Nghiên cứu viên – Giảng viên Tâm lý học

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 36
  • Giới tính: Nữ
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 10 năm giáo dục (giáo viên Địa Lý),  4 năm tâm lý/sức khỏe tâm thần (sức khỏe tinh thần/ mental health)
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: 
    • Cử nhân sư phạm Địa Lý, đại học Sài Gòn, 2007
    • Thạc sĩ sức khỏe tâm thần trẻ em, thanh thiếu niên và tâm lý ứng dụng, đại học Edinburgh, 2018
  • Số giờ làm hằng tuần: 48 giờ
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Doanh nghiệp xã hội chăm sóc sức khỏe tinh thần

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

  • Xây dựng các chương trình tâm lý giáo dục nhằm mục tiêu: 
    • Phổ cập kiến thức về tâm lý và sức khỏe tinh thần cho người trẻ tuổi
    • Giúp người trẻ tuổi nâng cao năng lực tự chăm sóc sức khỏe tinh thần của bản thân
  • Trực tiếp giảng dạy & đào tạo các chương trình tâm lý giáo dục
  • Xây dựng hệ thống đánh giá hiệu quả của các chương trình đào tạo
  • Cập nhật các thông tin, kết quả nghiên cứu, học thuyết mới trong ngành để ứng dụng vào các chương trình
  • Xây dựng mạng lưới và đào tạo đội ngũ giảng viên tâm lý

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Tôi bắt đầu bước vào đời bằng nghề giáo viên Địa Lý. Vì 2 lý do: (1) tôi có năng khiếu truyền đạt (có lẽ “lây” từ mẹ, vốn là một người dạy nấu ăn trên truyền hình; (2) tôi là một người luôn đặt câu hỏi “tại sao”: là một đứa hay quan sát và tò mò về mọi sự, từ bé tôi đã là một đứa trẻ có lắm câu hỏi trong đầu (nhìn cây tôi tự hỏi “Tại sao lá lại rụng?”, nhìn trời tôi tự hỏi “Tại sao bầu trời lại màu xanh?”, nhìn xe tôi tự hỏi “Tại sao xe có thể chạy?”, tôi thắc mắc nhiều nhất là về sự vận hành của thế giới… Tại sao cái này lại như thế này và cái kia lại như thế kia? Tại sao thời tiết có lúc nóng lúc lạnh? Tại sao nước lúc ngọt lúc mặn? Tại sao ở đây có bò mà chỗ khác lại có cừu?) và những câu hỏi bất tận về thế giới tự nhiên thôi thúc tôi đi học chuyên ngành Địa lý.

Nhưng khi bắt đầu dạy học, được tiếp xúc nhiều với học sinh, sinh viên và các gia đình, tôi ngờ ngợ nhận ra có “cái gì đó” vẫn không ổn ở đây. Thường những trường hợp tìm riêng đến tôi sau giờ học không phải là để giải đáp các vấn đề “tại sao” liên quan đến Địa lý, mà là để chia sẻ những khó khăn thường ngày trong đời sống của học sinh, của gia đình, mà đôi khi tôi cảm thấy quá sức giúp đỡ của mình. Dần dần, tôi nhận ra có rất nhiều người trẻ đang đau đáu với những trăn trở bên trong, nhiều đứa bé bị tổn thương sâu sắc mà không ai hiểu cho bé, và nhiều gia đinh rất loay hoay không biết phải “thương” nhau như thế nào để đừng “hại” nhau. Dần dần tôi nhận ra rằng: thật ra không cần phải gào thét, hò hét, ép người trẻ học, chỉ cần đời sống tinh thần của họ ổn, con người sẽ tự học và tự phát triển.

Tôi thấy thật lạ khi lớp 8, lớp 9, học sinh được học về sinh lý học cơ thể người, được học để hiểu cơ thể mình vận hành như thế nào, nhưng lại không hề có một môn học nào giúp cho các bạn hiểu tâm trí mình vận hành ra sao.

Tôi thấy thật lạ khi nhiều người mua tivi, mua điện thoại về và đọc “Hướng dẫn sử dụng” rất là kỹ, nhưng ở Việt Nam, ít ai để ý đến “Hướng dẫn sử dụng tâm hồn con người”, dù bản thân mình vẫn đang “xài” mình ngày này qua tháng nọ.

Và tôi cũng nhận thấy những “tổn thương” ban đầu ở các lứa tuổi nhỏ nếu được “sơ cứu” và “chữa trị” kịp thời, thì vấn đề sẽ đỡ phức tạp hơn là tìm cách “trị liệu” cho một người lớn đã ôm trong mình biết bao vết thương qua nhiều thập kỷ.

Nhận thấy sự cần thiết của việc lấp đầy khoảng trống kiến thức và sự thiếu hụt những người hỗ trợ tinh thần cho lứa tuổi nhỏ và cho các bạn trẻ. Tôi quyết định đeo đuổi con đường trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực sức khỏe tinh thần và tâm lý ứng dụng cho lứa tuổi đặc biệt này. 

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

Giờ làm việc khi không có lịch đào tạo
07:00 – 11:00 Làm việc buổi sáng
15:00 – 18:00 Làm việc buổi chiều
20:00-21:00 Giờ tự học (thường là đọc thêm sách gì đó, hoặc học thêm cái gì đó mới trên Coursera)
Khi có lịch đào tạo thì theo lịch đào tạo
Ghi chú Tôi làm việc 5 đến 7 ngày trong tuần tùy vào việc có đang ở trong đợt đào tạo hay không. Nếu đang ở trong đợt đào tạo thì thường thời gian làm việc sẽ tăng lên.

