1. Thông tin cơ bản
- Tuổi: 37
- Giới tính: Nữ
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 2 năm
- Trình độ học vấn và chuyên ngành:
- Cử nhân Ngôn ngữ Pháp – Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng
- Cử nhân Quản trị Du lịch và Lữ hành – Trường Đại học Duy Tân
- Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có):
- Nghiệp vụ Sư phạm cho Giảng viên Đại học, Cao đẳng tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
- Chuyên viên Giáo dục Hướng nghiệp tại Công ty TNHH Doanh nghiệp Xã hội Hướng nghiệp Sông An
- Số giờ làm hằng tuần: 44 tiếng/tuần
- Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Một trường Cao đẳng có cơ sở tại Đà Nẵng và 10 tỉnh/thành phố khác trên toàn quốc.
2. Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho tổ chức, cho các bên liên quan?
Trách nhiệm chính đối với công việc hiện tại:
- Ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU): Kết nối Nhà trường với các doanh nghiệp mới; trao đổi mục tiêu giữa 2 bên, các hoạt động có thể phối hợp; cụ thể hoá và đưa vào thoả thuận hợp tác MOU.
- Tổ chức các chuyến tham quan doanh nghiệp cho sinh viên: Phòng Quan hệ Doanh nghiệp sẽ đưa sinh viên của từng chuyên ngành đến các doanh nghiệp để tìm hiểu quy trình làm việc trên thực tế, lắng nghe những chia sẻ thực chiến từ các nhân viên của công ty. Qua đó, sinh viên sẽ hiểu được môi trường và văn hóa làm việc của doanh nghiệp, cũng như bồi dưỡng các kỹ năng phù hợp với doanh nghiệp.
- Tổ chức Ngày hội việc làm: Mời các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân sự đến đặt gian hàng tại trường. Chương trình sẽ truyền thông hình ảnh và văn hóa của doanh nghiệp đến với nhiều sinh viên.
- Mời doanh nghiệp tham gia cùng Hội đồng chấm bảo vệ Dự án tốt nghiệp: Doanh nghiệp tham gia Hội đồng chấm Dự án Tốt nghiệp cùng giảng viên của Nhà trường. Đây là hoạt động tuyển dụng hiệu quả, vì doanh nghiệp có thể lựa chọn những bạn thực sự có năng lực và phù hợp với nhu cầu ngay tại buổi bảo vệ Dự án tốt nghiệp.
- Tổ chức Ngày hội Phỏng vấn: Mời doanh nghiệp tham gia Ngày hội Phỏng vấn tại trường. Thông qua quá trình phỏng vấn 1:1, sinh viên tích luỹ thêm kinh nghiệm cần thiết cho quá trình ứng tuyển, hiểu hơn về nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
- Hoạt động hỗ trợ tuyển dụng nhân sự, thực tập sinh: Giúp doanh nghiệp lựa chọn được đội ngũ nhân sự phù hợp qua quá trình thực tập; hỗ trợ đăng tin tuyển dụng và tập hợp các CV phù hợp với tính chất công việc của doanh nghiệp
- Các chương trình định hướng nghề nghiệp, Talkshow: Mời diễn giả đến từ các doanh nghiệp để định hướng nghề nghiệp và chia sẻ kiến thức thực tiễn, kỹ năng cần thiết cho sinh viên.
- Phối hợp tổ chức các cuộc thi, sân chơi dành cho sinh viên: Hỗ trợ truyền thông những cuộc thi do doanh nghiệp tổ chức để sinh viên hưởng ứng và tham gia nhiệt tình, từ đó nâng cao kiến thức, kỹ năng cũng như ghi điểm đối với nhà tuyển dụng.
Giá trị của công việc đem đến cho bản thân, sinh viên và doanh nghiệp:
- Mình cảm thấy mình làm khá tốt ở vai trò là người kết nối giữa sinh viên Nhà trường với các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, công việc này cũng giúp mình có thêm nhiều kiến thức về các ngành nghề để hỗ trợ cho công tác hướng nghiệp mà mình đang theo đuổi.
