Chiến lược tái hòa nhập nghề nghiệp trước và sau trải nghiệm quốc tế cho sinh viên

Bài viết bởi Satomi Yaji Chudasama

Việc chào đón các sinh viên trở lại trường vào mỗi mùa thu thật thú vị. Những chuyên viên hướng nghiệp thường thích lắng nghe sinh viên chia sẻ về những trải nghiệm của các bạn trong thời gian ở nước ngoài. Qua các cuộc đối thoại này, các chuyên viên hướng nghiệp có thể giúp sinh viên nhận diện những kỹ năng mới học được và vận dụng những kỹ năng này cho tương lai. Tuy nhiên, chào đón sinh viên trở về không phải là thời điểm hỗ trợ duy nhất.

Tư vấn trước khi khởi hành

Các chuyên viên hướng nghiệp có thể giúp sinh viên chuẩn bị cho chuyến phiêu lưu quốc tế. Sự chuẩn bị này bao gồm việc trình bày tại các buổi định hướng hoặc hội thảo trước chuyến đi và mời sinh viên tham gia các buổi trao đổi riêng về chủ đề phát triển nghề nghiệp. Một số ý tưởng mà các chuyên viên hướng nghiệp có thể đưa vào các hoạt động trước chuyến đi bao gồm: 

  • Khuyến khích sinh viên mô tả sự hào hứng và mong đợi của mình. Tập trung hướng cuộc thảo luận vào những gì họ muốn học hỏi và đạt được. Nhắc họ thiết lập mục tiêu cho trải nghiệm quốc tế và cùng họ suy nghĩ cách để đạt được mục tiêu đó. 
  • Tìm kiếm cựu sinh viên để kết nối. Lý tưởng nhất là cho sinh viên giới thiệu trực tuyến về mình với cựu sinh viên trước chuyến đi. 
  • Khuyến khích sinh viên gặp gỡ những người đã trải qua những trải nghiệm tương tự để có thêm lời khuyên. Một buổi tọa đàm và thảo luận bàn tròn cũng có thể đạt được mục tiêu này. 
  • Thảo luận về cách theo dõi việc học tập, những trải nghiệm đáng nhớ và suy ngẫm về bản thân. 
  • Đảm bảo họ biết được các nguồn tài nguyên hữu ích khi ở nước ngoài, bao gồm hỗ trợ từ xa có sẵn từ bạn. (ví dụ: cuộc hẹn trực tuyến) 
  • Suy nghĩ về cách mở rộng mối quan hệ ở nước ngoài, bao gồm liên hệ cá nhân và chuyên nghiệp.

Hỗ trợ sau chuyến đi 

Tương tự như quá trình thích nghi văn hóa ở nước ngoài, có một quá trình thích nghi văn hóa khác khi sinh viên trở về. Không khó hiểu khi sinh viên trở về có một mức độ sốc văn hóa ngược mà hầu hết họ đều không có sự chuẩn bị cho điều này. Khả năng là nhiều sinh viên đã thay đổi về mặt cá nhân trong thời gian ở nước ngoài. Trải nghiệm về sự thay đổi của sinh viên được kết hợp với những thay đổi xảy ra với con người và mọi thứ ở quê nhà. Nhiều người trở về cho rằng những gì họ trải nghiệm trước khi rời đi chính là những gì họ sẽ tìm thấy khi trở về. Khoảng cách khác biệt được tạo ra bởi những thay đổi này là cú sốc văn hóa ngược. Quá trình thích nghi khi trở về có thể khó khăn đến mức dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm lý. Việc nhận biết khi các vấn đề sức khỏe tâm lý xuất hiện ở những người trở về là hết sức quan trọng. Như Hinkelman và Luzzo (2007) lập luận, căng thẳng tâm lý có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng liên quan đến nghề nghiệp/việc làm (ví dụ: sự phân vân trong nghề nghiệp).

Dưới đây là một số cách hỗ trợ sinh viên khi họ trở về từ nước ngoài. 

