Trợ lý dự án Tổ chức Phi chính phủ

1. Thông tin cơ bản

  • Tuổi: 26
  • Giới tính: Nữ
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 3 năm full-time và 2 năm part-time
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học – Kỹ thuật Hoá học
  • Các chứng chỉ chuyên môn: Chương trình đào tạo nhân lực cho lĩnh vực phi chính phủ (NGO Traineeship Program by Center for Sustainable Development Studies (CSDS))
  • Số giờ làm hằng tuần: 40 – 48h
  • Loại hình & quy mô công ty: 
    • Tổ chức phi chính phủ (NPO)/ Think Tank
    • Quy mô: 20 – 30 người (bao gồm Nhân viên, Chuyên gia, Cố vấn)

2. Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho tổ chức, cho các bên liên quan?

Vị trí: Trợ lý dự án
Trách nhiệm chính:

  • Nghiên cứu và tư liệu hoá (bằng văn bản, hình ảnh, số liệu) các thông tin phục vụ cho các bên liên quan trong phát triển nông nghiệp sinh thái, trong quy hoạch sử dụng đất và vận động hành lang
  • Thực hiện các hoạt động thực địa tại địa bàn dự án: nghiên cứu (tập quán, phương thức canh tác của các đồng bào dân tộc thiểu số vùng núi, đa dạng sinh học rừng,…), thúc đẩy và kết nối (các hoạt động địa phương: giữ gìn và bảo tồn tri thức các tộc người, vườn ươm cây lâm nghiệp bản địa, thúc đẩy chuyển đổi canh tác theo hướng bền vững.,…)

3. Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Từ tháng 3 năm 2017 (năm 3 Đại học), mình bắt đầu phụ trách kỹ thuật cho một tổ chức phi chính phủ về môi trường dành cho sinh viên – cung cấp các giải pháp xanh (năng lượng mặt trời, máy lọc nước) để hỗ trợ người dân ở vùng sâu, vùng xa. Từ tổ chức này, mình bắt đầu tìm kiếm cơ hội tham gia những hội trại, khóa đào tạo về môi trường, từ năng lượng xanh, đến biến đổi khí hậu, rác thải,…
Sau khi tốt nghiệp, mình đã cố gắng tìm kiếm cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp, với mong muốn có một cuộc sống “ổn định”, nhưng mình cảm thấy không tìm được giá trị chung giữa mình và các công ty này. Và rồi trong một cuộc phỏng vấn với một tập đoàn lớn, sau khi mình kể về các hoạt động ngoại khoá và hoạt động tại tổ chức mình đề cập ở trên, người phỏng vấn mình đã nói rằng: “I can see you are really passionate with it”. Đó là thời khắc mình nhận ra mình muốn đi “con đường Phi chính phủ”.
Bốn tháng sau khi ra trường, mình tham gia Chương trình đào tạo nhân lực cho lĩnh vực phi chính phủ do tổ chức CSDS thực hiện (NGO Traineeship Program by Center for Sustainable Development Studies (CSDS)) và bắt đầu hoạt động trong lĩnh vực NGO – NPO từ đây. Mình khá may mắn khi gia đình và bố mẹ không gây áp lực về công việc hay tài chính. Vì thế, mình thoải mái hơn nhiều so với một số bạn khác. Hiện tại, bố mẹ mình vẫn giữ nguyên quan điểm này.
Mình luôn quan niệm rằng không thể thay đổi quá khứ, mỗi lựa chọn của mình trong quá khứ đều góp phần tạo ra mình ngày hôm nay. Nên mình không muốn thay đổi điều gì cả.

4. Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

Tuỳ thuộc từng thời điểm, lịch làm việc sẽ thay đổi.

Khi thực hiện công việc tại văn phòng, mình thường bắt đầu làm việc vào 8h30. Đầu tiên, mình sẽ kiểm tra các công việc nào trong danh mục còn tồn đọng (vì trong ngày mình có một số công việc phát sinh và cần thực hiện ngay, nên công việc thường bị tồn động).

Sau đó, mình kiểm tra hộp thư và bắt đầu viết ra danh sách công việc, xem xét tính ưu tiên và hoàn thành từng việc. Mình sẽ kết thúc công việc vào khoảng 5h/ 5h30/ 6h. Theo lịch, mình sẽ được nghỉ vào thứ 7, Chủ nhật. Tuy nhiên, tuỳ thuộc khối lượng công việc, mình có thể thay đổi thời gian làm việc khá tự do (làm việc thứ 7/ hoặc chủ nhật và nghỉ bù sau đó).

Tại thực địa, mình thường dậy sớm hơn (khoảng 5h30 – 6h), cùng chuẩn bị đồ ăn sáng cho cả đoàn công tác. Sau đó thực hiện các công việc thực địa như: họp người dân, tìm hiểu/ phỏng vấn cho nghiên cứu, đi vào rừng để ghi chép và kiểm toán trữ lượng rừng… Buổi tối có thể có những buổi giao lưu với người dân địa phương. Nếu trong chuyến đi mình kết hợp tổng hợp số liệu (hoặc phải giải quyết một số vấn đề khác) thì công việc sẽ kết thúc vào khoảng 9h – 10h đêm.

5. Anh/chị thích và không thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

  • Điều mình thích nhất là mình có thể đem theo những giá trị của bản thân mình trong công việc: mong muốn giúp đỡ người khác, sự kiên định, sự chính trực, lòng nhiệt thành.
  • Điều mình không thích nhất ở công việc này là mình chưa có đủ chuyên môn cụ thể (ở trình độ cao) nên các công việc ở mức đơn giản, nhỏ lẻ. Ngoài ra, vì khối lượng công việc lớn, nên nếu không có tư duy học hỏi thì bạn sẽ quá tập trung vào hoàn thành công việc và sẽ khó phát triển được về kiến thức, kinh nghiệm.

6. Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

Tuỳ thuộc vào vị trí cụ thể tại NPO, NGO (ví dụ: Truyền thông, điều phối, nghiên cứu,…) thì bạn cần trau dồi những kỹ năng chuyên môn liên quan, tương tự như môi trường doanh nghiệp. Mình muốn chia sẻ tập trung hơn vào môi trường NPO, NGO nói chung. Tại các môi trường NGO-NPO nguồn lực (tài chính, nhân lực) có hạn, vì thế một nhân sự có thể phải đảm nhiệm nhiều vị trí/ trách nhiệm khác nhau. Vì thế, đa nhiệm là một kỹ năng cần thiết tại môi trường này. Ngoài ra, các kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp và lòng cảm thông (tim nóng, đầu lạnh) đối với các nhóm yếu thế và các nhóm đối tượng khác nhau cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các dự án xã hội.

7. Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

  • Hiểu sai: Phi chính phủ = Chống lại nhà nước, không phụ thuộc vào nhà nước.

=> Thực tế: Các tổ chức này tồn tại để lấp đi những điểm thiếu khuyết của thị trường (market) và Nhà nước (State), và có mối liên kết chặt chẽ, hoạt động dưới sự giám sát của nhà nước (như các doanh nghiệp, tổ chức khác trên lãnh thổ Việt Nam).

  • Hiều sai: Phi lợi nhuận = Làm việc không lương.

=> Thực tế: các NGOs, NPOs vẫn trả lương nhân viên như bình thường.

  • Hiểu sai: NPO, NGO = Làm từ thiện

=> Thực tế: Có nhiều chương trình/ dự án/ sự kiện/ hoạt động với mục tiêu khác nhau. Tuỳ thuộc vào mục tiêu cụ thể, ta sẽ có những dự án/ hoạt động mang tính dài hạn và bền vững, hoặc mang tính khẩn cấp, ngắn hạn.

