Khung lý thuyết hệ thống: Mô hình đáp ứng về mặt văn hóa trong tư vấn nghề nghiệp

Được viết bởi Michelle M. Lovasz

Khung Lý thuyết Hệ thống (Systems Theory Framework – STF) về Phát triển Nghề nghiệp (Patton & McMahon, 2014 và 2018) đề xuất một mô hình giúp xem xét những hệ thống có ảnh hưởng đến sự phát triển và tư vấn nghề nghiệp của cá nhân và người hành nghề. STF thừa nhận có ba hệ thống ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp của mỗi cá nhân:

  • Tương tác giữa các cá nhân – Interpersonal (ví dụ: nhận dạng sắc tộc, dân tộc, giới tính, xu hướng tính dục, khả năng, tuổi tác và tính cách);
  • Xã hội – Social (ví dụ: giá trị, niềm tin, thái độ và mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giữa bạn bè đồng trang lứa, ở trường học, ở nơi làm việc, trong cộng đồng và phương tiện truyền thông); và
  • Môi trường/Xã hội – Environmental/Societal (ví dụ: yếu tố đàn áp trong lịch sử, các chính sách, cơ cấu làm việc, các biến số kinh tế xã hội, vị trí địa lý và các giá trị, niềm tin và thái độ trong các nhóm tuổi).

Ngoài ra, STF nhận thấy có ba nguyên tắc ảnh hưởng đến quá trình phát triển nghề nghiệp của mỗi cá nhân:

  1. Sự tương tác của các yếu tố ảnh hưởng ở mỗi cá nhân trong bối cảnh và sự tương tác giữa cá nhân đó với bối cảnh. Những sự tương tác này luôn năng động và tuần hoàn. 
  2. Mọi việc luôn thay đổi theo thời gian, theo một cái nhìn hướng tới tương lai, điều này có ý nghĩa quan trọng vì những ảnh hưởng trong quá khứ hình thành nên ảnh hưởng và cách diễn giải trong hiện tại, từ đó mang lại những cơ hội nghề nghiệp trong tương lai; và
  3. Cơ hội hoặc các sự kiện bất ngờ, những hệ thống rộng khác ảnh hưởng đến hệ thống của mỗi cá nhân.

Phương pháp tiếp cận STF trong Tư vấn nghề nghiệp

Phương pháp STF trong phát triển nghề nghiệp cung cấp một mô hình đặt cá nhân và người hành nghề (chuyên viên) là đồng tác giả trong hành trình tư vấn nghề nghiệp (McMahon & Patton, 2004; Patton & McMahon, 2006). STF cho phép mỗi cá nhân viết ra các hệ thống có ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp mà người hành nghề và cá nhân mang đến trong mối quan hệ tương hỗ.

Khi các cá nhân kể về hệ thống của họ mà họ nghĩ nó có ảnh hưởng đến sự phát triển nghề nghiệp, người hành nghề nên ghi chú lại các chủ đề và lĩnh vực liên quan thay vì ghi chú những thiếu sót hiện tại hoặc những rào cản tiềm ẩn của cá nhân đó. Hai bên tiến hành thảo luận dựa trên thế giới quan được xây dựng bởi các cá nhân thông qua các câu chuyện nghề nghiệp và cùng xây dựng các cách diễn giải định hướng cho bước tiếp theo trong quá trình tư vấn nghề nghiệp. Các bước tiếp theo có thể kết hợp các lý thuyết phát triển nghề nghiệp khác, hoặc các lý thuyết liên ngành khác để cung cấp thông tin hướng dẫn nhằm tiếp tục phát triển nghề nghiệp cho cá nhân.

STF trong bối cảnh văn hóa đa dạng và hội nhập

STF là một phương pháp thực hành đáp ứng về mặt văn hóa và tích hợp yếu tố xã hội, các chuẩn mực, yếu tố cộng đồng, các ảnh hưởng văn hóa và lịch sử. Với sự tích hợp này, STF có thể coi là điểm xuất phát trong việc phát triển nghề nghiệp, trao quyền và vận động chính sách (Chan, 2019). STF đã được áp dụng và thể hiện giá trị thực tiễn trong thực hành nghề nghiệp, đánh giá định tính và nghiên cứu giữa các nhóm khách hàng và trong bối cảnh văn hóa khác nhau (Arthur & McMahon, 2005; Patton & McMahon, 2018).

STF tạo cơ sở để hiểu bản sắc xã hội của từng cá nhân nhằm xác định vị trí của họ trong xã hội liên quan đến sự phát triển nghề nghiệp của họ. Trong một bài báo về việc áp dụng STF trong dịch vụ hướng nghiệp cho cộng đồng LGBTQ+, Christian D. Chan (2019) đã chỉ ra rằng việc điều hướng sự phát triển bản sắc và những ảnh hưởng từ việc bị gạt ra trong và ngoài bối cảnh công việc và nghề nghiệp có thể trì hoãn sự phát triển nghề nghiệp của các cá nhân. Những ảnh hưởng này có thể tác động đến các lựa chọn và con đường nghề nghiệp liên quan đến môi trường làm việc an toàn và sự hài lòng tại nơi làm việc và nghề nghiệp. Những ảnh hưởng từ việc bị lạc loài về giới tính, tính dục hoặc tình cảm cộng với việc chịu áp bức từ các nhóm lớn khác (ví dụ: phân biệt chủng tộc – racism, phân biệt đối xử với người khuyết tật – ableism, chủ nghĩa dị tính – heterosexism, chủ nghĩa giới – genderism) có thể tạo thêm căng thẳng. Điều này có thể ảnh hưởng đến thể chất và sức khỏe của các cá nhân, bao gồm cả sức khỏe nghề nghiệp và có thể đưa ra những thách thức trong quá trình chuyển đổi cuộc sống (ví dụ: nuôi dạy con cái, nghỉ hưu) (Chan, 2019).

Ví dụ, trong cộng đồng LGBTQ và người chuyển giới, theo ghi nhận của Chan (2019), quá trình công khai giới tính (come out) trước đây đã gặp phải những thách thức do những chính sách thiếu sự bảo vệ và luật pháp đã cản trở sự an toàn (ví dụ như các vụ bắt nạt hoặc quấy rối tại nơi làm việc, tại các quốc gia có quy định hợp pháp về việc sa thải những người không phải là người dị tính). Cộng đồng người chuyển giới có thể còn bị gạt ra ngoài lề hơn bởi ngôn ngữ trong các chính sách. Các chính sách đặt ra các biện pháp bảo vệ dựa trên giới tính (ví dụ: phụ nữ) nhưng không coi bản dạng giới là bản dạng xã hội. Hệ quả là tỷ lệ thất nghiệp đối với cộng đồng người chuyển giới cao hơn mức trung bình của cả nước, cho thấy nhu cầu ngày càng tăng về tư vấn nghề nghiệp đáp ứng về mặt văn hóa (Chan, 2019).

Chan (2019) ghi nhận những lợi ích của việc ưu tiên bản sắc (ví dụ: chủng tộc và dân tộc, xu hướng tính dục, tình cảm và bản dạng giới) và bối cảnh (ví dụ như bắt nạt tại nơi làm việc, quyền được bảo vệ và quyền cá nhân, các cuộc vận động) kết hợp với các ảnh hưởng của quá trình tương tác và thay đổi theo thời gian. Phương pháp tiếp cận STF có thể kích thích việc thảo luận xung quanh các thuật ngữ và ý nghĩa của các ảnh hưởng liên quan đến bản sắc, có thể hình thành sự tự nhận diện trong nghề nghiệp của một cá nhân. Đồng thời, các cuộc thảo luận có thể giải quyết các rào cản có thể xảy ra trong môi trường nghề nghiệp cụ thể để giảm thiểu tác hại có thể xảy ra.

