Tình trạng lo âu và Hành trình khám phá & định hướng nghề nghiệp: Áp dụng Khung C/AAP với 2 ca tư vấn

Viết bởi Michelle Tullier

Sau khi bị sa thải, Alana, 24 tuổi, cảm thấy lo âu đến mức bố mẹ cô cho rằng cô không thể tham gia vào một quá trình tham vấn hướng nghiệp trọn vẹn. Thay vào đó, họ đăng ký cho cô tham gia một chương trình điều trị ngoại trú chuyên sâu cho chứng rối loạn lo âu và chỉ tài trợ hai buổi tham vấn hướng nghiệp, họ giả định rằng cô sẽ không thể tham gia nhiều hơn.

Ông bố đơn thân James, 40 tuổi, mất việc làm khi đang ở vị trí quản lý dự án bất động sản thương mại trong đại dịch COVID-19. Bị cô lập ở nhà với hai con nhỏ và nỗi lo lắng ngày càng tăng, anh thường xuyên bỏ lỡ các buổi tham vấn hướng nghiệp.

Ước tính có khoảng 40 triệu người trưởng thành ở Mỹ mắc chứng rối loạn lo âu, là căn bệnh tâm thần phổ biến nhất ở quốc gia này (Hiệp hội Lo âu và Trầm cảm Mỹ – ADAA.). Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (2022), chứng rối loạn lo âu là nguyên nhân hàng đầu góp phần vào cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần toàn cầu trước năm 2020 và tỷ lệ đã tăng lên 25% kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Những người trưởng thành đang khám phá lĩnh vực nghề nghiệp mới hoặc đang chuẩn bị tìm việc có thể bị tê liệt về mặt tinh thần do lo lắng đến mức trì hoãn việc bắt đầu, gặp khó khăn trong quá trình tham vấn hoặc bỏ dở các buổi tham vấn/khai vấn hướng nghiệp. Một công cụ hữu ích dành cho chuyên viên hướng nghiệp nhằm hỗ trợ cho những thân chủ như vậy là Phác đồ điều trị điều chỉnh sự lo lắng/nghề nghiệp (Career/Anxiety Alignment Protocol – C/AAP) của tác giả này. Khung C/AAP sử dụng các phương pháp và lý thuyết tham vấn/khai vấn hướng nghiệp có liên quan chặt chẽ nhất đến các phương pháp điều trị hiệu quả sức khỏe tâm thần đối với chứng rối loạn lo âu. Mặc dù C/AAP là một cách tiếp cận đa diện, nhưng bốn yếu tố thiết yếu của nó được mô tả và áp dụng như sau: hiểu các chứng rối loạn lo âu; điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực về nghề nghiệp; khuyến khích việc thực hiện từng bước một; và sử dụng kỹ thuật “như thể là”.

1. Hiểu các chứng rối loạn lo âu

Những chuyên viên hướng nghiệp không chẩn đoán hoặc điều trị chứng lo âu trừ khi họ cũng là những chuyên gia sức khỏe tâm thần có chứng chỉ hành nghề, nhưng cần hiểu rõ về sự khác biệt giữa rối loạn lo âu và căng thẳng thông thường. Cả hai đều có thể gây ra các triệu chứng gần như giống hệt nhau: mất ngủ, khó tập trung, mệt mỏi, căng cơ và dễ cáu kỉnh (Hiệp hội Tâm lý Mỹ – APA, 2022). Nhà tâm lý học lâm sàng và chuyên gia về lo âu, Tiến sĩ Taylor Wilmer nói rằng: “Có thể hữu ích khi coi căng thẳng là sự lo lắng mang tính tình huống hoặc ‘quy chuẩn’—một phản ứng cảm xúc có ích thúc đẩy chúng ta hành động, trong khi chứng rối loạn lo âu là sự đau khổ vượt quá mức bình thường, nhận thấy mối đe dọa và có thể cản trở hành động hiệu quả” (giao tiếp cá nhân, 21/07/2021). Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia tóm tắt các loại rối loạn lo âu khác nhau được công nhận trong DSM-5, chẳng hạn như chứng lo âu tổng quát và lo âu xã hội.
 