  • Hiểu sai: Môi trường NPO, NGO là môi trường thiện lành, không có mâu thuẫn…

=> Thực tế: Môi trường nào cũng có những mặt trái, mâu thuẫn như là một xã hội thu nhỏ. Tuy nhiên, thực tế là trong môi trường này cơ hội bạn gặp được những người hướng thiện sẽ cao.

8. Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Công việc này khiến mình nghèo vật chất trong khoảng 2,5 năm. (Mình cần nhấn mạnh là nghèo vật chất). Và mình dần cân bằng nhu cầu với thu nhập của mình. 

Việc “đủ sống” hay không sẽ còn tùy thuộc vào nhu cầu tài chính của mỗi người. Tuỳ thuộc vào nguồn lực của tổ chức/ trình độ chuyên môn/ kỹ năng, mức lương cơ bản khi mới bắt đầu bước chân vào lĩnh vực này sẽ rất đa dạng. Tuy nhiên, lĩnh vực phi chính phủ – phi lợi nhuận không phải là một sự lựa chọn ưu tiêu cho tiêu chí thu nhập cạnh tranh, phát triển tài chính so với các nhóm ngành khác. 

9. Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Với kinh nghiệm của mình, ngoài kỹ năng, kiến thức thì bạn có thể quan sát bản thân nhiều hơn để tìm ra những giá trị mà bạn thực sự gắn kết. Một số đặc điểm đã xuất hiện trong mình khi mình còn trong tuổi thiếu niên, mà sau này khi nhìn lại, mình nhận ra đây chính là những kim chỉ nam dẫn mình đến với nghề.

  • Mong muốn giúp đỡ người khác
  • Quan tâm và bận lòng/ đau đáu về một số vấn đề xã hội: ô nhiễm môi trường/ sức khoẻ tâm lý/…
  • Có lòng đồng cảm với những trường hợp yếu thế
  • Quan tâm đến những sáng kiến/ đổi mới giúp giải quyết một vấn đề nào đó (tại vùng xa xôi/ giúp cho người yếu thế trong xã hội)
  • Thích tham gia các hoạt động/ chương trình ngoại khóa
  • Cảm thấy có xung đột giá trị với một số doanh nghiệp “đặt mục đích kinh tế lên trên hết”
  • Sự thanh thản khi được gắn kết/ hoàn thiện với các giá trị ở trên

Những dấu hiệu này, tất nhiên, không định hướng được rằng bạn MUỐN hoạt động trong lĩnh vực phi chính phủ – phi lợi nhuận, vì NGO – NPO không phải là môi trường duy nhất để bạn phát triển các điều trên (ngoài NGO-NPO, có nhiều doanh nghiệp có bộ phận Trách nhiệm Xã hội, hoặc có nhiều doanh nghiệp hướng về giá trị xã hội và phát triển cộng đồng,…), hoặc bạn vẫn có thể duy trì những giá trị như thế này song song với công việc chính.

Bạn có thể tham gia các dự án xã hội, các hoạt động thiện nguyện, và tìm hiểu thật kỹ về vấn đề xã hội mà bạn quan tâm, tìm hiểu hoạt động và các tổ chức tại Việt Nam và quốc tế. Trong quá trình tham gia, tìm hiểu, bạn sẽ quan sát được cảm xúc, suy nghĩ của bạn về công việc này.

Bạn cần đặt câu hỏi là ngoài những điều này, mình còn thích gì nữa. Và mình nên đặt lĩnh vực nào là ưu tiên. (Lưu ý: bạn có thể chọn cả 2. Ví dụ: nhà nghiên cứu thực vật học trong tổ chức phi chính phủ, thiết kế trong các chiến dịch truyền thông về một vấn đề xã hội…)

Điều quan trọng là sự ưu tiên, và bạn có thật sự muốn làm toàn thời gian cho công việc này hay không. Với mình, có một thời gian mình phân vân giữa có và không. Và trong một khoảnh khắc mình đã chọn “Có”.