1. Thông tin cơ bản
- Tuổi: 30
- Giới tính: Nữ
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 7 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học/Thiết kế
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có):
- Số giờ làm hằng tuần: 47 giờ
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Trường học/ Quy mô vừa
2. Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho tổ chức, cho các bên liên quan?
- Trách nhiệm ở công việc hiện tại: Thiết kế các hạng mục Thương hiệu Hệ thống (như Brand Guideline, Ấn phẩm…); Thiết kế các hạng mục truyền thông sự kiện; Hỗ trợ thiết kế các hạng mục từ các phòng ban khác.
- Giá trị công việc này mang lại cho công ty và các bên liên quan: Công việc của tôi giúp đảm bảo các hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp theo định hướng tốt và đạt hiệu quả.
3. Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Từ nhỏ tôi đã thích vẽ và nghệ thuật. Tôi thường đọc các tập san cho lứa tuổi của mình như Hoa học trò và các sách về hội hoạ. Vì vậy, tôi cũng thường tham gia các cuộc thi nhỏ trên các ấn phẩm đó như thiết kế đồng phục lớp, thiết kế tập san, vẽ minh hoạ… Sau mỗi lần như vậy, tôi đã xác định được bản thân thực sự yêu thích công việc thiết kế.
Xác định được mục tiêu, từ năm lớp 9 tôi đã xin bố mẹ cho đi học vẽ chuyên nghiệp với mục đích thi vào chuyên ngành năng khiếu của một trường Đại học tại Hà Nội.
Hiện tại, tôi vẫn đam mê và yêu thích công việc thiết kế của bản thân. Vì vậy, nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn nghề thiết kế.
4. Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
07:30 … | Đến văn phòng |
07:30 – 8:00 | Đọc tin tức mới, kiểm tra email |
8:00 – 12:00 | Nhận yêu cầu thiết kế của các phòng ban, sắp xếp lịch trình công việc theo thứ tự ưu tiên, sau đó triển khai lên ý tưởng và thiết kế |
12:00 – 13:30 | Ăn trưa và nghỉ trưa |
13:30 – 17:30 | Lên ý tưởng và thiết kế các hạng mục công việc trong ngày |
17:30 | Kết thúc một ngày làm việc |
Ghi chú | Tôi làm 5.5 ngày/tuần.
Thời gian làm việc có thể thay đổi theo yếu tố: học sinh đi học tại trường hay học online tại nhà. |
5. Anh/chị thích và không thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Điều tôi thích nhất ở công việc của mình là được làm cùng các đồng nghiệp chân thành, dễ mến. Hàng ngày làm công việc sáng tạo nên không bị nhàm chán.
Công việc của tôi thuộc ngành nghệ thuật nên cuộc sống tinh thần của tôi rất phong phú, thú vị và nhiều màu sắc.
Điều tôi không thích ở công việc của bản thân là: Tôi phải ngồi máy tính nhiều giờ liên tục trong ngày. Điều này khiến tôi gặp phải một số vấn đề về sức khoẻ như: đau mỏi vai gáy, nhức/ khô mắt.
6. Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Thiết kế là một ngành cần cả hai yếu tố: Nghệ thuật và Kỹ thuật. Yếu tố Nghệ thuật thường là năng khiếu bẩm sinh hoặc có được nhờ quá trình tiếp xúc và cảm thụ nghệ thuật trong thời gian dài. Còn yếu tố Kỹ thuật sẽ có được thông qua quá trình chăm chỉ học tập và tìm hiểu, ví dụ: học phần mềm thiết kế, tìm hiểu cấu trúc các sự vật…
Để hoàn thành tốt công việc cũng như thăng tiến hơn, về mặt chuyên môn chúng ta sẽ cần có cả hai yếu tố kể trên. Ngoài ra về mặt thái độ, chúng ta cần có thái độ cầu thị, luôn luôn lắng nghe, học hỏi. Bên cạnh đó, vì làm trong ngành có tính nghệ thuật nên cần tạo được cho bản thân một phong cách, một màu sắc riêng.
7. Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Hiểu lầm nhiều nhất mà tôi gặp phải trong nghề này đó là: rất nhiều người nghĩ rằng nghề Thiết kế đồ họa là làm biển quảng cáo. Thực ra, trong nghề này có rất nhiều mảng như: Nhận diện thương hiệu, Tạp chí, Đồ họa phim ảnh/ Game, Vẽ minh họa, Thiết kế bao bì sản phẩm,… Tất cả hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy hàng ngày khi lên internet đọc báo, mua sản phẩm trong siêu thị,… đều là sản phẩm của thiết kế đồ họa.
8. Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Đối với bản thân tôi, công việc này có thể nuôi sống bản thân khi mới ra trường. Bởi vì cơ hội nghề nghiệp làm Freelance (nghề tự do) trong nghề này rất nhiều – kể cả với các bạn mới ra trường. Nếu các bạn năng động, có năng lực và chăm chỉ thì bạn có thể kiếm thêm thu nhập ngoài công việc fulltime trên công ty.
9. Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Lời khuyên cho bạn muốn theo nghề này: Hãy kiên trì với sự lựa chọn của bản thân và luôn cập nhật kiến thức hàng ngày.
Tôi có rất nhiều bạn bè trong nghề và hiện tại khoảng 70% đã bỏ nghề. Sau mỗi năm đi làm, tôi lại nghe tin một người bạn của mình thông báo chuyển hướng nghề nghiệp vì thấy nghề Design (thiết kế) vất vả. Theo quan điểm của tôi, nghề nào cũng vất vả. Tôi tin rằng, sau một thời gian kiên trì theo đuổi, bạn sẽ nhận thấy nghề Design rất thú vị và mang lại cho bản thân nhiều giá trị về cơ hội công việc, thu nhập và cả giá trị tinh thần.
Mặt khác, để có thể đứng vững trong nghề, các bạn cần tìm hiểu và cập nhật thường xuyên các kiến thức mới về xu hướng thiết kế, phần mềm, cũng như kiến thức về các ngành khác trong xã hội để có thể đưa ra những sản phẩm thiết kế hiệu quả, vừa có thẩm mỹ, vừa có tính ứng dụng cao.
Bài viết liên quan: