Nhà sinh học

1. Thông tin cơ bản

  • Tuổi: 42
  • Giới tính: Nữ
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 20 năm 
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học, ngành công nghệ sinh học
  • Số giờ làm hằng tuần: 40 giờ/ tuần
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Viện nghiên cứu với quy mô 50 người.

2. Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho tổ chức, cho các bên liên quan?

Nghiên cứu sinh học là một ngành rộng, trong đó, tôi làm về vi sinh. Trong vi sinh lại có nhiều mảng và tôi đang làm chuyên sâu về nấm men.

Tôi là nghiên cứu viên thuộc Trung tâm nguồn gen vi sinh vật quốc gia (thuộc Viện vi sinh vật và công nghệ quốc gia, Đại học Quốc gia Hà Nội). 

Đây là nơi nghiên cứu, lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen vi sinh vật của quốc gia, các nguồn gen về vi khuẩn, xạ khuẩn, nấm men, nấm sợi, nấm lớn, tảo. 

Công việc của tôi là sưu tập, tuyển chọn các chủng vi sinh vật, sau đó, khai thác, nghiên cứu các đặc tính của chúng để ứng dụng vào các lĩnh vực như dược phẩm, thực phẩm, mỹ phẩm, chế phẩm cho chăn nuôi, thủy sản, chế phẩm giúp xử lý môi trường.

Chúng tôi giúp bảo tồn nguồn giống vi sinh vật chuẩn, phong phú, có nhiều ứng dụng (nguồn quý).

Để dễ hình dung hơn về ứng dụng của quá trình nghiên cứu vi sinh vật, các bạn có thể hình dung vi sinh vật giúp lên men sữa chua, lên men bánh mì, bánh bao, rượu bia…. 

3. Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Tôi tự chọn nghề này do từ nhỏ tôi đã thích trồng cây, nấu ăn…. Tôi chọn công nghệ sinh học, là ngành học gần gũi với cuộc sống, gắn liền với cuộc sống chúng ta. 

Tôi không hối hận khi chọn nghề này, ngọn lửa đam mê trong tôi cháy bỏng hơn khi thấy ứng dụng của quá trình nghiên cứu giúp ích cho đời sống, các sản phẩm ấy an toàn hơn cho sức khỏe con người và giúp bảo vệ môi trường. 

4. Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

Trong khoảng 8 giờ làm việc của một ngày:

  • Tôi thường dành 2 đến 3 giờ để nghiên cứu tài liệu, làm báo cáo hoặc giải quyết công việc hành chính khác. 
  • Tôi dành 5 đến 6 tiếng mỗi ngày ở trong phòng thí nghiệm/phòng lab để làm các việc như: nuôi cấy vi sinh vật, quan sát hình thái của vi sinh vật qua kính lúp và kính hiển vi, làm thí nghiệm hóa sinh, hóa lý giúp tìm ra các đặc tính enzyme hoặc probiotic hay các đặc tính của vi sinh vật giúp hạn chế bệnh tiểu đường, cao huyết áp…

Tôi làm 5 ngày/tuần. Thỉnh thoảng, tôi làm thí nghiệm qua đêm để theo dõi quá trình phát triển của vi sinh vật (khi quá trình phát triển này kéo dài thời gian đòi hỏi tôi phải ở lại phòng thí nghiệm). Thường các nhà nghiên cứu có lúc phải làm thí nghiệm qua đêm nên không bị  quá gò bó vào khung giờ hành chính.

5. Anh/chị thích và không thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

Tôi thích công việc của mình khi tôi tìm ra được những chủng vi sinh vật có nhiều đặc tính quý, giúp ích cho cuộc sống. 

Điểm không thích: Khi tôi đang say sưa nghiên cứu một công trình nhưng không đủ điều kiện vật chất để tiếp tục các nghiên cứu sâu. Việc nghiên cứu sâu thường tốn kém nên đôi lúc tôi không có đủ điều kiện để thỏa mãn đam mê trong nghiên cứu. Những lúc như vậy, chúng tôi cố gắng tìm cách thay thế các mặt hàng phục vụ nghiên cứu đắt tiền bằng cái rẻ hơn, ví dụ: thay hóa chất nuôi cấy chủng vi sinh vật đắt tiền bằng các thứ tự làm từ thực phẩm. Vi sinh vật cũng như con người, cũng phải “ăn uống”, khi không đủ kinh phí mua thức ăn tinh khiết cho vi sinh vật như cao thịt bò, chúng tôi đun thịt bò lấy nước thịt thay thế. Trong một số trường hợp khác, chúng tôi chiết xuất từ rau quả, như: lấy protein từ hạt đậu, lấy khoáng chất và vitamin từ củ quả… Thu nhập không cao cũng là một yếu tố dễ làm nản lòng, nên làm nghề này cần có sự yêu thích thực  sự.

6. Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

Tôi muốn nhắn nhủ các em còn đi học hoặc đang chuẩn bị theo nghề này:

  • Khi còn học phổ thông, các em nên tập trung lưu ý hơn đến kiến thức sinh học. 
  • Kỹ năng tiếng Anh thật sự cần thiết vì các nguồn tài liệu hay và quý chủ yếu bằng tiếng Anh (các bài báo, tạp chí, công trình nghiên cứu quốc tế,….), mình học hỏi được nhiều thứ từ cách họ làm.
  • Nghề này cần sự tỉ mỉ, cẩn thận và rất cần sự say mê thực sự, có như vậy khi gặp khó khăn mới dễ vượt qua. 

Ngoài ra, các em có thể tham khảo tạp chí công nghệ sinh học để hiểu hơn về lĩnh vực này.

7. Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Tôi không thấy có sự hiểu lầm gì về nghề tôi đang làm.

8. Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Tôi thấy nghề này có thu nhập hạn chế, nhưng có thể nuôi sống một người khi mới ra trường. 

9. Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Muốn theo nghề này, các bạn cần có đam mê. 

Đây là một ngành rất rộng, khó ai biết tường tận được hết. Vì vậy, các em hãy tìm điểm mạnh của mình trong một lĩnh vực nào đó và hãy tự tin.

Các em hãy dám mơ ước, hành động vì mơ ước của mình, gặp khó khăn thì hãy bền chí, mọi việc đều có cách giải quyết.

(Nếu muốn theo nghề, các em có thể thử tìm hiểu nhà máy sản xuất bánh kẹo hoặc rượu bia hoặc sữa, hãy tìm hiểu kỹ kiến thức về lĩnh vực đó, tìm hiểu thực thế công ty nhé).

10. Vì sao anh/chị chuyển việc?

Khi còn đi học, tôi được học nhiều môn thú vị như lên men sữa, công nghệ sản xuất bánh kẹo, rượu bia, hay các công nghệ phù hợp với cuộc sống hiện đại như công nghệ di truyền (ADN).

Khi đi làm, đầu tiên tôi làm cho công ty sản xuất bánh kẹo. Sau đó, tôi chuyển sang công ty  sản xuất sữa; ở công ty này, tôi học được cách làm việc chuyên nghiệp hơn, đặc biệt trong việc lập báo cáo, lập kế hoạch với các thời hạn cụ thể. Tôi thấy thú vị khi hiểu được quá trình  sản xuất thực phẩm. Đồng thời, công việc này cũng dễ hơn công việc nghiên cứu chuyên sâu nên phù hợp với tôi lúc con còn nhỏ.

Sau đó, tôi muốn tìm hiểu sâu hơn, rộng hơn, tìm ra các nguồn gốc liên quan đến vi sinh vật để ứng dụng vào sản xuất. Các chế phẩm vi sinh vật rất có ích, có thể thay thế chế phẩm hóa học (men tiêu hóa, thực  phẩm chức năng,…) giúp tăng chất lượng cuộc sống, giúp con người dùng sản phẩm gần gũi thiên nhiên hơn. Vì vậy, tôi đã chuyển sang Viện nghiên cứu.

11. Anh/chị đã chuẩn bị như thế nào cho bước chuyển đổi công việc của mình (kiến thức, kỹ năng, quan hệ xã hội, tài chính…)?

Tôi chuẩn bị tâm lý, kiến thức, quan hệ xã hội cho bước chuyển đổi công việc như: chuẩn bị tâm lý vững vàng hơn cho môi trường làm việc mới, nghiên cứu thêm tài liệu, học hỏi từ bạn bè, và tôi luôn tự nhủ là không có việc gì khó, cần phải bền chí. Ngoài ra, khi tôi chủ động tìm công việc mới, tôi cũng tìm nhiều kênh, trong đó có hỏi bạn bè, thấy tôi say mê, bạn bè lại giới thiệu thêm cho tôi các lựa chọn công việc.

Đam mê với nghề là vô cùng quan trọng các em ạ!