Senior Web Developer – Lập trình viên

 

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 36
  • Giới tính: Nữ
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 13 năm
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cao Đẳng
  • Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Chuyên Viên Lập Trình Viên Quốc Tế NIIT, Chuyên Viên Lập Trình Viên Trung Tâm Tin Học KHTN
  • Số giờ làm hằng tuần: Toàn thời gian
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): > 200 nhân viên

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

Công việc chính của mình là Lập trình viên web, cụ thể:

  • Thiết kế lập trình web theo yêu cầu của khách hàng
  • Phụ trách công đoạn “back-end” của web,  xử lý hệ thống phía sau, cấu trúc dữ liệu, lập trình trên server

Tùy theo quy mô của dự án mà một nhóm hoặc một bạn phụ trách công việc. Chẳng hạn, với dự án chỉnh sửa web nho nhỏ, một bạn có thể phụ trách bảo trì code, chỉnh sửa code, làm giao diện đơn giản… Với dự án lớn, một nhóm gồm 3-5 bạn, mỗi người một vai trò như lấy yêu cầu khách hàng (Business Analyst), quản lý dự án (Project Manager), phân tích dữ liệu (Data Analyst), lập trình viên (Developer), thiết kế giao diện người dùng (Front-end), thiết kế lập trình web (Back-end).

Tùy theo yêu cầu của từng dự án/ khách hàng, công việc của mình có thể thay đổi linh hoạt.

  • Trường hợp khách hàng là công ty sản xuất, kinh doanh phần mềm nhưng họ tìm đến mình để gia công sản phẩm cho họ. Khi đó, công ty mình sẽ thiết kế nhiều phần mềm theo nhiều dự án của họ.
  • Cũng có trường hợp khách hàng là các loại hình doanh nghiệp khác, cần thiết kế phần mềm ứng dụng, website để phục vụ cho hoạt động của họ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như giáo dục, kinh doanh, quản lý, y tế,…
  • Yêu cầu của khách hàng rất đa dạng: xây dựng một website từ đầu (nhiều trang, nhiều chức năng, quản lý như thế nào, tính năng ra sao …), hay chỉ thiết kế một trang đơn giản, hay chỉnh sửa một trang web/ứng dụng có sẵn

Một trong những hoạt động chính của công ty mình là gia công phần mềm, nên công việc của mình sẽ góp phần mang lại lợi nhuận cho công ty. Đối với công ty gia công phần mềm, mình sẽ làm nhiều dự án khác nhau nên có nhiều thử thách hơn giúp mình học hỏi nhiều hơn, liên tục tìm kiếm, nghiên cứu nhiều giải pháp công nghệ mới.

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Khi chọn học ngành này, mình khá may mắn vì ba mẹ không quá gò bó, mà cho phép mình chọn theo ý thích bản thân. Anh trai của mình cũng thích ngành Công nghệ Thông tin nhưng lại không được ba mẹ ủng hộ vì ba mẹ cho rằng “phi thương bất phú” và hướng anh mình theo ngành Kinh tế. Đến khi mình học Đại Học, ba mẹ lại thoải mái hơn, cho phép mình chọn ngành yêu thích. Thêm vào đó, trong suốt quá trình học, mình cũng nhận được một số suất học bổng nên càng làm cho ba mẹ tin tưởng vào quyết định của mình.

Lúc đầu, mình học chương trình đào tạo kỹ sư lập trình viên quốc tế, nhưng kiến thức rất rộng nên không đủ chuyên sâu một mảng nào hết. Vì vậy, khi ra trường, mình quyết tâm học chậm lại, học thêm các khóa ngắn hạn, các chuyên đề ở trung tâm bên ngoài. Ưu điểm của những khóa này là hướng đến thực hành nhiều hơn, nắm rõ cách lập trình hơn, mình vừa học vừa áp dụng vào làm liền được nhiều thứ nên cảm thấy rất hứng thú và tự tin hơn. Trong ngành Công nghệ Thông tin, sản phẩm không phải là thứ có thể cầm nắm được nhưng khi mình tạo ra thành phẩm có đủ các tính năng để quản lý, đáp ứng nhu cầu công việc, hay khi mình khắc phục được một lỗi phần mềm nào đó, nó sẽ khiến bạn cảm thấy rất thích thú.