- Các bạn sinh viên như những tấm chiếu mới khi rời ghế Nhà trường. Các bạn được hướng nghiệp, được đào tạo kỹ năng mềm, được trang bị kiến thức chuyên môn khi còn đi học. Thế nhưng, các bạn lại thiếu nhiều mối quan hệ hoặc thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân sự từ các công ty. Chính vì vậy, việc tìm kiếm doanh nghiệp để sinh viên được trải nghiệm trong quá trình thực tập, được doanh nghiệp đánh giá năng lực qua những buổi chấm Dự án tốt nghiệp, qua những cuộc phỏng vấn ngay tại trường sẽ mang lại những giá trị rất thiết thực cho sinh viên. Các bạn sẽ nắm bắt kịp thời nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để nộp CV, nhờ vậy tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức so với việc tự tìm kiếm thông tin tuyển dụng trên các kênh khác. Về phía doanh nghiệp, phòng Quan hệ Doanh nghiệp là đầu mối chính để doanh nghiệp tiếp cận với nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các hoạt động phối hợp giữa hai bên.
3. Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
- Khi còn là một cán bộ tuyển sinh tại trường, mình có cơ hội tiếp cận với nhiều bạn học sinh và nhận ra rằng, tại Đà Nẵng, các hoạt động trải nghiệm về hướng nghiệp vẫn chưa được chú trọng. Mình muốn nghiên cứu sâu hơn, học nhiều hơn về lĩnh vực này. Sau khóa học Chuyên viên Giáo dục hướng nghiệp tại Sông An, mình đã có được những kiến thức nền tảng về hướng nghiệp. Tuy nhiên, thời điểm đó cũng là lúc mình ý thức được, để có thể tham vấn, giảng dạy tốt, mình còn cần bổ sung thêm những kiến thức về thị trường lao động và thế giới nghề nghiệp hiện nay. Và thật may mắn, ngay tại trường mình đang công tác, công việc tại phòng Quan hệ Doanh nghiệp chính là môi trường phù hợp, vừa giúp mình tiếp cận với những thông tin của thị trường lao đông, vừa nắm bắt nhanh chóng về sự thay đổi của các ngành nghề. Bên cạnh việc mang lại giá trị win – win cho doanh nghiệp và nhà trường, công việc này còn đem đến cho mình những giá trị thiết thực, tích luỹ những kiến thức bổ ích cho công tác hướng nghiệp mình đang theo đuổi.
- Sau khi xác định định hướng lâu dài, mình đã trao đổi với Giám đốc và xin thuyên chuyển sang công tác tại phòng Quan hệ Doanh nghiệp của Nhà trường.
4. Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
7h45 – 8h00 |
|
8h00 – 17h30
(Nghỉ trưa: 12h00 – 13h30) |
|
Ghi chú |
|
5. Anh/chị thích/không thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
- Thích nhất: Điều khiến mình thích nhất ở công việc này, đó là luôn có cơ hội được làm quen với nhiều người ở nhiều lĩnh vực công việc khác nhau. Đôi khi, mình sẽ gặp mặt đối tác ở những địa điểm khác ngoài văn phòng làm việc như: văn phòng của đối tác, quán cà phê, nhà hàng, v.v. Việc thay đổi không gian làm việc như vậy cũng khiến mình hứng thú hơn, có nhiều ý tưởng mới cho công việc hơn.
- Không thích nhất: Đôi khi, mình cảm thấy khó xử vì bị rơi vào tình huống đóng vai trò ở giữa để giải quyết những vấn đề của sinh viên và doanh nghiệp. Những tình huống đó có thể hiểu lầm, xuất phát từ sinh viên hoặc doanh nghiệp. Với vai trò kết nối hai bên, mình phải xử lý, giải quyết thật khéo léo để cả hai đều cảm thấy hợp lý, thỏa đáng.
6. Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Đối với công việc mang tính chất kết nối, liên kết giữa nhiều bên khác nhau, cần rất nhiều yếu tố để đảm bảo hoàn thành công việc:
- Kỹ năng giao tiếp khéo léo để duy trì các mối quan hệ.
- Kỹ năng thuyết phục để mở rộng hợp tác với các đơn vị mới.
- Kỹ năng điều phối và sắp xếp công việc để các sự kiện được tổ chức chỉn chu, thành công.
- Kỹ năng quản lý thời gian để sắp xếp lịch hẹn, tổ chức sự kiện phù hợp với kế hoạch hoạt động của Nhà trường và doanh nghiệp.
- Liên tục tự tìm hiểu, cập nhật thêm kiến thức về ngành nghề ở các lĩnh vực khác nhau như: Kinh tế, Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ hoạ, Tự động hoá, Logistics, Khách sạn – Nhà hàng – Du lịch.
Tuy nhiên, lộ trình thăng tiến của công việc này không thực sự rõ ràng:
- Quy mô nhân sự của một phòng không quá đông, không có nhiều chức danh. Trưởng phòng là người điều phối chính và phân công nhiệm vụ cho các thành viên còn lại.
- Các bạn có thể được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ sau mỗi quý/kỳ, căn cứ vào đó sẽ có mức lương, thưởng phù hợp vào cuối năm.
7. Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
- Mọi người thường hiểu lầm rằng Phòng Quan hệ Doanh nghiệp chỉ có nhiệm vụ kết nối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, phòng cũng làm việc với sinh viên rất nhiều:
- Giúp sinh viên có định hướng nghề nghiệp, tăng cơ hội tìm kiếm việc làm (kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng viết CV, v.v.) thông qua việc tổ chức các workshop, talkshow, chuyến tham quan doanh nghiệp.
- Hỗ trợ sinh viên chỉnh sửa hoàn chỉnh các báo cáo thực tập trước khi gửi cho doanh nghiệp xem xét và đóng dấu.
- Lý do cho sự hiểu lầm có thể đến từ tên gọi của Phòng là “Quan hệ Doanh nghiệp”, không đề cập đến “sinh viên”. Tuy nhiên, để sinh viên đảm bảo chất lượng đầu ra tốt nhất, bên cạnh kiến thức chuyên môn được đào tạo từ giảng viên thì các kỹ năng liên quan đến xin việc, hỗ trợ đơn vị thực tập, cơ hội việc làm sẽ do phòng Quan hệ Doanh nghiệp phụ trách trước khi kết nối sinh viên với doanh nghiệp.
8. Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
- Mức lương cơ bản của các vị trí công việc thuộc trường Cao đẳng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng, phù hợp với thị trường và đảm bảo nhu cầu sinh hoạt của người lao động.
9. Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
- Để có thể theo công việc này lâu dài, các bạn cần phải có sự đam mê với vai trò người kết nối, đảm bảo sự hài hoà lợi ích giữa các bên: sinh viên, nhà trường và doanh nghiệp.
- Đặc biệt, các bạn cần có kỹ năng xử lý tình huống khéo léo để duy trì các mối quan hệ. Bởi lẽ, trong quá trình kết nối, các bạn sẽ gặp phải một số tình huống phát sinh giữa sinh viên với doanh nghiệp, ví dụ như: năng lực của sinh viên chưa phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thái độ làm việc của sinh viên chưa nghiêm túc, hoặc doanh nghiệp bố trí vị trí thực tập không phù hợp vơí chuyên ngành của sinh viên, v.v.
- Cách tiếp cận để doanh nghiệp đồng ý gặp mặt, trao đổi thêm về các hoạt động của hai bên cũng là một điểm khó khăn. Các bạn cần tìm hiểu kỹ về lĩnh vực hoạt động của công ty, tìm ra những điểm chung có thể hợp tác, cũng như trau chuốt từng câu, từ trong văn bản, email, tin nhắn, v.v. khi giao tiếp cùng đơn vị đối tác. Chính vì vậy, các bạn rất cần rèn giũa kỹ năng soạn thảo văn bản, lưu ý lỗi chính tả, v.v.
Bài viết liên quan: