Kỹ sư phòng Hóa

Thông tin căn bản

  • Tuổi: 31
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 6
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học, ngành Kỹ thuật Hóa phân tích
  • Số giờ làm hằng tuần: 37.5
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): Công ty cổ phần – 65 nhân viên

Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

  • Trách nhiệm ở công việc hiện tại: đảm bảo chất lượng sản phẩm của công ty đạt yêu cầu.
    • Kiểm tra, phân tích mẫu nguyên liệu và thành phẩm.
    • Đánh giá kết quả phân tích so với tiêu chuẩn: Dựa vào tiêu chuẩn và quy định của nhà nước đánh giá lô hàng có đạt chất lượng hay không.
  • Mục đích của công việc này là kiểm soát tốt chất lượng của nguyên liệu đầu vào và sản phẩm lưu hành trên thị trường.

Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

  • Tôi chọn học ngành hóa là vì tôi yêu thích khoa học nói chung và bộ môn hóa học nói riêng. Nó giúp tôi hiểu và giải thích được những hiện tượng và sự biến đổi xảy ra xung quanh cuộc sống của mình. Việc chọn ngành là do bản thân tôi quyết định, không có ai can thiệp.
  • Sau khi tốt nghiệp, tôi có làm việc tại một công ty thực phẩm, công việc hàng ngày là kiểm tra độ ẩm của gạo, kích thước phôi cháo để sản xuất cháo ăn liền. Công việc này làm cho tôi cảm thấy chán vì nó không đúng chuyên ngành mình đã học. Vì thế tôi đã quyết định nghỉ việc và tìm việc theo đúng chuyên ngành để có thể vận dụng kiến thức mình đã học vào công việc và tôi đã làm công việc này cho đến bây giờ.

Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

7h15 – 7h30 Mở cửa phòng, mở quạt hút cho thông thoáng, mở máy lạnh cho nhiệt độ phòng ổn định.
8h00 – 9h30 Chuẩn bị mẫu và xử lý mẫu.
9h30 – 2h30 Tiến hành phân tích mẫu bằng hệ thống máy sắc ký lỏng (HPLC) và sắc ký khí (GC-FID)

(hệ thống máy tự động nên giờ nghỉ trưa máy vẫn tự động hoạt động dựa trên các thông số mình đã cài đặt).

2h30 – 4h Xử lý số liệu và viết báo cáo kết quả phân tích.
4h – 4h30 Tắt máy, dọn dẹp phòng và rửa dụng cụ.

Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

Tôi thích nhất công việc của mình khi định tính và định lượng được một chất (hoạt chất) nào đó.

Vì khi bạn muốn kiểm tra sản phẩm đó có đạt chất lượng hay không thì bạn phải tiến hành định tính xem trong sản phẩm có chứa thành phần gì. Sau đó bạn phải xây dựng phương pháp để định lượng chúng xem với hàm lượng như vậy có phù hợp và đạt yêu cầu hay không.

Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

Điều tôi không thích là trong quá trình làm việc bị thiếu trang thiết bị, hóa chất.

Điều này sẽ dẫn đến kết quả phân tích bị sai số, không chính xác. Vì các phương pháp phân tích ngày càng được cải tiến, kèm theo trang thiết bị càng hiện đại nên các bạn phải cập nhật thông tin để thay đổi và trang bị kịp thời, giúp việc phân tích mẫu dễ dàng và chính xác hơn.

Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

Đối với chuyên ngành phân tích này, phương pháp hiện đại, độ chính xác cao và giới hạn phát hiện (LOD) thấp nhất là phương pháp sắc ký. Điều này không có nghĩa là các phương pháp như trắc quang, chuẩn độ,…. không chính xác nên không sử dụng. Mà tùy vào loại hoạt chất và nồng độ mà mình áp dụng phương pháp xác định khác nhau. Nên các bạn phải luôn học hỏi và có thể tự xây dựng quy trình phân tích mẫu cho riêng phòng thí nghiệm của mình.

Ngành hóa phân tích đòi hỏi độ chính xác cao, yêu cầu bản thân phải là người cẩn thận, trung thực, khách quan và siêng năng.

Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

Mọi người hay hiểu lầm về công việc có liên quan đến hóa học là tiếp xúc với nhiều chất độc hại, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của bản thân.

Suy nghĩ như vậy không đúng vì đâu phải chất nào cũng độc mà còn phụ thuộc vào hàm lượng và nồng độ của chất đó.

Đó là suy nghĩ của người chưa học về ngành hóa học, vì khi các bạn đã học thì các bạn mới biết được tác dụng của các hóa chất đó ra sao, cách phòng tránh và sử dụng như thế nào. Ví dụ đơn giản là các bạn đang sử dụng nước uống đựng trong chai nhựa, nhưng các bạn chưa biết loại nhựa đó là nhựa gì PP, PET, HDPE, … loại nào thích hợp để chứa nước uống, nếu các bạn có học về ngành hóa thì các bạn mới biết và có lựa chọn chính xác.

Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

  • Mức lương cao hay thấp còn phụ thuộc vào khả năng, và tay nghề của các bạn. Còn việc có tự nuôi mình khi mới ra trường không còn tùy vào nhu cầu cuộc sống của mỗi người.
  • Mức lương của ngành này bảo đảm không thua kém các ngành khác. Vị trí ngành này hiện đang thiếu người, nhà tuyển dụng càng nhiều, nên các bạn không sợ thất nghiệp khi mới ra trường.

Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Thực sự khoảng năm 2010-2012 là giai đoạn tìm việc khá khó khăn, vì thời đó ngành này chưa phổ biến, ít nơi xây dựng phòng thí nghiệm. Nhưng đến nay thì hầu hết các công ty sản xuất hàng hóa đều có phòng thí nghiệm riêng, các trung tâm dịch vụ thử nghiệm ngày càng nhiều nên nhu cầu tuyển dụng càng nhiều.

Ngoài việc học những kiến thức từ nhà trường thì các bạn cần phải tham khảo thêm những cuốn sách rất bổ ích cho ngành này thư CIPAC Handbook, AOAC, TCVN,…