Giới thiệu
Bài viết này như một lời giải thích và đính chính rằng lý thuyết Holland không phải là lý thuyết duy nhất tôi dùng trong lúc hành nghề giáo dục và tư vấn phát triển nghề nghiệp, hay gọi theo kiểu nôm na là hướng nghiệp.
Rất nhiều anh chị trong và ngoài ngành giáo dục đã hỏi tôi, “Phoenix đã nghe đến lý thuyết con nhím chưa, lý thuyết Ikigai chưa?”, “Phoenix có nghĩ rằng lý thuyết Holland đã quá cũ và không phù hợp trong thời kỳ hiện đại?”, “Vì sao Phoenix không dùng những lý thuyết khác?”.
Hành trình phát triển của các nhóm lý thuyết
Có rất nhiều lý thuyết trong lịch sử hơn 100 năm của ngành phát triển nghề nghiệp trên thế giới. Nếu nhìn theo đường thời gian thì lý thuyết Holland, gọi theo cách dễ hiểu là “nhóm lý thuyết đặc tính cá nhân và đặc điểm nghề”, thuộc cụm lý thuyết đầu tiên xuất hiện vào những năm 1950-1970 tại Hoa Kỳ. Với nhóm lý thuyết này, nhà nghiên cứu tìm hiểu những đặc tính của một người và kết nối chúng với những đặc điểm nghề với mong muốn người sử dụng lý thuyết sẽ tìm ra ngành nghề phù hợp với bản thân. Nhóm này nhanh chóng được phát triển, lan rộng và ứng dụng khắp thế giới, đặc biệt trong các trắc nghiệm tìm hiểu sở thích và khả năng.
Theo thời gian, các nghiên cứu mới ra đời và giới chuyên môn thấy rằng chỉ tìm hiểu đặc tính cá nhân để ghép với đặc điểm nghề vẫn chưa đủ để giúp một cá nhân tìm ra ngành nghề phù hợp. Họ cho ra rất nhiều lý thuyết khác liên quan đến các giai đoạn phát triển của một đời người vào những năm 80, đến lý thuyết hành trình học tập từ xã hội và thay đổi trong hành trình ấy trong những năm 90 và gần đây nhất là nhóm lý thuyết hậu hiện đại xuất hiện từ đầu những năm 2000 tập trung vào “giá trị nghề nghiệp” và quan điểm “phát triển nghề nghiệp là hành trình dài bằng một đời người.”
Vì vậy, dù có nhiều lý thuyết hay khác trong lĩnh vực hướng nghiệp, tôi vẫn nghĩ rằng các chuyên viên hướng nghiệp nên dùng lý thuyết Holland trong bước đầu tiên khi họ làm việc với các bạn trẻ đang bối rối về quyết định chọn ngành, chọn trường.
Bối cảnh tại Việt Nam
Trong hơn 10 năm hành nghề hướng nghiệp tại Việt Nam, bắt đầu trong môi trường đại học quốc tế, sau đó là cơ hội hợp tác trong vai trò cố vấn cho các dự án cấp Sở và Bộ Giáo Dục & Đào Tạo, tôi có cơ hội làm việc với hàng ngàn các bạn trẻ từ cấp 2 đến cấp đại học, với cha mẹ và các thành viên gia đình khác của họ, với giáo viên và cấp quản lý. Nhờ tiếp cận công tác hướng nghiệp dưới các góc độ khác nhau, tôi nhận ra rằng để làm công tác hướng nghiệp tốt, chúng ta không thể xa rời xương sống của công tác phát triển nghề nghiệp, đó là giúp một người trả lời được 3 câu hỏi: “Tôi là ai?” (hiểu mình); “Tôi đang đi về đâu?” (hiểu ngành học hay hiểu nghề); “Làm sao để tôi đến được nơi ấy?” (ra quyết định, lên kế hoạch và hành động). Tôi vẽ 3 câu hỏi này thành mô hình chìa khóa phát triển nghề nghiệp dưới đây để giúp cho các bạn trẻ dễ hiểu.
Lý thuyết Holland nên là bước đầu tiên
Theo mô hình chìa khóa, điều đầu tiên và quan trọng nhất đối với một người (trẻ hay không còn trẻ nữa) là hiểu mình để trả lời câu hỏi “Tôi là ai?” hay “Em là ai?”. Hiểu được mình đúng đắn sẽ giúp một bạn trẻ quyết định chọn nghề dựa trên nền tảng khoa học thay vì chạy theo những kết quả hào nhoáng bên ngoài. Tôi diễn đạt nôm na là chọn nghề dựa trên rễ thay vì theo ngọn qua mô hình cây nghề nghiệp sau.
Trong hành trình hiểu mình đó, một người cần hiểu sở thích nghề nghiệp của mình, năng lực học tập, khả năng nghề nghiệp, cá tính và những giá trị nghề nghiệp quan trọng nhất đối với bản thân.
- Lý thuyết Holland giúp làm được điều đầu tiên và quan trọng nhất là bước đầu hiểu được mình có những sở thích và đặc tính nghề nghiệp gì.
- Về năng lực học tập, các bạn có thể dễ dàng nhìn nhận được với sự giúp đỡ của thầy cô giáo và bạn bè.
- Từ trải nghiệm thực tiễn, chiêm nghiệm liên tục và đón nhận góp ý từ người khác, các bạn sẽ hiểu được khả năng nghề nghiệp của mình.
- Hai nhánh rễ còn lại là cá tính và giá trị nghề nghiệp các bạn sẽ thấy rõ hơn khi chuẩn bị tham gia các chương trình thực tập và bắt đầu bước vào thị trường lao động.
Riêng với các em học sinh cấp 3, để chọn một ngành học không sai, bước đầu các em chỉ cần tìm hiểu ba nhánh rễ bên trái gồm sở thích nghề nghiệp, năng lực học tập và khả năng nghề nghiệp.
Tôi còn chọn lý thuyết Holland vì những lý do sau:
- Khả năng áp dụng không biên giới: Lý thuyết này ra đời vào cuối thập niên 50, đã được nghiên cứu rộng và sâu, đã được sử dụng trên tất cả các Châu lục, là nền móng của rất nhiều trắc nghiệm sở thích nghề nghiệp miễn phí cũng như có phí, đã được dùng tại Việt Nam từ đầu những năm 2000 và được đón nhận tốt tại Việt Nam.
- Nối được vào bản đồ thế giới nghề nghiệp: Điều làm tôi thích hơn nữa là sau khi thầy Holland, tác giả của lý thuyết này, rời vị trí nghiên cứu của ông tại công ty ACT để về trường đại học John Hopkins công tác, người tiếp nối thầy Holland tại công ty ACT, ông Dale Prediger đã nghiên cứu thành công việc kết nối 6 nhóm đặc tính nghề Holland vào bản đồ thế giới nghề nghiệp. Điều này giúp cho những người hành nghề trong lĩnh vực phát triển nghề nghiệp có được một công cụ thực tiễn khi giúp thân chủ của mình tìm hiểu những ngành học hay nghề nghiệp có thể phù hợp với họ.
- Tính nhân văn/vì cộng đồng: Cuối cùng, lý thuyết này miễn phí cho tất cả những ai muốn sử dụng nó. Trước ngày thầy Holland mất, ông chia sẻ với bạn bè mình niềm hãnh diện là lý thuyết của ông đã được sử dụng rộng rãi và miễn phí toàn thế giới, điều mà trước đây ông đã không nhận ra khi giận và thưa kiện công ty ACT vì đã sử dụng lý thuyết của ông mà không trả tiền bản quyền.
Tương lai
Tôi viết dài dòng như vậy để chia sẻ lý do đằng sau quyết định chọn lý thuyết Holland làm lý thuyết đầu tiên trong công tác hướng nghiệp của Sông An. Nhưng đây sẽ không là lý thuyết cuối cùng hay duy nhất mà chúng tôi sử dụng. Kênh tài nguyên của Hướng nghiệp Sông An là dự án không vì lợi nhuận với nguồn lực có hạn nên chúng tôi bắt đầu với những lý thuyết nền tảng và mang tính phổ quát. Chúng tôi làm từng bước theo phương châm vững và chắc để mỗi sản phẩm trên kênh tài nguyên phục vụ người sử dụng tốt nhất.
Theo thời gian, chúng tôi sẽ giới thiệu những lý thuyết khác, các mô hình khác, những trắc nghiệm và tài liệu khác mà qua thời gian trải nghiệm trong kinh nghiệm lâm sàng cũng như từ các nghiên cứu trên thế giới, chúng tôi nghĩ phù hợp với người Việt Nam trong lĩnh vực phát triển nghề nghiệp.
Phoenix Ho.
Tài liệu tham khảo
1) Holland, J. (1985). Making Vocational Choices: A Theory of Vocational Personalities and Work Environments. New Jersey: Prentice-Hall, Inc.
2) https://www.act.org/
3) Prediger, D., Swaney, K. (2004). Work Task Dimensions Underlying the World of Work: Research Results for Diverse Occupational Database. Journal of Career Assessment, 12(4), 440-459.
4) https://www.act.org/content/dam/act/unsecured/documents/interest_inventory.pdf
5) M. Maze, personal communication, June 2018
Bài viết liên quan: