Trưởng bộ phận Account

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 29
  • Số năm kinh nghiệm ở nghề này: 9
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Thạc sỹ Quản trị dự án
  • Số giờ làm hằng tuần: 44
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty truyền thông (báo chí, adnetwork và agency), > 1000 nhân viên 

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

Nghề “Account” ở các cấp, bắt đầu từ Executive lên Director, hiểu nôm na là quản-lý và chịu-trách-nhiệm-toàn-bộ một khách hàng. Mỗi công ty đều có một vài sản phẩm/dịch vụ cung cấp cho khách hàng, mỗi sản phẩm được phụ trách bởi một bộ phận khác nhau. Tương tự, để phục vụ một yêu cầu của khách hàng, sẽ có rất nhiều bộ phận liên quan như kế toán, công nợ, pháp chế, kỹ thuật, thiết kế…., account executive chính là cầu-nối kết hợp tất cả các bộ phận này với nhau và là đại diện cho họ để chịu trách nhiệm với khách hàng. Hiểu đơn giản thì, chị như một stylist (người tạo mẫu) của công ty may đo thời trang. Có rất nhiều bộ phận sản xuất quần, áo, giày, dép, tụi chị là người sẽ nghe yêu cầu của khách hàng, muốn đi tiệc hay đi làm, để đến từng bộ phận và chọn ra quần nào, giày nào, dép nào… để đưa ra một bộ thích hợp nhất, và làm việc với các bên để cung cấp/may mới cho khách bộ đó, và cho dù bên trong công ty nhiều bộ phận thế nào, khách chỉ cần làm việc với chị – là người đại diện duy nhất thôi.

Vậy nên, công việc account gần như kinh doanh vì đem lại doanh thu cho công ty, và cũng gần như chuyên gia về sản phẩm nữa.

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này? 

Câu chuyện nghề của chị rất cá nhân, nên các em chỉ đọc tham khảo chứ đừng lấy làm hướng dẫn/ chỉ dẫn vào nghề nha.

Hồi mới ra trường, chị không rõ account là nghề gì đâu, thậm chí bây giờ vẫn còn mông lung. Ngày xưa chọn học kinh tế cũng chỉ bởi vì ghét các nghề khác, riêng kinh tế là cái mình không ghét. Từ lúc đi học chị đã làm một số vị trí ở nhiều công ty rồi, bài này chỉ tập trung nói đến công việc hiện giờ thôi. Lúc sinh viên tập tọe làm Marketing bán thời gian cho trung tâm tiếng Anh, rồi bạn của chị giám đốc khi đó (cũng là bạn chị) thấy chị “hay hay” nên gọi về làm toàn thời gian ở công ty bây giờ. Mà “hay hay” ở đây là gì biết không? Chị viết 1 bài trên Facebook khá… buồn cười, thế là sếp hiện tại của chị nghĩ, con bé này hài hước thoải mái, chắc chịu được áp lực, nên hợp làm… phát triển sản phẩm.

Lúc đó, chị cũng đang ở vị trí quản lý ở một công ty khác nhưng lúc phỏng vấn, bị chị này… mắng và chỉ ra lỗi trong buổi phỏng vấn của mình. Lúc đó chị thấy “Ôi, sếp khó tính mà chỉ ra đúng lỗi của mình như này, chắc học hỏi được nhiều” nên sang luôn. Bắt đầu từ vị trí phát triển sản phẩm, nhưng vì tò mò nên đi tìm hiểu các sản phẩm khác nữa, đúng lúc bộ phận account mới được thành lập và thiếu người, nên kéo chị sang luôn. “Sang” chứ không phải “Lên”, vì 2 bộ phận này có độ quan trọng như nhau.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

  • Kiểm tra các công việc đã yêu cầu, xem bộ phận khác đã hoàn thành chưa, nghiệm thu
  • Kiểm tra các công việc đang chờ xử lý, liên lạc với nội bộ và khách hàng để giục hoàn thành
  • Tìm hiểu thị trường để lên ý tưởng, kế hoạch
  • Gặp khách hàng để trình bày ý tưởng, kế hoạch
  • Gặp khách hàng để nghe đề bài, yêu cầu
  • Gặp bộ phận kinh doanh để nhận yêu cầu nếu đã chốt và không cần gặp khách hàng
  • Kiểm tra chỉ tiêu, tình hình làm việc của nhân viên và đưa ra phương án để đạt doanh số mục tiêu

Ghi chú: Các đầu việc này diễn ra xen kẽ, ko theo thứ tự.

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

  • Thoải mái. Thời gian rất thoải mái, hoàn thành công việc là được. Quần áo ăn mặc cũng thoải mái, đi gặp khách hàng đừng lố bịch quá là được.
  • Kiên nhẫn. Công việc rèn luyện sự kiên nhẫn và bình tĩnh rất tốt.
  • Động não. Làm một công việc lâu rất dễ rơi vào tình trạng ỳ, nhưng việc này đòi hỏi động não và đổi mới mỗi ngày. Làm việc với các chuyên gia, phóng viên sẽ giúp có cái nhìn đa chiều và học hỏi được nhiều.
  • Oai. Đôi khi có các dự án sẽ được làm với người nổi tiếng – celeb/KOL
  • Trẻ trung. Đồng nghiệp và những người làm trong ngành nói chung thường có tư duy khá trẻ và cởi mở.
  • Vui. Nô đùa nhiều hết sức.

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

  • Lương không cao so với các nghề khác.
  • Nhiều áp lực do tiếp xúc nhiều người, nhiều hạn nộp.
  • Chán. Bị trút giận vô lý mà không biết tại sao. Đôi khi công việc sẽ lặp đi lặp lại. Nó mâu thuẫn với phần “động não” ở câu hỏi trước nhưng làm thì tụi em sẽ hiểu. Thậm chí tần suất “lặp đi lặp lại”, bị khách và các bộ phận khác trút giận rất nhiều. Chị nghĩ việc nào liên quan đến chăm sóc khách hàng cũng vậy thôi.
  • Thất vọng. Nhìn “Marketing” ở ngoài có vẻ màu hồng, ngập tràn ý tưởng sáng tạo này nọ, nhưng đằng sau nó là cả một lượng người và lượng việc không nhỏ. Cho nên ở mỗi mắt xích sẽ thấy vất vả và chẳng được sáng tạo, chẳng được tươi đẹp như những thứ mình thấy.
  • Khó giải thích. Đôi khi vẫn bị hỏi là làm Marketing là làm gì, tiếp thị à, phát tờ rơi à. Mẹ chị còn bảo là nếu sản phẩm tốt rồi thì không ai cần quảng cáo, nên nghề của chị là lừa đảo và sẽ chết nay mai.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ? 

Chị nghĩ các điều kiện dưới đây thì ngành nào cũng cần, chứ không riêng gì Marketing.

  • Trước hết là đừng kỳ vọng về màu hồng của ngành Marketing. Đằng sau là nhiều thứ rất khác.
  • Thứ 2, cần có trách nhiệm và trung thực. Không làm thì thôi, làm thì phải hoàn thành nó, dù tốt hay dở cũng phải hoàn thành nó đến cùng. Và không-bao-giờ đổ lỗi. Khi có vấn đề, tập trung vào giải quyết chứ đừng sợ hãi và đi tìm ngay đứa nào sai để đổ lỗi cho mình đỡ trách nhiệm.
  • Thứ 3, tôn trọng TẤT-CẢ mọi người. Nhấn mạnh từ TẤT-CẢ. Mỗi người em gặp đều dạy cho em một bài học nào đó, nên đừng bao giờ gọi-điện cho khách hàng thì ngọt nhạt rồi đằng sau lưng lại nói xấu người ta. Hiện nay, có 1 số các fanpage Facebook sản xuất các nội dung kêu la về khách hàng, thiết kế, planner… làm chị thực sự không hiểu là họ đùa hay nghĩ như thế thật. Nếu thực sự muốn làm hẵng làm, đừng vừa làm vừa kêu.
  • Thứ 4, be cool. Có thể có nhiều phong cách khác nhau, nhưng với chị, hãy luôn tưới mát tâm hồn và thoải mái. Với một tâm hồn tươi mới thì em mới dễ dàng đọc kenh14, 9gag, boredpanda, lướt Facebook… một cách thoải mái. Tưởng là để giải trí mà khi làm việc sẽ có thể lôi mấy thứ đọc được ra ứng dụng vào nghề. Coi mọi thứ mình tiếp xúc đều đang dạy học cho mình, tự dưng sẽ bắt được xu hướng.
  • Thứ 5, đừng so sánh. Mình giống hay mình khác mọi người đều ổn cả thôi.
  • Thứ 6: đừng phụ thuộc vào lời khuyên của người khác quá. Cũng đừng quá tin vào các kiểu “6 yếu tố khiến bạn thành công”, “5 điều người thành đạt không bao giờ làm”. Thật đấy!
  • ĐIỀU QUAN TRỌNG NHẤT: PHẢI ĐẸP, PHẢI ĐẸP EM NHÉ.

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Hiểu lầm 1: Màu hồng. Sự thực là hồng như blackpink, kiểu vừa hồng vừa đen ấy.

Hiểu lầm 2: Quảng cáo bố láo bố toét. Nó bố láo bố toét vì những người làm không có tâm, và không trung thực thôi.

Hiểu lầm 3: Rất nhiều áp lực và khổ sở. Vì mọi người đọc nhiều mấy cái nội dung cợt nhả chê bai trên Facebook đấy.

Hiểu lầm 4: Account chuyên môn rất giỏi. Không, account cũng có người này người kia, mà phần lớn là dốt nên lúc nào cũng phải học nhé.

Hiểu lầm 5: Account chuyên môn rất dốt. Không, account làm gì có chuyên môn, hầu hết là kỹ năng, nên lúc nào cũng phải đi học mọi nơi mọi người mọi thời điểm. Thật đấy, không phải văn chương đâu. 

Hiểu lầm 6. Kế toán. Các em ơi, accountant mới là kế toán nhé. Hai nghề khác nhau lắm.

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Quan trọng là cần bao nhiêu để nuôi em?

Chị nghĩ, công việc nào cũng giúp em tự nuôi mình được. Kiếm ít tiêu ít, kiếm nhiều tiêu nhiều. Đừng kiếm như người nghèo mà tiêu như người giàu là được.

Mới ra trường thường bắt đầu từ vị trí account executive, lương cỡ 5 – 10 triệu/ tháng, tùy vào quy mô công ty, kinh nghiệm và khả năng đàm phán lương của em.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Chị phải phân vân lắm mới đồng ý vào dự án này đấy, vì chị sợ những lời khuyên lắm. Mỗi người có một cách phát triển khác nhau, không có bài học đời ai ứng dụng hoàn toàn được cho đời ai cả. Ít nhất với chị là vậy. Chị không phủ nhận là các bài học, lời khuyên đại chúng có tác dụng cho nhiều người khác. Chị cũng không cho mình là một người thành công, nên chị viết mấy cái từ nãy giờ chỉ để KỂ những thứ đã diễn ra với chị thôi. Với mỗi em, mọi thứ có thể hoàn toàn khác. Nên chị không khuyên gì đâu, bọn em cứ có khả năng thích ứng và tôn trọng người khác, là tâm hồn sẽ tự xinh tươi.