Để giúp hiểu rõ hơn, chuyên viên hướng nghiệp có thể hỏi thân chủ những câu hỏi như:
  • Bạn đã nói chuyện với ai đó về sự căng thẳng mà bạn đang trải qua chưa?
  • Bạn đã được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lo âu chưa? (Những) loại nào?
  • Nếu có: Bạn có đang được điều trị không? Tôi có thể nói chuyện với nhà trị liệu của bạn (hoặc những người cung cấp dịch vụ hỗ trợ khác) để đảm bảo rằng chúng tôi đang hỗ trợ bạn trên tinh thần hợp tác không?
  • Nếu chưa: Bạn có muốn được giới thiệu đến người có thể giúp đỡ không?
  • Điều gì sẽ hữu ích trong các phiên tham vấn hướng nghiệp của chúng tôi để sự lo lắng của bạn không tăng lên?
Việc hỏi James – một ông bố đơn thân, thất nghiệp một số câu hỏi này đã thôi thúc anh bắt đầu làm việc với một nhà trị liệu, người đã khuyến khích anh tiếp tục tham gia các phiên tham vấn hướng nghiệp trong cùng thời điểm này. 

2. Điều chỉnh suy nghĩ tiêu cực về nghề nghiệp

Khi chứng rối loạn lo âu biểu hiện dưới dạng suy nghĩ tiêu cực hoặc phi lý, các phương pháp tham vấn/khai vấn hướng nghiệp dựa trên lý thuyết có thể giảm bớt áp lực mà thân chủ dường như đang tự đặt ra cho bản thân.
Khi ngành của James đối mặt với sự sụp đổ trong đại dịch, anh ấy cần chuyển hướng nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm. “Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu tôi mắc sai lầm khi lựa chọn định hướng nghề nghiệp khác vì tôi cần phải làm điều đó một cách nhanh chóng?” – Anh nói trong lo lắng. Liệu pháp Nhận thức-Hành vi (CBT) là một phương pháp phổ biến để điều trị chứng lo âu và nhằm mục đích điều chỉnh lại các câu hỏi “nếu như” và xua tan suy nghĩ về tình huống xấu nhất. Tương tự như vậy, tham vấn/khai vấn hướng nghiệp dựa trên Lý thuyết học tập ngẫu nhiên (Krumboltz, 2009) để giúp những thân chủ đang lo lắng về việc chọn nghề nghiệp hoàn hảo. James có thể điều chỉnh lại suy nghĩ của mình từ “Tôi phải chọn một nghề nghiệp hoàn hảo” thành “Nói chung, miễn là tôi biết mình muốn gì trong sự nghiệp và tôi muốn tạo ra sự khác biệt như thế nào, tôi có thể tìm kiếm những trải nghiệm phù hợp với con người của mình và con người tôi muốn trở thành trong tương lai.” Hơn nữa, Lý thuyết hỗn loạn về nghề nghiệp (Bright & Prior, 2012) giúp điều chỉnh tính thiếu quyết đoán thành tư duy cởi mở, khuyến khích sự chuẩn bị chứ không phải lập kế hoạch, nhấn mạnh sự thích ứng hơn là ra quyết định và hướng tới các mục tiêu linh hoạt (Mesaros, 2019). James bày tỏ sự nhẹ nhõm khi biết rằng anh ấy có thể chỉ cần cố gắng kết nối với những công việc có thể sử dụng được bộ kỹ năng đa dạng của mình.
 
Những cách tiếp cận này cũng là một sự giải thoát cho Alana, người cảm thấy hoang mang về việc vừa phải đưa ra định hướng nghề nghiệp vừa phải nhanh chóng đảm bảo một công việc mới. Cô biết mình muốn làm việc trong ngành công nghệ nhưng gặp khó khăn trong việc xác định vai trò nào phù hợp với thế mạnh, giá trị và sở thích của mình. Thông qua cách tiếp cận Ngẫu nhiên có kế hoạch, cô ấy cảm thấy tự tin để bắt đầu xây dựng mạng lưới kết nối đa hướng và quá trình ứng tuyển tìm việc, đồng thời có động lực để vượt qua hai phiên tham vấn hướng nghiệp ban đầu để nhận được nhiều hỗ trợ nghề nghiệp hữu ích hơn. 