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

Tôi thích nhất việc được ngồi hệ thống hóa, phân tích, suy luận, kết nối… những học thuyết mênh mang của tâm lý lại thành những chỉnh thể logic, dễ hiểu. Từ đó chuyển tải những kiến thức hàn lâm, khó hiểu trở thành những thứ đơn giản, dễ hiểu, để giúp người học tự nâng cao năng lực tự chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình.

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

Những điều hiểu lầm về công việc này.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

Để trở thành người thực hành tâm lý theo hướng làm chương trình đào tạo, các bạn cần sở hữu các kiến thức, năng lực và thái độ nền tảng của hai công việc:

  • Người biên soạn chương trình 
  • Nhà tâm lý học

Khi đã nắm vững kiến thức chuyên ngành tâm lý, các năng lực quan trọng nhất chính là:

  • Năng lực phân tích, tổng hợp và sáng tạo kiến thức
  • Năng lực giảng dạy, nói trước đám đông
  • Năng lực ứng dụng (từ lý thuyết nền, trả lời được câu hỏi “Lý thuyết này giúp ích gì cho thực tế cuộc sống?”)

Và một trong những thái độ “đinh” (then chốt) quyết định sự thành công chính là: Tôi muốn giúp đỡ những con người này một cách hiệu quả. Giúp đỡ và hiệu quả. Khi giữ thái độ đó trong tâm, lúc biên soạn, đào tạo và giảng dạy, bạn sẽ luôn hướng mình tới tính thực tế của những gì mình đang làm để mang lại hiệu quả thực sự cho những người mình đang giúp đỡ.

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Hiểu lầm 1: học tâm lý tức là chỉ có trị liệu 1:1 và chỉ có chữa bệnh

Thật ra mô hình tác động của tâm lý rất rộng, không chỉ có 1:1, tâm lý còn có những công việc làm với số đông, hỗ trợ tại doanh nghiệp, trường học, bệnh viện… hỗ trợ các nhóm lớn, vừa và nhỏ tùy theo nhu cầu.

Hiểu lầm 2: nhà tâm lý kiếm được rất nhiều tiền.

Thật ra việc này không đều. Các nhà tâm lý khác đi theo hướng đào tạo và hỗ trợ doanh nghiệp kiếm được nhiều tiền, một số khác đi theo hướng showbiz cũng có thu nhập ổn, còn hiện nay thu nhập chung của ngành tâm lý ở mức vừa thấp chứ không cao, đặc biệt là các nhà tâm lý làm việc trong bối cảnh nhà nước, trường học, trung tâm hỗ trợ đặc biệt. Mức sống tạm đủ theo kiểu tri túc. 

Hiểu lầm 3: làm trong ngành tâm lý là luôn có thể khiến người khác làm theo ý mình

Thật ra tâm trí con người không dễ thao túng. Nếu muốn thay đổi con người, luôn cần có phương pháp, bối cảnh và một thời gian tác động phù hợp và đặc biệt là cần có sự hợp tác từ phía chủ thể. Nhưng quả thật, một số người với khả năng đặc biệt của mình có thể dùng tâm lý học hoặc các kiến thức, kỹ năng tương tự để thao túng tâm trí con người theo kiểu “manipulation”, nhưng đó không phải là mục tiêu mà tâm lý học hướng đến và cũng hoàn toàn đi sai với định hướng đạo đức hành nghề.

Hiểu lầm 4: làm trong ngành tâm lý là luôn đọc được suy nghĩ của người khác

Thật ra quá trình đào tạo giúp cho các nhà tâm lý quan sát con người tốt hơn, và biết cách phân tích, dự đoán hành vi của con người. Đa phần những người được đào tạo về tâm lý có độ thấu hiểu về con người rất cao nhưng điều này không có nghĩa là luôn luôn đọc được suy nghĩ của người khác theo kiểu “Đoán thử coi tôi đang nghĩ gì?”.

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Hiện nay mức lương căn bản của ngành tâm lý ở Việt Nam không cao, thị trường việc làm cho trị liệu, giảng dạy không nhiều và sinh viên mới ra trường khó có thể tự nuôi mình. Sẽ cần thêm vài năm để trau dồi kinh nghiệm, tích hợp với các ngành nghề khác nếu có thể (làm Nhân sự, hoặc chuyển sang đào tạo kỹ năng, học thêm giáo dục đặc biệt), hoặc trau dồi thêm bằng cấp để có được mức lương tốt hơn.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Một là các bạn nên phỏng vấn sâu 1 nhà tâm lý nào đó đang thực sự sống bằng công việc này để tìm hiểu thêm về ngành nghề.

Hai là các bạn hãy tìm cho mình một người mentor/ coach để cùng phân tích xem bạn có các tố chất, sở thích, năng lực phù hợp hay không

Ba là nếu bạn cảm thấy mình thích ngành tâm lý bởi vì bản thân mình đang có nhiều điều không ổn cần tìm câu trả lời, thì 

  • (1) bạn hãy học nó như một môn học bổ trợ, tự động sách báo, tham gia các khóa học ngắn… để tìm câu trả lời, và chữa lành cho bản thân trước. Có thể khi bản thân đã ổn, bạn sẽ nhận ra thật ra mình không thích làm nghề này như mình tưởng 🙂
  • (2) bạn có thể chọn học tâm lý như một nghề nghiệp, nhưng trước khi bước vào con đường nâng đỡ tinh thần cho người khác, hãy đảm bảo rằng bạn cũng đã kha khá ổn trên con đường tự chữa lành, và hiểu rõ những điểm mạnh, điểm yếu về mặt tinh thần của mình để trong quá trình hành nghề, những điểm yếu của bạn không vô tình gây ra cản trở.