Trong quá trình đi học, mình thường xuyên làm hết các bài tập vì mình thích tạo ra các ứng dụng quản lý thông tin. Sau đó, các thầy cô còn mượn lại kết quả bài tập của mình là các đoạn “code” (đoạn mã tin học trong ngôn ngữ lập trình). Ban đầu chỉ là những ứng dụng quản lý nho nhỏ như quản lý rạp chiếu phim, quản lý cho thuê phòng, quản lý học viên… Từ những cái đó, mình bắt đầu hướng đến những hệ thống lớn hơn và dần dần ứng dụng những công nghệ mới vào. Cứ làm thành công là mình thấy thích và trở nên đam mê hơn với công việc lập trình.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

08:00 – 17:00 Kiểm tra email

Nếu có dự án thì kiểm tra tiến độ công việc của dự án: 

  • Thực hiện những cái còn dở dang;
  • Họp với khách hàng, họp với nhóm dự án;
  • Thăm hỏi các bên liên quan xem tiến độ tới đâu, kế hoạch sắp tới ra sao, cần chuẩn bị gì…

Vì có thể cùng lúc phụ trách nhiều dự án, mình tranh thủ cái nào làm được thì hoàn thành luôn để làm đến cái khác hoặc hỗ trợ nhóm khác.

Nếu không có dự án, có thể hỏi thăm đồng nghiệp xung quanh xem cần hỗ trợ gì không.

Ghi chú Tùy theo độ phức tạp của dự án, tùy theo số lượng dự án, mình có thể phải làm việc hơn 8 giờ ngày. Những lúc gặp sự cố làm hoài không ra thì ở lại đến 6 – 7h tối ráng xử lý cho xong, hoặc đem laptop về nhà làm tiếp.

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

  • Môi trường công việc hiện nay khá năng động, làm việc với nhiều bạn trẻ nên có nhiều điều thú vị
  • Công ty hiện tại cho phép mình khá linh hoạt về khoản thời gian làm việc
  • Tạo ra những thành phẩm Công nghệ Thông tin giúp quản lý công việc; khắc phục các lỗi phần mềm tuy có nhiều thử thách, khó khăn nhưng nó mang lại cho mình nhiều bài học và sự thích thú khi làm được cái mới
  • Làm nhiều dự án khác nhau giúp cho mình liên tục học hỏi, cập nhật kiến thức mới, nghiên cứu các giải pháp công nghệ mới và hiểu biết thêm về nhiều lĩnh vực kinh doanh, quản lý khác nhau.
  • Việc thay đổi từ dự án này sang dự án khác giúp mình không bị nhàm chán, liên tục được “đổi gió”, vừa là thử thách nhưng cũng là động lực mỗi ngày để mình phát triển bản thân.
  • Ngành Công nghệ Thông tin đòi hỏi sự phối hợp đội nhóm để hoàn thành một dự án, khác hẳn với các ngành khác. Điều này thể hiện tính bền vững

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

  • Điều khó khăn, mệt mỏi nhất là mình phải làm cái gì đó quá gấp, áp lực thời gian. Làm xong cảm thấy không tự tin, phát sinh lỗi này lỗi nọ thì phải tìm cách khắc phục ngay hoặc điều chỉnh cho phù hợp.
  • Khi đã hoàn thành giao khách hàng, mình vẫn phải nghiên cứu để tìm cách cải thiện sản phẩm trong tương lai.
  • Khắc phục lỗi của một phần mềm/ website/ ứng dụng (sản phẩm do công ty khác tạo ra) theo yêu cầu của khách hàng, đôi khi mình không biết lỗi của nó từ đâu ra, không biết làm sao xử lý nó nên rất dễ nản. Ngược lại, nếu xử lý tốt được thì khách hàng sẽ càng thêm tin tưởng và mình được đánh giá cao hơn.
  • Việc nhận yêu cầu của khách hàng là của một nhóm phụ trách riêng, khác với nhóm thiết kế, lập trình, nếu họ không nắm hết ý tưởng của khách hàng, không truyền đạt đúng ý cho mình sẽ gây ra khó khăn trong việc hoàn thành dự án, hoặc đưa ra dự kiến tiến độ dự án không phù hợp khiến mình phải chạy dự án dưới áp lực thời gian.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

