Nâng cao độ sẵn sàng trên hành trình suy ngẫm: Các phương pháp hỗ trợ ra quyết định nghề nghiệp – cuộc sống

Những nhu cầu còn bỏ ngỏ đang cần được can thiệp
Việc tạo điều kiện cho tiến trình phức tạp trong việc đưa ra những lựa chọn có hiểu biết về nghề nghiệp là một thử thách cho người làm công việc tư vấn/hỗ trợ cho những nhóm lớn. Trong môi trường giáo dục phổ thông, có rất nhiều các bạn học sinh tốt nghiệp nhưng nhận được rất ít hỗ trợ về khám phá và thu hẹp các lựa chọn nghề nghiệp cũng như xem xét các hướng đi sau trung học. Vì vậy, các bạn có nhu cầu và mong đợi các cơ sở giảng dạy ở các bậc học cao hơn hỗ trợ các bạn hiệu quả hơn nhằm giúp các bạn tìm ra con đường “nghề nghiệp” cho bản thân.

Nhiều dịch vụ hỗ trợ tại các trường đại học/cao đẳng hay những trung tâm tư vấn thường tập trung vào phương pháp dùng các bài đánh giá (test) để quyết định ngành học hay công việc “phù hợp” cho các bạn sinh viên. Điều này đôi khi lại bị ảnh hưởng bởi những quan điểm phiến diện từ cách tiếp cận “đánh giá và báo kết quả” (test them and tell them). Cách tiếp cận này cho thấy sự đối lập với quá trình trải nghiệm mang tính thời gian với nhiều tương tác hơn do liên quan đến quá trình suy ngẫm và làm rõ các giá trị. Đối với người trưởng thành khi họ đã trải qua nhiều bước chuyển đổi thì việc làm bài đánh giá sẽ không đủ để giúp họ đưa ra quyết định một cách hiệu quả.

Phương pháp can thiệp cần đi từ khái niệm Nghề đến khái niệm Nghề nghiệp-Cuộc sống
Trên thế giới hiện nay, cách nhìn phổ biến về “nghề” (career) là “nghề bằng với việc làm” (career equals work) và có nhiều người đang làm tư vấn cũng như những cá nhân đang tìm kiếm hướng đi nghề nghiệp cho mình thường đều có chung cách nhìn này. Tuy nhiên, quan điểm này lại không nói lên được đầy đủ những gì đang diễn ra trên thực tế vì hầu như tất cả thanh thiếu niên và người trưởng thành đều đóng ít nhất 5 vai trò trong 9 vai trò trong cuộc sống của họ. Trong đó chỉ duy nhất một vai trò – vai trò làm việc – là vai trò mang lại nguồn thu nhập. Trong khi đó, trong suốt cuộc đời của mỗi người, tất cả các vai trò đều có ảnh hưởng lẫn nhau theo chiều hướng tiêu cực lẫn tích cực.

Thật ra, nghề nên được nhìn nhận một cách rộng hơn, sâu hơn và đa chiều hơn so với cách nhìn nghề chỉ là việc làm. Khi sự thành công và thỏa mãn trong các vai trò trong cuộc sống đến từ những quyết định nghề nghiệp sáng suốt thì ta thấy rằng khái niệm nghề nghiệp luôn đi cùng với sự hiệu quả trong việc cân bằng những vai trò mà mỗi cá nhân đang phải đảm nhận. Điều này cần những phương pháp can thiệp với cách nhìn “nghề” theo quan điểm “nghề nghiệp- cuộc đời” (Colozzi, 1981; Colozzi & Haehnlen, 1981, 1982). Tuy nhiên, hầu hết những người làm công tác tư vấn vẫn chưa chỉ ra được điều này một cách đầy đủ cho các bạn thanh thiếu niên cũng như người trưởng thành khi họ tìm đến dịch vụ tư vấn nghề nghiệp.

Phương pháp can thiệp cần các hoạt động theo tiến trình và sự suy ngẫm về các giá trị
Các phương pháp can thiệp có hiệu quả đòi hỏi việc dành thời gian cho sự suy ngẫm dựa trên khung hướng dẫn về cách thực hiện nhiều vai trò cùng một lúc dành cho đối tượng thanh thiếu niên và người trưởng thành cũng như đòi hỏi cách sử dụng ngôn ngữ phù hợp cho từng độ tuổi và nền văn hóa khác nhau. Khung hướng dẫn có thể bao gồm bài đánh giá súc tích về thời gian và năng lượng được dành cho chín vai trò phổ biến trong cuộc sống thông qua cách đưa ra những câu hỏi gợi mở. Trong đó, bài đánh giá CAREER-LIFE CARE Assessment & Action Inventory – AV của tác giả Colozzi là một hoạt động suy ngẫm được dựa trên tốc độ của từng cá nhân (Colozzi, 1984, 2009, 2014). Đây là một bài đánh giá ngắn, đơn giản, dễ làm, chỉ trong vòng 1 trang giấy và đã được sử dụng khá hiệu quả cho hoạt động cá nhân hay hoạt động nhóm với nhiều đối tượng khác nhau trong những bối cảnh đa văn hóa khác nhau.

Theo cách can thiệp này, cá nhân được tạo cơ hội để suy ngẫm về các vai trò nghề nghiệp-cuộc sống của họ, đặc biệt là những vai trò đang cần được chú ý ngay trong hiện tại, và để sau đó tạo ra một kế hoạch hành động súc tích cho những bước tiếp theo. Thêm vào đó, cách can thiệp này còn có thể cung cấp một cái nhìn tổng quan về thế giới công việc, về khả năng tự nhận thức và các nhóm tính cách trong mật mã Holland, và DOVE (Depth-Oriented Values Extraction) – một hoạt động dựa trên các giá trị đòi hỏi sự suy ngẫm (Colozzi, 1978, 2003, Colozzi & Byars-Winston, 2014, Colozzi & Haehnlen, 1982).

Tác giả Thul-Sigler đã cộng tác với tác giả Colozzi, sử dụng một phiên bản của phương pháp đánh giá DOVE (Colozzi, 2015) cho một nhóm thực nghiệm trong bài nghiên cứu tiến sĩ của cô (Thul-Sigler, 2016). Trong đó, người trưởng thành được nhìn ngẫm lại về các vai trò nghề nghiệp-cuộc sống của họ, cũng như những vai trò đã gây ra căng thẳng hay mâu thuẫn. Việc tiếp xúc với thông tin này thường sẽ giúp củng cố khả năng kiểm soát từ bên trong và nâng cao niềm tin về khả năng của bản thân khi đưa ra quyết định và hành động. Nghiên cứu này chỉ ra rằng phương pháp can thiệp dựa trên tính giá trị DOVE là một nhân tố quan trọng trong việc giảm thiểu sự mơ hồ trong lựa chọn nghề nghiệp.

Phương pháp can thiệp đòi hỏi mức độ sẵn sàng suy ngẫm
Các phương pháp can thiệp mang tính tiến trình đòi hỏi mức độ sẵn sàng suy ngẫm (Colozzi & Colozzi, 2000). Không phải ai cũng sẵn sàng nhìn lại bản thân, những thử thách, nỗi sợ, ước mơ, hoặc thậm chí là trách nhiệm và sự cam kết cá nhân. Đây vốn là điều cần thiết cho sự toàn tâm vào việc khám phá những lựa chọn và đưa ra quyết định. Nhiều cá nhân tin rằng khi họ chọn đến gặp người tư vấn, tạo ra một danh sách về các sở thích, hay sử dụng phần mềm hệ thống hướng dẫn sẽ giúp họ tìm ra câu trả lời. Tuy nhiên, nhiều người trong số này sau đó lại cảm thấy bị quá tải và dễ dàng nản lòng khi họ nhận ra quá trình lựa chọn nghề nghiệp đòi hỏi trách nhiệm cá nhân, sự cam kết và thời gian. Dù rằng họ có thể thấy hứng thú trong việc khám phá về bản thân nhưng do đây là sự gượng ép buộc họ phải nhìn lại (Colozzi & Colozzi, 2000) cho nên cuối cùng họ hay thường nản lòng. Thật ra những cá nhân này, vì nhiều lý do, vẫn chưa thực sự sẵn sàng toàn tâm cho sự suy ngẫm cũng như chưa có sự cam kết cá nhân, và hiếm có điều gì mà họ hay ai khác có thể làm để khơi gợi lên sự toàn tâm đó.

Sự sẵn sàng ở một người có thể được khơi gợi nhưng điều này chỉ xảy ra khi người đó đã sẵn sàng để được khơi gợi. Mức độ sẵn sàng để suy ngẫm là cần thiết. Những cá nhân dù ngay từ đầu có sự tò mò về việc khám phá bản thân và việc đưa ra quyết định nhưng lại không có sự chuẩn bị cho quá trình suy ngẫm thì sẽ thiếu sự kết nối trong những tiến trình đầy phức tạp vốn liên quan đến việc đưa ra những lựa chọn sáng suốt về bản thân và các giá trị cốt lõi. Điều này mang ý nghĩa quan trọng liên quan đến sự suy giảm số lượng các bạn sinh viên và thân chủ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.

Tác giả Thul-Sigler dường như đã đưa ra bằng chứng về hành vi này trong nghiên cứu bán can thiệp mà cô tập trung vào câu hỏi liệu sự khiếm khuyết về khả năng lựa chọn nghề nghiệp của người trưởng thành có thể đươc giảm thiểu bằng cách tham gia vào một hội thảo trực tuyến dựa trên các giá trị và tiến trình (Thul-Sigler, 2016). Tất cả các đối tượng được chia thành ba nhóm: hai nhóm thực nghiệm và một nhóm kiểm soát. Một nhóm thực nghiệm được yêu cầu suy ngẫm và tham gia các hoạt động theo tiến trình trong một buổi hội thảo trực tuyến về giá trị. Nhóm này cho thấy sự giảm thiểu lớn nhất về sự mơ hồ trong lựa chọn nghề nghiệp và đây là nhóm có sự suy giảm lớn nhất với mức 24% so với các nhóm còn lại. Nhóm thực nghiệm thứ hai tham gia vào một buổi hội thảo trực tuyến về sở thích. Đây là hội thảo với ít hoạt động tiến trình và người tham gia trong nhóm này trải nghiệm sự giảm thiểu ít hơn, ở mức 18%. Nhóm kiểm soát được yêu cầu không tham gia vào các hoạt động nào mà chỉ làm hai bài kiểm tra trước và sau thực nhiệm thì lại có sự giảm thiểu thấp nhất với mức 13%.

Lời kêu gọi hành động
Kết quả nghiên cứu của tác giả Thul-Sigler cung cấp cách nhìn sâu sắc về tính hiệu quả của việc đưa các giá trị vào quá trình đưa ra quyết định và cho thấy tính hữu ích và tầm quan trọng của sự suy ngẫm. Sử dụng cách tiếp cận bằng giá trị có thể hữu ích cho hầu hết các mảng trong tư vấn và giáo dục bao gồm dịch vụ hỗ trợ, doanh nghiệp, thực hành tư vấn cá nhân, và sức khỏe tâm thần. Đây là nơi mà sự kết hợp sáng tạo đưa giá trị vào trong nghiên cứu và thực tế có thể cung cấp những biện pháp can thiệp mới và hiệu quả. Cho dù một cá nhân đã có những sở thích nhất định nhưng mâu thuẫn trong nghề nghiệp vẫn có thể xảy ra khi giá trị và sở thích không song hành cùng nhau. Điều này có thể tránh được nếu như có sự chú trọng đưa vào nhiều hơn những hoạt động tiến trình dựa trên cơ sở giá trị và chúng được lồng ghép với hoàn cảnh nghề nghiệp-cuộc sống giàu tính thực tế.

Việc các em học sinh từ bậc mầm non tới bậc tiểu học được tiếp cận mô hình nghề nghiệp-cuộc sống thông qua các hoạt động suy ngẫm cá nhân và hoạt động nhóm đầy hài hước và sáng tạo có thể giúp tạo ra và hỗ trợ quá trình nhận thức về khả năng tự nhận thức, về tài năng và sở thích đặc biệt của riêng các em. Sự trải nghiệm này góp phần cho việc đặt những nền móng quan trọng cho việc làm rõ và phát triển sở thích, thái độ, niềm tin, và những giá trị cốt lõi vốn là rất cần thiết cho bản chất của sự tự nhận thức.

Mỗi cá nhân đều có khả năng hiểu về bản thân mình. Cái khó ở đây là làm sao để nâng cao sự nhận thức về khả năng này ở mỗi người. Suy ngẫm là hoạt động của con người . Nó có sức mạnh đưa đến việc nâng cao khả năng tự nhận thức về bản thân. Chúng tôi có một niềm tin mãnh liệt rằng quá trình suy ngẫm, đặc biệt khi được thực hiện từ bậc mầm non đến tiểu học, sẽ giúp nâng cao mức độ sẵn sàng của các em trong những năm học tại bậc phổ thông. Sự sẵn sàng đó sẽ khơi nguồn cho sự thực sự sẵn sàng suy ngẫm của mỗi cá nhân trong những năm về sau. Đây sẽ là điều hữu ích cho từng cá nhân trong suốt vô số những bước chuyển đổi vốn là một phần của hành trình nghề nghiệp-cuộc sống của họ.

Tác giả: Edward Anthony Colozzi và Amy Susan Thul-Sigler

Người dịch: Hiền Nguyễn

Biên tập: Truc Le

Nguồn: Edward Anthony Colozzi and Amy Susan Thul-Sigler (2016) Cultivating a Willing Readiness to Reflect: Interventions That Facilitate Making Career-Life Decisions https://www.ncda.org/aws/NCDA/pt/sd/news_article/129271/_PARENT/CC_layout_details/false