Kế toán thanh toán

1. Thông tin căn bản

  • Tuổi: 29
  • Số năm kinh nghiệm ở ngành nghề này: 5 năm
  • Trình độ học vấn & chuyên ngành: Đại học, chuyên ngành kế toán
  • Các chứng chỉ chuyên môn (nếu có):
  • Số giờ làm hằng tuần: 40 – 50 giờ / tuần
  • Loại hình & quy mô công ty (tổng số nhân viên): công ty đa quốc gia, 200 nhân viên

2. Trách nhiệm chính của anh/chị ở công việc hiện tại là gì? Công việc này đem lại giá trị gì cho công ty, cho các bên liên quan?

Trách nhiệm:

Công việc kế toán thanh toán hầu như sẽ làm việc rất nhiều với báo cáo, dưới đây mình xin chia sẻ một số báo cáo mà một người kế toán thanh toán sẽ đảm nhận trong một tháng:

  • Thực hiện báo cáo kế toán quản trị hàng tháng để cung cấp thông tin về tình hình tăng trưởng công ty. Thực hiện báo cáo tài chính bao gồm chuẩn bị bảng cân đối kế toán, báo cáo lợi nhuận và báo cáo dòng tiền. Thực hiện báo cáo thuế bao gồm thuế VAT (giá trị gia tăng), thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân hàng tháng. Ghi nhận và đối chiếu sổ kế toán để đảm bảo thực hiện đúng chuẩn mực kế toán.
  • Ngoài việc làm việc với báo cáo và sổ sách nhiều, người kế toán thanh toán cũng cần làm việc với các phòng ban trong công ty và những cơ quan, đối tác bên ngoài công ty. Ví dụ, thường xuyên làm việc với cơ quan nhà nước như cơ quan thuế và sở kế hoạch đầu tư. Bên cạnh đó công việc này đòi hỏi tiếp xúc với các nhà cung cấp và nhân viên ngân hàng cho các giao dịch thanh toán. Trong nội bộ công ty sẽ thường xuyên làm việc với kế toán trưởng, bộ phận tài chính và bộ phận sales/ marketing để thực hiện dự toán chi tiêu hàng tháng. 
  • Thực hiện thu thập chứng từ của các phòng ban khác cho mục đích thanh toán.
  • Ngoài ra, kế toán cũng sẽ chịu trách nhiệm làm bảng lương và thanh toán lương (đối với một số công ty quy mô nhỏ).

 

Giá trị cho công ty và các bên liên quan:

  • Nhân viên kế toán giúp cho ban quản trị thấy được tình hình tài chính của công ty từ đó giúp ban giám đốc đưa ra những quyết định phù hợp.
  • Hỗ trợ các phòng ban khác thực hiện được các kế hoạch của họ một cách trơn tru hơn, ví dụ thanh toán tiền cho nhà cung cấp đúng hạn.
  • Giúp công ty thực hiện đúng những quy định về thuế quan và tránh những vấn đề pháp lý.

3. Anh/chị bắt đầu vào nghề như thế nào? Vì sao anh/chị chọn con đường này?

Vào thời điểm thi đại học gia đình tôi đã định hướng cho tôi học ngành kế toán vì mẹ và anh trai tôi đã và đang làm trong lĩnh vực này. Họ thấy rằng ngành học này ổn định và dễ kiếm việc làm. Ở thời điểm đó, tôi không tìm hiểu nhiều thông tin mà đi theo định hướng của gia đình. Tôi đã đăng ký học khối ngành kinh doanh chuyên ngành kế toán tại đại học RMIT Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp, tôi làm thực tập sinh vị trí kế toán cho một công ty Media. Kết thúc thực tập, tôi đã xin vào làm vị trí kế toán tổng hợp cho một công ty startup lĩnh vực giáo dục. Công việc này đòi hỏi sự cẩn thận và logic. Tôi đã học được rất nhiều kĩ năng ở vị trí chính thức này như kĩ năng tin học văn phòng (excel), kĩ năng phân tích đối chiếu và làm báo cáo, những cái mà tôi chưa có nhiều cơ hội thực tập ở trường đại học. Sau khi làm việc 2 năm tại môi trường startup, tôi mong muốn tìm một cơ hội thăng tiến rõ ràng hơn trong sự nghiệp ở những công ty đa quốc gia hoặc công ty lớn. Vì thế, tôi đã thử sức ở vị trí kế toán thanh toán cho một công ty bất động sản có tiếng của Singapore. Ở công ty này, tôi có được nhiều trải nghiệm hơn về vị trí kế toán, vì quy mô công ty lớn hơn, khối lượng công việc của tôi cũng nhiều hơn. Tôi thường xuyên phải làm ngoài giờ/ tăng ca và cả cuối tuần. Tôi cũng được tham gia vào nhiều buổi đào tạo từ công ty để nâng cao chuyên môn và được làm việc với những cá nhân xuất sắc trong lĩnh vực kế toán, tài chính. Đặc biệt, tôi cũng thấy được rõ hơn lộ trình thăng tiến của bản thân. Sau hơn hai năm làm việc tại đây, tôi thấy mình trưởng thành hơn, kĩ năng của tôi cũng phát triển hơn rất nhiều. 

Nếu được chọn lại tôi sẽ vẫn tiếp tục lựa chọn ngành này vì tôi thấy mình phù hợp với những công việc liên quan đến số liệu, cần kĩ năng phân tích và tư duy logic. Kế toán là một công việc hầu như giúp tôi phát triển thế mạnh của bản thân. 

