article/145435/_PARENT/CC_layout_details/false

Photo by Jeremy Bishop on Unsplash