3. Khuyến khích từng bước một

Một phản ứng hành vi phổ biến khi lo âu là tránh né, thường được điều trị bằng liệu pháp tiếp xúc (một dạng CBT) — đối mặt và vượt qua nỗi sợ bằng cách chuyển dần từ nhiệm vụ dễ dàng sang nhiệm vụ khó khăn hơn. Trong Mô hình chuyển đổi Bridges (Bridges, 2009), giai đoạn trung gian — “Vùng trung lập”— có thể gây ra sự lo lắng rất nhiều. Armenta (2019) khuyến nghị không nên nóng vội trong quá trình này, thay vào đó hãy thực hiện từng bước nhỏ, giúp thân chủ hiểu rằng bên trong họ đang xử lý và thích ứng ngay cả khi chưa nhìn thấy thay đổi bên ngoài.
 
James lao vào quá trình khám phá sự nghiệp của mình theo cách mà anh ấy đã thực hiện thành công các dự án phức tạp trong quá khứ, mà không nhận ra mức độ thách thức như thế nào khi phải đấu tranh với sự thay đổi về danh tính, một yêu cầu khi thay đổi nghề nghiệp. Anh ấy trở nên choáng ngợp khi các giải pháp rõ ràng không xuất hiện từ những nỗ lực đầy tham vọng của mình và bắt đầu hoãn các buổi tham vấn hướng nghiệp. Một cuộc gọi với James để điều chỉnh lịch trình đã phải bao gồm việc bình thường hóa cảm giác choáng ngợp, bế tắc và thất vọng, đặc biệt là với sự cô lập do đại dịch và chăm sóc con cái ở nhà cả ngày khi chúng phải học tập từ xa. Anh ấy đồng ý quay lại tham vấn hướng nghiệp để vạch ra một kế hoạch dễ quản lý hơn với các bước nhỏ. Bằng cách không ngừng tìm kiếm và xây dựng mạng lưới mối quan hệ, James đã xác định các cơ hội làm việc thời vụ từ xa sử dụng kỹ năng quản lý dự án của mình trong các ngành khác.

4. Sử dụng kỹ thuật “Như thể là” 

Những thân chủ có cảm giác lo âu khi cố gắng định hình tương lai của mình có thể được hưởng lợi từ các phương pháp tư vấn của Adlerian, bao gồm cả kỹ thuật “như thể là” (Buttitta & Cavallaro, 2019). Kỹ thuật này liên quan đến việc giúp thân chủ tưởng tượng thành công trong việc xử lý một tình huống giả định và suy ngẫm về những kết quả tích cực tưởng tượng để có được sự tự tin cho tình huống thực tế.
 
Trạng thái lo âu của Alana trở nên trầm trọng khi cô tham gia vào mạng lưới tìm kiếm thông tin về các vị trí trong lĩnh vực công nghệ. Cô ấy đang trải qua cảm giác lo âu chờ đợi — một sự lo lắng quá mức bình thường trước một điều gì đó mới mẻ hoặc nằm ngoài vùng an toàn của một người (Fritscher, 2020). Việc giúp Alana xác định những điểm mạnh mà cô ấy đã thể hiện trong quá khứ khi tương tác với người lạ để thu thập thông tin cho một dự án nghiên cứu ở trường đại học giúp cô ấy tưởng tượng việc sử dụng những điểm mạnh đó trong một cuộc trò chuyện khám phá nghề nghiệp. Sau đó, trong các tình huống kết nối giả định, cô ấy đã hành động “như thể” cô ấy là một người giao tiếp mạnh mẽ, tự tin, có khả năng đạt được kết quả tích cực. Cho đến lúc các cuộc trò chuyện thực tế diễn ra, cô ấy tỏ ra ít lo lắng hơn và tiến hành các cuộc họp mang lại thông tin quan trọng để tập trung vào việc tìm kiếm của mình. 

5. Áp dụng điều quen thuộc để giải quyết điều không quen thuộc

Cả hai thân chủ trong các trường hợp trên đều đạt được thành công ở vị trí công việc mới. Hỗ trợ thân chủ mắc chứng rối loạn lo âu đòi hỏi các phương pháp tham vấn/khai vấn hướng nghiệp đặc biệt phù hợp với những thách thức mà chứng rối loạn này có thể xuất hiện. Các yếu tố trong khung C/AAP được mô tả ở đây cho phép chuyên viên hướng nghiệp có thể pha trộn và kết hợp các kỹ thuật tham vấn/khai vấn hướng nghiệp quen thuộc với các quan điểm lý thuyết đã được thiết lập khi đối mặt với thách thức phức tạp hơn và thường ít quen thuộc hơn khi làm việc với những thân chủ mà tình trạng căng thẳng và lo lắng của họ vượt quá mức bình thường đến mức rơi vào tình trạng rối loạn lo âu.

Tham khảo

American Psychological Association. (2022, February 14). What’s the difference between stress and anxiety? http://www.apa.org/topics/stress/anxiety-difference

Anxiety & Depression Association of America. (n.d.). Facts and Statistics: Understanding Anxiety and Depression is the First Step. Retrieved April 19, 2022, from https://adaa.org/understanding-anxiety

Armenta, J. (2019, February 1). Career Transition: Helping Clients Survive the Neutral Zone. Career Convergence.https://www.ncda.org/aws/NCDA/pt/sd/news_article/213146/_PARENT/CC_layout_details/false

Bridges, W. (2009). Managing Transitions: Making the Most of Change. Da Capo Press.

Bright, J., & Prior, R. (2012). The Chaos Theory of Careers in Career Education. Journal of the National Institute for Career Education and Counseling, 28, 10-20.

Buttitta, M., & Cavallaro, M. (2019, April 1). Using Adlerian Counseling Strategies to Help Career Clients Design Their Futures. Career Convergence. https://www.ncda.org/aws/NCDA/pt/sd/news_article/223625/_self/CC_layout_details/false

Fritscher, L. (2020, March 9). Coping with Anticipatory Anxiety. Verywell Mind. https://www.verywellmind.com/anticipatory-anxiety-2671554

Krumboltz, J. D. (2009). The Happenstance Learning Theory. Journal of Career Assessment, 17(2), 135–154. https://doi.org/10.1177/106907270832886

Mesaros, C. (2019, June 1) Embracing Chaos Theory of Careers. Career Convergence,https://www.ncda.org/aws/NCDA/pt/sd/news_article/234994/_self/CC_layout_details/false

Santomauro, D.F., et al. (2021, October 8). Global prevalence and burden of depressive and anxiety disorders in 204 countries and territories in 2020 due to the COVID-19 pandemic. Lancet, 398, 1700-1712. https://www.thelancet.com/action/showPdf?pii=S0140-6736%2821%2902143-7

World Health Organization. (2022, March 2). COVID-19 Pandemic Triggers 25% Increase in Prevalence of Anxiety and Depression Worldwide.https://www.who.int/news/item/02-03-2022-covid-19-pandemic-triggers-25-increase-in-prevalence-of-anxiety-and-depression-worldwide

  Thông tin tác giả

Michelle Tullier, Tiến sĩ, CCC, CPRW, là chuyên gia tham vấn nghề nghiệp hành nghề tư nhân với chuyên môn về các trường hợp phức tạp liên quan đến thất bại khi bắt đầu, lo lắng, phục hồi sau rối loạn sử dụng chất kích thích và các thách thức khác. Cô ấy là người phụ trách chuyên mục Nghề nghiệp và Phục hồi cho trang Psychology Today.com và là tác giả của cuốn Hướng dẫn vượt qua sự trì hoãn cơ bản. Michelle là cựu giám đốc điều hành trung tâm nghề nghiệp tại Georgia Tech, nơi cô cũng là giảng viên của Chương trình Ưu tú giảng dạy các quan điểm đa ngành về công việc có mục đích. Cô đã từng giữ vai trò khai vấn nghề nghiệp và lãnh đạo tại công ty toàn cầu về giới thiệu việc làm Right Management. Michelle là thành viên của Hiệp hội Phát triển Nghề nghiệp Maine, thành viên và cựu thành viên hội đồng quản trị của Hiệp hội Phát triển Nghề nghiệp Georgia, cựu tổng biên tập của Tạp chí Thực hành Độc lập về Kết nối Nghề nghiệp, và là tác giả của ba bài báo đầu trong Kết nối Nghề nghiệp. Cô ấy là chuyên gia tham vấn hướng nghiệp được chứng nhận qua NCDA và là Người viết sơ yếu lý lịch chuyên nghiệp được chứng nhận qua PARWCC. Bạn có thể liên hệ với cô ấy tại www.CareersUncomplicated.com và www.linkedin.com/in/michelletullier/.

Người dịch:  An Chi

Biên tập: Tâm Tình

Nguồn bài viết: https://www.ncda.org/aws/NCDA/pt/sd/news_article/441294/_PARENT/CC_layout_details/false

Photo by Nik on Unplash