  • Tổ chức hội thảo “Tiếp thị trải nghiệm quốc tế”, nơi sinh viên học cách trình bày về các trải nghiệm và những điều họ học được cho các nhà tuyển dụng tiềm năng.
  • Yêu cầu sinh viên tạo một bảng liệt kê kỹ năng và phẩm chất khi chia sẻ câu chuyện của mình. Điều này sẽ giúp sinh viên nhận diện các kỹ năng có thể chuyển đổi đã được trau dồi hoặc nâng cao trong thời gian ở nước ngoài, các sở thích nghề nghiệp tiềm năng và những câu chuyện mà họ có thể chia sẻ với các nhà tuyển dụng tiềm năng. Chuyên viên hướng nghiệp có thể đặt thêm câu hỏi trong bài tập này để thúc đẩy sinh viên khám phá sâu hơn trải nghiệm của bản thân. Thông thường, sinh viên sẽ tìm cách diễn đạt những điều họ thích và tìm thấy cảm hứng trong quá trình này. Một số câu hỏi gợi ý như câu chuyện yêu thích của họ là gì và tại sao; họ đã học được những gì và học như thế nào; trải nghiệm đáng nhớ nhất là gì và tại sao; và tại sao họ quyết định ra nước ngoài và liệu họ có đạt được những gì họ mong muốn hay không. 
  • Đặt một loạt các câu hỏi, bao gồm một số câu hỏi khá bất ngờ. Ví dụ như điều mà lẽ ra họ sẽ làm khác đi là gì và tại sao; điều khó khăn nhất mà họ đã làm là gì; và khía cạnh thách thức nhất của sự khác biệt văn hóa là gì và tại sao. Những câu hỏi này giúp sinh viên suy nghĩ rộng hơn về trải nghiệm của mình và thúc đẩy họ tự đưa mình ra khỏi vùng an toàn của những câu chuyện yêu thích mà họ thường lặp lại.
  • Thảo luận về quá trình thích nghi/tái thích nghi văn hóa. Phần này bao gồm cách sinh viên đối phó và vượt qua những khác biệt về văn hóa, kết quả là họ xác định được các phẩm chất và kỹ năng có thể chuyển đổi khác. Ngoài ra, nếu sinh viên đang gặp khó khăn với quá trình tái thích nghi, chuyên viên hướng nghiệp sẽ có thể giới thiệu họ đến các nguồn hỗ trợ phù hợp. 
  • Suy nghĩ những cách để vận dụng các trải nghiệm và học hỏi mà sinh viên có được. Làm thế nào để tiếp tục cập nhật thông tin về quốc gia mà sinh viên đã trải nghiệm? Làm thế nào để tiếp tục thực hành các kỹ năng ngôn ngữ mới có được? Làm thế nào để giữ liên lạc với những người mà họ biết khi ở nước ngoài? Làm thế nào để giữ kết nối với các sinh viên quốc tế ở trường họ đã đến? Có nhiều cơ hội có sẵn tại trường hoặc tại địa phương hỗ trợ quá trình này, bao gồm các bài giảng, lớp học, tổ chức sinh viên và tổ chức tình nguyện. 
  • Giới thiệu các chiến lược và tài nguyên liên quan đến tìm việc làm toàn cầu nếu sinh viên quan tâm. Làm cách nào để sinh viên có thể kết nối lại với những mối liên hệ mà họ đã thiết lập ở nước ngoài? Ngoài ra, sinh viên có thể tìm thấy các tổ chức có trụ sở tại Hoa Kỳ ở các quốc gia quan tâm, các tổ chức có trụ sở tại nước ngoài hoạt động tại Hoa Kỳ, các tổ chức phi chính phủ quốc tế mang đến các cơ hội toàn cầu, các tổ chức lợi nhuận hoặc chính phủ với các chuyến công tác nước ngoài tiềm năng, các tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ trao đổi văn hóa và các vấn đề toàn cầu, và hơn thế nữa.

Thúc đẩy sự phát triển của sinh viên

Tóm lại, hỗ trợ trước và sau khi trải nghiệm quốc tế sẽ thúc đẩy sự phát triển và học tập của sinh viên. Nghiên cứu được thực hiện bởi Farrugia và Sanger (2017) cho thấy những kỹ năng tích cực mà sinh viên du học đạt được, bao gồm kỹ năng liên văn hóa, sự tò mò, tính linh hoạt và khả năng thích ứng, sự tự tin và tự nhận thức. Những lợi ích có được đối với sinh viên du học cũng tương tự cho sinh viên trở về từ những chuyến thực tập và hoạt động tình nguyện tại nước ngoài.

Tham khảo

Farrugia, C. & Sanger, J. (2017). Gaining an Employment Edge: The Impact of Study Abroad on 21st Century Skills & Career Prospects in the United States. New York, NY: The Institute of International Education.

Hinkelman, J. M. & Luzzo, D.A. (2007). Mental Health and Career Development of College Students, Journal of Counseling and Development, 85(2), 143-147.

Thông tin tác giả

Satomi Yaji Chudasama, NCC, CCC, GCDF là Phó Giám đốc Cấp cao về Gắn kết Sinh viên tại Trung tâm Phát triển Nghề nghiệp của Đại học Princeton. Bà có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển nghề nghiệp ở bậc cao học. Satomi tốt nghiệp Học viện Lãnh đạo NCDA và đã hoạt động tích cực trong Ủy ban Dịch vụ Sinh viên Quốc tế NCDA kể từ khi thành lập. Bà cũng là thành viên sáng lập của Hiệp hội Phát triển Nghề nghiệp Châu Á Thái Bình Dương (APCDA). Bà có bằng thạc sĩ về Tham vấn Giáo dục của Đại học Syracuse. Có thể liên hệ với Satomi tại syc88@princeton.edu.

Người dịch:  Ph.Uyên

Biên tập:  Mai Đặng

Nguồn bài viết: https://www.ncda.org/aws/NCDA/pt/sd/news_article/254613/_PARENT/CC_layout_details/false

Photo by Matese Fields on Unplash