Bắt đầu lại: Hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động

Bài viết bởi LaShawn Randolph

Cục Thống kê Lao động Mỹ (2021) báo cáo rằng 8,4 triệu người hiện đang thất nghiệp. Một nhóm dân số không được tính vào số liệu thất nghiệp là nhóm những người lao động đã rời khỏi thị trường lao động vì những lý do không liên quan đến hiệu quả công việc của họ. Các lý do có thể bao gồm nhu cầu chăm sóc những người thân yêu, nghỉ việc không hưởng lương vì lý do riêng trong một thời gian dài, đi học cao hơn, hoặc chăm sóc sức khỏe cá nhân. Trong nhiều trường hợp, việc nghỉ việc diễn ra ở thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp của một cá nhân, trong những năm họ có khả năng kiếm được thu nhập cao nhất (độ tuổi 25-45), và họ rời khỏi thị trường lao động trong vòng hai năm trở lên. Mika Brzezinski (2020) đã nói trong cuốn sách “Comeback Careers” của bà: “số liệu thống kê cho thấy rằng đại đa số những người đã nghỉ việc sẽ muốn quay lại lực lượng lao động.” Tuy nhiên, nhiều người trong số lực lượng lao động tài năng này, những “người quay trở lại thị trường lao động”, đang gặp khó khăn khi tìm cách quay lại làm việc. 

Người lao động quay trở lại thị trường lao động – Họ là ai?

Những người quay trở lại thị trường lao động là những người tự nguyện từ bỏ công việc có lương, không làm việc trong vòng hai năm liên tiếp trở lên, và hiện đang sẵn sàng trở lại làm việc. Một số mong muốn trở lại với nghề mà họ đã bỏ dở, trong khi những người khác tìm cách bước vào một lĩnh vực mới. Tổ chức iRelaunch (2021) định nghĩa thêm đây là những đối tượng: 

  • Trên 40 tuổi
  • Trình độ học vấn cao (98% có bằng cử nhân và 63% có bằng cấp sau đại học)
  • Có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trước khi nghỉ việc

Nhóm đối tượng này có thể lo lắng rằng nhà tuyển dụng nhìn nhận những gián đoạn trong sự nghiệp là một dấu hiệu cảnh báo và rằng kỹ năng của họ đã trở nên lỗi thời. Họ có thể cảm thấy bất an về những gì họ cần phải thể hiện cho nhà tuyển dụng. Tiếp thị bản thân như những ứng viên sáng giá có thể là một thách thức với họ. Nhiều người không hề biết những điểm mạnh họ có thể đóng góp do những quãng nghỉ trong sự nghiệp của mình. Chuyên viên hướng nghiệp có thể hỗ trợ những người đang trở lại thị trường lao động thấy được những kỹ năng và trình độ không thể sánh được mà họ sở hữu, và gây dựng lại sự tự tin để có thể thể hiện bản thân một cách tốt nhất. 

Tạo một bản sơ yếu lý lịch cạnh tranh

Trong số podcast gần đây, Johnny C. Taylor Jr., Giám đốc Điều hành và Chủ tịch của Hiệp hội Quản trị Nhân sự (SHRM), đã nói rằng các nhà tuyển dụng đang tìm kiếm những ứng viên có các kỹ năng có thể trau dồi được: những người thể hiện được khả năng thích ứng, kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng học tập suốt đời, sáng tạo, kỹ năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề, và làm việc nhóm (Beard, 2021). Đây là những kỹ năng thường được rèn luyện trong thời gian tạm dừng sự nghiệp của nhóm đối tượng này và có thể được nhấn mạnh trong sơ yếu lý lịch của họ.

Truyền đạt thông điệp những quãng nghỉ trong sự nghiệp hữu ích như thế nào là một chặng đường dài. Ví dụ, một bậc cha mẹ đã dành thời gian nghỉ việc để chăm sóc con cái của họ thể hiện kỹ năng lãnh đạo và tổ chức ở nhà. Bất cứ ai tự nguyện làm việc này đều phát triển kỹ năng hợp tác và giải quyết vấn đề của họ. Những người nghỉ việc không hưởng lương trong thời gian dài là những người học tập suốt đời. 

Chuyên viên hướng nghiệp có thể muốn tham khảo những mẹo sau đây để cùng người lao động tạo sơ yếu lý lịch:

  • Soạn thảo sơ yếu lý lịch tập trung vào các kỹ năng, thay vì chức danh công việc, để giúp các nhà tuyển dụng tiềm năng xác định điểm mạnh.
  • Chú ý nhiều hơn đến số năm kinh nghiệm đạt được khi thực hiện các nhiệm vụ, thay vì ngày tháng cụ thể chúng được thực hiện. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng không tập trung vào các khoảng trống trong việc làm. 
  • Sử dụng các định dạng sơ yếu lý lịch, phông chữ và từ vựng về nghề nghiệp cập nhật với thị trường (ví dụ: chức danh công việc như HRBP (Human Resource Business Partner – Đối tác nhân sự) thay vì Cán bộ nhân sự).

