Kỹ thuật viên Spa

1. Thông tin căn bản

  • Tuổi: 24
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 3 năm
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Cao đẳng Công nghệ Thực phẩm
  • Các chứng chỉ chuyên môn: Chăm sóc da
  • Số giờ làm hằng tuần: 48-52 giờ
  • Loại hình & quy mô công ty: hiện đang làm tại một Spa nhỏ có 6 nhân viên và 1 quản lý, trước đó đã làm cho 2 Spa của khách sạn 4-5 sao tại Phú Quốc với số lượng nhân viên Spa từ 20-100 người

2. Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

Với vai trò là Kỹ thuật viên Spa, tôi trực tiếp chăm sóc khách hàng theo các gói sản phẩm/liệu trình mà khách lựa chọn, dưới sự phân công của quản lý. Các kỹ thuật/công việc tôi thực hiện bao gồm: 

  • Chăm sóc, cải thiện tình trạng da, sử dụng các kỹ thuật massage mặt, massage nâng cơ và các kỹ thuật lăn kim, vi kim v.v…
  • Massage trị liệu và massage thư giãn
  • Giảm cân sử dụng các kỹ thuật công nghệ cao
  • Gội đầu, massage đầu
  • Triệt lông

3. Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Tôi đến với nghề Kỹ thuật viên Spa rất tình cờ. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng ngành Công nghệ Thực phẩm, ba mẹ yêu cầu tôi ra Phú Quốc tìm việc làm để có thể ở cùng và chăm sóc em tôi, do em vừa tốt nghiệp THPT nhưng không muốn học tiếp mà muốn bắt đầu đi làm ngay và em chọn làm việc ở Phú Quốc. Khi ra Phú Quốc, tôi không tìm được công việc liên quan đến Công nghệ thực phẩm nhưng lại thấy thông báo tuyển dụng Kỹ thuật viên Spa của một Spa thuộc một resort 5 sao lớn và họ cũng không yêu cầu có kinh nghiệm (vì họ có chương trình đào tạo dành cho nhân viên mới ngay tại Spa). Vì vậy, tôi đăng ký ứng tuyển và được lựa chọn vào làm tại Spa.

Khi tham gia khóa huấn luyện của resort dành cho kỹ thuật viên Spa mới vào nghề cũng là lần đầu tiên tôi được biết đến các kỹ thuật như massage, chăm sóc da và tôi thấy rất thích, luôn háo hức để được học cái mới và dần cảm thấy công việc này rất phù hợp với mình. Tôi là một trong những người có tiến bộ rất nhanh so với những người vào làm cùng lúc, tôi có thể tiếp thu rất nhanh và thực hiện các kỹ thuật được đào tạo một cách chuẩn xác, thành thục trong thời gian ngắn. Ngoài ra, tôi còn có thể thực hiện tốt các kỹ thuật mà một số nhân viên vào trước tôi khá lâu vẫn chưa thực hiện được tốt. Vì vậy, tôi mau chóng được quản lý giao cho thực hiện dịch vụ với các khách hàng VIP.  Tôi cũng được cô giáo hướng dẫn nhận xét là có tố chất tốt, phù hợp với nghề. 

Đến nay, tôi vẫn cảm thấy thật may mắn khi mình tình cờ đến với nghề này. Tôi thật sự rất yêu thích công việc này và muốn gắn bó lâu dài với nó. Tôi có dự định sau khi đã tích lũy đủ kiến thức, kinh nghiệm qua các khóa học và qua quá trình làm việc cho các Spa khác nhau sẽ mở một Spa riêng của mình. Nếu được chọn lại tất nhiên tôi vẫn chọn công việc này. 

4. Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

Tại các Spa lớn, nhân viên thường làm việc theo ca 6 tiếng (các Spa lớn mở cửa từ 8h sáng đến 10h đêm có 2 ca: ca sáng từ 8h đến 14h, ca chiều từ 14h đến 22h), hoặc 11 tiếng (9h đến 20h) tại các Spa nhỏ ít nhân viên. Tuy nhiên, lịch trình làm việc của các Spa tương đối giống nhau:

  • Đầu giờ: nhân viên sẽ cùng nhau làm vệ sinh phòng Spa, dụng cụ, mở nhạc, đèn, máy xông tinh dầu để Spa được sạch sẽ, thơm tho, có ánh sáng và âm thanh phù hợp. 
  • Sau đó, các kỹ thuật viên sẽ làm dịch vụ cho khách theo sự phân công của người quản lý. Sau mỗi lần thực hiện dịch vụ, kỹ thuật viên cần dọn dẹp dụng cụ, thay tấm trải, tấm đắp và thực hiện vệ sinh tại khu vực vừa sử dụng sao cho ngăn nắp, sạch sẽ để đón khách kế tiếp. 
  • Trong thời gian không có khách, các kỹ thuật viên có kinh nghiệm có thể được quản lý yêu cầu hướng dẫn các kỹ thuật cho kỹ thuật viên mới vào làm hoặc giám sát xem họ thực hiện dịch vụ cho khách như thế nào. 
  • Giữa giờ các kỹ thuật viên thay phiên nhau nghỉ giải lao để ăn trưa/ăn tối nếu là làm ca 11 tiếng. 
  • Cuối giờ tất cả kỹ thuật viên cùng làm vệ sinh toàn bộ Spa, dọn dẹp sắp xếp lại các dụng cụ, máy móc trước khi ra về.  

5. Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

Tôi thích nhất là thấy khách hàng của mình vui vẻ, hài lòng sau khi được phục vụ vì họ thấy họ đẹp ra hoặc họ thật sự thư giãn, thoải mái. Tôi nghĩ lý do là vì tôi thích cái đẹp, thích làm đẹp cho người khác. 

6. Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

Tôi không thích Spa yêu cầu kỹ thuật viên có kinh nghiệm phải tuân thủ hoàn toàn quy trình của từng dịch vụ. Tôi hoàn toàn hiểu quy trình là cần thiết để đảm bảo được tất cả kỹ thuật viên thực hiện đầy đủ các bước trong một dịch vụ, đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên, mỗi khách hàng có các vấn đề khác nhau về da, về sức khỏe, vì vậy với kỹ thuật viên có nhiều kinh nghiệm, chúng tôi có thể tự đánh giá nên thực hiện động tác nào, bước nào nhiều hơn để tập trung giúp khách hàng cải thiện vấn đề của mình và một mặt vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các bước trong liệu trình. Ví dụ, nếu khách hàng bị căng cơ, đau mỏi vai gáy thì nên được thực hiện massage vùng vai gáy với thời lượng nhiều hơn khách hàng đau mỏi ở vùng lưng. Vì vậy, ngoài việc yêu cầu kỹ thuật viên thực hiện đủ các bước trong quy trình, tôi nghĩ các Spa nên cho phép các kỹ thuật viên có tay nghề tốt có thể linh động điều chỉnh thời lượng của các kỹ thuật, các bước trong quy trình để mỗi khách hàng sẽ có trải nghiệm tốt nhất cho riêng mình. 

7. Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

Để làm tốt công việc này, các bạn phải thật sự yêu thích công việc, nếu không thì rất dễ nản, bỏ giữa chừng vì không chịu được các ràng buộc của công việc, đặc biệt là ràng buộc về thời gian làm việc và thái độ phục vụ khách hàng. Nếu bạn thích làm việc với thời gian linh động thì đây không phải công việc phù hợp với bạn, vì công việc này yêu cầu bạn phải tuân thủ làm việc đầy đủ trong các ca mà bạn đã được phân công cũng như thời gian hoàn thành mỗi liệu trình cũng cần tuân thủ tốt. Nếu bạn không thích phục vụ người khác, không thoải mái khi phục vụ, giao tiếp với những người hoàn toàn xa lạ thì công việc này cũng không phù hợp với bạn. 

Ngoài ra, bạn cần là người yêu cái đẹp, thích học hỏi cái mới và có khả năng tiếp thu nhanh, lặp lại chính xác những thao tác được hướng dẫn để có khả năng thành công trong công việc này. 

Công việc này đòi hỏi kỹ thuật viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức, kỹ năng và cách sử dụng các kỹ thuật mới nên bạn cũng cần biết tìm hiểu thông tin về các kỹ thuật, công cụ mới và có kế hoạch đi học hoặc tự tìm hiểu để theo kịp với sự phát triển của nghề. 

8. Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Thường thì 10 người bước chân vào nghề sau một thời gian chỉ khoảng 1-2 người trụ lại, gắn bó lâu dài với nghề. Các trường hợp bỏ dở giữa chừng tôi thấy thường vì 2 lầm tưởng sau:

1. Nghĩ rằng đây là 1 công việc nhẹ nhàng, nhàn hạ. Thực tế thì đây là một công việc khá nặng nhọc. Các bạn có thể thấy đa số kỹ thuật viên Spa đều có thân hình mảnh dẻ, lý do vì chúng tôi vận động rất nhiều trong ngày. Công việc này cũng yêu cầu thường xuyên tăng ca khi lượng khách hàng đến Spa tăng nên bạn phải luôn sẵn sàng làm ngoài giờ, làm việc trong thời gian dài. 

2. Nghĩ rằng đây là công việc thuần tay chân, rất dễ học và không cần phải yêu thích cũng có thể dễ dàng học và làm được. Thật ra, đây là công việc đòi hỏi bạn phải rất tỉ mỉ và chi tiết mới làm tốt được. Mỗi động tác trong liệu trình massage chẳng hạn, bạn có thể thấy đó chỉ là một động tác vuốt lên hay vuốt xuống nhưng để thực hiện đúng tư thế, tạo ra đúng áp lực, đúng vị trí hoàn toàn không đơn giản, đòi hỏi bạn phải rất chú tâm khi học và luyện tập rất nhiều mới thành thục. Vì vậy, nếu không thật sự yêu công việc làm đẹp, chỉ đơn thuần nghĩ rằng làm việc để kiếm tiền thì bạn sẽ rất khó tập trung học tập, siêng năng luyện tập để thành công và trụ được với nghề. 

9. Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Thu nhập của kỹ thuật viên Spa khá tốt, ngoài tiền lương còn được thêm tiền tip của khách, nên nếu bạn làm việc siêng năng, bạn hoàn toàn có thể tự nuôi mình với nghề này ngay cả khi là một kỹ thuật viên tập sự. 

10. Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Hãy đến với nghề này chỉ khi bạn thực sự yêu thích công việc và chấp nhận ràng buộc về thời gian cũng như thoải mái với việc chăm sóc, giao tiếp với những người hoàn toàn không quen biết. Nếu mục tiêu chỉ là làm một công việc để kiếm tiền thì bạn sẽ khó thành công trong nghề.