  • Kiến thức, năng lực chuyên môn là điều bắt buộc phải có. Ngoài chuyên môn được học ở trường lớp, các bạn nên tham gia các khóa chuyên đề bên ngoài để có thêm kiến thức thực tế. Ví dụ, việc học lập trình web ở trường thường không thực sự làm ra sản phẩm web nào hết. Vì vậy, khi bạn học thêm chuyên đề thực tế bên ngoài, bạn sẽ có thêm cơ hội trải nghiệm, trau dồi kinh nghiệm cá nhân và thuận lợi cho việc đi làm sau nay.
  • Sau khi tham gia các chuyên đề ngắn hạn, bạn sẽ hiểu thêm nhiều mảng khác nhau và tìm ra điều mình thực sự thích hơn. Nếu có đam mê sâu hơn trong một mảng nào đó, bạn có thể học tiếp các khóa đào tạo dài hạn hơn, chuyên sâu hơn, từ 6-9 tháng, thậm chí 2-3 năm.
  • Bên cạnh đó, thái độ, kỹ năng cũng đóng vai trò quan trọng không kém:
  • Sự năng động, chủ động trong quá trình học, thực tập và đi làm
  • Chịu khó học hỏi từ anh/chị đồng nghiệp xung quanh, nghiên cứu thêm các nguồn tham khảo để ứng dụng và thực hành
  • Khả năng tư duy, khả năng giải quyết vấn đề …
  • Giao tiếp cởi mở sẽ giúp cho việc trao đổi với đồng nghiệp thuận lợi, nhanh chóng hơn. Nếu thụ động quá thì rất khó trong việc phối hợp đội nhóm và học hỏi thêm

Ở công ty hiện tại của mình, mô hình hoạt động là “self-management” – tự quản, nên mình nghĩ sẽ phát triển theo chiều sâu, hơn là phát triển theo cấp bậc vị trí.

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Nhắc đến ngành Công nghệ Thông tin, mọi người hay nghĩ đến là công việc cài đặt, sửa chữa máy tính. Nhưng thực chất ngành Công nghệ Thông tin rất rộng, gồm nhiều mảng như: phần mềm, phần cứng, network … Sau này còn chia nhỏ ra là: lập trình di động, lập trình web, lập trình thiết bị thông minh ….

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Mức lương thực tập trong ngành này khoảng 4-5 triệu/tháng. Sau thời gian thực tập, tùy theo năng lực của bạn, các anh/chị trưởng nhóm, trưởng bộ phận sẽ đánh giá hiệu quả công việc của bạn thông qua các dự án mà bạn đã tham gia và tiềm năng mà bạn có thể phát triển thêm ở công ty để quyết định việc ký hợp đồng chính thức, với mức lương khoảng 7-8 triệu/ tháng. Những bạn tester (kiểm tra chất lượng sản phẩm) khi đã cứng hơn, có thể có mức lương tầm 9-10 triệu/ tháng. Vì vậy, tùy theo biểu hiện năng lực của bạn mà mức lương có thể được xem xét sớm hơn và điều chỉnh phù hợp.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Khi làm bất kỳ công việc nào, bạn cũng nên duy trì một thời gian đủ lâu để đóng góp cho công ty và cũng là phát triển bản thân đủ sâu trong một mảng cụ thể. Tránh tình trạng nhảy việc liên tục, nếu không bạn sẽ không thể phát triển chuyên sâu mảng nào hết và hồ sơ xin việc cũng không được đẹp.

Đối với nữ làm nghề này, khi đi làm có thể gặp một số khó khăn hơn các bạn nam, như:

  • Khi xin việc, nhà tuyển dụng chưa hiểu được thực lực của mình nên có thể sẽ đề xuất mức lương thử việc thấp hơn. Khi vào làm chính thức và bạn đã chứng minh được năng lực, công ty sẽ xem xét và tăng lương tương xứng cho bạn.
  • Trong một đội nhóm đa phần là nam, có thể bạn sẽ cảm thấy hơi lẻ loi và có chút khoảng cách với mọi người.
  • Do tính chất công việc theo dự án, một bạn nữ khi bị cuốn vào việc có thể sẽ không còn nhiều thời gian dành cho gia đình, bản thân nên sự ủng hộ, cảm thông từ phía gia đình là rất quan trọng.
  • Cảm xúc của phụ nữ cũng là một điểm yếu có thể ảnh hưởng tiến độ công việc.

Tuy nhiên, các bạn nữ làm trong ngành này cũng sẽ có một vài lợi thế hơn nam, như:

  • Xử lý các tình huống áp lực, khó khăn một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển hơn
  • Khi thấy lỗi phần mềm, mình sẽ nhẹ nhàng đón nhận và nhìn nó như một cơ hội để trau dồi, hoàn thiện
  • Khéo léo trong việc giao tiếp, xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp nên có thể dễ nhờ vả khi cần sự trợ giúp
  • Khả năng phân tích tốt hơn, chịu khó nghiên cứu, chăm chỉ, tỉ mỉ…
  • Suy nghĩ khá mạnh mẽ, dứt khoát khi ra quyết định