Chia sẻ nguồn tài nguyên/nguồn lực

Mạng lưới quan hệ là một trong những nguồn lực tuyệt vời nhất để giúp những người trở lại thị trường lao động. Bạn bè, đồng nghiệp cũ, và người quen có thể giới thiệu trực tiếp hoặc cung cấp thư/lời giới thiệu. Chuyên viên hướng nghiệp có thể giúp người lao động suy nghĩ và luyện tập bài giới thiệu cá nhân hay “Elevator Pitch” (Chú thích: Thuật ngữ dùng để nói về những bài giới thiệu ngắn gọn, súc tích và gây ấn tượng mạnh về một cá nhân hay sản phẩm trong khoảng thời gian ngắn hơn 1 phút – tương đương với thời gian những người lạ gặp gỡ nhau trong thang máy.) để nêu rõ định hướng nghề nghiệp và các kỹ năng liên quan của họ. Hãy khuyến khích họ lặp lại những lời giới thiệu này trong các cuộc trò chuyện tạo mối quan hệ mới, các cuộc phỏng vấn và trong phần giới thiệu của tài khoản mạng xã hội để kỹ năng này được thân chủ thấm nhuần và thành thục. 

Nguồn tài nguyên trực tuyến là một cách thuận lợi và tiết kiệm để cập nhật hoặc củng cố các kỹ năng có thể đã lỗi thời. LinkedIn Learning có cung cấp các hội thảo hướng nghiệp với mục đích xây dựng kỹ năng và sự tự tin. Các hiệp hội thương mại cũng cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng cụ thể theo nhu cầu khách hàng hoặc một nghề nghiệp mục tiêu nào đó.  

Một nguồn tài nguyên được tạo riêng cho nhóm người quay trở lại thị trường lao động là Path Forward, một danh sách các công ty với các chương trình “Quay trở lại làm việc (Return to Work – RTW). Các chương trình RTW là những cơ hội quay trở lại làm việc được trả lương trong vòng 16-24 tuần, cung cấp một lộ trình chính thức để quay lại với công việc cho những cá nhân đã không có việc làm trong ít nhất hai năm. Chuyên viên hướng nghiệp có thể giúp người lao động tìm hiểu các chương trình RTW đang có tại khu vực của họ bằng cách liên hệ với các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề; các doanh nghiệp thường hợp tác với các trường đại học và cao đẳng cộng đồng để cung cấp các chương trình đào tạo kỹ năng và tuyển dụng các học viên vừa mới tốt nghiệp. 

Phá vỡ sự kỳ thị

Con đường để đạt được mục tiêu nghề nghiệp không phải lúc nào cũng là một đường thẳng. Những quãng nghỉ trong sự nghiệp có thể là những cơ hội thú vị, lành mạnh, và trong một số trường hợp là không thể tránh khỏi. Thay vì coi chúng là những điều bất lợi, chuyên viên hướng nghiệp có thể giúp những người đang quay trở lại thị trường lao động mô tả lại những quãng nghỉ này như những khoản đầu tư tích cực vào sự phát triển cá nhân và nghề nghiệp. Bằng cách mô tả như vậy, các chuyên viên hướng nghiệp có thể phá vỡ sự kỳ thị, khuyến khích, và trao quyền cho họ hoàn thành mục tiêu nghề nghiệp. 

 

Nguồn tham khảo

Beard, A. (Host). (2021, August 31). How the pandemic changed talent management. (No.817) [Audio podcast episode]. HBRideaCast. https://hbr.org/podcast/2021/08/how-the-pandemic-changed-talent-management

Brzezinski, M., & Brzezinski, G. (Eds.). (2020). Introduction. In M. Brzezinski, & G. Brzezinski (Eds.), Comeback careers: Rethink, refresh, reinvent your success- At 40, 50 and beyond (1st ed., p. 5). Hachette Books.

IRelaunch. (2021). About IRelaunch. https://www.irelaunch.com/about

U.S. Bureau of Labor Statistics. (2021, August 6). The employment situation. https://www.bls.gov/news.release/pdf/empsit.pdf

 

Thông tin tác giả

LaShawn Randolph là một người quay trở lại thị trường lao động có bằng cấp cao về giáo dục và phát triển nguồn nhân lực. Gần đây, bà đã hoàn thành khóa học để lấy Chứng chỉ Certified Career Services Provider (CCSP) (Chứng chỉ Nhà cung cấp Dịch vụ Hướng nghiệp được chứng nhận bởi Hiệp hội Phát triển Nghề nghiệp Mỹ NCDA). LaShawn có hơn 10 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực giáo dục, nhân sự và tư vấn nghề nghiệp. Bà yêu thích việc giúp người khác tạo kết nối và đạt được các mục tiêu nghề nghiệp của họ. Liên hệ với bà tại Randolphlashun00@gmail.com hoặc linkedin.com/in/lashawn-randolph

 

Người dịch:  My Vu

Biên tập: Mai Đặng

Nguồn bài viết: https://www.ncda.org/aws/NCDA/pt/sd/news_article/407773/_PARENT/CC_layout_details/false

Photo by Christin Hume on Unplash