Đánh Giá Sách “Cách Tiếp Cận Nghiên Cứu Ca Thực Tế Về Đạo Đức Trong Phát Triển Nghề Nghiệp, Ấn Bản Thứ Hai”

Makela, JP và Perlus, JG (2017). Cách tiếp cận nghiên cứu ca thực tế về đạo đức trong phát triển nghề nghiệp  (Xuất bản lần thứ 2). Broken Arrow, OK: Hiệp Hội Phát Triển Nghề Nghiệp Quốc Gia. (114 trang).

Các tác giả Julia Makela và Jessamyn Perlus chia sẻ rất rõ ngay từ đầu rằng chuyên khảo (tài liệu nghiên cứu chuyên ngành) về chủ đề đạo đức này sẽ không đưa ra câu trả lời hoặc giải pháp triệt để cho những thử thách về đạo đức mà các chuyên viên hướng nghiệp có thể đối mặt trong công việc. Thay vào đó, họ mời độc giả tham gia vào “hành trình suy ngẫm và khám phá”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ra quyết định có tính đạo đức như một quá trình hợp tác đòi hỏi sự minh bạch, xin ý kiến tư vấn và các chính sách, hướng dẫn có liên quan.

Cấu trúc

Sách chuyên khảo bao gồm các phần sau: lời cảm ơn, lời giới thiệu, lời mở đầu, sáu chương nội dung, phụ lục, mục lục và thông tin tác giả. Lời giới thiệu giải thích về những cập nhật trong ấn bản thứ hai của chuyên khảo. Tất cả các ca nghiên cứu thực tế được đưa vào ấn bản này để phân tích các vấn đề đạo đức có liên quan và xuất hiện gần đây trong lĩnh vực phát triển nghề nghiệp. Chuyên khảo cũng xem xét các hướng dẫn hiện hành, bao gồm Bộ Quy tắc Đạo đức NCDA 2015, nhằm thúc đẩy các quyết định và các cuộc thảo luận liên quan đến đạo đức.

Tóm lược

Chuyên khảo này đóng vai trò như một nguồn tài liệu học tập, suy ngẫm và hợp tác với nỗ lực giúp các chuyên viên hướng nghiệp chuẩn bị cho các vấn đề tiềm ẩn và các câu hỏi liên quan đến các tình huống khó xử về đạo đức khác nhau. Độc giả hướng đến là các chuyên viên hướng  nghiệp ở mọi cấp độ kinh nghiệm và môi trường làm việc. Theo ghi nhận của Makela và Perlus, Bộ Quy tắc Đạo đức NCDA 2015 đã có nhiều cập nhật đáng kể trong hướng dẫn ở  các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ nghề nghiệp trực tuyến và mạng xã hội. Các ca nghiên cứu thực tế đề cập trong sách phản ánh những thay đổi đó và bao gồm các tình huống  mới, các vấn đề đạo đức và các tài nguyên sẵn có cho các chuyên viên hướng nghiệp. Mục tiêu chính của chuyên khảo là:

  • chủ động tiếp cận các vấn đề đạo đức
  • nhận ra bản chất không thể tránh khỏi và nhu cầu cần chuẩn bị cho những tình huống khó xử về đạo đức
  • khám phá việc áp dụng các chiến lược ra quyết định có đạo đức và các nguồn lực có trong các quy tắc và tiêu chuẩn đạo đức
  • thu hút người tham gia vào quá trình phân tích và đưa ra các giải pháp tiềm năng cho các vấn đề đạo đức
  • khuyến khích hành động hơn đọc lý thuyết
  • cuối cùng là nâng cao kỹ năng và kinh nghiệm của chuyên viên  liên quan đến việc giải quyết các vấn đề đạo đức.

Makela và Perlus khuyến khích độc giả khám phá các giá trị của bản thân, nâng cao sự nhạy cảm về đạo đức, xem xét nhiều khía cạnh, sử dụng nhiều nguồn tài nguyên và tích cực thúc đẩy các hành vi, đào tạo và giáo dục đạo đức.

Chương đầu tiên cung cấp cái nhìn tổng quan về các chủ đề được đề cập trong chuyên khảo, bao gồm tiếp cận đạo đức tích cực trong công việc của các chuyên viên hướng nghiệp, nền tảng  đạo đức, nguồn gốc của các vấn đề đạo đức và tóm tắt các nguyên tắc hướng dẫn được xây dựng trong hầu hết các quy tắc đạo đức nghề nghiệp. Sáu nguyên tắc cơ bản định hướng các nghề nghiệp trong lĩnh vực giúp đỡ được nêu ra và giải thích như sau: 

  1. Vô hại 
  2. Sinh lợi 
  3. Tôn trọng sự tự chủ
  4. Công bằng
  5. Khách quan 
  6. Chân thật

Chương hai bao gồm một số nguồn lực và chiến lược được khuyến nghị để xử lý các tình huống khó xử về đạo đức. Makela và Perlus cung cấp một cái nhìn tổng quan sâu sắc về các quy tắc đạo đức do các hội đồng cấp phép, hiệp hội nghề nghiệp và tổ chức chứng nhận ban hành. Điều này giúp người đọc hiểu những thành tố chung của các mô hình ra quyết định có đạo đức:

  1. Nhận biết và xác định vấn đề
  2. Xem xét các vấn đề đạo đức cơ bản có liên quan
  3. Điều chỉnh cảm xúc
  4. Tham khảo quy tắc đạo đức
  5. Tìm kiếm sự tư vấn thích hợp
  6. Xác định kết quả mong muốn
  7. Xem xét các kết quả có thể xảy ra và hậu quả của chúng
  8. Lựa chọn và triển khai hành động
  9. Ghi lại quá trình và phản ánh kết quả.
  10. Các câu hỏi tự đánh giá được đưa ra để hỗ trợ các chuyên viên hướng nghiệp xác định liệu họ đã giải quyết thành công tình huống đạo đức hay chưa.

