1. Thông tin cơ bản
- Tuổi: 25
- Giới tính: Nữ
- Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 5 năm
- Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cử nhân tài năng chuyên ngành Văn chương
- Số giờ làm hằng tuần: 60 giờ
2. Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho tổ chức, cho các bên liên quan?
Hiện tại tôi có 4 vai trò chính:
- Viết: với vai trò là một “freelance writer”, tôi viết sách về các lĩnh vực PR, Marketing; viết báo dưới dạng phân tích chuyên gia, viết đánh giá sách; viết brochure (ấn phẩm quảng cáo), câu chuyện thương hiệu, content marketing… cho các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau; và viết sáng tạo nghệ thuật, viết các tác phẩm dành riêng cho bản thân mình.
- Dạy viết: với vai trò là một giảng viên tiếng Việt, tôi tự mở ra các khóa học cho người trưởng thành, tập trung vào 3 mảng chính: tiếng Việt và viết văn; câu chuyện thương hiệu (story telling); và sức khỏe tinh thần thiên về thưởng thức và sáng tạo nghệ thuật. Đối với công việc này, tôi phải tự lên ý tưởng, soạn giáo án, tìm kiếm học viên và đứng lớp giảng dạy.
- Tư vấn cho doanh nghiệp: tôi tham gia một chương trình khá lớn ở Việt Nam, tư vấn câu chuyện thương hiệu cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh lực nông nghiệp.
- Tự làm CEO của chính mình: là một người làm việc tự do, tôi phải tự vận hành bản thân như một công ty nhỏ. Tôi tự phát triển chiến lược, tự đưa ra quyết định; tự quản lý thời gian, công việc, doanh thu; tự xây dựng thương hiệu cá nhân (viết bài post Facebook, website hằng ngày), tự xây dựng các mối quan hệ, tự sale chính bản thân mình. Bên cạnh đó, tôi phải luôn luôn phát triển bản thân bằng cách không ngừng học hỏi để nâng cao kiến thức chuyên môn và kiến thức về kinh doanh.
3. Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?
Tôi vào nghề bằng một chữ “Duyên”. Tôi yêu thích văn học, tôi học chuyên văn sau đó là đại học chuyên ngành văn chương, nhưng khi chuẩn bị ra trường tôi lại sợ hãi việc kiếm tiền bằng con chữ. Sau khi tốt nghiệp, tôi chênh vênh, không biết nên tiếp tục theo đuổi con đường học vấn cao hơn để trở thành một giảng viên hay nên đi làm để lấy kinh nghiệm. Và tôi đã chọn con đường “thực tế” hơn, đó chính là đi làm. Tôi thử nhiều công việc khác nhau như chăm sóc khách hàng, marketing nhưng đều không thấy phù hợp. Cuối cùng tôi bỏ việc và lên Đà Lạt để trải nghiệm. Trong thời gian ở Đà Lạt, cô giáo cũ của tôi đã gọi điện và giới thiệu cho tôi một vị trí tư vấn cho các doanh nghiệp. Tôi quyết định nắm bắt cơ hội này. Trong quá trình làm tư vấn, tôi cần phải viết và giảng dạy rất nhiều, từ đó tôi nhận ra tôi cảm thấy hạnh phúc và được là chính mình khi đứng lớp. Do đó, tôi quyết định theo đuổi nghề này.
Giờ ngẫm lại thì đúng là “nghề chọn người”. Trong quá trình học ở Đại học, các giảng viên đã nhìn thấy được tố chất ở tôi, từ đó họ đã giới thiệu cho tôi những cơ hội nghề nghiệp phù hợp. Và tôi cũng phải thấy thật may mắn vì lúc đó tôi đã mạnh dạn nắm bắt lấy những cơ hội đó.
4. Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?
Tôi làm việc với giờ giấc tự do, linh hoạt. Tuy nhiên, tôi vẫn lập cho mình một thời gian biểu để có sự cam kết với công việc. Tôi làm 5 ngày/ tuần. Nghỉ thứ 7, chủ nhật để dành thời gian cho bản thân. Tôi làm việc tập trung và hiệu quả hơn vào buổi tối nên tôi thường thức khuya và dậy trễ. Những ngày phải đi công tác đến các tỉnh để tư vấn, giảng dạy cho doanh nghiệp thì lịch trình của tôi sẽ có sự thay đổi cho phù hợp.
Thời gian | Công việc |
Buổi sáng | Viết bài social (truyền thông trên các nền tảng xã hội) đăng Facebook (mỗi ngày 1-2 bài) |
2pm – 5pm | Viết bài, soạn giáo án, bài giảng |
6pm – 10pm | Dạy viết |
12am – 3am | Tập trung phát triển ý tưởng, viết |
5. Anh/chị thích và không thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?
Điều tôi thích nhất ở công việc của mình là với công việc này tôi có thể tự do sáng tạo và sống với đam mê viết lách, giảng dạy của bản thân. Bên cạnh đó, tôi không bị gò bó về thời gian và địa điểm làm việc, tôi có thể làm việc ở bất cứ nơi đâu.
Điều tôi chưa thích lắm đó chính là thu nhập không ổn định theo từng tháng và tôi phải tự lo hết tất cả các “phúc lợi” cho bản thân. Không giống như làm ở công ty, các bạn nhận lương hằng tháng và công ty mua bảo hiểm, đóng thuế, khám sức khỏe, đi du lịch,… Ngoài ra, không được doanh nghiệp bảo lãnh thì mình không thể mở thẻ tín dụng mà phải tự chi trả.
Tuy nhiên, tôi vẫn đang cảm thấy rất hạnh phúc với công việc hiện tại và quyết định sẽ theo đuổi nó lâu dài, thay vì dừng lại để bắt đầu một công việc nhân viên toàn thời gian ở doanh nghiệp.
6. Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?
Để phát triển trong ngành này, tôi nghĩ có 3 điều quan trọng nhất:
- Chuyên môn đa dạng: ngoài kiến thức chuyên môn về viết và giảng dạy, bạn còn cần có kiến thức của mảng mình viết, nó có thể là nông nghiệp, văn hóa, marketing, làm đẹp, thời trang, v.v… Để làm được điều đó bạn cần có tư duy nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi …
- Thái độ: làm việc với đối tác phải uy tín, đúng giờ… để tạo được sự tin cậy.
- Xây dựng thương hiệu cá nhân, “chất” riêng của mình. Khi mình đã có chất riêng rồi, mình sẽ có thể “cộng hưởng” với những người cùng “tần số” và tạo ra những sản phẩm chất lượng hơn.
Nếu bạn có chuyên môn cao, thái độ tốt, thương hiệu cá nhân mạnh, công việc của bạn sẽ không ngừng mở rộng, nhiều đối tác sẽ tìm đến bạn, thu nhập của bạn sẽ tăng và “chức danh” của bạn cũng sẽ được nâng lên, như trở thành Chuyên gia chẳng hạn.
7. Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?
Có hai hiểu lầm lớn nhất về công việc này:
- Đầu tiên, mọi người cứ tưởng “con bé này đang thất nghiệp”, vì không thấy làm chính thức ở chỗ nào hết. Thấy đăng bài facebook thì nghĩ tối ngày đi chơi, không làm gì, ở nhà “phá của”. Đôi khi tôi phải đăng bài đính chính là công việc của tôi thoải mái, tự do, tôi đi khắp nơi nhưng đi để viết chứ không phải đi chỉ để chơi.
- Định kiến thứ hai là công việc này không ổn định, sẽ không đem lại cho mình sự an toàn về tài chính, cũng như khó duy trì lâu dài.
8. Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?
Công việc này hoàn toàn có thể nuôi sống một sinh viên mới ra trường. Lúc mới ra trường, tôi có thu nhập ngang bằng với các bạn Quản trị viên tập sự ở các công ty lớn. Tuy nhiên, nó cũng tùy thuộc vào những gì bạn có thể đóng góp cho đối tác của bạn. Việc nuôi sống mình được hay không, quan trọng là do cách mình thương lượng với đối tác và bản lĩnh của mình, mình có làm được nhiều việc hay không.
9. Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?
Nếu muốn theo nghề này, tôi nghĩ có 3 điều cực kỳ quan trọng cần phải có:
- Chuyên môn: bạn phải thật chắc, thật giỏi một cái gì đó, từ đó phát triển rộng ra các lĩnh vực khác. Trong trường hợp của tôi, tôi mạnh về viết, từ đó tôi mở rộng ra các mảng khác như Marketing, content, viết kịch bản phim, viết báo…
- Sức bền: thị trường cạnh tranh cao, đối thủ cạnh tranh của bạn không chỉ là những người mới ra nghề như bạn mà còn là những người đã làm nghề lâu năm, có tiếng trên thị trường. Bạn phải có cái gì mới hơn so với họ, bạn phải biết tận dụng thế mạnh của bản thân như: cách tiếp cận thực tế, gần gũi hơn và dành cho giới trẻ.
- Đam mê: bạn phải đam mê công việc của mình, phải luôn kiên trì, cố gắng và có trách nhiệm với công việc. Nếu bạn viết mà không hết mình, sản phẩm chưa đủ tốt, bạn sẽ cảm thấy không “đã”, cảm giác chưa thỏa mãn được đam mê của mình, cảm thấy buồn vì mình chưa dành hết tâm sức cho nó.
Bài viết liên quan: