MÌNH CHỌN NGHỀ HAY NGHỀ CHỌN MÌNH?

Gần đây, tôi thường được nghe các em nhắc đến thành ngữ “nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề” khi họ tâm sự về quá trình tìm hiểu ngành nghề để chuẩn bị cho lối đi của riêng mình. Họ kể rằng những anh chị đi trước có người cho họ câu nói ấy, như lời khuyên ngắn gọn rằng thôi đừng lo đừng nghĩ suy nhiều nữa, chọn lựa làm chi vì sau này nghề nó chọn mình chứ mình có chọn được nó đâu.

Khi được hỏi cảm xúc của các bạn trẻ lúc nghe lời khuyên trên, họ chia sẻ rằng rất nản lòng, buồn, và lo lắng. Các bạn trẻ băn khoăn rằng nếu như câu nói ấy đúng, vậy thì những quyết định chọn ngành học, chọn việc làm rồi sẽ ra sao, và liệu chúng còn có ý nghĩa gì không? Chẳng lẽ cứ chọn đại và để đến đâu thì hay đến đó.

Theo tôi, quan điểm “Nghề chọn mình chứ mình không chọn nghề” dựa trên những giả định sau:

• Nghề nghiệp không thay đổi, và mỗi người chỉ có một nghề “đúng” với họ suốt cả đời họ;

• Rất hiếm khi (hay gần như không có) ai có toàn quyền kiểm soát được việc chọn lựa nghề nghiệp họ yêu thích và phù hợp với họ.

Trên thực tế, khi quan sát thị trường tuyển dụng tại Việt Nam, trong khu vực, và thế giới ở thời điểm hiện tại. Chúng ta sẽ thấy rằng:

• Nghề nghiệp là một cuộc hành trình, gồm những công việc nối tiếp nhau, và với rất nhiều người thì họ chỉ biết được công việc phù hợp với mình sau nhiều trải nghiệm, học hỏi, vấp ngã, va chạm,… Trong rất nhiều trường hợp, khởi điểm của họ trong ngành học rất khác với kết quả cuối cùng là nghề nghiệp mà họ thích. Ví dụ, một người học ngành Kinh tế – Ngân hàng nhưng sau nhiều năm làm việc trong các lĩnh vực khác nhau, vị trí khác nhau, cuối cùng lại thấy mình thích hợp trong công việc Quản lý bộ phận Chăm sóc Khách hàng. Có lẽ vì vậy mà có câu nói trên chăng!?

• Khi một người tìm hiểu để chọn lựa nghề nghiệp, họ sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như hoàn cảnh gia đình, mong đợi của cha mẹ, các trào lưu của xã hội, nền kinh tế của quốc gia,… Do đó, sẽ rất đúng ở trường hợp này để nói rằng họ không có quyền kiểm soát được việc chọn lựa nghề nghiệp họ yêu thích và phù hợp với họ. Ví dụ, họ yêu thích học ngành y nhưng điều kiện kinh tế gia đình không cho phép.

Từ hai điểm trên, tôi nghĩ mình nên nhìn về việc lựa chọn nghề nghiệp như thế này:

• Không có lựa chọn nào đúng 100%; thay vào đó, chỉ có lựa chọn phù hợp nhất với bản thân mỗi người ở thời điểm nào đó trong cuộc sống. Vì vậy, sau khi đã trải nghiệm, đã thử sức, nếu ta thấy ta không phù hợp, thì chẳng có mất mát gì để ta đi tìm một công việc phù hợp hơn. Sẽ rất vô lý để ép bản thân phải có một đáp án vĩnh viễn cho một câu hỏi rất khó trả lời.

• Mỗi ngày có nhiều công việc mới được tạo ra, với nhiều tên gọi khác nhau, tuỳ vào nhu cầu của người tuyển dụng. Vì vậy, thay vì tập trung vào “tên nghề”, ta hãy chú tâm đến những kỹ năng mà công việc ấy đòi hỏi, rồi nối chúng với những kỹ năng ta có sẵn. Nếu ta có hơn 70% sự phù hợp, thì ta có thể nộp đơn thử vị trí đó rồi.

• Trước khi đi tìm việc làm mới, hãy cho mình một giai đoạn tĩnh để ngẫm nghĩ, phân tích, nhìn lại bản thân, đánh giá những kỹ năng mình có, hiểu rõ những đòi hỏi của mình về môi trường làm việc, về phong cách lãnh đạo mà mình ưa, về tính cách của sếp và đồng nghiệp mình thích. Sau khi hiểu rồi, hãy bắt đầu đi tìm vị trí mới phù hợp với mình. Đừng chạy trốn khỏi một công việc khủng khiếp để vội vàng lao vào một công việc khủng khiếp không kém chỉ vì nỗi sợ không có việc làm. Giai đoạn tĩnh này sẽ mang lại cho bạn rất nhiều lợi ích, nhiều hơn so với việc bạn vội vã rải đơn xin việc đến bất cứ nơi nào đang tuyển dụng.

• Trong thời gian còn ở ghế nhà trường, trong chương trình đào tạo nghề, cao đẳng, hay đại học, đừng chỉ chăm chăm vào việc học. Hãy bỏ thời gian tham gia các hoạt động ngoại khoá – cả ở trong lẫn bên ngoài trường, các công việc thiện nguyện, làm thêm để trợ giúp kinh tế gia đình và cũng để có thêm kinh nghiệm, mối quen biết. Khi tham gia, đừng chỉ tham gia để có cái tên trên đơn tìm việc sau này, mà hãy tham gia vì sở thích, vì động lực học hỏi, vì niềm đam mê muốn cho đi. Chỉ khi làm vậy, bạn mới hiểu rõ về mình hơn, xây dựng một mạng lưới chuyên nghiệp tốt, để chuẩn bị cho công việc sau này.

Để kết thúc bài chia sẻ này, tôi nghĩ rằng câu nói “nghề chọn mình chứ không phải mình chọn nghề” chẳng đúng cũng chẳng sai, nó hoàn toàn tuỳ thuộc vào hoàn cảnh riêng của mỗi người, và cách chúng ta diễn giải, cách chúng ta hiểu nó. Bất cứ lúc nào nghe được một quan điểm khác, hãy thách thức ý tưởng ấy, hãy phân tích xem chúng đến từ đâu, đúng trong trường hợp nào, và có cần thiết để chúng làm ta nản lòng hay không.

Các bạn sẽ bớt lo lắng hơn khi biết rằng chọn lựa nghề nghiệp là một cuộc hành trình dài đăng đẳng, có người mất cả đời cũng chưa tìm ra, bản thân tôi thì mất 12 năm dài. Điều quan trọng nhất không phải là kết quả, mà là quá trình khi chúng ta đi tìm nó. Và đôi khi sẽ hay hơn khi mình không thèm “tìm”, cứ sống thôi và từ từ nó sẽ đến.

Phoenix Ho.