Phụ tá nha sĩ

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 25
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 3 năm
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học – Điều dưỡng nha khoa
  • Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có): Chứng chỉ “Chỉnh nha”, Chứng chỉ “ Nội nha”
  • Số giờ làm hằng tuần: 51 giờ
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Phòng khám tư nhân, 7 nhân viên

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

Trách nhiệm chính ở công việc hiện tại:

  • Dọn dẹp vệ sinh phòng khám
  • Chuẩn bị dụng cụ, phụ giúp bác sĩ làm các thủ thuật (nhổ răng, phục hình – làm răng giả, cắm chân răng nhân tạo…)
  • Trực tiếp thực hiện:

+ Chăm sóc răng miệng cơ bản cho khách hàng – lấy cao răng

+ Chỉnh nha – đưa răng khấp khểnh, răng hô trở về trạng thái bình thường

+ Nội nha – điều trị tủy

Giá trị của công việc đem lại:

  • Đối với bản thân:

+ Có thu nhập, đảm bảo cuộc sống cho bản thân

+ Có thêm nhiều kinh nghiệm về chuyên môn/công việc, về giao tiếp tư vấn khách hàng, giao tiếp ứng xử với đồng nghiệp

+ Có thêm nhiều mối quan hệ

+ Niềm vui cho bản thân (đặc biệt khi hoàn thành ca bệnh khó, khách hàng hài lòng …)

  • Đối với bệnh nhân:

+ Giải quyết các vấn đề đau nhức của khách hàng

+ Được chăm sóc răng miệng tốt, chất lượng

+ Khách hàng đẹp hơn, tự tin hơn

  • Đối với phòng khám:

+ Phòng khám phát triển (vì có nhiều khách hàng)

+ Uy tín của phòng khám được tăng lên

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

  • Lần đầu tiên tôi chọn ngành này là vào thời điểm cuối năm lớp 11. Trước đây tôi thích làm giáo viên mầm non, nhưng thực tế thời gian đó có nhiều sinh viên học “giáo viên mầm non” ra trường khó xin việc làm ở thành phố.
  • Quyết định làm nghề này là do bố mẹ tôi định hướng, hiện tại không có gì thay đổi.
  • Năm 2018, ngay khi tốt nghiệp ra trường tôi làm tại phòng khám tư nhân ở huyện, cách nhà tôi 15km, sau 9 tháng thì tôi chuyển về phòng khám tại thành phố. Thời điểm tôi có ý tưởng chuyển về phòng khám gần nhà là vào mùa mưa rét và do đường xa nên hay đi làm về trễ.
  • Nếu chọn lại, có thể tôi sẽ suy nghĩ thêm, vì khi đi học rất khác với khi đi làm, đi làm áp lực hơn do:

+ Khối lượng công việc (dồn việc)

+ Thời gian làm việc: về trễ (19 giờ tối)

+ Chuyên môn càng học càng khó (ví dụ: điều trị tủy răng – thực tế phức tạp hơn lý thuyết rất nhiều…)

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

7:30 –8.30 Dọn dẹp, hấp sấy dụng cụ
8.30- 11.00 Tiếp đón, phục vụ bệnh nhân/khách hàng, ngâm dụng cụ sau mỗi ca bệnh
Nghỉ trưa
14.00- 19.00 Tiếp tục tiếp đón, phục vụ bệnh nhân/khách hàng, ngâm dụng cụ sau mỗi ca bệnh

Rửa dụng cụ sau một ngày làm việc, đóng cửa phòng khám

Ghi chú Thời gian làm việc 6 ngày/tuần, thời gian làm việc có thể thay đổi theo nhu cầu khách hàng hoặc có thể phát sinh kéo dài so với giờ quy định

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

  • Được làm đúng chuyên ngành mình học
  • Được chăm sóc răng miệng cho các bé, vì tôi thích trẻ em 
  • Tôi vui vì tự mình làm được ca khó và theo dõi các ca khó do bác sĩ thực hiện để có thêm kinh nghiệm, phát triển chuyên môn/tay nghề
  • Phòng làm việc tiện nghi, máy móc, trang thiết bị hiện đại, dễ thao tác

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

  • Không gian phòng khám hơi gò bó vì không có cửa sổ và ít cây xanh
  • Thời gian kết thúc ngày làm việc trễ: 19h hàng ngày
  • Đôi khi gặp ca khó muốn bỏ (trung bình 1-2 ca/tháng)

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

  • Yêu nghề
  • Chịu khó học hỏi trau dồi kiến thức, ngoài việc học ở trường lớp, đọc sách, có thể học trên Youtube, Facebook từ Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, Hội Nha Sĩ Trẻ
  • Thực hành nhiều, thường xuyên để rèn luyện kỹ năng

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

  • Mọi người thường nghĩ làm công việc này không vất vả nhưng có nhiều tiền. Thực tế thì rất khác.
  • Để trở thành người có tay nghề và sống được với nghề thì người đó phải đầu tư học tập rất nhiều, từ trường lớp, tới học hỏi kinh nghiệm, thực hành, đọc sách để cập nhật thông tin thường xuyên, liên tục
  • Với đặc thù của công việc dịch vụ/phục vụ, đi làm về trễ là rất bình thường 
  • Mọi người thấy những người làm đẹp – răng sứ thẩm mỹ (giá từ 3-12 triệu/chiếc răng, một bộ răng có thể lên tới 150 triệu) nên nghĩ rằng làm nha sĩ sẽ rất giàu. Thực tế thì không phải người nào/khách hàng nào cũng mong muốn và có điều kiện để sử dụng sản phẩm/dịch vụ này. 

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Ngay tháng đầu tiên thử việc tôi đã tự nuôi mình (thời điểm năm 2018, lương 5 triệu/tháng).

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Nghề phụ tá nha sĩ là một nghề xã hội luôn cần và giúp em có thu nhập để tự nuôi mình.

Việc học tập ở trường giúp em có kiến thức cơ bản, nhưng vẫn chưa đủ để làm nghề. Nếu em có đam mê và quyết tâm phát triển nghề này, em cần tiếp tục học tập và nỗ lực làm việc, cụ thể:

  • Học thông qua thực hành
  • Đọc sách chuyên ngành về nội nha, chỉnh nha. Đặc biệt là sách của TS. Bác sĩ Trần Ngọc Quảng Phi – Bác sĩ nội trú chuyên ngành phẫu thuật hàm mặt, là thành viên cấp cao trong các Hiệp hội chuyên ngành, Trưởng phòng khám nha khoa OCARE. Một số cuốn sách nên đọc như:

+ Chỉnh nha lâm sàng – Từ nguyên lý đến kỹ thuật

+ Giải phẫu răng ứng dụng 

  • Theo dõi các thông tin trên Youtube, Facebook từ Hội Răng Hàm Mặt Việt Nam, Hội Nha Sĩ Trẻ
  • Để theo đuổi đam mê, em hãy cố gắng từng ngày, không ngừng học hỏi, nhìn vào gương của đồng nghiệp, những người đi trước, gương của những người trẻ thành công tạo động lực cho bản thân, phấn đấu học tốt, làm tốt. Thành công sẽ đến với em.