Chương ba xem xét lịch sử của Bộ quy tắc đạo đức NCDA, các thành phần chính và các điều khoản của bộ quy tắc, và các nguồn do NCDA bổ sung liên quan đến đạo đức trong phát triển nghề nghiệp. Chương bốn khám phá các tiêu chuẩn và quy tắc đạo đức nghề nghiệp khác có thể tác động đến những chuyên viên hướng nghiệp làm việc trong các môi trường khác nhau. Chương này bao gồm nội dung so sánh hữu ích liên quan đến các quy tắc và tiêu chuẩn được tạo ra bởi các hiệp hội nghề nghiệp khác, chẳng hạn như Hiệp hội Tham vấn Hoa Kỳ (ACA) và Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ (APA). Các tình huống mới được trình bày trong chương năm phản ánh các tình huống thực tế liên quan đến những chuyên viên hướng nghiệp gặp phải vấn đề khó xử về đạo đức. Các tác giả xem xét cách giải quyết tình huống khó xử bằng cách sử dụng các thành tố chung của các mô hình ra quyết định có đạo đức. Trong chương cuối cùng, “các bước tiếp theo” được trình bày để giúp độc giả kết hợp các nguyên tắc đạo đức và các thảo luận liên quan vào thực tiễn hàng ngày. Chương này bao gồm các tài nguyên đào tạo.

Đánh giá 

Chuyên  khảo biên phản thứ hai của Makela và Perlus là một bổ sung cần thiết cho các nguồn hiện có về đạo đức trong lĩnh vực phát triển nghề nghiệp. Nó thân thiện với chuyên viên hướng nghiệp và được thiết kế để nâng cao các kỹ năng và năng lực liên quan đến việc giải quyết các tình huống khó xử về đạo đức cho các chuyên viên ở mọi cấp độ. Chuyên khảo có thể dễ dàng được sử dụng như một nguồn tài liệu đào tạo cho các chuyên  viên tham vấn hướng nghiệp mới, các hội nghị hướng nghiệp, các khóa học sau đại học về đạo đức và để giúp các tham vấn viên tương lai chuẩn bị cho các kỳ thi chuyên môn, thường bao gồm một phần về đạo đức. Các ca nghiên cứu thực tế mới và thông tin bổ sung liên quan đến việc sử dụng các tiêu chuẩn và quy tắc đạo đức trong thực tế giúp chủ đề phức tạp này trở nên dễ tiếp nhận hơn và khuyến khích sự thảo luận, hợp tác liên tục giữa các đồng nghiệp và người giám sát.

Thông tin mua sách

Chuyên khảo có thể mua tại Cửa hàng tài nguyên nghề nghiệp của NCDA ở cả định dạng sách in và sách điện tử.

Tài nguyên NCDA

Hiệp hội Phát triển Nghề nghiệp Quốc gia đã duy trì bộ quy tắc đạo đức kể từ năm 1987, và sửa đổi bộ quy tắc này nhiều lần trong suốt lịch sử. Phiên bản đầy đủ năm 2015 đã được tổng hợp trong phần phụ lục của chuyên khảo. Ngoài ra, NCDA có một ủy ban đạo đức cung cấp các dịch vụ và nguồn lực cho các chuyên viên hướng  nghiệp. Một số ví dụ bao gồm các bài báo “Tóm lược về Đạo đức” được viết và xuất bản theo quý trên tạp chí Phát Triển Nghề Nghiệp, các biểu mẫu trong “Tài Nguyên Chỉ Dành Cho Hội Viên” trên trang web của NCDA và các buổi huấn luyện kỹ năng đạo đức được cung cấp tại Hội nghị phát triển nghề nghiệp của NCDA hàng năm.

Thông tin tác giả viết đánh giá sách

 Jacqueline Gabbard Belle, MS, EdS, NCC, là Trợ lý Giám đốc Tư vấn và Tham vấn Nghề nghiệp tại Trung tâm Hướng nghiệp Đại học Bang Florida (FSU). Với vai trò hiện tại, cô cung cấp các dịch vụ tư vấn và tham vấn nghề nghiệp tại trung tâm nghề nghiệp, giám sát các thực tập sinh, nghiên cứu sinh và giảng dạy khóa học hướng nghiệp ở bậc đại học. 

Liên hệ với cô qua địa chỉ E-mail: jbelle@fsu.edu 

Người dịch: Hà Phạm

Biên tập: Ph.Uyên

Nguồn bài viết: Link

Photo by Towfiqu barbhuiya on Unsplash