4. Một ngày làm việc tiêu biểu của anh/chị như thế nào?

08:00 – 10:00 Họp với bộ phận kế toán về những vấn đề tồn đọng
10:00 – 12:00 Thực hiện các thanh toán đến hạn 
13:00 – 15:00 Ghi nhận và đối chiếu sổ sách
15:00 – 17:00 Đi ngân hàng, cơ quan thuế…
17:00 – 18:00 Đóng sổ cuối ngày
Ghi chú: Công việc hầu như là 5 ngày một tuần và 1 ngày từ 8-9 tiếng

Mỗi cuối tháng và cuối quý sẽ làm việc tăng ca và cuối tuần vì có nhiều báo cáo cần thực hiện

 

5. Anh/chị thích nhất những điều gì ở công việc của mình? Vì sao?

Vị trí này là một phần quan trọng để công ty vận hành một cách trôi chảy. Công việc này cho tôi cơ hội tiếp xúc và làm việc với nhiều phòng ban, đối tác và các cơ quan nhà nước. Nó giúp tôi cải thiện khả năng giao tiếp của mình. Tôi cảm thấy hứng thú với việc đối chiếu sổ sách, con số để tìm ra những sai sót và sửa chữa nó kịp thời.

6. Anh/chị không thích nhất những điều gì? Vì sao?

Công việc này quá nhiều chứng từ, đôi khi tôi cảm thấy stress vì phải kiểm tra và sắp xếp những chứng từ này. Các phòng ban khác thường tạo áp lực cho phòng kế toán vì họ không hiểu quy trình kế toán thanh toán, nên đôi khi tôi cảm thấy mệt mỏi khi phải giải quyết những vấn đề này.

7. Những điều kiện cần có để hoàn thành tốt công việc này (kiến thức, kỹ năng, thái độ, v.v…)? Nếu em muốn thăng tiến trong công việc thì em nên trau dồi những gì ạ?

– Trong quá trình học nên chú ý học những kiến thức cơ bản thật tốt, đặc biệt về bảng cân đối kế toán (balance sheet), bảng P&L (profit & loss: lãi & lỗ) và cash flow (dòng tiền). Cần nắm kĩ phương pháp lập được những bảng này và hiểu về định khoản kế toán. Ngoài ra, kĩ năng tin học văn phòng đóng vai trò quan trọng trong công việc, đặc biệt là Excel cần nắm kĩ các công thức và thực hành nhiều.

– Kĩ năng phân tích và tư duy logic là 2 kĩ năng rất cần có của một người kế toán.

– Tìm hiểu những phần mềm kế toán phổ biến như Misa, Quicklook. 

– Khi làm một kế toán viên bạn cần trung thực, tỉ mỉ và cẩn thận.

8. Những điều mà mọi người hay hiểu lầm về công việc này là gì? Tại sao họ lại hiểu sai như vậy?

  • Mọi người thường nghĩ rằng làm kế toán thì khô khan và ít tiếp xúc hay giao tiếp với con người. Nhưng thực tế công việc này làm việc với con người khá nhiều và đòi hỏi khả năng giao tiếp để có thể làm việc được hiệu quả với những phòng ban, cơ quan và nhà cung cấp.
  • Mọi người cũng thường nghĩ giỏi toán thì mới học được kế toán nhưng thực tế người kế toán cần sự logic và cẩn thận chứ không nhất thiết phải quá giỏi toán. 

9. Công việc này có giúp em tự nuôi mình khi mới ra trường không?

Mức lương khởi điểm của kế toán khoảng 7 – 9 triệu và nó giúp tôi tự nuôi mình khi mới ra trường. Tôi nghĩ đây cũng là một mức khởi điểm ở mức trung bình so với các ngành khác. 

Tuy nhiên, công việc này cần nhiều thời gian để có thể thăng tiến lên các vị trí cao và có sự đột phá về lương. Các bạn muốn lên làm kế toán trưởng thì cần phải học bằng kế toán trưởng.

10. Nhìn lại con đường phát triển sự nghiệp cũng như quá trình tìm việc của mình, anh/chị có lời khuyên nào cho em nếu em muốn theo nghề này?

Các bạn học sinh nên chú tâm học tốt những kiến thức ở đại học, cao đẳng. Gây ấn tượng tốt với giảng viên để họ có thể trở thành người reference cho mình trong quá trình tìm nơi thực tập. Trong năm cuối nên tìm những cơ hội thực tập để có trải nghiệm thực tiễn về ngành và cũng là cơ hội xây dựng mạng lưới nghề nghiệp chuyên nghiệp. 

Các bạn hãy chuẩn bị những kiến thức và kĩ năng (giải quyết vấn đề, suy luận, tư duy phản biện), thái độ để tham gia vào những đợt tuyển dụng của công ty kiểm toán Big 4. Những công ty kiểm toán Big 4 sẽ là bước đệm vững chắc để tăng tốc khả năng thăng tiến của các bạn trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Các bạn có thể tìm hiểu thông tin về các công ty Big 4 trên internet và các diễn đàn kế toán kiểm toán.

Nên kiên trì làm việc tại một công ty ít nhất từ 2- 4 năm để thăng cấp trước khi có ý định chuyển việc. Khi đã lên vị trí chuyên viên cấp cao sẽ có được mức lương tốt hơn và nhiều cơ hội tốt đến với mình hơn.