Chuyên viên hướng nghiệp cần có tố chất gì?

Văn bảng đạo đức hành nghề[1] của tổ chức NCDA (National Career Development Association, tạm dịch Hiệp hội phát triển nghề nghiệp quốc gia) tại Mỹ có 9 mục điều lệ chính bao gồm những phần phụ ghi rõ ràng, cụ thể tất cả đòi hỏi mà một chuyên viên hướng nghiệp cần tuân theo. Bộ tiêu chuẩn hành nghề này đóng vai trò quan trọng trong việc giúp một chuyên viên hướng nghiệp những việc họ cần làm, nên làm, và không thể làm trong lúc hành nghề. Từ năm 2009, khi về Việt Nam làm việc trong lĩnh vực giáo dục và tư vấn hướng nghiệp, điều tôi luôn tự nhắc mình là phải luôn ghi nhớ và thực hành những đòi hỏi của đạo đức hành nghề trên. Ở một nơi khi hội chuyên nghiệp và tiêu chuẩn đạo đức hành nghề chưa được thành lập trong chuyên ngành mình theo đuổi, thì việc tự chấn chỉnh bản thân và nghiêm túc trong hành nghề lại càng phải được coi trọng.

Gần đây, tôi được hỏi vậy chứ theo ý kiến riêng của tôi, một chuyên viên hướng nghiệp cần có tố chất gì. Nói cách khác, nếu có điều kiện mời một người về đội Hướng nghiệp Hồn Việt làm công việc Chuyên viên Hướng nghiệp, ngoài những kỹ năng về chuyên môn như kiến thức về lý thuyết hướng nghiệp và thị trường tuyển dụng, kỹ năng tư vấn cá nhân và đứng lớp, tôi đòi hỏi ở họ những tố chất gì. Tôi thấy đây là một câu hỏi khá thú vì nên ngồi suy ngẫm vài hôm nay để chia sẻ quan điểm của mình ở đây.

Tình yêu dành cho hướng nghiệp

Điều đầu tiên sẽ làm tôi quý trọng ở một chuyên viên hướng nghiệp đó là tình yêu chuyên chất của họ dành cho lĩnh vực này. Ý tôi là một người có thể có nhiều sở thích và khả năng khác nhau, và cùng một lúc họ có thể tìm hiểu cũng như trải nghiệm khả năng mình trong  nhiều lĩnh vực. Nhưng để một chuyên viên hướng nghiệp có thể làm tốt công việc của họ, tôi nghĩ họ phải có một tình yêu chuyên chất với lĩnh vực này. Vì chỉ như vậy họ mới cam kết để làm công việc này hiệu quả được.

Hiện tại trong cộng đồng hướng nghiệp mà chúng tôi gầy dựng được những năm qua tại Việt Nam thì có lẽ không tới 30% trong số họ đang làm công việc giáo dục và tư vấn hướng nghiệp toàn thời gian. Phần lớn họ làm công tác này ở trong một vị trí khác như tư vấn tuyển sinh, tư vấn du học, tuyển dụng bên nhân sự, giáo viên chủ nhiệm, vv. Một phần khác làm hướng nghiệp trong khoảng thời gian rảnh rỗi, trong vai trò làm cha mẹ, anh chị, quản lý, vv.  Điều thiết yếu không phải là họ dành bao nhiêu thời gian để làm hướng nghiệp, hay họ kiếm được bao nhiêu thu nhập từ làm hướng nghiệp – mà là tình cảm của họ dành cho hướng nghiệp có xuyên suốt, đau đáu, tiềm tàng, và bao trùm lên rất nhiều vai trò họ đang có trong cuộc sống hay không.

Tinh thần cầu thị

Điều thứ hai sẽ làm tôi bị thuyết phục đó là tinh thần cầu thị của một chuyên viên hướng nghiệp. Không cần biết họ đang giỏi ở lĩnh vực khác như thế nào, khi đến với công việc này, họ khiêm tốn học hỏi bất cứ lúc nào, từ bất cứ ai, trong bất cứ cơ hội nào họ tìm được. Họ không ham hố học hỏi một đống kiến thức rồi để đó, mà họ sẽ vừa học vừa thực hành kiến thức mình học được. Họ luôn suy ngẫm để hiểu ra điểm mạnh của mình, nhưng không bao giờ ngừng tìm tòi tri thức mới để hoàn thiện năng lực hành nghề. Họ như tách trà cạn, sẵn sàng học, sẵn sàng chia sẻ, để bản thân mỗi ngày một tinh tấn trong lĩnh vực mình theo đuổi.

Đạo đức nghề nghiệp

Cũng như bao công việc trong ngành giúp đỡ, chuyên viên hướng nghiệp cần phải rất cẩn trọng trong khi hành nghề. Những lời họ nói, những chữ họ viết, những hành động họ làm sẽ trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến thân chủ của họ. Vì vậy, họ cần phải luôn nhắc nhở mình hành nghề theo tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp. Nghĩa là chuyên viên hướng nghiệp cần phải luôn để ý mình đang giúp thân chủ vì chính thân chủ hay vì cá nhân mình. Nếu là điều sau thì họ vi phạm đạo đức nghề nghiệp rồi. Họ cũng phải để ý năng lực hành nghề của mình để không làm những đầu việc quá sức. Ví dụ, họ đừng bao giờ cố gắng tư vấn một người trong vấn đề liên quan đến tâm lý hay mâu thuẫn gia đình vì lĩnh vực chuyên nghiệp của họ nằm ở bên hướng nghiệp. Một chuyên viên hướng nghiệp có đạo đức nghề nghiệp là người sẽ luôn tự hỏi mình đang hành nghề đúng chưa, khi chưa an tâm thì ngay lập tức xin lời khuyên từ người giám sát mình để không làm hại thân chủ của mình.

Kết

Tôi nghĩ những kỹ năng chuyên môn có thể đào tạo dễ dàng khi một người muốn học, nhưng tình yêu dành cho hướng nghiệp, tinh thần cầu thị, và đạo đức nghề nghiệp là 3 tố chất đến từ bên trong và rất khó được đào tạo nếu một người không sẵn có. Đây là quan điểm của riêng tôi thôi nhé. Mỗi một chuyên viên hướng nghiệp làm việc lâu dài trong lĩnh vực này sẽ có những quan điểm tương tự hay khác biệt với tôi.

[1] https://www.ncda.org/aws/NCDA/asset_manager/get_file/3395

 

 

Để đăng ký tham gia đào tạo trở thành Chuyên viên tư vấn hướng nghiệp tại Hà Nội và Sài Gòn, bạn có thể đăng ký tại đây: https://huongnghiep.honviet.com.vn/cvhn/