Trưởng bộ phận Sản xuất

1. Thông tin căn bản

  • Tuổi: 52
  • Giới tính: Nam
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 28 năm
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Kỹ sư Điện Công nghiệp, Cao đẳng Động cơ Ô tô, máy kéo
  • Các chứng chỉ chuyên môn: Production director (Giám đốc sản xuất)
  • Số giờ làm hằng tuần: khoảng 40 giờ
  • Loại hình & quy mô công ty: công ty thuộc tập đoàn của Mỹ, nhà máy có khoảng 400 người, khối thương mại khoảng 200 người.

2. Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

Trách nhiệm chính là quản lý bộ phận sản xuất để đạt được các mục tiêu công ty:

  • An toàn
  • Chất lượng sản phẩm
  • Chi phí sản xuất gồm: OEE (overall equipment effectiveness: hiệu suất tổng thể), Maintenance cost (chi phí bảo trì), Materials cost (chi phí nguyên vật liệu), Overtime (phí tăng ca), …
  • Quản lý chi phí và thực hiện các dự án phát triển sản phẩm
  • Đào tạo và phát triển đội ngũ sản xuất

3. Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Sau khi tốt nghiệp, tôi làm cho công ty nhà nước, sau đó mới chuyển sang công ty nước ngoài. Tôi tham gia công ty này từ năm 1992, khi đó là sự liên doanh giữa công ty dược phẩm trung ương 2 với công ty nước ngoài. 

Bản thân tôi tự quyết định tương lai và nghề nghiệp của mình. Tôi chọn ngành này vì nó phù hợp với nghề nghiệp của tôi. Nếu chọn lại, tôi vẫn chọn nghề này vì nó giúp tôi luôn thay đổi tư duy, nhận thức, cũng như luôn phải vận động trí não để tìm ra các phương thức quản lý phù hợp, áp dụng công nghệ mới nhằm đạt được kết quả cao hơn và cạnh  tranh tốt với thị trường. Ngoài ra, đây là một ngành cung cấp sản phẩm thiết yếu, phục vụ cho con người và công động.

4. Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

08:00 – 16:30 Kiểm tra email khoảng 30 phút và lên kế hoạch trong ngày 
Họp sản xuất hàng ngày với các bộ phận
Họp dự án phát triển sản phẩm với các phòng ban
Họp với từng bộ phận để kiểm soát chi phí nhằm đạt mục tiêu đề ra
Gemba hàng ngày khu vực sản xuất (Gemba khu vực làm việc, chuyền sản xuất, nhà xưởng… là quan sát, lắng nghe các thông tin phản hồi, ghi nhận các vấn đề phát sinh hay các mối quan tâm khác; từ đó có cái nhìn thấu đáo và lên kế hoạch cải tiến phù hợp)
Lập kế hoạch để kiểm soát từng mục tiêu 
Ghi chú: Làm 5 ngày trong tuần (Công ty không quản lý thời gian mà quản lý hiệu quả công việc)

5. Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

  • Công việc sản xuất đòi hỏi luôn thay đổi tư duy để phù hợp với sự cạnh tranh của thị trường.
  • Tự do phát triển, chủ động thực hiện các ý tưởng mới nhằm đạt được các mục tiêu thách thức
  • Hướng dẫn, đào tạo và phát triển đội ngũ kế thừa 

6. Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

Không thích các cuộc họp quá nhiều và tranh cãi không lành mạnh, ảnh hưởng đến văn hóa cũng như các mục tiêu công ty. 

7. Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

Các điều kiện cần có để hoàn thành công việc này:

  • Thái độ làm việc (nhiệt tình, năng nổ, dám làm và nhận trách nhiệm)
  • Có chí tiến thủ (đặt các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn cho chính bản thân mình)
  • Bằng cấp chuyên môn chính và các khóa kỹ năng mềm 
  • Tư duy phải thay đổi để phù hợp với những thách thức mới 

Để thăng tiến trong công việc, bạn cần:

  • Đặt mục tiêu cho từng công việc và phấn đấu đạt kết quả cao
  • Sẵn sàng nhận những thử thách mới mà công ty giao phó 
  • Luôn luôn trau dồi các kiến thức mới 
  • Hòa đồng với mọi người, tạo gắn kết với các phòng ban
  • Trung thực, ngay thẳng không vụ lợi
  • Làm việc vì đam mê, hoài bão
  • Luôn áp dụng phương pháp Pareto 80/20 trong mọi công việc

8. Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Mọi người hay quan niệm sản xuất chỉ làm ra nhiều sản phẩm cho bán hàng mà chưa chú trọng nhiều về chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, chất lượng mới là yếu tố chính đem lại thỏa mãn khách hàng và đem lại lợi nhuận cho công ty.

9. Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Dư sức nuôi em khi ra trường và giúp đỡ gia đình.

10. Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Một vài đúc kết và chia sẻ:

  • Đặt mục tiêu, chọn thứ tự ưu tiên, hành động để đạt mục tiêu 
  • Áp dụng phương pháp Pareto 80/20 trong mọi công việc 
  • Làm việc với lòng đam mê, phấn đấu với các mục tiêu ngày một cao hơn 
  • Một số cuốn sách tham khảo như: The 7 habits, Pareto 80/20, Management skill, Lean manufacturing, Finance, 5S System, Total productive maintenance, Quality management…