Các câu chuyện nghề nghiệp được xem xét dựa trên các điểm mạnh và kết hợp với tiếp cận STF cung cấp hướng dẫn cho các cá nhân, giúp họ xem xét con đường sự nghiệp của chính họ, khởi xướng sự thay đổi và hành động từ chính họ, cũng như xếp ra những rào cản đang định hình nghề nghiệp trong bối cảnh xã hội. Từ đó, các cá nhân có thể đạt được sự trao quyền và ý nghĩa đối với bản thân trong tương lai trong việc khẳng định môi trường làm việc.

Ứng dụng thực tế của STF

STF có thể được sử dụng như một đánh giá nghề nghiệp định tính trong quá trình tuyển sinh. Thông qua việc ghi nhận sự khác biệt của cá nhân và người hành nghề, mối quan hệ giúp đỡ có thể được thiết lập và tạo cơ sở cho việc cùng diễn giải các yếu tố ảnh hưởng và các cơ hội có thể có để cung cấp thông tin cho các bước tiếp theo trong quá trình tư vấn nghề nghiệp.

Một số loại đánh giá nghề nghiệp định tính có thể được sử dụng và diễn giải thông qua STF bao gồm (McMahon & Watson, 2007; Patton & McMahon, 2018):

  • Sơ đồ (Genogram) nghề nghiệp
  • Các nhân tố xã hội, vai trò và văn hóa (Social, role, and cultural atoms);
  • Kịch xã hội về nghề nghiệp (Career sociodramas);
  • Chuyện tường thuật (Narrative Sentence-Completion process);
  • Chương kể Sự nghiệp đời tôi (My career chapter);
  • Phỏng vấn Các hệ thống nghề nghiệp (Career Systems Interview); và
  • Hệ thống Các ảnh hưởng nghề nghiệp của tôi (My System of Career Influences).

Thang đo ngắn về ảnh hưởng phát triển nghề nghiệp (The Brief Scale of Career Development Influences) giới thiệu cách đánh giá nghề nghiệp theo hướng định lượng được xây dựng dựa trên STF (Bridgstock, 2007). Hệ thống Các ảnh hưởng nghề nghiệp của tôi (My System of Career Influences) có thể được hoàn thành riêng, theo nhóm hoặc với sự hướng dẫn của người hành nghề hướng nghiệp, thông qua hình thức một buổi dạy hoặc một loạt các bài học giáo dục hướng nghiệp, được sử dụng để tự phản tư trong đào tạo giáo dục hướng nghiệp và được áp dụng như một công cụ nghiên cứu (McMahon & Patton, 2004; McMahon & Watson, 2007).

Thông tin tác giả:

Thạc sĩ Michelle M. Lovasz, là Trợ lý giám đốc Trung tâm phát triển nghề nghiệp tại Đại học Bang California, Los Angeles. Cô đã đồng trình bày về chủ đề khám phá bản sắc trong tư vấn hướng nghiệp và học tập, tư vấn chính về con đường sự nghiệp, cựu sinh viên có vai trò như các hình mẫu trong phát triển nghề nghiệp và gắn bó với mạng xã hội truyền thông để thiết lập thương hiệu cá nhân. Cô ấy cũng thực hiện các nghiên cứu bằng việc phân tích các cuộc hội thoại để khám phá sự đồng tham gia vào kết quả phỏng vấn đối với sinh viên Đại học Latinx ở các cuộc phỏng vấn thực tập đa dạng. Bạn có thể liên hệ với cô ấy qua mlovasz@calstatela.edu

 

Người dịch: Trâm Nguyễn

Biên tập: Khương Lê

Nguồn bài viết: https://www.ncda.org/aws/NCDA/pt/sd/news_article/290948/_self/CC_layout_details/false 

Photo by Nathan Dumlao on Unsplash