Tác giả: Tiến Toàn
Biên tập: Minh Thảo
Một năm nữa lại sắp trôi qua và giai đoạn cuối năm vừa là lúc cập rập chạy cho đủ chỉ tiêu, vừa là lúc chuẩn bị cho mùa đánh giá (Performance review).
Buổi đánh giá thành tích cuối năm thường gây ra nhiều lo lắng, áp lực cho nhân viên. Đa số người đi làm vẫn còn suy nghĩ rằng buổi hôm đó chủ yếu là nghe sếp đánh giá là chính, vì vậy mà hời hợt và không chú tâm nhiều. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị đúng cách, bạn có thể biến quá trình này thành một cơ hội quý giá để nhận phản hồi, phát triển và được công nhận. Hãy thử làm theo những gợi ý dưới đây để giúp bạn có một buổi đánh giá hiệu suất thành công nhé.
Tự chiêm nghiệm về thành tích mà bạn đã đạt trong năm
- Bắt đầu bằng cách xem lại các mục tiêu bạn đã đặt ra vào đầu năm cùng cấp quản lý. Bạn đã đạt được chúng chưa? kết quả như thế nào?
- Đâu là những thách thức trong công việc mà bạn đã vượt qua? Đâu là khó khăn mà bạn chưa vượt qua được, dẫn đến kết quả chưa như mong đợi? Bạn đã nỗ lực như thế nào?
- Chuẩn bị những bằng chứng cho kết quả công việc của bạn để “Nói có sách, “khoe” có chứng”. Bạn nên chuẩn bị chút ít về các thành tích đáng kể của bạn trong suốt năm. Điều này có thể bao gồm các dự án đã hoàn thành, vấn đề được giải quyết hoặc phản hồi tích cực nhận được từ các bên có liên quan.
- Định lượng kết quả của bạn: Khi có thể, định lượng thành tích của bạn thay vì nói chung chung. Chính phần định lượng sẽ giúp sếp hình dung rõ ràng hơn về kết quả công việc và nỗ lực bạn dành cho nó. Ví dụ, thay vì nói “em đã tăng doanh số như ý của sếp”, hãy nói “em đã tăng doanh số lên 20%, vượt chỉ tiêu 5%”.
Tự chiêm nghiệm về năng lực bản thân
Thường chúng ta sẽ chú ý rất nhiều vào phần WHAT (kết quả cần đạt được) mà bỏ qua phần HOW (năng lực giúp bạn đạt được kết quả). Đây là phần rất quan trọng để bạn xem xét lại bản thân và định hướng sự phát triển cá nhân của mình.
- Hãy trung thực tự đánh giá mình tự tin ở điểm nào và về những lĩnh vực mà bạn có thể đã cải thiện.
- Nếu công ty bạn có những tuyên ngôn về giá trị văn hóa, hành vi chuẩn mực của nhân viên, bạn thử nhìn nhận xem mình đã làm tốt và chưa tốt ở điểm nào.
- Tìm kiếm phản hồi từ quản lý hoặc đồng nghiệp về bạn. Hãy hẹn gặp những người thân thiết, gần gũi mà bạn tin người đó sẽ đóng góp chân thật với bạn và hỏi thăm góc nhìn từ họ. Nhiều khi, bạn sẽ nhận được những câu trả lời rất bất ngờ về bản thân đấy.
- Đúc kết những bài học hay sự trưởng thành mà mình đã có được trong năm vừa qua. Đây là phần quan trọng nhất đối với tôi. Một người chị tiền bối đã nói rằng, cách để bạn thực sự có 7 năm kinh nghiệm thay vì 1 năm kinh nghiệm lặp lại 7 lần là mỗi năm, hãy đúc kết cho được các bài học và áp dụng nó cho các năm sau.
Chuẩn bị cho cuộc họp đánh giá
- Dự đoán những câu hỏi mà người quản lý của bạn có thể hỏi và chuẩn bị những câu trả lời chu đáo. Thật sự, các nội dung đó đã nằm ở 2 phần tự chiêm nghiệm ở trên.
- Mang theo bằng chứng: Hãy sẵn sàng để chứng minh những gì bạn chia sẻ bằng ví dụ và dữ liệu.
- Chuẩn bị sẵn câu hỏi để hỏi cho người quản lý của bạn để hiểu hơn đánh giá của sếp về thành tích của bạn, sự phát triển nghề nghiệp và những kỳ vọng trong tương lai của họ dành cho bạn.
- Cởi mở trao đổi với sếp về những chủ đề bạn quan tâm để tìm kiếm sự đồng hành, hỗ trợ từ sếp.
Chuẩn bị cho đánh giá hiệu suất cuối năm có thể là một khoản đầu tư thời gian quý giá cho sự nghiệp của bạn. Nó giúp bạn thể hiện thành tích của mình tốt nhất với cấp quản lý và mở ra những trao đổi sâu sắc về năng lực, định hướng phát triển sự nghiệp. Đừng hời hợt với nó nhé.
Bài viết liên quan: